Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế giới ghi nhận nét văn hóa gọi là "phố đi bộ", bắt đầu từ Đan Mạch vào năm 1962, với con đường mang tên Stroget [1] được xây dựng vào năm 1728, cách đây gần 300 năm. Con đường này dài khoảng 1,1km và được mệnh danh là "thiên đường mua sắm". Điều cần nhấn mạnh, con phố này vẫn có bán hàng rong và có cả hát rong dành cho người nghèo mưu sinh.

hảngong1

Từ con phố Stroget tạo nét văn hóa mới lạ - độc đáo thu hút nhiều du khách, các quốc gia khác, như : Ai Cập, Mỹ, Canada, Hong Kong, Singapore v.v... học theo và các quốc gia này cũng thành công, khi tạo ra gương mặt văn minh và góp tay đẩy doanh thu du lịch nước nhà cao thêm.

Giới thiệu sơ phác như trên để nói : "Phố đi bộ" - một nét đẹp - vốn là văn hóa phương Tây, được gầy dựng từ văn hóa sống của họ, mất vài trăm năm, mới dần hình thành, cách đây chỉ 60 năm về trước, tại Đan Mạch.

Thậm chí, tại Singapore có 4 khu phố đi bộ nổi tiếng [2] : Katong, Tihong Bahru, Đồi Dempsey, Kamphong Glam nhưng chúng đều là những vùng đất cũ, rất lâu năm, lúc mà Singapore chưa lập quốc (Singapore lập quốc vào năm 1965). Dĩ nhiên, nhắc đến Singgapore, hầu hết đều biết, quốc gia này thoát thai từ vùng đất nghèo nàn, hầu như không có những thế mạnh về tài nguyên - khoáng sản nhưng điều quan trọng nhứt : Những lãnh đạo đầu tiên của quốc gia Singapore đã xác định chủ trương xây dựng nền kinh tế nghiêng hẳn về công nghiệp và dịch vụ. Quan trọng hơn, chủ trương xây dựng nền kinh tế quốc dân của Singapore bền bỉ - kiên trì suốt hàng chục năm, không thay đổi xoành xoạch, với nền pháp trị văn minh, cùng một quy hoạch - kiến trúc cổ, kết hợp hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt của vùng đất đó. Đây là mấu chốt xây dựng nền văn hóa Singapore với nét văn hóa "phố đi bộ" học theo phương Tây và họ đã học đúng.

Đường Nguyễn Huệ khởi thủy là con kênh đào mang tên Kinh Lớn, dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định do vua Gia Long xây dựng năm 1790. Bấy giờ, người dân còn gọi là kênh Chợ Vải do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc. Với nhiều biến động thời cuộc, đến năm 1956, con đường này mới chính thức mang tên Nguyễn Huệ - vốn không phải được làm ra phục vụ cho du lịch hay nhàn tản mà nó là con đường dành cho kinh doanh. Từ khoảng năm 1960, nơi đây có "chợ hoa tết", vốn chỉ xuất hiện mỗi độ xuân về và chỉ tồn tại trong những ngày giáp Tết. Đến chiều Ba Mươi, con đường được trả lại như cũ cho mọi sinh hoạt. Mãi cho đến 2004, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mới xây dựng ý tưởng "đường hoa Nguyễn Huệ" như nhiều người biết.

Thành phố Hồ Chí Minh vốn được gọi tên từ tháng 7/1976, sau đại thảm họa Sài Gòn sụp đổ. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, con đường Nguyễn Huệ nói riêng vẫn mang trên mình nó là nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu nhuốm mùi "trưởng giả học làm sang", khởi đi từ nền kinh tế bao cấp - tập trung mọi nguồn lực kinh tế - xã hội vào tay nhà cầm quyền, rồi sau này trở thành "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" - Cả Thành phố Hồ Chí Minh chết câm lặng suốt hơn 30 năm sau "giải phóng", với nết ăn - nếp ở khô khan như "chú bộ đội" thuở nào, lần hồi thấm dần từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đem vào thống trị. Cùng với nó là quy hoạch - kiến trúc cũ và mới đan xen, tạo ra khung cảnh hỗn độn và mất thẩm mỹ - vốn không thể là con phố để nhàn tản - vui chơi - thưởng ngoạn như các quốc gia kể trên. Đây là sai lầm thứ nhứt và quan trọng nhứt, khi nhiều năm qua, nhà cầm quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết lòng biến con đường này trở thành "thiên đường vui chơi - mua sắm" như tại Đan Mạch, Ai Cập, Singapore v.v... Một sự cưỡng ép về văn hóa và thất bại cũng từ tư tưởng "chuyên chính vô sản" đó. Bởi có giàu tiền bạc của nã đến mấy, cũng không hề đồng nghĩa văn hóa sống thay đổi theo, vì văn hóa là cả một quá trình hàng trăm năm mới hình thành, đi cùng nó là những Con Người Tự Do. Tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả xứ thiên đàng nói chung, nửa thế kỷ qua, Con Người Tự Do đã lụi tàn từ lâu và thay vào đó, hầu hết là những NÔ LỆ đời mới - vốn không thể và không được phép làm sai "ý đảng" !

Ngày 14/4/2023, báo Thanh Niên có bài "Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không mua hàng rong ở phố đi bộ Nguyễn Huệ" [3], trong đó cho biết : Thượng tá Lê Mạnh Hà mong người dân không mua bán hàng rong và giao cho công an quận Nhứt phối hợp với ban ngành địa phương để xử lý vi phạm nhằm dẹp bỏ hàng rong. Ông Hà cũng than phiền, khi lực lượng công an có mặt thì dân bán hàng rong tránh đi và chỉ xuất hiện trở lại, khi công an vắng mặt.

Các nước văn minh kể trên đều có dân nghèo. Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh còn đông đảo dân nghèo gấp nhiều lần, bởi thu nhập người dân quá thấp. Người nghèo đổ ra đường buôn bán hàng rong là điều tất nhiên, bởi vốn liếng ít ỏi và tay nghề chuyên môn gần như không có, cũng như nạn thất nghiệp từ 2 năm qua ngày càng tăng. Bên cạnh đó, phúc lợi và an sinh xã hội của dân nghèo, gần như "nằm ngoài pháp luật". Không một sự bảo trợ, không một sự giúp đỡ gì đáng kể và lâu bền cho người nghèo từ chính quyền. Dân bán hàng rong trông cậy vào đâu ?!

Nói cho ngay, một dạo nhà cầm quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng dốc lòng lo cho người bán hàng rong với khái niệm "phố hàng rong" [4] [5] vào tháng 3/2017. Đã "rong" rồi còn lập "phố" ! Ý tưởng này càng chứng minh đầu óc "xơ cứng" và "khô khan" của nhà cầm quyền Thành phố Hồ Chí Minh khi nhìn "gánh hàng rong".

Đến nay đã 6 năm và những con phố này... chết ngắc ! Chúng chết là điều dễ hiểu, bởi nhà cầm quyền Thành phố Hồ Chí Minh họ không tài nào hiểu nổi để thấm thía và cảm thông cho những GÁNH HÀNG RONG, giữa trưa hè oi ả hay buổi chiều mưa dầm hoặc đêm khuya thanh vắng, người mẹ già - người chị luống tuổi - người cha còm cõi - người em bé nhỏ vẫn ĐI RONG với đôi chân lê bước ròng rã trên nhiều cây số, trong từng con hẻm lầy lội, để ráng bán cho hết những món hàng rẻ tiền, kiếm chút tiền sống qua ngày hay trả tiền bịnh hoạn - thuốc men cho người thân đang lây lất...

Và tôi tin, rất nhiều người đang khoác áo công vụ, họ đã lớn lên từ đôi gánh hàng rong như vậy...

...Trên con phố khuya có một người đang gánh hàng rong

Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi

Cho con bao ngày vui mẹ cay đắng xót xa ngậm ngùi

Ôm con trong vòng tay mẹ quên hết bao nhiêu tủi buồn

Có đôi gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi từng ngày

Khắc ghi mãi vào tim không phút nào quên

Có đôi gánh hàng rong tôi bước vào trong cuộc đời

Tiếng ru thuở nằm nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi...

Đoạn trích trên từ nhạc phẩm "Gánh Hàng Rong" của cố nhạc sĩ Lê Quốc Dũng, ông vừa tạ thế ở tuổi 61 vào ngày 11 tháng Ba năm 2023 - Một nhạc phẩm đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng : Phương Thanh, Minh Tuyết trình bày thành công, bởi tính thẩm mỹ đầy cảm xúc và tâm tư của những người thành danh từ "GÁNH HÀNG RONG" èo uột ngày xưa của mẹ...

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 14/4/2023

[1] https://vneconomy.vn/copenhagen-thien-duong-mua-sam-moi-cua-chau-au.htm

[2] https://singaporesensetravel.com/4-khu-pho-di-bo-dang-gia-de-tim-hieu-ta...

[3] https://thanhnien.vn/cong-an-tphcm-khuyen-cao-nguoi-dan-khong-mua-hang-r...

[4] https://thanhnien.vn/tphcm-thi-diem-2-diem-ban-hang-rong-theo-gio-o-q1-1...

[5] https://vtc.vn/hai-pho-hang-rong-dau-tien-o-tphcm-ra-sao-sau-hon-1-nam-h...

Published in Diễn đàn