Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại sao phải đợi đến khi thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc thì những "con sâu bự" làm rầu nền khoa học mới bị phát hiện và bị chỉ đích danh ?

Nhắm mắt, cười trừ

Chuyện một giáo sư, tiến sĩ như ông Võ Khánh Vinh nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội trong năm 2015 hướng dẫn 44 luận văn thạc sĩ và 12 nghiên cứu sinh trong khi theo quy định, tối đa chỉ được hướng dẫn được 7 thạc sĩ và 5 nghiên cứu sinh/năm khiến nhiều người bất ngờ.

Lý do, vì sao ông Võ Khánh Vinh lại ôm đồm nhiều việc như vậy, trong khi quy định đặt ra là để người hướng dẫn có đủ thời gian dành cho học viên, tránh tình trạng học viên tự "bơi" trong nghiên cứu khoa học ảnh hưởng đến chất lượng các công trình khoa học.

Không chỉ có cá nhân ông Võ Khánh Vinh, mà kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và đào tạo còn chỉ ra nhiều giáo sư, tiến sĩ cũng như ông Vinh một lúc nhận hướng dẫn lượng thạc sĩ và tiến sĩ vượt quy định.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, nhiều ông giáo sư, tiến sĩ ngồi nhầm hội đồng phản biện khoa học vì không đúng chuyên môn theo quy định.

hocvi1

Nhiều trí thức đã đánh mất mình vì miếng cơm, manh áo nhỏ nhặt (ảnh minh họa - sưu tầm).

Để xảy ra sai phạm này, không thể viện cớ cho việc thiếu nhận thức và trình độ vì người mắc lỗi là các ông giáo sư, tiến sĩ. Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ vì "lợi" nó che mắt, lợi ích nhóm, bè phái đứng "chống lưng" nên các vị này cố tình sai phạm.

Qua tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin cho thấy sai phạm tại Học viện khoa học xã hội tập trung vào một số người, trong khi lượng tiến sĩ, giáo sư trong Học viện Khoa học xã hội đa số "ngồi chơi xơi nước" nhàn rỗi.

Người viết tự hỏi, tại sao phải đợi đến khi thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo vào cuộc thì những "con sâu bự" làm rầu nền khoa học mới bị phát hiện và bị chỉ đích danh. Trong khi, sai phạm này kéo dài trong thời gian dài không được phát hiện.

Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, trong đó trực tiếp là Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, không lẽ với những ông giáo sư, tiến sĩ "ngồi chơi xơi nước" trong thời gian dài tại Học viện Khoa học xã hội lại cam chịu cảnh bị ghẻ lạnh, bắt nạt thời gian lâu đến thế.

Người đời hay đề cao phẩm chất kẻ sĩ - những người có học thức, trình độ được xem là "nguyên khí quốc gia", có khí phách không chịu cường quyền, áp bức, dám dấn thân.

Nhưng rõ ràng, khí chất kẻ sĩ của các ông giáo sư, tiến sĩ bị điều "ngồi chơi xơi nước" trong thời gian dài gần như không tồn tại.

Vì sao những người ra đường, về nhà đều được tôn trọng gọi là tri thức, rường cột quốc gia như vậy lại bị tê liệt trước cường quyền, áp bức theo kiểu "xe to đè xe nhỏ" như vậy.

Thật khó để lý giải vì sao nhiều giáo sư, tiến sĩ không dám đấu tranh lên tiếng chống lại cường quyền trong khoa học.

Có lẽ nào, các giáo sư, tiến sĩ bị ghẻ lạnh đang mưu tính theo cách "nếm mật nằm gai" để chờ thời, kiểu như mưu sĩ Tàu trong phim cổ đại thời xưa chờ đợi thời cơ "nghêu cò đánh nhau ngư ông đắc lợi".

Làm khoa học phải công tâm, khách quan

Nhìn vào sự cam chịu của tập thể các giáo sư, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội chắc lẽ nhiều người buồn lòng như người viết.

Nếu như, không có thanh tra Bộ chỉ ra những sai trái của Học viện Khoa học xã hội thì làm sao có thể những sai trái của ông Võ Khánh Vinh được đưa ra ánh sáng ?. Làm sao người ta biết được cái "lò ấp" tiến sĩ ấy lại có những chuyện sai phạm về giáo dục đến vậy ?.

Rõ ràng, người cố tình làm sai là vì lợi, đáng trách và đáng lên án. Nhưng ở đây khi ngẫm kỹ ra trong trường hợp này theo người viết những người làm sai và những người cam chịu nhìn người khác làm sai đều có chung một điểm là "chữ lợi".

Người làm sai vì lợi đã đành nhưng ngậm ngùi nhìn người khác làm sai cũng vì lợi đó mới là điều đáng bàn. Có chăng họ hy vọng kẻ khác sẽ "bồng bột" đứng lên đấu tranh còn bản thân mình sẽ lựa thời mà "mượn gió bẻ măng chăng", thực hiện triệt để"im lặng là vàng". Những mưu tính nhỏ nhặt đó đang đè chết sự liêm chính trong khoa học.

Sau khi báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng tải hai bài báo "Làm khoa học cũng có chuyện... "con voi chui lọt lỗ kim" ? và " Ngồi nhầm hội đồng có khác nào... "Thầy bói xem voi" báo có nhận được nhiều phản hồi từ độc giả.

Có thể hiểu được, việc đối xử bất công trong nghiên cứu khoa học tại Học viện Khoa học xã hội mang đến sự ấm ức của một số cá nhân. Có người thông tin cho rằng, để xảy ra sai trái như vậy là do Giám đốc học viện và trưởng phòng đào tạo thời kỳ trước đây là hai cha con.

Hay chuyện người ta gọi ông này, ông kia với những danh xưng võ đại gia.. kiểu như kiếm hiệp Tàu.

Có những phản hồi của độc giả cho rằng việc ngồi nhầm hội đồng và để cho người không đúng chuyên môn giảng dạy hàng nghìn học viên ngành chính sách công của học viện này.

Hay thông tin phản ánh về việc các hội đồng nhất là các phản biện hội đồng thạc sĩ, tiến sĩ ngành chính sách công, ngành chính trị học của Học viện Khoa học xã hội không đúng chuyên ngành.

Những thông tin trên chúng tôi thiết nghĩ cần được kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Bởi sau khi thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra các sai phạm trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong đó có việc ngồi nhầm hội đồng – một việc tưởng chừng không thể xảy ra trong khoa học đã xảy ra nên cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét những phản hồi trên.

Để giúp xác minh rõ hơn những thông tin mà độc giả phản ánh, tránh tình trạng nghi ngờ sai lệch bản chất vấn đề, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến đặt lịch làm việc với Học viện khoa học xã hội.

Phóng viên có trao đổi qua điện thoại với giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Đức, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội và được ông cho rằng, phải qua 30/9 thì mới có thông tin với báo chí. Điều này cho thấy, để xác minh có sai phạm hay không như phản ánh của độc giả là rất gian nan.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 6/9, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi với Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và được ông cho biết, những nội dung đã có kết luận thanh tra thì hiện nay cần phải thực hiện theo thanh tra để xử lý.

Nếu có thêm thông tin mới, thì thanh tra chính phủ nên vào cuộc làm việc. Vì ở đây có dấu hiệu vi phạm. Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, đã làm khoa học thì phải làm cho nó đàng hoàng. Nên hạn chế việc lạm quyền trong khoa học. Phải kiểm soát được quyền lực trong nghiên cứu khoa học.

Bạch Đằng

Nguồn : GDVN, 10/09/2017

Published in Diễn đàn

Khi mới từ nước ngoài trở về Việt Nam, không ít người có cảm giác lạ lẫm khi đọc báo thấy những trí thức khoa bảng luôn được kèm theo danh hiệu Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS), và nhất là khi những danh hiệu này đi kèm nhau : GS.TS, PGS.TS (1). Thậm chí, nhiều bạn đã có tiến sĩ, là giáo sư ở nước ngoài, cảm thấy ngượng ngùng, bối rối khi "được" gọi như vậy trên các phương tiện truyền thông đại chúng, không liên hệ gì đến học thuật, ở Việt Nam. Hơi ngượng, khá bối rối, nhưng rồi lại không dám yêu cầu báo chí không gọi là tiến sĩ vì như thế lại bị hiểu lầm là lập dị, là "kênh kiệu ngược" (reverse snobbery).

hocvi1

Danh xưng với học vị, học hàm

Thực ra, so với vô số đại sự của quốc gia thì chuyện danh xưng này quả là "nhỏ như con thỏ", nhưng nhân dịp Tết nhứt, xin có đôi dòng phiếm luận để giải khuây cho bạn đọc.

Bằng tiến sĩ chứng tỏ điều gì và để làm gì ? (2)

Ai đã lấy PhD ở Mỹ đều biết rằng bằng cấp này chỉ là một cái vé vào cửa để được phỏng vấn khi đi xin việc ở các đại học, các viện nghiên cứu ở nước ngoài. Thế thôi. Theo nhà kinh tế nổi tiếng Michael Spence (Nobel 2001) thì bằng cấp (do một đại học có uy tín cấp) cốt yếu là một tờ giấy chứng nhận cho những người không có cách nào khác để chứng tỏ khả năng (trong đó có sự kiên trì) của mình. Spence giải thích : một người có thực tài, ai nhìn cũng thấy ngay, thì không cần bằng cấp khi đi xin việc ! Nói theo thuật ngữ kinh tế : bằng cấp là một "tín hiệu cho thị trường".

Tiến sĩ là một bằng cấp tối hậu (final degree) của hệ thống giáo dục hiện đại, nhưng nó chỉ là một (trong nhiều) chỉ dấu của trí thức. Và ngay khi là chỉ dấu như thế, nó cũng không là chỉ dấu tột bậc. Ở các nước có một nền học thuật lâu đời, bằng tiến sĩ chỉ là một tấm vé để bước chân vào ngưỡng cửa của cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học. Nó không phải là "vinh quang" tối hậu của một sự nghiệp học thuật. Uy tín của một nhà nghiên cứu, của một giáo sư tùy thuộc hoàn toàn vào những thành tựu của người ấy sau khi đã có bằng tiến sĩ (Einstein, chẳng hạn, không cần ai gọi mình là GS.TS !). Thậm chí, một nhà khoa học xuất chúng, dù không có bằng tiến sĩ vẫn được xã hội nể trọng hơn những người có bằng tiến sĩ, nếu người ấy có một sự nghiệp học thuật tầm vóc.

Đi đâu cũng tự xưng, hay đòi người khác gọi mình là giáo sư tiến sĩ (dù là giáo sư tiến sĩ thật, không phải dỏm), không chỉ là làm dáng, phô trương, mà còn cho mình một cảm giác (thường) sai lầm về những thành tựu thật sự của bản thân, rằng mình hiện đã đạt đến tột đỉnh của học thuật, và khó tránh khỏi sự tự mãn đầy kiêu căng. Không gì "phản trí thức" hơn phong thái ấy.

Tự xưng và gọi nhau là GS.TS thì có hại gì ?

hocvi2

Hiểu thế nào cho đúng về các danh xưng, học hàm?

Nhiều người sẽ bảo, dù các cơ quan truyền thông có tâng bốc các giáo sư tiến sĩ, không bao giờ quên kèm theo học vị học hàm khi viết tên họ, thì có hại gì ai ? Sao không xem đó như phản ảnh sự kính trọng "kẻ sĩ" của văn hóa Việt Nam ? Vâng, nhìn từ một góc cạnh nhỏ hẹp thì quả việc này là không đáng kể so với những vấn đề trọng đại của đất nước. Tuy nhiên, nó có thể liên hệ đến những hiện tượng khác làm suy giảm chất lượng đời sống của chúng ta. Chẳng hạn :

Bằng cách tung hô danh xưng GS, PGS, TS... các cơ quan truyền thông vô tình đơn điệu hóa thang trí thức học thuật, và từ đó, các giá trị xã hội. Bởi, như đã nói, những học hàm, học vị này là chức vụ trong lĩnh vực giáo dục, là một chỉ dấu của khả năng nghiên cứu. Chúng không nhất thiết có hàm ý nào về giá trị toàn diện của con người (mà phần chính, hiển nhiên, là đạo đức). Gắn kết học vị học hàm, mà không một đặc điểm nào khác, với danh tính một người là mặc nhiên đưa nó lên vị trí hàng đầu. Nói thẳng ra, theo ý người viết bài này, chính "thói quen" này của giới truyền thông đã giúp duy trì nạn "sính bằng cấp" trong xã hội Việt Nam.

Nạn sính bằng cấp, từ đó, sẽ có hậu quả dễ hiểu đến chất lượng tiến sĩ : khi mà sự ham muốn bằng cấp không thể được thỏa mãn vì khả năng học tập và nghiên cứu của "đương sự" là "có hạn" thì tất nhiên sẽ sinh ra những tiến sĩ dỏm, những luận văn không đáng được gọi là luận văn. Báo chí đừng gọi họ là tiến sĩ nữa thì chất lượng tiến sĩ sẽ khá lên, vì lúc ấy chỉ những người thật sự có năng lực, có trí tuệ, đam mê nghiên cứu, giảng dạy... mới bỏ công dùi mài kinh sách trong một chương trình tiến sĩ, loại bỏ những "phần tử" "sinh ra không phải để theo đuổi học thuật" (mà trong một xã hội bình thường là hoàn toàn bình thường, không có gì để mặc cảm), chạy chọt lấy "tiến sĩ" chỉ vì hám danh. Gạn lọc những phần tử "không thích hợp" này thì chất lượng tiến sĩ đương nhiên sẽ khá lên !

"Giải pháp"

Báo chí vô tình cũng là tòng phạm trong hiện tượng này. Bởi vậy, tôi nghĩ, các giáo sư tiến sĩ khi được phỏng vấn, hãy nói thẳng với phóng viên là không cần để là GS.TS trước tên ông/bà.

Song, phải nhìn nhận, đây là một tập quán khó thay đổi. Nếu một cá nhân muốn như thế và yêu cầu người phỏng vấn mình làm như thế thì cũng chưa chắc nhà báo sẽ nghe theo, vì nhà báo cũng muốn được hãnh diện là họ phỏng vấn một vị "giáo sư, tiến sĩ" chứ không phải "thường dân" !

Vậy, có vài đề nghị :

(1) Nếu người ấy hiện có giữ một chức vụ khác (bộ trưởng, chủ tịch...) thì chỉ nên dùng những chức vụ hiện tại, không cần phải thêm là GS.TS gì cả.

(2) GS, hoặc TS là đủ, không cần gọi cả hai (GS.TS). Ở các quốc gia có những danh hiệu này lâu đời, hầu hết giáo sư đều có bằng tiến sĩ, gọi GS.TS là thừa. Nên để ý rằng tiến sĩ có thể không là giáo sư (chẳng hạn những nhà khoa học làm việc trong các viện nghiên cứu).

(3) Chỉ tự xưng là giáo sư hay tiến sĩ trong những hoàn cảnh mà danh hiệu ấy chuyển tải một thông tin có ích cho người đọc/nghe, và nếu người đối thoại không biết thông tin ấy (3). Theo tôi, chỉ nên gọi giáo sư (hoặc tiến sĩ, không cần cả hai) trong khuôn viên đại học, viện nghiên cứu, hoặc trong các hội nghị, hội thảo khoa học.

Tôn vinh những người có đạo đức, thực tâm, thực tài là một điều xã hội nên làm. Nhưng để tôn vinh những người xứng đáng, và với sự trân quý thật lòng, xã hội không nên dừng lại ở danh hiệu tiến sĩ mà phải chịu khó tìm biết xem người ấy có những công trình nghiên cứu, những đóng góp khoa học nào, dạy ở trường nào, bao nhiêu năm... và thể hiện sự nể trọng (nếu thấy họ xứng đáng) bằng cách nghiêm túc lắng nghe ý kiến của họ, đọc những gì họ viết. Dù rằng việc kiểm chứng ấy sẽ không dễ đối với đa số không quen thuộc với môi trường học thuật (nhưng lắm khi Google vài phút là biết ngay !), song đó cũng là một cách nâng cao kiến thức của mọi người. Một trí thức đích thực sẽ vô cùng cảm kích khi đối thoại với một người quan tâm đến nghiên cứu của mình, được nghe những câu hỏi phản ảnh một sự hiểu biết về công việc và những thành tựu của trí thức ấy. Đó là cách tốt nhất để tôn vinh "tiến sĩ" !

Trần Hữu Dũng

Nguồn : TBKTSG, 10/02/2017

(1) Nhiều quốc gia khác, như Nga, Đức, cũng có phong tục này, nhưng tôi không biết nhiều về bối cảnh xã hội và truyền thống lịch sử của họ nên chỉ xin nói về trường hợp Việt Nam. Đèn nhà ai nấy sáng !

(2) Xin nói rõ, đây là nói về bằng tiến sĩ "thật". Dường như vấn nạn tiến sĩ dỏm, tiến sĩ kém chất lượng, cũng rất trầm trọng ở Việt Nam, nhưng đó là một vấn đề khác.

(3) Ví dụ, nếu trên máy bay có một hành khách ngã bệnh, và nếu bạn là bác sĩ, thì bạn có quyền (đúng ra là bổn phận !) hô lớn : Tôi là bác sĩ ! Nhưng bạn không cần phô trương học hàm học vị của bạn với người bán cà phê chẳng hạn !

Published in Diễn đàn