Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sẽ là một phép thử lớn về quan điểm "đu dây chính trị" và "đu dây quân sự" của chính thể độc đảng ở Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc, một khi câu hỏi "hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc có vào Việt Nam ?" được giải đáp trong thời gian tới.

duday1

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc.
Ảnh : VOA

Nhiều người có lý do để tin rằng ngay sau chuyến cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng 3/2018 của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ, Trung Quốc sẽ cử hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cũng cập cảng này, còn Việt Nam sẽ "gật" và "hoan nghênh".

Vì sao thế ?

Trước hết, đó là quan điểm chính trị, ngoại giao và quân sự "Hà Nội luôn cố gắng cân bằng các lực lượng lớn trên thế giới".

Thứ hai, cứ mỗi khi cần duy trì chính sách "đu dây", giới chóp bu Việt Nam lại nêu chính sách "ba không" của mình như một tấm bình phong – không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tham gia các liên minh quân sự và không dựa vào một bên để chống lại bên khác.

Dẫn chứng gần nhất về "đón tàu Mỹ trước, đón tàu Trung sau" là vào tháng Mười năm 2016, chỉ ít ngày sau khi hai tàu chiến Hoa Kỳ lần đầu trở lại Cam Ranh sau nhiều thập kỷ, hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc cũng tới cảng chiến lược này của Việt Nam.

Từ những "cơ sở lý luận" lẫn thực tế trên, nhiều khả năng sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đến Việt Nam, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cũng cập cảng này trong thời gian tới.

Vậy nếu Liêu Ninh vào Đà Nẵng, thái độ đón tiếp của giới chóp bu Việt Nam sẽ ra sao ? Cụ thể là sẽ thấp hơn, ngang bằng hoặc cao hơn biểu hiện mà quan chức Việt Nam đã đón tiếp USS Carl Vinson ?

Câu hỏi trên có thể xứng đáng là một yếu tố không kém quan trọng để đánh giá có hay không sự thay đổi trong quan điểm "đu dây" của Việt Nam, bởi cái cách mà quan chức Việt Nam dùng để đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể bị xem là "vừa đón vừa run".

Tại buổi đón USS Carl Vinson, trong khi phía Mỹ có mặt Daniel Kritenbrink – Đại sứ Hoa Kỳ tại việt Nam và cả một nhân vật rất cao cấp : Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương – Đô đốc Scott Swift, thì phía Việt Nam chỉ có đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng với quan chức cấp cao nhất là ông Lâm Quang Minh – giám đốc Sở Ngoại vụ, cùng đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân ; Bộ tư lệnh Quân khu 5. Thậm chí không có nổi một phó chủ tịch của thành phố Đà Nẵng. Còn nhiều báo nhà nước khi giới thiệu về "đại diện Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân ; Bộ tư lệnh Quân khu 5" thậm chí còn không nói rõ tên họ của các vị này như một sứ cố ý.

Hiện tượng các quan chức cao cấp của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trong buổi đón tiếp hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ vào ngày 5/3/2018 đã khiến nảy sinh một dấu hỏi lớn : phải chăng giới chóp bu Việt Nam đã phải chịu một sức ép đủ lớn từ "bạn vàng" Trung Quốc mà đã gây ra hiệu ứng "lủi sạch" ?

Thái độ giới quan chức Việt Nam chọn cách đón tiếp quá bất xứng đối với USS Carl Vinson và Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương đã thêm một lần nữa mô tả lối tuyên truyền trong nội bộ đảng Cộng sản về "Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ" – kéo dài suốt từ thời bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995 cho đến tận giờ đây.

Thái độ bất xứng trên cũng một lần nữa mô tả chính xác trạng thái "cần Mỹ nhưng lại sợ Trung".

Vì thế, sẽ thêm một sự bất xứng nữa nếu hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được Việt Nam đón tiếp một cách trọng thị và hơn hẳn những gì đã diễn ra buổi đón USS Carl Vinson và Đô đốc Scott Swift. Khi đó, chỉ có thể nói rằng giới chóp bu Việt Nam vẫn nguyên trạng "đu dây" mà chưa rút ra được bài học nào về "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ", kể cả sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 như một cú vỗ mặt tóe lửa đối với Bộ Chính trị Việt nam.

Nhưng nếu hàng không mẫu hạm Liêu Ninh không vào Việt Nam ngay trong tháng Ba hoặc tháng Tư năm 2018 thì sao ?

Khi đó, bắt đầu có thể tin rằng giới chóp bu Việt Nam đã phần nào thoát khỏi trạng thái "đu dây" dễ té lộn ngược, để nhìn lại vài phát ngôn ẩn ý về "tàu Mỹ đi qua Biển Đông vô hại" của Bộ ngoại giao Việt Nam từ đầu năm 2016 đến nay, cùng việc giới quân sự Việt Nam đã âm thầm đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa từ giữa năm 2016 để đối phó với việc Trung Quốc bố trí tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Và gần đây nhất, có vẻ Việt Nam đang cố gắng "dựa Mỹ" để bảo vệ chủ quyền khai thác dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Đà Nẵng – mỏ dầu khí có trữ lượng lớn nhất ở Việt Nam mà hứa hẹn sẽ đổ vào nền ngân sách đang mau chóng cạn kiệt đến 20 tỷ USD, nếu việc hợp tác với hãng dầu khí Mỹ Exxonmobil không bị "người đồng chí tốt" Trung Quốc cấm đoán và đe dọa tấn công.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 12/03/2018

Published in Diễn đàn