Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong thời gian lễ hội Tết vài năm qua, miền Bắc rộ lên những hình ảnh bị cho là quá bạo lực trong khi thực hiện các nghi lễ truyền thống. Hình ảnh một chú lợn được mang ra giữa làng, người đại diện cầm thanh đao thật dài chặt ngang mình nó, máu lợn được dân làng cầm tiền nhúng vào để lấy may mắn làm cho nhiều tổ chức văn hóa thế giới lên án vì quá dã man trong một nghi thức được xem là văn hóa.

chem1

Trò chơi cờ người trong một lễ hội mùa xuân hàng năm tại đình làng Triều Khúc, Hà Nội vào ngày 16 tháng 2 năm 2016. AFP photo

Những hành động dã man

Năm nay người dân cả nước lại được xem những khúc phim video quay cảnh treo cổ chú trâu lên cây đến chết rồi sau đó dân làng xẻ thịt chia nhau. Hình ảnh con vật hiền lành dãy giụa khi bị xử tử đã gây không ít giận dữ trong dư luận và hàng ngàn ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy sự không đồng tình ngày càng cao và hầu như mọi ý kiến đều lên án một cách gay gắt, đôi khi đi tới chỗ cực đoan, đạp đổ.

Chưa hết, con trâu vốn là bạn của người nông dân từ nhỏ cho tới khi chết già, bị đem ra giữa làng cột chặt vào cột, một người cầm rìu bổ thằng vào sọ của nó. Trong khi còn đang loay hoay với chiếc lưỡi rìu trong óc, con vật đáng thương tiếp tục bị một người làng cầm rựa chặt phăng sợi gân chân khiến nó sụm xuống và lết trên mặt đất trước khi tắt thở. Hình ảnh gây sốc này không thể biện minh bằng bất cứ ngôn ngữ nào trong thời đại mà loài người cấm kỵ hành hạ những vật nuôi, kể cả con vật ấy được dùng vào việc giết thịt.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa đang công tác tại Viện Khoa học xã hội miền Trung và Tây Nguyên, tại Đà Nẵng cho biết :

Thật ra những lễ hội nó có những tính chất cá biệt như là chém lợn hoặc là treo cổ trâu. Ngay cả tại Tây nguyên những lễ hội ăn trâu thì đó là những lễ hội mang tính tiều vùng hoặc từng địa phương của làng thật ra nó không có gì mang tính man rợ cả. Trên thế giới có rất nhiều lễ hội liên quan đến việc sát sinh như lễ hội tàn sát cá voi ở Nhật chẳng hạn. Hoặc là ở vùng Bắc Âu cũng có lễ hội liên quan đến giết cá voi. Thật ra nó liên quan đến tín ngưỡng cổ xưa người ta dùng những con vật ấy làm vật hiến trưng, thay thế cho con người. Về truyền thống thì vật hiến trưng chết thế cho con người. Đấy là một cách lý giải. Cách lý giải thứ hai nó có tính chủ quan của các nhà nghiên cứu đó là những con vật ấy có tính thông linh giữa con người với trời đất tổ tiên.

Truyền thông

Báo chí là nơi lan truyền tất cả những hình ảnh không đẹp về cung cách tham gia lễ hội của quan chức và người dân. Trong những lễ hội có tính cách tâm linh như giật phết, xin ấn, hay ban phát lộc đã cho thấy hình ảnh những con người chồng đạp lên nhau để giành giật những thứ chỉ có ý nghĩa biểu tượng. Tất cả cách hành xử này đi tới kết luận của người quan sát rằng nền văn hóa lễ hội của Việt Nam đặc biệt tại miền Bắc đã tiến tới tận cùng của sự tha hóa nhân cách và điển hình cho sự tàn ác tiềm ẩn trong dân chúng.

VIETNAM-LUNAR-NEWYEAR-FESTIVAL

Nam thanh niên Việt Nam tham gia lễ hội cướp phết hàng năm ở Phú Thọ hôm 20/2/2016. AFP photo

Nhận xét vai trò báo chí truyền thông trong cách đưa tin, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho biết :

Câu chuyện ấy nó sẽ không là cái gì cả, không thành vấn đề nếu như nó chỉ trong phạm vi thôn làng thôi, thế nhưng trong câu chuyện này nó liên quan tới sự thổi phồng của báo chí. Nó liên quan đến việc can thiệp từ phía chính quyền. Liên quan đến sự dòm ngó, hiếu kỳ của số đông và bình phẩm từ bên ngoài để nó trở thành một vấn đề xã hội. Tuy nhiên những tục tranh cướp này khác trong những hội có tính chất mô phỏng lại việc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên hay giữa các thể lực xã hội với nhau thì nó có từ xưa chứ không phải bây giờ mới có. Đặc biệt là với thông tin nhanh nhạy của các phương tiện nghe nhìn, rồi Internet thì nó trở thành những câu chuyện xã hội mà đôi khi người ta phê phán nó với cách phê phán của người ngoài cuộc.

Cá nhân tôi thấy rằng chuyện ấy cũng không có gì quá đáng cả, chuyện ấy hết sức bình thường. Tố cáo nó vô văn hóa là như thế này. Cái chính là những phương tiện mới phát sinh gần đây như tranh cướp ấn, tranh cướp lộc hay tranh cướp những linh vật trong các lễ hội như Hội Đền Gióng chằng hạn... những cái đó thật đáng phê phán. Tiến sĩ Trần Trọng Dương có viết một bài cho rằng đây là cuộc khủng hoảng các giá trị nhân văn và tôi cho rằng đây là một quan điểm rất đúng.

Khi chúng ta nhìn vào những gì mà báo chí gọi là tiêu cực hiện nay thì nó không hẳn hoàn toàn là tiêu cực và ta cần có một cái nhìn khách quan hơn. Với tư cách là một nhà nghiên cứu tôi nghĩ chúng ta cần khách quan trong việc nhìn nhận cái nào là cái tiêu cực, nó bắt đầu từ sự khủng hoàng giá trị nhân văn như Tiến sĩ Trần Trọng Dương nói mà chúng cần được phê phán. Cái gì là hiệu ứng số đông, phản cảm vô văn hóa... còn những cái gì liên quan đến tín ngưỡng của buôn làng, của cộng đồng có liên quan tới truyền thống cổ xưa thì người ta cần xem lại cách quản lý của nó dựa trên pháp luật. Quản lý nó phải dựa trên pháp luật chứ không phải dựa những phê phán hay dựa vào hiệu ứng số đông.

Sẽ không tái diễn ?

Về mặt nhà nước, vai trò của các cơ quan văn hóa đã tỏ ra trách nhiệm khi UBND tỉnh Yên Bái ra lệnh cấm tục lệ treo cổ trâu trong những lần tới. Lễ hội chém lợn cũng bị ngay tại địa phương phản ảnh và người dân đã không còn tổ chức giữa làng như mọi năm mà khoanh vùng lại ở một nơi kín đáo hơn.

chem3

Người dân đi lễ chùa trong ngày năm mới. Ảnh chụp tại một ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/3/2016. AFP photo

Nói về việc cấm đoán Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho biết :

Trong tất cả các bộ luật ấy thì chúng ta cần những tiêu chí rõ ràng cái nào nó phù hợp với những tiêu chí văn minh nhân loại cái nào phù hợp với nguyên lý cơ bản của quyền con người, cái nào phù hợp với nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên thì chúng ta được phép bảo vệ, tôn vinh còn cái gì vi phạm những cái đó thì nhà nước phải đưa ra cái bộ luật quản lý cho phép hay không cho phép. Đấy là cái điều rất quan trọng

Các bộ luật Việt Nam hiện nay liên quan đến lễ hội liên quan đến chấp hành văn hóa tâm linh và liên quan đến các quyền con người về cơ bản nó còn nhiều lổ hỗng và chính vì thế cho nên đôi khi chúng ta phê phán không dựa trên các cơ sở về quyền con người hay các cơ sở luật pháp mà chủ yếu dựa vào cảm tính và hiệu ứng số đông đấy là những gì đang diễn ra tại Việt Nam

Một tin khác có lẽ quan trọng và ý nghĩa nhất lại xảy ra trên Tây nguyên khi có tới 90 làng của tộc người Cơ Tu bỏ tục đâm trâu, mặc dù truyền thống này không thể thiếu trong văn hóa của họ hàng trăm năm qua.

Người Cơ Tu tuy đâm trâu vào dịp lễ nhưng cách mà họ tổ chức đâm trâu khiến cho người Kinh phải tham khảo và nhất là các chuyên gia nghiên cứu văn hóa lễ hội khó thể xem đây là hình thái bạo lực qua cách mà họ đối xử với con trâu trước khi bị đâm giữa làng.

Theo báo Tuổi Trẻ ghi lại thì "đêm trước lễ đâm trâu người Cơ Tu thường làm lễ Nơơi, tức là lễ khóc tế trâu. Các cụ già thức đến sáng để khóc tế con trâu của mình. Nội dung tế trâu là nói lên câu chuyện đời ẩn uất, đau xót, khổ ải, cả đời lam lũ vẫn nghèo khó...

Cũng theo Tuổi Trẻ thì "khóc tế trâu là thể hiện lòng yêu thương con người với con người, thương trâu cả đời cực nhọc nay phải hiến xác thịt cuối cùng cho con người. Thường 5-6 người ngồi khóc tế thương tiếc trâu bên ngọn lửa cháy giữa sân làng với tiếng trống ngắt nhịp 1-2-1 đến khi trời sáng".

Người Kinh không có những nghi thức tế nhị và nhân văn như thế. Con trâu bị treo cổ, bị bổ vào đầu bị chặt nhượng chân trong tiếng cười nói ồn ào phấn khích của đám đông, không ai để ý tới sự đau đớn của nó huống chi lòng biết ơn sự trắc ẩn công lao của nó đối với vựa thóc nhà mình.

Nhận xét về điều này Tiến sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ :

Việc phê phán văn hóa hay phê phán hiện tượng phản cảm vô văn hóa thì tôi luôn nghĩ rằng nó mang dấu ấn chủ quan. Cái mà mình cho là phản cảm thì cộng đồng người ta lại nghĩ khác. Cần những tiêu chí rõ ràng và cách quản lý lễ hội mà dựa trên luật pháp thì chúng ta phải đặt ra tiêu chí thế nào là phản cảm, Thế nào là những tiêu chí thuộc về văn hóa mà được phép thực hành còn những cái gì không thuộc tiêu chí văn hóa, tiêu chí quốc tế thì chúng ta không được phép thực hành.

Câu chuyện thứ ba mà tôi muốn nói đến là chúng ta nhìn nhận vấn đề dưới góc độ người Việt hay dưới góc độ của phương Tây thì chúng ta đều phải dựa trên một tiêu chí rất cơ bản đó là tiêu chí quyền về văn hóa, tiêu chí về nhân quyền. Trong 5 cái quyền cơ bản của con người có cái quyền về văn hóa. Nhà nước trước đây cấm các quyền văn hóa liên quan đến tâm linh thì chúng ta phê phán họ là vi phạm nhân quyền. Thế bây giờ nhà nước cho phép thực hành tái tạo hoặc là tái thực hiện lại quyền văn hóa tâm linh. Từ khi người ta khôi phục lại hoặc sáng tạo hay khôi phục nhân bản thì chúng ta lại cho là thái quá, đẩy từ thái cực này sang thái cực kia và rồi chúng ta nghĩ đến chuyện cấm. Ta quên điều này cấm hay không cấm anh phải dựa trên vấn đề rất cơ bản đấy là cái quyền về văn hóa của cá nhân và của các cộng đồng.

Câu chuyện đang đặt ra ở đây theo quan điểm của tôi thì chúng ta phải xác định, trước hết chúng ta phải tôn trọng cái quyền văn hóa. Thứ hai nữa không phải nhà nước cấm hay không cấm mà nhà nước phải dựa vào cái hệ thống luật pháp liên quan đến di sản, liên quan đến văn hóa, liên quan đến việc thực hành văn hóa.

Nhìn ở một khía cạnh khác về văn hóa, không thể kết luận đám đông một cách tùy tiện mà nên xem xét nội dung cùng ý nghĩa thật sự phía sau những nghi thức dã man khó chấp nhận trong thế kỷ 21, khi con người văn minh và tiếp cận nhiều hình ảnh nhân đạo hơn đặc biệt là đối với súc vật, không riêng một loại nào.

Theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, người ta cần xem xét lại từng góc cạnh của vấn đề và đừng nên dựa vào cảm tính, ông chia sẻ :

Điều quan trọng nhất ở đây là nó luôn luôn dựa vào cảm tính. Nó luôn luôn chủ quan của người viết hoặc người quan sát và khi nó đưa ra rồi thì phản ứng của số đông bắt đầu hình thành lên những nhóm khác nhau nhưng người ta quên mất một điều rằng là những nhóm ấy nó chưa phải là đại diện cho bất kỳ một cái gì có tính cách chính thống cả nó chỉ là các nhóm xã hội không chính thức. Điều nó hơi bất cập ở Việt Nam đôi khi từ phía nhà cầm quyền lại dựa vào hiệu ứng số đông. Người ta quên mất là nhà cầm quyền điều hành đất nước phải dựa trên hiến pháp, luật pháp và hiến pháp luật pháp ấy phải phù hợp thông lệ quốc tế, nó phải phù hợp tuyên ngôn về nhân quyền và công ước quốc tế về quyền con người.

Cả hai thái độ đều có mặt tích cực và tiêu cực. Lựa chọn đúng bao giờ cũng khó khăn nhất là cho một hướng hành xử hợp lý về văn hóa truyền thống trong lễ hội, điều mà xã hội cần vài trăm năm để định hình không lẽ chỉ một vài năm để tiêu diệt hay cải cách chúng, nhất là những phạm trù tâm linh đầy tranh cãi ?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Nguồn RFA tiếng Việt, 11/02/2017

Additional Info

  • Author Mặc Lâm
Published in Diễn đàn