Mỗi năm hoa đào nở / Lại phải ăn bánh chưng
Nguyễn Nhơn, RFA, 27/01/2024
Tết, Tết Tết Tết, Tết (sắp) đến rồi. Hôm nay nghỉ giải lao chuyện chính trị xã hội Việt Nam một bữa, mình nói chuyện ăn Tết đi bà con.
Một gia đình đang gói bánh chưng Tết ở làng Tranh Khúc, ngoại thành Hà Nội năm 2002 - AFP
Chuyện bánh chưng nhe !
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, bánh chưng không chỉ là thức ăn mà còn là vật phẩm đặc biệt, hầu như gia đình người Kinh nào cũng dùng để đặt trên bàn thờ ông bà ngày Tết, và trịnh trọng bóc ra ăn trong bữa sáng mùng một Tết, bữa ăn sum vầy đại gia đình.
Tôi ghiền bánh chưng lắm. Ghiền thành bịnh luôn ! Dù nói ra nghe buồn cười : mỗi năm chỉ ăn bánh chưng đúng một lần. Nhưng đến Tết là nhất quyết phải đi đặt bánh chưng, dặn người gói làm theo đúng ý mình, nâng nâng niu niu mang về cúng. Rồi đúng sáng mùng một Tết chọn lấy một chiếc, tỉ mỉ bóc bánh, xắn ra đặt vào vị trí trung tâm bàn tiệc gia đình sáng đầu năm. Cảm giác ấy thích thú lắm, đến nỗi tôi không cho người nào khác làm thay hết.
Có lẽ trong ký ức của tôi, đĩa bánh chưng xanh thơm ngái mùi lá dong sáng mùng một Tết gắn với không gian và đoạn tình cảm gia đình nào đó thật dịu dàng, nên dù bây giờ không thể nhớ ra nhưng cảm giác mật ngọt đã hòa tan trong gốc tủy, trong từng tế bào. Để cho dù hàng chục năm đã qua đi thì chỉ cần trong không khí thoáng một chút se lạnh hanh hao của tết thì những chiếc radar vi mô đã dựng lên tua tủa trong lòng, ráo riết đào xới níu chặt lấy chút hương vị ấm áp đã qua ấy.
Bánh chưng gói khéo phải dày vừa phải, chắc tay, các góc vuông vức, đứng bánh. Lá dong xanh ngắt bọc ngoài, hết lớp lá dong là lớp nếp vỏ bánh có màu xanh nhàn nhạt từ sắc lá lây qua, mịn mướt nhưng vẫn giữ nguyên hình những hạt nếp trong mờ. Tưởng như dùng dao sắc cắt lấy một lát mỏng giơ lên dưới ánh nắng rực rỡ sẽ như miếng ngọc bích cẩn vô số dát ngọc trắng trong.
Một người đàn ông đang xếp bánh chưng ở Chùa Tam Chúc, Hà Nội hôm 7/1/2023. AFP
Đĩa bánh chưng mùng Một tết phải được bóc tỉ mỉ khéo léo. Gỡ lá phải thật nhẹ tay để không còn sót lại một sợi lá dong nào, cũng không làm cho hạt nếp hay góc bánh bị lở ra. Mùi thơm ngai ngái đặc trưng của thảo mộc đã quanh quẩn trong hốc mũi. Bóc xong lá của một mặt, tước nhỏ sợi lạt buộc bánh, lấy 4 sợi xếp lên mặt bánh theo hình hoa thị thật đều đặn. Rồi úp nhẹ bánh vào một chiếc đĩa khác rộng hơn cỡ bánh, theo mắt tôi thì đẹp nhất là đĩa sứ trắng tinh, nếu có hoa văn thì thật nhẹ quanh vành đĩa thôi để tôn lên màu bánh. Tôi dành riêng mấy chiếc đĩa sứ trắng mỏng chỉ có viền vàng để dùng cho việc này-bịnh mà !
Úp bánh rồi thì cẩn trọng bóc tiếp lớp lá gói còn lại. Túm hai đầu dây lạt kéo từ từ vào với nhau, nó sẽ xắn chiếc bánh ra thành tám phần, tám miếng tam giác bằng nhau. Chỉ cần vỗ nhẹ lại vào các cạnh thì tám miếng bánh lại dính vào, mặt bánh vẫn phẳng mịn gần như nguyên vẹn. Bên cạnh các món ăn rực rỡ nhiều màu của rau củ xào, dưa món, canh bóng nấm, v.v., chiếc bánh chưng chỉ một màu xanh nhẹ mát mắt nhưng lại chiếm vị trí chủ lực của bàn tiệc.
Bên trong lớp nếp dẻo là một lớp đậu xanh vàng ươm. Mềm, hơi tơi nhưng từng hạt đậu vẫn giữ nguyên hình dạng, vẫn có cảm giác ăn được từng hạt đậu thơm nồng, hơi sần sật trong miệng, đó mới là người khéo gói bánh. Nhân là một miếng thịt ba chỉ thật ngon, khổ dày và to, cắt vuông, ướp kỹ với nước mắm ngon và tiêu giã dập. Phải là giã chứ không xay, mới khiến những hạt tinh dầu trong tiêu vỡ ra, thấm dần vào miếng thịt và bánh, lại được giữ kín trong lớp nếp. Xắn một miếng bỏ vào miệng, thơm nồng nhưng không quá cay xộc mà ấm trên từng gai lưỡi, trong khoang miệng.
Mỡ từ khổ thịt sẽ chảy ra ngấm dần vào lớp đậu và nếp, khiến nó mềm và thơm nhưng không béo. Nếp vốn đã dẻo và dễ ngán mà còn ngấm thêm mỡ béo thì có mà ngán lên tận họng. Cho nên vị béo rất nhẹ ở lớp nếp nếu có thì đã được hương lá dong hút đi, chỉ còn mùi thơm nhẹ nhưng dai dẳng của nếp lẫn với hương lá dong luộc kỹ. Vài mảnh tiêu giã dập lẫn vào trong thịt rất vừa vặn thêm chút vị nồng nàn nhưng đủ đánh tan vị béo ngấy.
Đối với tôi, bánh chưng có lẽ cũng như chiếc áo dài cổ điển, đều đã đạt đến điểm hoàn hảo. Ai thích thì cứ thêm bớt màu này kiểu kia vị nọ, được tất, mỗi thay đổi đều mang lại những cảm giác mới lạ. Nhưng chỉ là nhất thời. Còn bản thân chiếc bánh chưng hoàn toàn truyền thống với chiếc áo dài, chúng đã được giản lược đến mức tinh mỹ. Thêm một chút thành thừa, mà thiếu một chút thì khuyết.
Giống như nhân vật lớn phải có đoàn tùy tùng, bánh chưng nên ăn kèm theo một ít dưa món mặn ngọt làm từ củ cải, đu đủ, su hào… Vẫn phải tuân theo thật nghiêm cẩn nguyên tắc tối giản, nghĩa là chỉ là một số ít nguyên liệu và gia vị nhưng tất cả đều phải ở mức thượng phẩm. Các loại củ phải vừa độ, mới hái còn thật tươi. Nước mắm, tôi ưng loại thủ công, thứ thật ngon, nấu với đường phèn cho thanh. Lát dưa món giòn, mặn ngọt vừa vị, nhai chung với miếng bánh mềm, béo, bùi. Mỗi thứ vẫn giữ nguyên hương, sắc, vị nhưng quyện lại với nhau thì nâng lên thành một tổng thể tuyệt vời, cảm giác của răng lưỡi đều đủ thú vị phong phú.
Nhiều năm nay do ưa thích sự thuận tiện nên hầu hết người làm bánh chưng không tuân theo trình tự cũ nữa. Đậu xanh nếu để sống thì phải vun cho phủ đều lên nhân thịt, khi gói lại càng phải chịu khó vỗ nhẹ xung quanh thì chiếc bánh mới được vuông, chắc, lớp nhân nằm đều đặn trong lớp nếp. Nhưng làm thế thì phải khéo léo, tỉ mỉ, không thể làm thật nhanh nên người ta cứ đem hấp chín đậu xanh trước rồi có người thì nghiền, có người thì xay hẳn ra, đặt miếng thịt vào giữa, vo tròn lại thành một nắm cứng. Dùng khuôn gỗ, đổ một lớp nếp dưới, đặt nắm nhân vào giữa, đổ thêm lớp nếp trên, kéo qua kéo lại mấy lớp lá là xong chiếc bánh vuông thành sắc cạnh như ai.
Bánh chưng gói kiểu này rất nhanh, nhìn bên ngoài rất đẹp nhưng ăn thì thôi, phí miệng. Bởi hạt đậu trải qua hai lần nấu kỹ đã trở thành một lớp bột mịn tơi, nhanh chóng mất mùi thơm nồng đặc trưng, mất đi hình dạng đẹp mắt và cảm giác sần sật khi nhai. Nếp đã dẻo và mịn thì chớ, lại còn thêm lớp bột đậu cộng vào, trời ơi. Đã thế, do lớp đậu xanh đã bị vo chắc lại nên thay đổi kết cấu, không thể ngấm đều gia vị và thịt mỡ tiết ra. Nó quánh lại thành một vỏ bột đậu chắc nịch, chả liên quan tí tẹo nào với lớp nếp bên ngoài và miếng thịt bên trong. Mọi thứ bời rời, rã rượi. Bản chất của chiếc bánh chưng đã bị diễn biến hòa bình thay đổi triệt để. Ăn chán không thể tả !
Cứ cái đà ấy chẳng biết có khi nào người ta đem bột nếp làm bánh thay cho gạo hạt hay không, hả giời ?
Miền Nam phổ biến bánh tét. Bánh tét thì nhân cũng y như bánh chưng, mà còn tiện hơn ở khúc muốn ăn chỗ nào thì lấy dao xắt ra chỗ đó, nguyên đòn bánh còn lại không dễ bị hư hỏng. Nhưng tôi vẫn ưng bánh chưng hơn bánh tét, cho dù bản thân má tôi là một cao thủ gói bánh tét. Ngoài hoài niệm về không khí, có lẽ còn chính vì cái sự khó khăn cầu kỳ của nó.
Ngày Tết bận rộn, nhất là bữa tất niên. Truyền thống tết mọi việc trong năm cũ đều phải làm xong trước thời điểm giao thừa, dứt khoát không được kéo dài dây dưa qua năm mới. Thôi thì bận quắn : nào nấu đồ cúng tất niên, nấu bữa ăn giao thừa, chưng dọn lại bông tươi trong và quanh nhà, ủi đồ... Nội tắm rửa tất niên cũng là một thủ tục cầu kỳ. Tôi thích nấu nồi nước nóng với lá mùi già để hương thơm của lá mùi dần dần thoát ra, thơm nồng nàn cả nhà. Mùi hương theo làn nước nóng ngấm vào trong da, tóc, từng lỗ chân lông mở ra ủ cái hương thơm thanh thao ấy vào trong.
Bây giờ người ta đã làm ra đủ kiểu xà phòng, sữa tắm, muối tắm thơm thảo dược. Mùi quế mùi ngò già mùi gì cũng có, cũng thơm nức mũi. Nhưng tôi vẫn thích nhất cảm giác nhuần nhị chậm rãi như ướp trong hương thơm của cái hành trình tắm tất niên truyền thống. Nó cầu kỳ rắc rối, nhưng thú vị cũng chính là ở chỗ đó, là sự tận hưởng một cách chậm rãi và tự do theo ý mình.
Bận luôn tay luôn chân như thế nên sáng mùng Một ai cũng muốn tự thưởng giấc ngủ nướng. Cả nhà đóng cửa ngủ đã mắt, gần trưa mới dậy. Bụng đói meo, nhộn nhạo bày bữa sáng. Chỉ cần nấu một món nóng còn bao nhiêu thì đồ nguội cả, mà vẫn ngon. Chiếc bánh chưng là món lương thực chính để làm no bụng, cho người nội trợ được thêm những giờ phút nghỉ ngơi.
Nói đi nói lại, ăn Tết kiểu truyền thống phù hợp với cuộc sống thích tận hưởng, gia đình nhiều thế hệ, không gian sống rộng rãi nhưng cách sống thì gắn bó với cộng đồng và quần thể… của hồi xưa. Giống như nấu một món ăn thượng hạng, mọi thứ đều phải chọn lọc kỹ càng, cách làm tỉ mỉ. Mất thời gian và công sức nhưng những trải nghiệm thú vị, sâu sắc trong đó không thể dùng sự nhanh gọn, "đi tắt đón đầu" mà gọi ra được.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 27/01/2024
***************************
Nước mắt chợ hoa đêm giao thừa Nhâm Dần - Quý Mão
Gió Bấc, 23/01/2023
Đêm Ba mươi, Phút Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm trong ý nghĩa gia đình đoàn tụ, sum vầy. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã giản lược thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, chỉ cần vài khóm vạn thọ, cúc, nhành mai, nhành đào là đủ không khí Tết. Thế nhưng, đêm 30 Tết năm nay rất nhiều gia đình đã không đủ tiền mua hoa. Hàng vạn người trồng hoa, bán hoa mang không khí Tết cho xã hội, cho mọi nhà lại không dám về nhà mà khắc khoải, vật vã rơi nước mắt bên những thảm hoa tươi nguyên thừa ế trên đường phố. Họ không chỉ mất Tết mà có nguy cơ trắng tay, vỡ nợ. Năm mới sẽ đến với họ đầy bất trắc.
Hoa Tết hạ giá đêm 30 Tết Quý Mão - Photo : RFA
Hàng chục năm qua, những người cần lao thuộc giai cấp tiên phong của chế độ, không dám đi chợ Tết ở các siêu thị, không đánh giá Tết lớn, Tết nhỏ qua giá cả rượu bia, lạp xưởng. Cái Tết trong mắt họ là những khu chợ hoa Tết nhan nhản khắp nông thôn, phố thị. Không tốn kém như ăn bằng miệng với các thứ bánh mứt, rượu thịt đắt tiền, người ta ăn Tết bằng mắt với vài chậu hoa cũng đủ ấm lòng trong ba ngày Tết.
Người khá giả thuê xe tải bỏ ra năm mười triệu mua hoa đắt tiền phủ màu sắc lên ngôi biệt thự. Người nghèo đi xe máy bỏ ra trên dưới 100 ngàn đồng (gần 5 USD) đã có thể mang không khí Tết về nhà.
Chợ hoa Tết Việt rất đặc trưng là các loại hoa truyền thống của từng vùng miền trồng theo mùa vụ. Miền Bắc chủ lực là đào, quất, miền Nam mai vàng, vạn thọ, cúc đủ loại bình dân là mâm xôi, đại đóa…, sang trọng là Tiger. Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) trở thành thủ phủ hoa Tết của miền Nam với các loại hoa chất lượng cao được tỉa tót tạo hình tinh tế như mai bonsai, cúc, trạng nguyên. Ngoài ra ở từng tỉnh huyện cũng hình thành những tiểu vùng trồng hoa Tết với các loài hoa phổ biến như hướng dương, vạn thọ.
Trồng, bán hoa Tết thành một nghề quan trọng trong mùa vụ Tết. Thị trường hoa Tết trở thành hàn thử biểu nhạy cảm đo đạt mức phồn thịnh hoặc suy thoái của kinh tế. Mặc cho báo cáo, diễn văn chúc Tết của Đảng, Chính phủ nói nhăng nói cuội thế nào. Cứ nhìn vào sự nhộn nhịp, tấp nập của các chợ hoa Tết là biết ngay kinh tế ổn định, phát triển. Chợ hoa Tết eo sèo ế ẩm thì biết ngay kinh tế đang lụn bại chính xác như đinh đóng cột.
Năm nay, theo báo cáo của Chính phủ, theo báo đài tuyên truyền Nhà nước, năm 2022, tăng trưởng GDP ước đạt 8,02% với nhiều điểm sáng. Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12, tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi tích cực với những tiến triển tốt và đồng đều trên cả ba khu vực, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,36% ; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% ; dịch vụ tăng 9,99% (1).
Đọc thấy phát ham. Tổng Trọng trong cơn mê cuồng đốt lò, tiêu diệt các đảng viên ưu tú do chính mình tuyển chọn, cơ cấu, đề bạt đúng quy trình trong nhiều nhiệm kỳ lại chai mặt lấy sức cạn hơi tàn đọc thư chúc Tết với những lời sáo rỗng muôn thuở : "vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả" (2).
Trung Quốc mượn cớ Covid cản trợ xuất khẩu nông sản, các măt hàng gia công chiến lược may mặc, giày da, gỗ bị đứt gãy đơn hàng, hàng triệu công nhân thất nghiệp. Kinh tế tài chính vỡ toang bởi chiêu trò lũng đoạn của các đại gia FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, bất động sản thừa ế đóng băng hàng trăm ngàn tỉ, người dân biểu tình đứng, biểu tình ngồi đòi tiền góp vốn ngân hàng, tiềm mua trái phiếu, công nhân đòi tăng lương khắp cả nước. Các con số GDP 8,02%, "phục hồi và phát triển kinh tế" là trò chơi chữ nghĩa, là cái bánh vẽ hy vọng mà chính quyền nhà sản vẫn rộng tay ưu ái tặng dân.
"GDP 8,02%", "phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" thực sự thê thảm thế nào hãy nhìn vào chợ hoa Tết năm nay. Gõ từ khóa "hoa tết ế" cho công cụ tìm kiếm của Google sẽ cho thấy con số hùng hồn khoảng 6.280.000 kết quả.
Chính báo chí lề phải có thể xem là thông tin vô thưởng vô phạt nên đã đồng loạt bỗng dưng nói thật. Với tựa đề "Mười mấy năm bán hoa Tết chưa năm nào ế như năm nay", báo Zing News có lời dẫn "Chiều 29 tháng Chạp, nhiều tiểu thương bán hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cầm cự ngồi chờ khách vì ế ẩm" (3).
Báo Lao Động cũng có bài tương tự và có thêm cả phóng sự ảnh ở TP.Vinh Nghệ An "Hoa tết ế ẩm, tiểu thương chém gốc, vứt bỏ để về quê đón Tết" (4).
Đà Nẵng, nổi tiếng là TP đáng sống nhất cả nước nhưng "Chợ hoa xuân Đà Nẵng 29 Tết : Hạ giá bán như cho vẫn ế" (5)
Ngay Hà Nội thủ đô ngàn năm văn vật nơi tiền bạc cả nước đổ về cống nạp vẫn không thoát cảnh "Tiểu thương tại Hà Nội chặt bỏ đào quất ế trong chiều 30 Tết" (6)
Chợ hoa Tết về đêm
Đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn bài báo về tình trạng chợ hoa ế ẩm trải dài trong cả nước từ bắc chí nam chứ không riêng một địa phương nào.
Nguyên nhân hoa ế không phải do yếu tố khí hậu, thời tiết hoặc do tăng sản lượng diện tích trồng đột biến làm tăng khoảng cách cung cầu. Số lượng hàng hóa vẫn như mọi năm. Địa điểm diện tích bày bán vẫn như truyền thống mọi năm. Hoa ế đơn giản chỉ do người dân không tiền mua sắm.
Thông thường hàng thừa ế, người ta bán xổ, bán rẻ mong thu về ít vốn liếng và cũng để không lãng phí mồ hôi, công sức vun trồng chăm sóc. Thế nhưng trong xã hội mang đầy chất nhân văn kiểu mới của thiên đường cộng sản từ Nghệ An quê Bác đến Hà Nội niềm tin và hy vọng của cả nước người bán dùng đến nghĩa cử cao cả là chặt bỏ chứ không bán rẻ chống lại tâm lý chờ hạ giá của người mua.
Những nhát dao này thật đau đớn hơn cả thất bát của mùa hoa, nó chặt đứt mối quan hệ đồng bào, tương thân của người mua, người bán.
Những thông tin báo chí đáng buồn nói trên đã thê thảm nhưng vẫn sáng sủa hơn nhiều so với những điều tôi trực tiếp chứng kiến khi có dịp hiếm hoi về ăn Tết ở một TP miền Tây. Nó không có chuyện quyết liệt tàn nhẫn chém hoa nhưng nó nghẹn uất kéo dài ngay đêm giao thừa.
Khu chợ Hoa tết của thành phố rộng khoảng vài héc-ta nằm trên vị trí đắc địa. Nằm ngay tại trung tâm TP, lại đúng vào cái thế trên bến dưới thuyền giáp với đại lộ rộng thênh thang và con sông là thủy lộ chính của địa phương.
Sáng ngày 30 Tết, khu chơ tràn ngập hoa đủ loài khoe sắc nhưng rất vắng nguời mua dù giá khá mềm. Một cặp cúc đại đóa, vạn thọ đẹp rực rỡ, có cả chậu bằng nhựa cứng chỉ tầm giá 150.000. Vạn thọ đẹp trong chậu nhựa mềm chỉ 90.000 một cặp. Lác đác một vài nơi đã treo bản đại hạ giá nhưng chừng như vẫn không hấp dẫn người mua.
Do các chợ hoa Tết là chợ dã chiến theo mùa vụ được sử dụng mặt bằng công viên của Thành phố, ban quản lý phân lô hợp đồng cho thuê từ nhiều tháng trước. Theo quy ước, tiểu thương phải thu dọn cây kiểng hoàn trả mặt bằng từ giữa trưa 30 Tết để làm vệ sinh, giữ cảnh quan công viên nên phiên chợ 30 hoa rất ngắn, tầm 10 giờ sáng là phải bán xổ để không phải hủy hàng.
Thế nhưng do lượng khách mua thưa thớt, chủ hàng nấn ná tiếc nuối lượng hoa vẫn còn gần như nguyên vẹn đã dời hàng ra dọc theo hai bên lề đường quanh khu vực chợ để chờ bán tiếp.
9 giờ đêm 30 Tết, hầu hết các căn nhà trên trục lộ chính đã đóng cửa, hầu hết người dân Thành phố đã về nhà họp mặt gia đình chào đón giao thừa thì hai bên lề đường của đại lộ dọc công viên vẫn còn đầy những bãi hoa hiu hắt treo bảng đại hạ giá. Những người bán hoa phờ phạc ngồi vật vã không biết đến lúc nào. Có lẽ họ sẽ đón giao thừa trên hè phố bên bải hoa ế ẩm ấy. Họ dư hiểu rằng khách hàng có tiền đã mua đủ hoa cho Tết, mua thêm họ cũng không còn chỗ để trưng bày. Người chưa mua không phải là không muốn mà do không có tiền nên dù hạ giá rất thấp vẫn không mấy người mua.
Những người bán hoa gần như lỗ trắng, công sức, vốn liếng, niềm hy vọng một mùa vụ làm ăn đã biến thành gánh nợ. Năm mới với mọi người là ước mơ, khát vọng về những điều tốt đẹp với họ sẽ là khó khăn chồng chất.
Sự phồn vinh, kinh tế ổn định và phát triển ở xứ thiên đường là như vậy đó. Sự ế ẩm của chợ hoa Tết không chỉ là nỗi đau nước mắt đêm 30 của người bán hoa mà còn là bức tranh ảm đạm của hàng triệu gia đình không có được số tiền ít ỏi để ăn tết nghèo bằng mắt
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 23/01/2023
Tham khảo :
1. https://baochinhphu.vn/gdp-nam-2022-uoc-tang-802-lap-ky-luc-trong-hon-10...
3. https://zingnews.vn/muoi-may-nam-ban-hoa-tet-chua-nam-nao-e-nhu-nam-nay-post1395528.html
4. https://laodong.vn/photo/hoa-tet-e-am-tieu-thuong-chem-goc-vut-bo-de-ve-que-don-tet-1139979.ldo
5. https://vtc.vn/cho-hoa-xuan-da-nang-29-tet-ha-gia-ban-nhu-cho-van-e-ar737791.html
6. https://vietnamnet.vn/tieu-thuong-tai-ha-noi-chat-bo-dao-quat-e-trong-chieu-30-tet-2103405.html