Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chi tiêu thế nào để hồi phục kinh tế Việt Nam

Lương Tuấn Anh, BBC, 03/11/2021

Việt Nam lúc này đang tập trung các biện pháp để hồi phục kinh tế giữa dịch Covid-19, trong đó có kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa...

phuchoi1

Phục hồi kinh tế Việt Nam sau Covid-19 - Ảnh minh họa : dangcongsan.vn

 

Trong diễn tiến mới nhất, Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có Tờ trình, trong đó tính toán tổng nguồn lực để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 là 800.000 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn lực dự kiến từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, nguồn phát hành trái phiếu chính phủ, huy động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết ; nguồn vay từ các định chế tài chính.

BBC News Tiếng Việt có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lương Tuấn Anh, đang là Giảng viên tại Leicester Castle Business School, thuộc Đại học De Montfort, Anh quốc.

Ông Lương Tuấn Anh nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ năm 2011, từng dạy ở Đại học Tài chính - Kinh tế Thượng Hải trước khi sang làm việc ở Anh.

Ông cho rằng ý thức cộng đồng và niềm tin vào chính phủ là hai trong các lợi thế của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Lương Tuấn Anh : Việt Nam không thể so sánh với các nước phát triển về hệ thống chăm sóc y tế. Thứ hai, một bộ phận lớn người dân phụ thuộc vào nền kinh tế phi chính thức cũng gây khó khăn cho chính phủ trong việc thống kê và cứu trợ kịp thời.

Tuy nhiên Việt Nam lại có điểm mạnh là ý thức cộng đồng và niềm tin vào chính phủ. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc ngăn chặn các đại dịch như dịch SARS vào năm 2003 đã giúp người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch lần này và tầm quan trọng của việc ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.

Chính hai yếu tố kể trên đã dẫn đến việc người dân cùng chung tay với chính phủ giải quyết vấn nạn này. Trong đợt dịch vừa qua, tôi rất xúc động khi thấy các hội tình nguyện đã đến tận những con hẻm nhỏ để giúp người dân mua hàng nhu yếu phẩm hay chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Những nhóm thiện nguyện này đã giúp nối dài cánh tay của Nhà nước đến những nơi mà y tế công không thể phục vụ được.

BBC : Ông đánh giá bối cảnh kinh tế quốc tế giai đoạn hiện nay là thế nào ?

Lương Tuấn Anh :Vừa qua, Ngân hàng thế giới đã có phân tích rằng sau 18 tháng của đại dịch Covid-19, cả thế giới đang bước vào thời kỳ phục hồi lớn nhất trong 80 năm qua.

Kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 5.6%. Tuy nhiên sự phục hồi này lại không đồng đều, chủ yếu đến từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Những nước có thu nhập thấp hoặc đang phát triển sẽ gặp phải một số khó khăn như việc khan hiếm vaccine dẫn đến khó mở cửa nền kinh tế.

Ngoài ra việc gián đoạn các hoạt động kinh tế và xã hội cũng làm mất đi nguồn lực lao động có chất lượng mà nếu bình thường có thể sẽ tiếp tục được nâng cao trình độ.

Việc suy giảm đầu tư nước ngoài và nợ công gia tăng cũng đe dọa sự phát triển kinh tế và xã hội.

Ngay trong một quốc gia, tác động của đại dịch cũng không đồng đều. Các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì không thể đáp ứng nhu cầu giãn cách xã hội. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người trẻ, và người nhập cư là những người gặp rủi ro cao hơn về mất việc làm. Đó là vì họ thường làm những công việc phải tiếp xúc nhiều với khách hàng và lại ở những vị trí khởi điểm của nghề nghiệp, nên khả năng làm việc ở nhà và giữ công việc là thấp.

Ngoài ra, với việc phục hồi của một số nền kinh tế đã dẫn đến việc tăng giá của một số hàng quan trọng như năng lượng và thực phẩm. Điều này không những làm gia tăng lạm phát vượt vòng kiểm soát mà còn tạo thêm nhiều áp lực cho các hộ gia đình thu nhập thấp, vốn đã gặp nhiều khó khăn vì mất việc trong thời gian qua.

BBC : Trong bối cảnh thế giới như vậy, tác động cho Việt Nam có thể là gì ?

Lương Tuấn Anh :Tôi thấy có 2 thách thức cho Việt Nam. Đầu tiên thì để mở cửa, chúng ta cần vaccine. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thực sự chủ động về nguồn cung.

Thứ hai, phải chú ý bảo vệ những người yếu thế. Ngoài ra những doanh nghiệp nhỏ cũng cần sự giúp đỡ của Nhà nước. Trong một nghiên cứu gần đây mà tôi đã hợp tác với Đại học Ngoại thương và UNDP, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Nhưng đại dịch không chỉ mang đến thách thức mà cả những cơ hội không phải lúc nào cũng có. Thứ nhất, chuỗi cung ứng sẽ được sắp xếp lại. Thứ hai, làm việc từ xa giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thế giới.

Có điều thú vị là các nước đều sử dụng tài chính công để tạo cú hích cho nền kinh tế. Tháng Ba vừa qua, chính phủ Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 1,900 tỉ đôla. Đến tháng 10 năm nay, tổng thống Biden lại tiếp tục đề nghị 1 gói cứu trợ 1,750 tỉ đôla.

Chính phủ Anh cũng vừa thông báo chính sách tài khóa cho các năm sắp tới, với kế hoạch chi tiêu 150 tỉ bảng trong 3 năm từ 2022 đến 2025.

Về mặt lý thuyết, việc gia tăng chi tiêu công sẽ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động. Họ sẽ gia tăng chi tiêu, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho những người khác. Cứ thế, việc chi tiêu ban đầu của chính phủ sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

BBC : Nhưng như vậy sẽ dẫn đến bội chi ngân sách.

Lương Tuấn Anh :Có một số yếu tố có thể làm giảm nỗi lo bội chi ngân sách. Thứ nhất, nợ công của Việt Nam năm 2020 chiếm khoảng 55% GDP, nằm dưới trần nợ công 60% mà Quốc hội đã đưa ra vào tháng 7 vừa qua. Thứ hai nợ công của Việt Nam được dự báo tiếp tục giảm trong các năm tới (theo số liệu của ngân hàng trung ương Mỹ).

Thứ ba, các nước cũng đang gia tăng trần nợ công. Điều này đang nằm trong kế hoạch của Quốc hội. Do đó Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để chi tiêu công.

Chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm các nước để rút ra bài học cho mình. Ví dụ như chính phủ Mỹ đã liên tục tung ra các gói cứu trợ để hỗ trợ cho các hộ gia đình vượt qua đại dịch. Chính phủ Anh cũng đã gia tăng mức lương tối thiểu lên 9.5 bảng một giờ.

Cũng như các nước, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam đã phải chịu đựng việc ngưng trệ của nền kinh tế trong một thời gian dài. Việc tiếp sức cho họ vượt qua đại dịch là rất cần thiết.

Thứ hai, Việt Nam cần chuẩn bị cho một trạng thái bình thường mới. Trong trạng thái này, xu hướng dịch chuyển của nền kinh tế là sẽ làm việc từ xa với những kỹ năng như làm việc với máy tính và hội họp qua mạng.

Trong gói chi tiêu công của chính phủ Anh, chi tiêu cho khoa học cơ bản tăng lên gần 6 tỉ bảng một năm. Các chính sách về giáo dục và nâng cao khả năng làm việc của thanh niên cũng được đề cập. Ngoài ra, các khu vực xa trung tâm với khả năng kết nối kém cũng được đầu tư để bắt kịp xu hướng mới.

Nguồn : BBC, 03/11/2021

*********************

Việt Nam 'có khả năng học hỏi, lớn lên từ tổn thất'

Vũ Minh Khương, Lê Quỳnh, BBC, 03/11/2021

Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện là quan tâm hàng đầu của Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Việt Nam.

phuchoi2

Trong lúc diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát, các chuyên gia nhìn tới các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế ở Việt Nam giai đoạn cuối năm nay và sang năm 2022.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Khương - giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), nhận định Việt Nam học được những gì, nên làm gì sau hai năm chống dịch Covid-19.

Vũ Minh Khương : Bản chất của quá trình phát triển là sự ứng đáp với các thách thức. Thách thức càng khắc nghiệt đòi hỏi khả năng ứng đáp càng cao, không chỉ về năng lực hành động và ý chí thực thi mà cả về tầm nhìn chiến lược và tư duy thích ứng.

Có ba tình huống xảy ra trong ứng đáp của một quốc gia với những thách thức mới xuất hiện.

Tình huốn thứ nhất là sự ứng đáp gần như chuẩn xác tuyệt đối và đem lại thành công ấn tượng.

Tình huống thứ hai là sự ứng đáp không hoàn toàn chuẩn xác nhưng người lãnh đạo đã nhanh chóng nhận ra sự sai lầm trong nhận thức và phương cách để kịp thời sửa đổi và trở nên thông tuệ hơn trong hành trình tiếp theo.

Tình huống thứ ba là mất đi khả năng ứng đáp hiệu quả trước thách thức khắc nghiệt do không chịu sửa chữa sai lầm hoặc trở nên tê liệt, thụ động và trở thành nạn nhân của thách thức.

Điều thú vị là Việt Nam trong hai năm đại dịch Covid-19 chứng kiến cả tình huống thứ nhất và thứ hai. Năm 2020, Việt Nam là một quốc gia thành công đặc sắc trong chống Covid-19, với những ứng đáp được coi là chuẩn mực toàn cầu. Năm 2021, trước sự xuất hiện của chủng Delta với độc tố và tốc độ lan truyền rất cao, Việt Nam đã có những lúng túng và sai lầm trong ứng đáp và chịu tổn thất khá nặng nề, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất của cả nước.

Tuy nhiên, trong chính thời kỳ hiểm nguy này, Việt Nam cho thấy những thế mạnh tiềm tàng của mình. Thứ nhất, đó là bản lĩnh và quyết tâm vượt qua đại dịch với ý thức trách nhiệm cao với người dân.

Thứ hai, đó là sự đồng thuận của những người lãnh đạo cao nhất trong tìm ra phương kế chống dịch hiệu quả từ bài học quốc tế và kinh nghiệm thực tế. Việc Việt Nam huy động thần tốc được lượng vaccine rất lớn trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu để nhanh chóng tiêm phủ cho các trọng điểm dịch là một thành quả đặc sắc.

Thứ ba, việc ban hành Nghị Quyết 128 ban hành ngày 11/10/2021 về thích ứng linh hoạt trong chống đại dịch Covid-19 là một bước tiến rất quan trọng ; nó cho thấy Việt Nam có khả năng học hỏi và lớn lên từ thất bại, tổn thất.

BBC : Vậy theo ông, đâu là những bài học đáng giá mà Việt Nam có thể rút ra từ hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19 ?

Vũ Minh Khương : Theo tôi, có ba bài học quan trọng.

Thứ nhất, chống đại dịch Covid-19 không phải là một quy trình chuẩn tắc mà là một hành trình đầy thách thức khắc nghiệt và khó lường ; nó đòi hỏi sự ứng đáp không chỉ quyết liệt trong hành động mà cả sự cởi mở trong nỗ lực học hỏi và sự quả cảm trong thay đổi nhận thức-tư duy.

Thứ hai, người dân phải là lực lượng chủ đạo trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19 nói riêng và ứng đáp với mọi thách thức mà đất nước gặp phải trong tương lại. Quân đội, công an chỉ nên là lực lượng yểm trợ.

Thứ ba, thành công ngoạn mục trong năm 2020 và những bước tiến quan trọng trong năm 2021 của của Việt Nam cho thấy thách thức, dù khắc nghiệt đến đâu và gây tổn thất đến mức nào, cũng sẽ không làm quốc gia này bị tê liệt, chia rẽ. Trái lại, nó còn làm Việt Nam mạnh lên rất nhiều, đặc biệt về tư duy nhận thức, tầm nhìn tương lai, và ý chí chiến lược.

BBC : Về tình hình kinh tế-xã hội những tháng tới, đặc biệt bước sang 2022, xin ông cho biết cảm nhận chung của mình, bi quan hay lạc quan ?

Vũ Minh Khương : Cảm nhận chung của tôi là khá lạc quan mặc dù khó ai có thể nói trước được những biến cố bất thường về đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Trước hết, đó sự phục hồi khá tốt của nền kinh tế trong tháng 10, nghĩa là chỉ ngay sau một tháng đổi mới phương cách chống dịch. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, sản lượng tổng thể đã cao hơn tháng 9 năm 2021 trên 6% và một số ngành đã có mức sản lượng cao hơn hẳn cùng kỳ các năm trước.

Hơn nữa, qua khảo sát về cảm nhận kinh doanh của các doanh nghiệp mà Tổng Cục Thống kê tiến hành cho quý IV năm 2021, tỷ trọng các doanh nghiệp tăng doanh số cũng như tuyển dụng lao động cao hơn nhiều so với tỷ trọng các doanh nghiệp có mức giảm trên hai chỉ số này. Chỉ số PMI tháng 10 vượt lên mức 52,1 so với mức 40,2 tháng 9 cũng thể hiện rõ xu thế lạc quan này.

Ngoài ra, qua nghiêm cứu và làm việc ở cấp vi mô, tôi cũng thấy có những chuyển động rất ý nghĩa trong nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong 2 năm qua đã xúc tiến nhiều kế hoạch đổi mới chiến lược kinh doanh, nắm bắt chuyển đổi số, và hiện đại hóa hệ thống quản trị. Đó sẽ đem lại nhiều sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam trong các năm tới.

Đặc biệt, sự phát triển vượt bậc của năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong thời gian là một dấu ấn lớn. Với tốc độ lắp đặt ở mức kỷ lục thế giới của hàng loạt nhà máy điện mặt trời và điện gió trong bối cảnh đại dịch, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cho thấy họ có tiềm năng rất lớn trong nắm bắt xu thế thời đại một khi có cơ chế khuyến khích phù hợp.

BBC : Đi vào cụ thể hơn, Chính phủ Việt Nam đã trình Quốc hội dự báo, theo đó, trong năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5% ; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Các con số trên đưa ra trên tinh thần "phòng, chống dịch hiệu quả, phục hồi và phát triển KTXH, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội". Ông đánh giá các mục tiêu này như thế nào ? Các con số có thận trọng hay hơi xa khả năng có thể làm được hay không ?

Vũ Minh Khương : Tôi thấy các mục tiêu đặt ra nói trên là khá hợp lý. Nó cũng phù hợp với dự báo mới nhất trong báo cáo cập nhật tháng 10 năm 2021 của IMF là Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP 3,8% trong năm 2021 và 6,6% trong năm 2022.

Nếu nhìn vào dự báo của IMF về tăng trưởng của Trung Quốc (8,0% năm 2021 và 5,6% năm 2022) và Ấn độ (9,5% năm 2021 và 8,5% năm 2022), tôi thấy Việt Nam còn có thể tiến mạnh hơn nếu chúng ta có những quyết sách đột phá mạnh mẽ và kịp thời.

Dự báo tăng trưởng cao của Ấn Độ trong năm 2022 dựa trên những cải cách cấu trúc mạnh mẽ khá ấn tượng mà họ đang tiến hành để thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy tăng trưởng ở các ngành trọng điểm.

BBC : Hồi tháng Chín, Chính phủ ra Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Ông có thể gợi ý một số công việc, dự án lớn mà chính phủ Việt Nam cần thực hiện ngay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ?

Vũ Minh Khương : Trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, tôi thấy cách giúp hiệu quả và mạnh mẽ nhất cho doanh nghiệp là yểm trợ, khuyến tạo chứ không phải là cứu giúp, tháo gỡ.

Bên cạnh nỗ lực mạnh mẽ và toàn diện trong cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số và hạ tầng logistics, Chính phủ nên có các chương trình cải cách cấu trúc nhắm vào các lĩnh vực cụ thể, có tiềm năng tăng trưởng đặc biệt. Tiêu chí để chọn lĩnh vực và doanh nghiệp ưu tiên cho các nỗ lực cải cách cấu trúc này là tạo việc làm, nâng cao năng suất, nắm bắt chuyển đổi số, nâng cấp giá trị sản phẩm để khai thác tốt hơn các thị trường xuất khẩu chiến lược, đặc biệt là EU, Hoa Kỳ, và Trung Quốc), và xây dựng các hệ sinh thái gắn kết cộng hưởng trong nước và toàn cầu.

Một điều đáng chú ý là chúng ta cần chấp nhận một số doanh nghiệp bị đào thải trong cuộc khủng hoảng này và coi đây là một bước chuyển dịch cơ cấu quan trọng. Nó giúp chuyển dịch nguồn lực, trong đó có lao động, đất đai, và vốn, sang các doanh nghiệp hiệu quả hơn, phù hợp với tương lai hơn, và do đó, giúp nền kinh tế Việt Nam mạnh hơn sau khủng hoảng.

BBC : Nhìn tới, Chính phủ Việt Nam chỉ ra sẽ "ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh". Ông đánh giá thế nào về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ?

Vũ Minh Khương : Tôi thấy đây là vấn đề rất hệ trọng, nó không chỉ nâng cấp nền tảng phát triển mà còn là những thông điệp lớn với người dân và doanh nghiệp mà cả cộng đồng quốc tế.

Một điều rất đáng mừng là các doanh nghiệp đều ý thức rõ Việt Nam sẽ có những cải cách mạnh mẽ và sâu rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên từ tâm thế đến thực tế triển khai là cả một chặng đường dài mà ở Việt Nam mọi người thường nói đùa là dài hơn cả từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

Điều đáng chú ý là cải cách trong thời gian tới ở Việt Nam cần mang một bản sắc mới. Nó không còn là nỗ lực phá rào mà là kiến tạo nền tảng xây dựng một quốc gia hiện đại. Tuy nhiên, nên bắt đầu từ những cải cách nhỏ nhưng ý nghĩa thiết thực.

Thứ nhất, thay thế việc yêu cầu cán bộ công chức có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ bằng yêu cầu họ tự làm bài thẩm định và báo cáo kết quả dịch, nghe, nói tiếng Anh hàng năm trên hệ thống đánh giá công chức của Chính phủ. Qua đó, Chính phủ sẽ có xếp hạng các bộ ngành và địa phương theo trình độ này. Chúng ta khuyến khích cán bộ tự giác và trung thực. Đây cũng là kênh để khích lệ phẩm chất trung thực và nỗ lực vươn lên không ngừng.

Thứ hai, chúng ta xây dựng hệ thống đánh giá năng lực chống chịu Covid của các tỉnh với chỉ số xếp hạng giống như PCI về năng lực cạnh tranh. Với Covid-19, nên chú trọng các chỉ số về tỷ lệ người dân bị đái đường, béo phì, và huyết áp cao cũng như điều kiện ăn ở và tiếp cận với công viên.

Thứ ba, Chính phủ nên đưa ra quy chế buộc các địa phương phải tìm lời giải số và học hỏi kinh nghiệm hay nhất của thể giới trong mọi đề xuất của mình. Việc Thành phố Hà Nội vừa đưa ra để xuất thu phí nội đô bằng xây dựng 87 trạm kiểm soát với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng là một kế hoạch khó ai có thể tưởng tượng được trong kỷ nguyên hậu Covid và thời đại số.

Lê Quỳnh thực hiện

Nguồn : BBC, 03/11/2021

Additional Info

  • Author Lương Tuấn Anh, Vũ Minh Khương , Lê Quỳnh
Published in Diễn đàn