Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoạt cảnh lấy phiếu tín nhiệm

Gió Bấc, RFA, 19/05/2023

Báo chí Việt Ngữ Hải ngoại theo dõi khá sát sao diễn biến Hội nghị Trung ương 7, dự đoán, bình luận tập trung vào việc Phạm Minh Chính còn tại vị hay sẽ rớt đài. Nơi dẫn ý kiến chuyên gia, nơi có nguồn tin riêng, nơi quan sát thông tin, hình ảnh từ báo chí trong nước tinh tế đến từng ngón tay của Thủ Chính và Tổng Trọng. Nhưng như Tổng Trọng đã lửng lơ nhắc nhở trong phát biểu kết luận hội nghị "Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín !".

phieu1

Những hình ảnh "tình thương mến thương" trong phiên bế mạc cho thấy, hội nghị đã thành công theo ý muốn của Tổng Trọng

Thông tin báo chí lề phải về hội nghị này cũng như các hội nghị khác của đảng đều dài thườn thượt nói như dân gian là dài như… nhưng toàn là chữ nghĩa sáo rỗng, kể lể đầu việc mà chẳng có nội dung. Lần này Tổng Trọng lại học đâu ra cách nói bí ẩn cầu kỳ mà người đọc hóm hỉnh có thể nghĩ tếu táo kiểu Hồ Xuân Hương. Công tác Cán bộ lãnh đạo quốc gia mà lại "có vào, có ra, có lên, có xuống" (1).

Ai vào, ai ra, ai lên, ai xuống ? Để hiểu được số phận Phạm Minh Chính ra sao, hậu trường chính trị của màn lấy phiếu tín nhiệm này là gì, phải vận dụng bí kíp tư duy của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm !"

Nếu so sánh với hình ảnh uất ức đến gần như "đẫm lệ" của cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên không hạ bệ được "đồng chí X" thì những hình ảnh "tình thương mến thương" trong phiên bế mạc cho thấy, hội nghị đã thành công theo ý muốn của Tổng Trọng và có người phải "Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm".

Hội nghị Trung ương 7 chỉ là phân cảnh trong hoạt cảnh nhiều màn lấy phiếu tín nhiệm. Phạm Minh Chính chỉ là một quân cờ trong việc sắp xếp lại bàn cờ tứ trụ, Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị nửa nhiệm kỳ còn lại khóa này và cho cả khóa mới.

Có ý kiến cho rằng, thông tin tháng 5 này Phạm Minh Chính sẽ đi dự hội nghị G7 ở Nhật, cho thấy, ông Thủ có thể trụ hạng, tứ trụ sẽ không thay đổi trong thời gian tới. Nhớ lại tháng 12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đầu tháng đi Hàn Quốc, cuối tháng đi Indonesia đều hoành tráng long trọng theo nghi lễ cấp nhà nước, nhưng chỉ hơn 10 ngày sau đã từ chức, thành "người tử tế". Việc Phạm Minh Chính dự hội nghị G7 chỉ là ngồi ghế chầu rìa thì đâu có là cái đinh rỉ gì !

Gần đây, Phạm Minh Chính xuất hiện trên báo chí rất thưa thớt với những công việc, sự vụ, chứ không còn phải "ướt đẫm mồ hôi" đi kiểm tra hay hoành tráng làm việc trực tuyến với cán bộ xã, phường, cũng thiếu hẳn tự tin dõng dạc "sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì !" như lần đi Mỹ.

Điều vi diệu của quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm lần này là mở ra những ngưỡng phiếu tín nhiệm khá cụ thể và cách sử dụng kết quả rất rộng rãi và uy lực, quyền lực cấp trên mạnh mẽ hơn trước.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm có thể là điều kiện để cấp trên quy hoạch, bố trí nâng chức, hạ chức, cho từ chức ai đó mà không nhất thiết phải đưa ra bầu bán, bỏ phiếu trong Ban chấp hành trung ương như trước đây.

"Quy định 96 nêu rõ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn.

Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm".

Từng thất bại hai lần trước Ban chấp hành trung ương trong lấy phiếu tín nhiệm với "đồng chí X" và đưa Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh vào BCT, Tổng Trọng hẳn rút nhiều kinh nghiệm và thấm nhuần bài học nghe đâu rằng của Lê Nin là "điều quan trọng không phải người bỏ phiếu mà là người kiểm phiếu". Gần đây Tổng Trọng đã có trong tay cả người bỏ phiếu lẫn người kiểm phiếu nên ai ra, ai vào, ai xuống, ai lên, không thể nào chệch ý "theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt" (1).

Hơn thế nữa, ngoài vòng tuyển trạch của đảng, sợi dây 96 còn có thêm một vòng thứ hai của quốc hội "Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở hai nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi" (2).

Tổng Trọng đã khởi động bộ máy chuẩn bị và có lộ trình cho vòng thứ hai. Sáng 11/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (3).

Nghị Quyết này vận dụng theo tinh thần của Quy định 95 được đánh giá cao và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội sắp tới và sẽ đưa vào thực hiện tại kỳ họp kế tiếp.

Với những quy định chặt chẽ và sự chuẩn bị "rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc". Việc xem xét, cho ý kiến diễn ra "trong không khí thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm cao" như vậy Tổng Trọng đã có toàn quyền sắp những quân cờ chiến lược theo ý của mình mà không còn gì phải lăn tăn.

Có ý kiến cho rằng, có thể có những quân bài bướng bỉnh muốn lật ngược tình thế như hiện đang có đơn tố cáo Vương Đình Huệ và Lê Minh Hưng liên quan đến ngân hàng SCB và các bê bối tài chính tín dụng đang lưu truyền trên mạng. Không lo, kết luận diễn văn bế mạc kỳ họp Tổng Trọng đã nhấn mạnh phải "hết sức tránh tình trạng ‘Chân mình còn lấm bê bê ; Lại cầm bó đuốc đi rê chân người’ !" (4).

Số phận Phạm Minh Chính rồi sẽ ra sao ? Đỏ đến mức nào thì mới chín ? Chỉ có Tổng Trọng mới có thể trả lời ! Vấn đề là không riêng Phạm Minh Chính, mà cả Võ Văn Thưởng, Tô Lâm, cả Vương Đình Huệ, nếu không muốn xuống, không muốn ra thì đừng làm đối thủ tiềm năng tranh chức Tổng bí thư. Nguyễn Xuân Phúc ra rìa không phải vì vợ là trùm cuối Việt Á, không phải vì chịu trách nhiệm các sai phạm của chính phủ, tất cả chỉ là cái cớ.

Đã vào tới Bộ Chính trị chẳng có bàn tay nào sạch cả. Phúc phải ra đi vì lộ bài quá sớm.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 19/05/2023

1. https://vnexpress.net/xay-dung-quy-hoach-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-nhiem-ky-moi-4606449.html

2. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-giua-nhiem-ky-119230518073335517.htm

3. https://tuoitre.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-se-lay-phieu-tin-nhiem-cac-chuc-danh-nao-20230515102000119.htm

4.https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=75698

5. https://vnexpress.net/xay-dung-quy-hoach-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-nhiem-ky-moi-4606449.html

*********************

Đảng thừa nhận không đoàn kết ?

RFA, 19/05/2023

Lo sợ chia rẽ hay thừa nhận mất đoàn kết ?

Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13 hôm 15/5/2023 đã yêu cầu không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.

phieu2

Ảnh minh họa : Một lần biểu quyết tại Hội nghị Trung ương. Courtesy chinhphu.vn

Tin cũng cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị, cũng tương tự như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội với ba mức : tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Như nhiều lần trước, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng không hề nói đến lá phiếu ‘không tín nhiệm’ mà dư luận quan tâm.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, cựu cán bộ Tổng cục 2, nói với RFA quan điểm của ông hôm 19/05/2023 :

"Dưới góc độ của tôi, tôi thấy câu nói của Nguyễn Phú Trọng thể hiện một thực tế là bản thân nội bộ Đảng cộng sản không thống nhất. Vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng phải cảnh báo, phải dọa. Chốt lại, nó chỉ thể hiện một điều rằng nội bộ đảng cộng sản nó cũng không thống nhất, cũng chia rẽ, cũng chín người mười ý... Chứ không phải là thống nhất ý chí và hành động như họ vẫn thường tuyên truyền".

Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 2/2023 ban hành quy định cán bộ có từ 2/3 số phiếu ‘tín nhiệm thấp’ sẽ bị miễn nhiệm. Quy định mới này được nói để thay thế Quy định số 262 từ năm 2014 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước… Cụ thể, theo Quy định này, cán bộ có từ 2/3 số phiếu ‘tín nhiệm thấp’ sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn, mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm có thực chất ?

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết :

"Cũng như lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban chấp hành trung ương cũng có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư... Thông qua việc lấy phiếu này, Ban chấp hành trung ương cũng sẽ có cơ sở để đánh giá các thành viên Bộ chính trị và Ban bí thư…"

Theo ông Lê Văn Cuông, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị, cũng tương tự như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội… là quy định chung của Việt Nam, tức là Trung ương hay Quốc hội cũng đều lấy phiếu giống nhau, với ba mức : tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Tuy nhiên, cựu Trung tá Vũ Minh Trí, cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm ở Việt Nam là không bình thường :

"Tôi thấy bản thân việc đưa ra mức tín nhiệm gồm : tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là đã không bình thường. Thứ hai, hầu hết trong Quốc hội đều là đảng viên Đảng cộng sản, những người có chức có quyền, cho nên Quốc hội đó thực chất chỉ là một tổ chức của Đảng cộng sản, gồm hầu hết là đảng viên Đảng cộng sản. Cũng có thể coi Quốc hội là một Chi bộ của Đảng cộng sản".

Vì vậy theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hay lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là đều không thực chất.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, việc phân loại 2/3 miễn nhiệm, 50% từ chức… là không có căn cứ khoa học. Bởi vì tất cả đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam trong chế độ độc đảng toàn trị, như vậy để đạt được 2/3 hay 50 % thì chắc chắn phải kéo bè, kết cánh để nhằm mục đích che mắt trong vấn đề thanh trừng chính trị mà thôi.

Một luật sư không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, nhận định :

"Cách lấy phiếu tín nhiệm này khác hẳn các nước dân chủ. Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm nhưng chỉ có ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Như thế, mặc nhiên các chức danh này đã có tín nhiệm. Mà đã có tín nhiệm thì đương nhiên các ông vẫn được giữ chức. Họ không có mức ‘không tín nhiệm’ để phế truất như những nước dân chủ. Dù Quốc hội trên danh nghĩa là do dân bầu, nhưng thực chất là do Đảng, bởi ứng cử viên là do Đảng đưa ra. Nhìn vào thành phần Quốc hội thì hết 95% là đảng viên, nên đây rõ ràng chỉ là Đảng bỏ phiếu cho Đảng thôi. Mà trong Đảng thì chắc chắn có phe phái đánh nhau".

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào năm 2013. Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI vào năm 2015, Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Ban Chấp hành Trung ương đối với Ủy viên Bộ Chính trị. Sau đó việc lấy phiếu tín nhiệm này lại được tổ chức ở Hội nghị Trung ương 9 vào năm 2018.

Nguồn : RFA, 19/05/2023

Additional Info

  • Author Gió Bấc, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn