Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ chối khuyến nghị ILO 87 cũng sẽ tiếp tục đặt các tổ chức nhóm hội không có tư cách pháp nhân trở thành những đối tượng có thể bị truy tố trong trường hợp cần thiết.

ilo11

Liên đoàn Lao Động Việt Tự Do vận động quốc tế cho nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam. Ảnh SBTN, 23/06/2018

Đó là cảnh báo của tác giả An Viên trong bài viết "Việt Nam 4 năm tiếp theo : không tự do lập hội, không biểu tình, không báo chí tư nhân ?", đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 29/6 [1].

Việc ‘có thể bị truy tố’ như cảnh báo, nhiều khả năng sẽ được khai thác từ việc quản lý nguồn quỹ tài chính cho hoạt động của các hội đoàn ‘chưa có tư cách pháp nhân’, xét theo quy định về thủ tục hành chính.

Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 5-2019, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, "Công ước số 98 của ILO là công ước cặp đôi với Công ước số 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức". 

Tuy nhiên, theo một tuyên bố của Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương, "theo Tuyên bố năm 1998 của ILO thì các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các Công ước cơ bản bao gồm Công ước số 29, 87, 98, 100, 105, 111, 138, 182 đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các Công ước đó" [2].

Cũng theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 07 năm kể từ khi ký Hiệp định) để đến khi đó sẽ cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập, hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.

Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

Như vậy về mặt nguyên tắc, xét riêng ở Điều 9.1 của Công ước 87, "Mức độ áp dụng những bảo đảm quy định trong Công ước này cho các lực lượng vũ trang và cảnh sát sẽ do pháp luật hoặc quy định quốc gia xác định", thì những hội đoàn xã hội dân sự thành lập trong thời gian từ nay đến năm 2023 là năm dự kiến Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc Việt Nam thực thi Công ước 87, không thể bị chụp mũ là ‘phạm pháp’ hay ‘phản động’, mà chỉ có thể là chưa thực hiện đầy đủ các trình tự về thủ tục hành chính cho xác lập việc công nhận pháp nhân.

Khi chưa được xác lập pháp nhân, thì các quyền lợi đặt trong bối cảnh những cam kết chính sách chung về phát triển xã hội dân sự của Nhà nước, ở những trường hợp này có thể sẽ bị thiệt thòi. 

Trong số các rủi ro, có vấn đề về quỹ tài chính để duy trì hoạt động ở những hội đoàn dân sự chưa hoàn tất các thủ tục về pháp nhân. Việc tổ chức các quỹ tài chính này sẽ dễ bị nhà chức trách săm soi với căn cứ pháp lý từ Luật Phòng, Chống rửa tiền, Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, "quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền", cũng như Luật quản lý thuế sửa đổi năm 2019 vừa được Quốc hội phê chuẩn.

Những vấn đề trên, đáng tiếc lại chưa được các hội đoàn xã hội dân sự có sự quan tâm đầy đủ và tìm được phương thức xử trí thích hợp, hạn chế được rủi ro trong quá trình điều hành, hoạt động. 

Một số bút lục trong vụ án ở Hội Anh em dân chủ, đưa ra xét xử hồi đầu tháng 4 năm ngoái, cho thấy vấn đề tài chính đã được bên Viện Kiểm sát cùng Hội đồng xét xử khai thác triệt để, qua đó dễ nhận ra đây dường như chính là điểm yếu nhất của nhiều hội đoàn xã hội dân sự thời điểm hiện nay.

Căn cứ pháp lý hiện tại của các hội đoàn dân sự, ngoài việc là một quyền được Hiến pháp bảo hộ, thì theo cách hiểu của Luật Điều ước Quốc tế mà Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 09-4-2016, thì "Công ước số 87 của ILO được ban hành trước, nên về nguyên tắc khi áp dụng Công ước số 98 sẽ phải hiểu khái niệm tổ chức công đoàn theo tinh thần của Công ước số 87", như một giải trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ở phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 5-2019.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 30/06/2019

(1) http://www.vietnamthoibao.org/2019/06/vntb-viet-nam-4-nam-tiep-theo-khong-tu.html

(2) http://bit.ly/2ZWZPJi

Published in Diễn đàn