Chuyến công du Việt Nam sắp đến của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Mark Esper đang gợn lên những dấu hỏi về nội dung làm việc Mỹ - Việt liên quan đến quốc phòng. Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh ‘đồng chí tốt’ và cũng là ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất của Việt Nam’ là Trung Quốc vẫn phong tỏa Biển Đông và đe dọa có thể tấn công Bãi Tư Chính và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Sẽ tìm phương thức mới trong hợp tác quốc phòng với Việt Nam" - Mark Esper hé lộ.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Mark Esper
‘Phương thức hợp tác mới’ giữa Mỹ và Việt Nam có thể là gì ?
Vào năm 2018, kết quả được xem là thành công nhất của người tiền nhiệm của Mark Esper - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis - với phía Việt Nam là một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018. Con tàu khổng lồ này mang thông điệp bảo vệ cho dự án Cá Voi Xanh, nằm ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 100km, được liên doanh khai thác giữa tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ là ExxonMobil với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Mỏ này có trữ lượng khí đốt đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang lại doanh thu lên đến 60 tỷ USD, trong đó 2/3 thuộc về ExxonMobil và 1/3 dành cho nền ngân sách đang lâm vào tình trạng hộc rỗng ngoại tệ của chính thể độc tài ở Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác theo phương thức ‘hàng không mẫu hạm’ của James Mattis xét cho cùng vẫn chỉ là một hình thức giao lưu hải quân mà chưa có gì đi vào thực chất. Bởi nếu hành động đó có tính thực chất thì đã không có chuyện Trung Quốc trả đũa bằng việc điều hàng không mẫu hạm Liên Ninh vào tập trận ở Biển Đông ngay sau khi USS Carl Vinson rời cảng Đà Nẵng, và khó có chuyện Trung Quốc tiến hành chiến dịch mang tên Hải Dương 8 mà đã bao vây toàn bộ khu vực Bãi Tư Chính và đa dọa toàn bộ vùng duyên hải nam trung bộ của Việt Nam.
Đến lúc này, ‘phương thức hợp tác mới’ Mỹ -Việt cần mới hơn và sâu sắc hơn hẳn. Để đạt được hiệu quả răn đe Trung Quốc, tàu Mỹ không chỉ còn ‘giao lưu hải quân’ với Việt Nam, mà cần có sự hiện diện của hải quân Mỹ ở một trong những cảng quan trọng của Việt Nam.
Cảng Cam Ranh của Việt Nam, cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Ảnh phóng họa (theo dự án)
Những cái tên được gợi ý vẫn là cảng Đà Nẵng, và quan trọng hơn cả là Cam Ranh.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có tin tức rõ nét nào cho thấy giới chóp bu Việt Nam, dù đã ‘sợ mất mật’ trước người đồng chí Trung Quốc, chịu nhả bất kỳ cảng quân sự nào để hợp tác với Mỹ. Hơn nữa, chính sách ‘Ba Không’ của Việt Nam vẫn còn đó, cho dù ít được nhắc tới. Chính sách này sẽ là trở ngại lớn nhất đối với bất kỳ một hoạt động hợp tác hải quân và không quân nào giữa Việt Nam với một quốc gia khác.
Nhưng mục tiêu rõ ràng nhất của chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper phải là Cá Voi xanh.
Sau khi nổ ra vụ Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương và nhiều tàu hộ vệ gây hấn khu vực Bãi Tư Chính và đe dọa cả vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi nơi có mỏ Cá Voi Xanh, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng vào tháng 8 năm 2019 : "Các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông" và Mỹ "mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ". Lời lên tiếng này phát ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi đến mỏ Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu, đã ‘trở về’ khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để quấy phá.
Những hành động bảo vệ công khai trên, cùng với những hoạt động hải quân mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có tương lai tươi hồng hơn hẳn các đối tác nước ngoài khác liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 18/11/2019