"Tôi thấy khoán thuế đối với người buôn gánh bán bưng cũng tốt. Điều đó có nghĩa tránh thuế chồng thuế, mấy cán bộ sẽ không còn được dịp quạnh quẹ người bán nghèo khó. Và nếu được kiểm soát tốt, chính quyền địa phương sẽ mất phần hụi chết mà người dân phải cống nạp để có chỗ bán yên thân. Chính quyền sẽ thêm cơ hội để liêm chính".
Đánh thuế các người dân lam lũ bán ở chợ tạm, chợ cóc, các khu vực giải tỏa, vỉa hè, xe ôm, bốc vác - Ảnh minh họa
Bày tỏ ý kiến trên là một người đàn ông đã ngoài 50, sống bằng nghề sửa xe ở đầu con hẻm gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Sài Gòn. Ông cho biết tên thật, nhưng yêu cầu nếu… đăng báo, hãy gọi ông theo thứ của gia đình miền Nam.
Phóng viên : Những người mà nhóm PV VNTB tiếp xúc, họ chung thắc mắc là thuế khoán có khác gì hụi chết, vì cũng buộc phải đóng một cục, bất kể mua bán khó khăn, trong khi đồng vốn làm ăn nhiều khi là tiền góp đứng, góp nằm…
Ông Tư : Theo tôi biết, ngay hôm giáng sinh 25/12, trước phản ứng của dư luận, phía Tổng cục Thuế đã lên tiếng với báo chí rằng họ không có ý định nào về chuyện sẽ đánh thuế các người dân lam lũ bán ở chợ tạm, chợ cóc, các khu vực giải tỏa, vỉa hè, xe ôm, bốc vác, làm thuê trong lúc nông nhàn tại bến xe, bến tàu...
Có thể ngành thuế chùn tay vì không ngờ dư luận ném đá phản đối dữ quá, nhứt là trong giai đoạn cơ cấu nhân sự của đảng. Tôi nghĩ nếu đã tự tin về lý thuyết thuế là sự điều chỉnh cho lẽ công bằng trong phân phối và sự ổn định xã hội, thì cần dứt khoát thực hiện.
Sở dĩ mà dư luận vừa qua phản đối chuyện khoán thuế với người buôn gánh bán bưng vì suy cho cùng, người làm luật thuế phải biết được "túi tiền" của người dân đang nằm ở đâu, làm cách nào để động viên cho hợp lý, phải suy tính khoản tiền nào thì nhà nước cần động viên, khoản nào thì để lại cho người dân.
Nói như vậy để thấy rằng một khi chưa hiểu rõ dân tình mưu sinh ra sao, chật vật như thế nào mà vội vã đầy quan liêu tin rằng sẽ tạo được nguồn thu bổ sung cho ngân sách từ chuyện khoán thuế, cho thấy vấn đề quản lý nhà nước trong ngành này đang có lỗ hỏng lớn lắm. Càng chậm giải quyết, dân tình càng khổ dài dài bởi những người đã ngồi sai chỗ, nhưng lại được trao nhiều quyền lực.
Phóng viên : Nếu ông nói như vậy, thế thì vì sao lúc đầu ông lại ủng hộ chuyện khoán thuế với người buôn gánh, bán bưng ?
Ông Tư : Bộ các nhà báo nghĩ lâu nay mấy người như tụi tui không có đóng thuế mà yên ổn làm ăn được à ?
Đóng thuế khoán, dẫu gì thì tụi tui vẫn có được tờ hóa đơn hay biên lai thu tiền thuế từ ông nhà nước lớn. Mấy ông nhà nước con như xã, phường sẽ khó kiếm cớ để vòi vĩnh tiền trà nước đối với tụi tui. Còn khoán bao nhiêu là hợp lý để tụi tui đóng thuế lại là chuyện khác. Và nếu đã đóng thuế có chứng từ rõ ràng, thì dứt khoát phải để cho tụi tui yên ổn làm ăn, không có nay đuổi, mai đuổi kiểu kiếm chác nữa. Khi ấy, nhà nước sẽ liêm chính hơn.
Hơn thế, là một nhà nước luôn hô hào của dân, do dân và vì dân thì nhà nước đó khi thu thuế cũng sẽ hiểu đồng thời phải chi ngân sách cho phúc lợi xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân trong xã hội phát triển. Tốt quá đó chứ.
Phóng viên : Nói ông đừng giận, thực sự khá bất ngờ khi một thợ sửa xe lề đường lại lập luận như một quản trị gia có nghề. Ông có thể kể đôi chút về mình hay không ?
Ông Tư : Có gì lạ đâu, tôi vốn là giám đốc tài chính mà. Làm ăn thất bát, may là chưa phải vào tù. Ngồi đây sửa xe vừa kiếm tiền phụ gia đình, vừa được trò chuyện với bà con, tôi thêm kinh nghiệm cho kỳ vọng sẽ có ngày trở lại khởi nghiệp.
Sẳn nói chuyện thuế, tôi góp ý vầy nhà báo coi có được không. Lâu nay ngành thuế hay nói cải cách hành chánh giúp tiết kiệm thời gian cho người đi đóng thuế. Chuyện đó thì đáng hoan nghênh, nhưng cái cần hơn và cũng là gốc của vấn đề mà ngành thuế nên mạnh dạn tiến hành, đó là cải tố cách chọn nhân sự.
Đọc báo, tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng đang họp bàn về nhân sự cho bộ máy đảng cầm quyền. Tôi hiểu nỗi lo lắng và cả lo sợ của ông. Như nghề sửa xe nè, chiếc xe chỉ có thể chạy ngon lành khi máy móc và cả các bộ phận khác như bánh xe, khung sườn, nhông, sên líp... đồng bộ ngon lành. Dĩ nhiên là nhiên liệu xăng dầu cũng phải ngon lành luôn. Không thể chăm chăm vào pít tông, súp bắp, nòng xy lanh như kiểu cơ cấu đảng ở thượng tầng.
Tôi ủng hộ khoán thuế cho người buôn gánh, bán bưng vì biết cán bộ cấp dưới của ông Trọng ưa nhũng nhiễu, và tìm mọi cách để ăn của dân mà không từ bất kỳ thứ gì. Thà dùng thuế rạch ròi vẫn hơn.
Người dân là người sử dụng chiếc xe gắn máy đó. Nếu chiếc xe không nổ máy ngọt, chạy hao xăng mà còn dằn xóc, sửa tới sửa lui tốn bộn tiền song vẫn cứ ạch đụi thì để kinh tế hơn, người dân sẽ dành dụm, thậm chí cả vay mượn… chọn mua xe khác. Chính phủ có nhiệm kỳ, nhưng đảng thì chỉ có một. Vậy là người dân đành cam chịu chiếc xe hư lên, hư xuống. Tôi nghĩ rằng cần phải cạnh tranh trong quản trị quốc gia, cạnh tranh trong người tài điều hành đất nước thì Việt Nam mới có thể giàu có bền vững được.
Tỷ như nếu có người tài tử tế, lúc khoán thuế cho buôn gánh, bán bưng, cho những người thợ sửa xe lề đường như tôi…, thì người tài ấy cũng biết phải sử dụng tiền thuế thu được ra sao cho bù đắp an sinh thỏa đáng với bà con nước mình. Bởi biết chi ngân sách cho phúc lợi xã hội, tất yếu sẽ thúc đẩy công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân trong xã hội phát triển…
Phóng viên : Cảm ơn ông. Chúc ông sức khỏe và sớm trở lại làm doanh nhân.
Nhóm phóng viên
Nguồn : VNTB, 27/12/2018