Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 18 décembre 2019 17:39

Hoa Kỳ và Trung Quốc tạm hưu chiến

Sau 20 tháng đàm phán, hôm Thứ Sáu 13 vừa qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc thông báo đã thỏa thuận về "Giai đoạn Một" nhằm giải quyết mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước. Nhưng phải chăng đây chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ cho tới năm sau và qua năm 2020, quan hệ giữa đôi bên sẽ còn căng thẳng ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này….

mytrung1

Hôm 13/12/2019, Tổng thống Donald Trump xác nhận hủy bỏ thuế quan mới đối với Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" (Ảnh minh họa) AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, kể từ Tháng Ba năm ngoái, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm với cao điểm là đầu Tháng Năm của năm nay khi Bắc Kinh phủ nhận nhiều cam kết trước đó khiến Hoa Kỳ leo thang và gây áp lực rất mạnh về thuế nhập nội đánh trên hàng hóa của Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ. Thế rồi, giới chức đôi bên tiếp tục đàm phán để tuần qua vừa đạt thỏa thuận về "Giai đoạn Một" sẽ áp dụng vào đầu năm tới. Theo dõi mâu thuẫn giữa đôi bên, ông có nhận xét như thế nào ?

Đình chiến tạm bợ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta ở vào cuối năm nên vừa phải tổng kết cho năm nay rồi cố gắng dự báo về quan hệ giữa hai nước vào năm tới. Về thỏa thuận được thông báo hôm Thứ Sáu 13, tôi nghĩ đây chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ chứ mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn gia tăng và lan rộng qua năm sau.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen với cách phân tích có vẻ bi quan của ông, nên Nguyên Lam xin yêu cầu ông giải thích cho lý do vì sao thỏa thuận này chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ trong một trận thương chiến đã kéo dài từ 20 tháng qua ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước tiên, tôi xin đề nghị là chúng ta nhìn vào toàn cảnh sâu xa lâu dài của mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Trung Quốc thật ra "chưa hùng mà đã hung" và lãnh đạo của họ kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư sau Đại hội đảng Khóa 18 vào cuối năm 2012 còn tập trung tối đa quyền lực để giải quyết nhiều vấn đề bên trong mà chưa xong. Vì vậy, năm 2019 sắp kết thúc là một năm ta có thể gọi là "mất mùa" cho họ Tập.

Lý do vì sao giải quyết chưa xong các vấn đề bên trong thì có rất nhiều, nhưng về căn bản thì Trung Quốc chưa nắm vững sự vận hành của kinh tế quốc tế mà vội nuôi tham vọng thay thế Hoa Kỳ để lãnh đạo nền kinh tế đó và chi phối cả an ninh của các nước khác. Sau khi đắc cử Tổng thống vào cuối năm 2016, ông Donald Trump đã nêu rõ yêu cầu là sẽ gây áp lực để Bắc Kinh phải cải tổ cơ chế kinh tế chính trị theo chuẩn mực của các nước tiên tiến, như họ đã cam kết từ khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO gần 20 năm trướx.

Vì lý do chính trị nội bộ của Mỹ, ông Trump chọn trận địa chiến để khai hỏa là mâu thuẫn thương mại và áp thuế nhập nội nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Chiến thuật đó của ông gây hiểu lầm là Mỹ chỉ lo cho quyền lợi ích kỷ của mình, nhưng dần dần thì các nước khác cũng hiểu ra ý đồ của Bắc Kinh và đấy là một nhược điểm của Tổng bí thư Tập Cận Bình.

Nguyên Lam : Nhưng ông vẫn chưa giải thích vì sao ông cho rằng Giai đoạn Một mà đôi bên vừa thỏa thuận chỉ là một cuộc hưu chiến tạm bợ và không bền. Nguyên Lam xin đề nghị là ông phân tích thêm chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bắc Kinh có thủ thuật buôn bán và đầu tư của một cơ chế kinh tế chính trị thiếu tự do và minh bạch nên bị Mỹ trừng phạt về thương mại như bước đầu, nhằm tạo ra thay đổi sâu xa hơn. Thỏa thuận về "Giai đoạn Một" vừa được nói tới mới chỉ tạm hoãn việc áp thuế hay giảm thuế mà thôi và cần thời gian phiên dịch để khai triển những gì đã cam kết qua tài liệu dài 86 trang, sau đó mới được hai bên thẩm xét về thực hư và khả năng kiểm chứng.

Chính trường Hoa Kỳ và nội bộ Trung Quốc có nhiều vấn đề vào năm tới nên đôi bên cùng tạm hưu chiến nhưng sẽ tiếp tục lâm chiến trên nhiều lĩnh vực khác. Điều đáng chú ý là lãnh tụ đôi bên đều tránh ký kết thỏa thuận này mà để cho thuộc cấp phát biểu và thi hành. Trong khi ấy, vấn đề nổi cộm là thuật lý, công nghệ hay technology, vẫn là mâu thuẫn lớn cho mai sau.

Năm tới, người ta ít nói về kinh tế mà quan tâm hơn đến an ninh và đấy mới là trận địa chiến thật giữa hai nước, khi các vấn đề như nhân quyền, dân chủ hay chủ quyền của các lân bang của Trung Quốc cũng nằm trong nghị trình đàm phán mở rộng hơn…

Các ưu tiên của Bắc Kinh

Nguyên Lam : Nhìn từ giác độ của lãnh đạo Bắc Kinh, ông nghĩ sao về các ưu tiên của họ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lãnh đạo Bắc Kinh có loại vấn đề mà dân ta hay gọi là "lấy ngắn nuôi dài", là tìm lợi thế ngắn hạn để cải cách dài hạn, nhưng lại gặp "mâu thuẫn cơ bản" - chữ của họ - là biện pháp kích thích ngắn hạn đi ngược với mục tiêu cải cách dài hạn. Trong khi đó họ lại bị dồn vào nhiều ưu tiên khác như trận chiến về ngoại hối, đầu tư khi các nước đã thấy ra thế ưu đãi và trợ cấp cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hay vụ Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng...

Ông Trump ưa tuyên bố lung tung làm nhiều người chẳng hiểu khi nào ông nói thật, khi nào lập mưu giả bộ. Nhưng Bắc Kinh lại "thành thật khai báo" mục tiêu của họ qua các khái niệm "Trung Quốc Mộng", sáng kiến "Nhất Đới Nhất Lộ", hay việc bành trướng quân sự và uy hiếp các lân bang từ Đông Bắc Á quanh Đài Loan Nhật Bản, xuống biển Đông Nam Á thậm chí tới Nam Thái Bình Dương.

Trong khi ấy Bắc Kinh đã chẳng hiểu sự vận hành của kinh tế toàn cầu từ hơn hai thế kỷ vừa qua, lại đòi khống chế nền kinh tế đó để trục lợi và để vượt mặt Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang rơi vào chu kỳ bế tắc của Trung Quốc vào thời Đại Minh của Thế kỷ 15 và Đại Thanh của Thế kỷ 19 và sẽ bị khủng hoảng !

2222222222222222222

Ông Wang Showen,Thứ trưởng bộ Thương mại Trung Quốc, Phó Đại diện Thương mại Quốc tế phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 13 tháng 12,2019. AFP

Các chu kỳ bế tắc

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin yêu cầu ông giải thích cho hai chu kỳ bế tắc đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong luồng giao dịch giữa các nước với nhau thì có mua vào cũng phải bán ra mới có bạn hàng và đồng minh. Nay Bắc Kinh vẫn chưa rõ quy luật sơ đẳng ấy của lịch sử nên rơi vào khủng hoảng kinh tế, nạn tham ô của triều Minh khiến nước Tầu gặp loạn, vua Sùng Trinh tự tử để nhà Thanh chiếm đoạt cả nước. Trong giai đoạn ấy, các Đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nổi lên và chi phối toàn vùng Đông Á rồi bị các Đế quốc Anh, Hà Lan thay thế. Sự vận hành rắc rối đó cần trí nhớ và cách giải thích hợp lý, là điều Trung Quốc chủ quan lại nhìn không ra.

Kế tiếp, nhà Đại Thanh cũng mắc bệnh vĩ cuồng như Bắc Kinh ngày nay, vì tưởng mình là cường quốc kinh tế giàu mạnh hơn các Đế quốc Anh Pháp. Rốt cuộc, nhà Thanh không cải cách rồi bị nội loạn với vụ Thái Bình Thiên Quốc và sụp đổ. Lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay chỉ nói về "bách niên quốc sỉ", trăm năm ô nhục vì bị liệt cường tấn công từ vụ Chiến tranh Nha phiến giữa Thế kỷ 19 mà không thấy ra hoặc dám nói đến các vấn đề chồng chất ở bên trong.

Họ không tự hỏi vì sao làm xứ sở lụn bại khi đã là cường quốc kinh tế số một ? Một lý do giải thích là Chủ nghĩa Mác-Lênin tai hại. Một lý do khác chính là từ nền văn hóa duy ý chí của Trung Hoa. Hậu quả là ngày nay không chỉ có Hoa Kỳ mà các nước khác cũng đang nêu vấn đề về âm mưu bành trướng của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế và thuật lý. Năm 2020 này sẽ phơi bày chuyện đó.

Nguyên Lam : Như vậy, kết luận của ông là qua năm 2020, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn gay go hơn những gì chúng ta đã thấy trong hai năm qua ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhiều phần sẽ là như thế và đấy là thành tích của ông Tập Cận Bình !

Tại Hoa Kỳ, giữa sự phân hóa chính trị khá kỳ lạ của nước Mỹ, Tập Cận Bình lại tạo ra sự đồng thuận giữa Hành Pháp và Lập pháp và giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về đối sách với Bắc Kinh, về vụ Hồng Công, Đài Loan, Tân Cương hay về mâu thuẫn trên Biển Đông. "Chưa hùng mà đã hung" là vậy !

Đã thế, qua bảy đời Tổng thống Mỹ, từ ông Richard Nixon tới Barach Obama, Bắc Kinh còn chứng minh rằng Trung Quốc sẽ chẳng cải cách để có một chế độ thông thoáng và hợp tác với các cường quốc hầu cùng giải quyết các vấn đề lớn của thế giới mà chỉ ăn cắp, ăn cướp thuật lý và quyền sở hữu trí tuệ của thiên hạ để củng cố vai trò tệ hại của đảng, của nhà nước và hệ thống kinh tế quốc doanh. Trên tuyến đầu thì Hoa Kỳ tố giác điều ấy và sẽ đòi Bắc Kinh cải cách nữa.

Nhưng nhìn rộng ra ngoài, vì sao ngày nay Hoa Kỳ lại gọi Trung Quốc là đối thủ số một, còn nguy hiểm hơn Liên bang Xô viết vào thời Chiến tranh lạnh như Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ sau Phó Thủ tướng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã phát biểu ? Khác với ông Trump, Nội các và Ban tham mưu của Tổng thống Mỹ đang nói thẳng nói thật với các đồng minh và nay các quốc gia này cũng đã hiểu.

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng vì vậy mà uy tín của Trung Quốc và niềm tin vào Bắc Kinh của nhiều quốc gia đã sa sút nặng trong năm 2019 sắp kết thúc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu để kết luận thì vụ thỏa thuận về "Giai đoạn Một" chỉ là hưu chiến nhất thời và không qua nổi con trăng vì thế giới thấy ra sự thật ! Mâu thuẫn giữa Bắc Kinh với trật tự của thế giới là vấn đề đã có và tồn tại khi ông Donald Trump hết còn là Tổng thống Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ hai. Trong nhiệm kỳ tới, ông ta sẽ đẩy mạnh áp lực cải cách để Bắc Kinh phải thay đổi cơ chế của họ, là điều cần thiết nhưng mà khó. Vì vậy, năm 2020 sẽ còn có nhiều biến động và sức ép cho Bắc Kinh. Có khi họ sẽ thấy tái diễn chuyện Minh Thanh xa xưa là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong suốt năm tới…

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích của tuần này.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 18/12/2019

Additional Info

  • Author Nguyễn Xuân Nghĩa
Published in Diễn đàn

Trump-Tập hưu chiến thương mại : ai thiên biến vạn hóa ?

Bạo động tại Paris. Toàn nước Pháp bị "choc", chờ giải pháp. Macron vướng lưới "áo vàng". Giải pháp nào đưa nước Pháp ra khỏi nguy cơ "tổng nội dậy" ? Mỹ- Trung hưu chiến thương mại. Putin tuyên bố "tiếp tục chiến tranh" với Ukraine.Thượng đỉnh khí hậu COP24, nhiệt độ vẫn tăng. Đó là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay bên cạnh những bài từ giả, khen ngợi nhiều hơn là chỉ trích, cựu tổng thống Mỹ George H. Bush vừa qua đời, thọ 94 tuổi.

trumptap1

Ảnh minh họa : Cảnh chụp tại bộ Giao Thông Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh của bộ trưởng giao thông Mỹ. Ảnh 27/04/2018. Reuters/Jason Lee/File Photo

Báo chí Pháp bất kể khuyên hướng đều bày tỏ âu lo trên trang nhất sau ngày thứ bảy bạo động đốt phá tại Paris, phong tỏa giao thông ở các tỉnh do một phong trào xã hội đa dạng.

Libération dành 7 trang mô tả : biểu tình bạo loạn chưa từng thấy tại Paris kể từ năm 1968. Tổng cộng 246 đám cháy, 112 xe bị đốt, 133 người bị thương trong đó có 23 nhân viên công lực : những màn bạo lực kinh hoàng xảy ra tại thủ đô cho thấy những khó khăn bảo vệ an ninh trước một phong trào phản kháng vô định hình.

Le Figaro khuyến cáo "nguy cơ xã hội Pháp bùng nổ". Lo âu nhưng Les Echos "cực lực lên án hành vi bạo lực, đập phá. Nhật báo kinh tế kêu gọi tất cả công dân "đứng hết về một phía : phía bảo vệ chế độ cộng hòa trước những đòi hỏi "phi lý" của phe "áo vàng", từ chống thuế xăng dầu giờ có thêm "trưng cầu dân ý", ngưng chính sách tái cấu trúc hệ thống đường sắt, giới hạn sỉ số học sinh không quá 25 mỗi lớp, thành lập "nghị viện công dân"…, khoảng 35.000 đề nghị thấy trên Facebook, không một ngân sách nào có thể chịu đựng nổi.

Làm cách nào để thoát khỏi khủng hoảng ? La CroixLe Figaro cùng đặt câu hỏi và cùng trả lời : nhượng bộ và đối thoại. Vấn đề là phe "áo vàng" bắt đầu phân vân, chia rẽ : tiếp tục tranh đấu để bị các tổ chức tả và hữu tối cực đoan lợi dụng hay chấp nhận đối thoại với chính phủ. Hành pháp cũng bối rối không kém, bị "tê liệt" theo nhận định của Libération.

"Quốc dân đại hội"

Các đảng đối lập có dân biểu trong quốc hội cũng không biết chọn phương án nào, sau những tuyên bố như đổ dầu vào lửa, nay muốn đóng vai lính cứu hỏa : đảng cực tả "Nước Pháp Bất Khuất" muốn trình nghị quyết trừng phạt chính phủ, còn "Tập Hợp Quốc Gia" của bà Marine Le Pen, tên mới của phe cực hữu thì đòi giải tán quốc hội để bầu lại. Trái lại, đảng xã hội tìm cách cứu tổng thống Macron, đề nghị tổ chức tranh luận tại nghị trường và "phối hợp với các đối tác xã hội, công đoàn, hiệp hội công dân, đại diện ngành nghề, tôn giáo nhằm triệu tập "hội nghị bàn tròn" trên toàn quốc xem xét cải thiện mãi lực của người dân

Hưu chiến thương mại : Trump bị lừa hay ở thế chủ động ?

Viện lý do an ninh quốc gia, Washington cấm trang thiết bị truyền thông điện tử của tập đoàn điện thoại Hoa Vi của Trung Quốc vào hệ thống 5G của Mỹ. Theo Le Monde, chính quyền Trump còn quyết tâm thuyết phục lôi kéo các nước Tây Phương khác, ngoài nhóm 5 nước truyền thống (Mỹ, Anh, Canada, Úc, New Zealand) là Đức và Pháp cùng tham gia vào cuộc phân tranh thương mại với Trung Quốc. Paris dường như không chấp nhận cấm Hoa Vi, nhưng theo Le Monde, điều chắc chắn là chính quyền Pháp cũng không để tập đoàn điện thọai Trung Quốc, với công nghệ gián điệp cài đặt, muốn làm gì thì làm trên lãnh thổ nước Pháp.

Cũng liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Les EchosLe Figaro cùng đưa tin : "Tại thượng đỉnh G20, Trump và Tập thỏa thuận hưu chiến" 90 ngày, nhưng với hai nhận định khác nhau.

Theo nhật báo kinh tế, thỏa thuận "hưu chiến" này tạm thời gây tin tưởng cho giới đầu tư quốc tế, nhưng cũng tạo ra nhiều phản ứng dè dặt tại Hoa Kỳ. Trên Wall Street Journal, chuyên gia Mỹ Peter Morici (đại học Maryland), cho rằng tổng thống Donald Trump bị Tập Cận Bình đánh lừa : chủ tịch Trung Quốc chỉ hứa "chung chung", "không có gì là cụ thể".

Trái lại, Le Figaro, những gì mà tổng thống Mỹ đòi Trung Quốc cam kết thi hành từ "tôn trọng tác quyền và ngưng gián điệp mạng" cũng là những ưu tư của Liên Hiệp Châu Âu tuy phương thức thương lượng có khác nhau.

Donald Trump : sát thủ lợi hại ?

Phương thức của tổng thống Donald Trump như thế nào ? Hiệu quả đến đâu ?

Được Le Figaro đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp François Godement phân tích : Mặt trận của Mỹ rất rộng. Tất cả những yêu sách kinh tế này tổng hợp lại chẳng khác nào đòi Trung Quốc thay đổi chế độ chính trị.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1972 (Nixon đi Trung Quốc), một trang sử mới đang mở ra trong quan hệ song phương Mỹ-Trung. Trung Quốc muốn Mỹ công nhận là đối tác chiến lược ngang hàng nhưng Washington từ chối.

Điểm đặc biệt của Donald Trump là ông ấy đưa vào phương trình thông số "bất trắc" và báo trước "tôi là một kẻ khó lường". Sự kiện này là điều mới mẻ đối với ban lãnh đạo Trung Quốc. Donald Trump đoạt thế thượng phong của Trung Quốc, vốn tự hào con cháu Tôn Tử, với binh pháp "thiên biến vạn hóa" trong chính sách đối ngoại.

Đối với ban lãnh đạo Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên họ đương đầu với một đối thủ lợi hại có cùng chiến thuật như họ. Trung Quốc nỗ lực "đầu tư" ảnh hưởng tại Washington nhưng họ nhận thấy guồng máy chính trị thượng tầng không mảy may liên hệ gì với Trump. Chủ nhân Nhà Trắng liên tiếp có những tuyên bố trái ngược nhau, lúc thì nói sắp đạt thỏa thuận, sau đó bảo là có bất đồng, cần gây thêm sức ép…

Tại G20, Mỹ-Trung tuyên bố hưu chiến nhưng Donald Trump đã làm cho Trung Quốc rơi vào mê hồn trận, không biết lối ra, định nhờ cậy vào các đối tác khác nhất là Liên Hiệp Châu Âu, nhưng chuyện không tránh khỏi là Tập Cận Bình phải nhượng bộ Donald Trump, ít ra là về hình thức.

Khác với tổng thống tiền nhiệm Barack Obama , Donald Trump tạo được một sự "nhất quán giữa chính trị cho đến kinh tế và quân sự", tức là từ ban tham mưu ở Nhà Trắng, trưởng đoàn thương thuyết thương mại và Lầu Năm Góc có cùng mục tiêu.

Washington rồi sẽ chấp nhận Bắc Kinh là đối tác cạnh tranh chiến lược, nhưng với điều kiện Trung Quốc phải từ bỏ quy chế ưu đãi của "một nước đang phát triển". Đòi hỏi này, cộng với những yêu sách ghi trong bản thông cáo chung Trump-Tập công bố tối thứ Bảy, thì chẳng khác nào đòi Trung Quốc đổi chế độ kinh kế, tức là đổi chế độ chính trị.

Theo giám đốc European Council on Foreign Relations, trong một thời gian dài, do áp lực hành lang của giới xuất nhập cảng Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cứ phóng đại là Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc cần Mỹ nhiều hơn.

Tranh giành địa chính trị không phải chỉ tùy thuộc vào thương mại. Mỹ mất Biển Đông cũng vì thái độ do dự của Obama vào thời điểm tình thế không thể đảo ngược. Nói là chiến tranh thương mại, nhưng chiến lược của Hoa Kỳ là đập nát nguồn đầu tư vào Trung Quốc : giai đoạn một đã bắt đầu với phong trào rút vốn đầu tư vào Trung Quốc, chuyển sang nước khác. Cụ thể là Apple đã mở nhà máy ở Ấn độ, Brasil và những nước khác.

Trung Quốc đã nhìn thấy ở Donald Trump là một tay "sát thủ lợi hại" vì tổ chức được một "ê-kíp" nhận thức Trung Quốc là kẻ thù. Donald Trump là nhà lãnh đạo thấy rõ những nhược điểm của Trung Quốc, theo kết luận của François Godement, một chuyên gia có tiếng khá thân với Trung Quốc.

Trang ý kiến của Les Echos, dành một bài phân tích về chính sách của Nga đối với Ukraine. Theo tác giả, cuộc xung đột ở biển Azov nằm trong chiến lược lâu dài của Kremlin : Vladimir Putin muốn khẳng định thế mạnh của Nga từ Bắc Cực cho đến Địa Trung Hải. Đó là lý do tại sau Tây phương cần phải đáp trả cứng rắn.

Từ COP21 Paris đến COP24 Katowice

Ba năm sau hiệp định chống biến đổi khí hậu ký kết tại Paris, hội nghị COP24 khai mạc tại thành phố Katowice, cái nôi than đá ở miền nam Ba Lan. Thông qua những biện pháp chống CO2 là chuyện khó khăn khi mà lượng khí hâm nóng khí quyển tiếp tục tăng cao, tựa của Les Echos.

Trong nỗi bất hạnh này, do sự nhu nhược của các nhà nước, Libération vẫn nhìn ra ánh sáng hy vọng : đối diện với sự chậm chạp của các nước, khắp thế giới, chính quyền cấp địa phương liên kết với nhau, cân bằng thái độ thụ động của chính phủ hay cùng ấn định những mục tiêu chung đầy cao vọng. Tổ chức phi chính phủ Climat Chance kiểm kê được tại Hoa Kỳ có "22 bang, 550 thành phố và 900 xí nghiệp" tham gia vào chiến dịch chống biển đổi khí hậu.

Cũng liên quan đến Mỹ, Le Monde thương tiếc vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ George H. Bush, từ trần vào cuối tuần vừa qua, thọ 94 tuổi : Vị tổng thống cộng hòa này là hiện thân của nước Mỹ bao dung với thế giới. Le Figaro tiếc nuối một "người lính chiến" mà chiến tích không được đền ơn tương xứng : vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, người chỉ huy liên quân quốc tế chiến thắng Iraq của Saddam Hussein nhưng sau đó bị thất cử.

Tú Anh

Published in Quốc tế