Việt Nam nên cứu xét đứng đơn kiện đơn lẻ, bên cạnh kiện tập thể Trung Quốc về xâm phạm chủ quyền ra Tòa án quốc tế
Trước các sự kiện mà Trung Quốc bị cho liên tục có các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam một cách có hệ thống, mà gần đây là đưa tàu nghiên cứu, được tháp tùng bằng nhiều tàu bè và lực lượng khác, vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền, quyền tài phán và thuộc vùng đặc quyền kinh tế, từ Sài Gòn, luật gia Hoàng Việt, nhà quan sát an ninh Biển Đông và khu vực, nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do về biện pháp mà ông cho là khả thi và căn cơ để Việt Nam nay có thể cân nhắc đối phó.
Đội tàu 'khảo sát đại dương' của Trung Quốc ở Biển Đông có thực sự hoạt động 'nghiên cứu' ? - Ảnh minh họa Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc. Ảnh : Global Security
Trước tiên, ông đánh giá về diễn biến gần nhất với các động thái của ‘tàu nghiên cứu’ Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vừa hoạt động nhiều ngày liền ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam mà Bắc Kinh bị cho là ngang nhiên tuyên bố là khu vực ‘thuộc quyền tài phán’ của Trung Quốc :
"Thực ra việc này chắc chắn là việc không tốt, điều không tốt thứ nhất là họ thách thức luật pháp và họ thách thức quyền chủ quyền của Việt Nam. Đối phó lại việc này cũng rất khó, bởi vì những quốc gia có tiềm lực hải quân và tiềm lực biển mạnh mới ngăn cản được Trung Quốc, hầu hết các nước Đông Nam Á không làm được, trong đó kể cả các quốc gia có hạm đội hải quân khá hùng mạnh ở Đông Nam Á như là Malaysia hay là Indonesia đã phải chấp nhận việc Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ. Câu chuyện tàu Hướng Dương Hồng 10 này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) không chỉ của Việt Nam, mà trong năm nay, Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc quyền của bốn quốc gia, đó là Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines, chứ không riêng gì với Việt Nam.
Thế nhưng tàu Hướng Dương Hồng 10 là tàu đa chức năng, nó không chỉ có chức năng đơn giản là nghiên cứu khoa học, nên việc để Trung Quốc nắm được những thông tin về mặt địa chất, địa lý ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải là điều tốt, nó vừa thách thức quyền chủ quyền, thách thức luật pháp quốc tế và đương nhiên nó đạt được nhiều mục đích của Trung Quốc. Và chưa kể Trung Quốc có thể đặt một số vận dụng nào đó dưới biển và sau đó họ rêu rao rằng họ đã có những hoạt động ở vùng biển đó từ rất lâu và không có quốc gia nào phản đối, như cách mà họ đã làm với ‘đường lưỡi bò’ (yêu sách bản đồ đường 9 đoạn), thì điều này cũng rất khó khăn cho quốc gia ở ven biển tại khu vực Đông Nam Á, như Việt Nam".
Tàu Xiang Yang Hong 10 rời vùng biển Việt Nam hôm 5/6/2023. Twitter/RayPowell.
Một thực tế khó khăn
Về đối sách với Trung Quốc trong việc này, nhà nghiên cứu, luật gia Hoàng Việt nói :
"Về đối sách, như đã nói là rất khó khăn, và dường như các quốc gia ở Đông Nam Á đang phải chấp nhận một thực tế là cam chịu tàu của Trung Quốc có thể xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình bất kỳ lúc nào nếu Trung Quốc muốn...
Để chống lại điều này có nhiều yếu tố. Một là phải xây dựng một lực lượng chấp pháp trên biển mạnh mẽ, bởi vì Trung Quốc vẫn đang sử dụng một thứ gọi là ‘dưới ngưỡng của chiến tranh’, cho nên hải quân không thể tham gia được, nếu có sự tham gia của hải quân thì khác nào sử dụng vũ lực trong luật quốc tế, và như vậy có thể tạo cớ cho Trung Quốc có thể có những hành động căng thẳng, mà đối với tiềm lực hải quân, có lẽ là hầu như tất cả các quốc gia Đông Nam Á cũng chưa chắc so sánh được, tức là tiềm lực này của tất cả các nước Đông Nam Á hợp lại, chưa chắc sánh được với Trung Quốc. Cho nên đấy cũng là một điều phải nên tránh. Do đó phải xây dựng một lực lượng chấp pháp trên biển, mà trong đó cụ thể là lực lượng cảnh sát biển.
Đối với Việt Nam có hai lực lượng quan trọng, đó là cảnh sát biển và kiểm ngư, nói chung là cảnh sát biển Việt Nam cũng được đầu tư khá nhiều, nhưng số lượng tàu gần như rất ít, Việt Nam có nhận được một số tàu (tuần tra) của Mỹ lớp Hamilton đã qua sử dụng và trao tặng cho Việt Nam, tốc độ với lượng choán nước cũng thấp, nên để theo đuổi được các tàu của Trung Quốc trên khu vực này cũng rất khó khăn. Do đó về lâu dài, cần xây dựng một lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư mạnh hơn, để có thể đeo bám được những đoàn tàu này của Trung Quốc và khiến cho họ phải rời ra, rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà không xảy ra một cuộc xung đột về quân sự.
Chưa kể là bốn quốc gia mà tôi có nhắc tới là Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam cũng có thể hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Hiện nay mỗi quốc gia đều có lợi ích của riêng mình, có lẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines tương đối tốt đẹp hơn và gắn chặt hơn, còn lại với hai quốc gia khác là Malaysia và Indonesia, có lẽ vẫn chưa có những hoạt động chung. Và nếu bốn quốc gia này có hoạt động chung, có những sự sát cánh với nhau, thì đó cũng là một đối trọng tương đối không nhỏ đối với những hoạt động của Trung Quốc".
Đi tìm đối sách pháp lý
Sau khi đề cập bức tranh chung về tình hình an ninh Biển Đông và quan hệ được cho là khá phức tạp giữa các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Hoàng Việt chia sẻ với RFA Tiếng Việt về khả năng Việt Nam và các bên đi tìm đối sách, ông nói :
"Thêm nữa, có lẽ trừ Philippines đã từng sử dụng biện pháp pháp lý, đó là khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài, theo phụ lục 7 của Công ước về luật biển Liên Hiệp Quốc, vào năm 2013 và phán quyết năm 2016, ba quốc gia còn lại là Việt Nam, Malaysia và Indonesia vẫn còn rất rụt rè trong việc sử dụng công luận quốc tế và đặc biệt là các tòa án quốc tế trong việc tố cáo Trung Quốc.
Để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phải sử dụng công luận quốc tế, mà không chỉ chạy theo Trung Quốc, vì hầu hết các quốc gia Đông Nam Á vẫn chạy theo Trung Quốc, Trung Quốc đưa ra kế hoạch như thế nào, họ phải chạy theo để đối phó với Trung Quốc, mà có thể phải chủ động hơn, mà muốn chủ động hơn như thế, biện pháp hòa bình tốt nhất có thể là khởi kiện ra tòa để tố cáo Trung Quốc không có tính chính danh, mà vi phạm luật pháp quốc tế.
Và điều này cũng đánh một đòn rất lớn, nếu như chỉ trong một vụ Philippines kiện Trung Quốc thôi, Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều về hình ảnh, mà nếu bốn quốc gia, trong đó ba quốc gia nối tiếp mà tôi có nhắc tới, cùng khởi kiện Trung Quốc ra tòa thì có lẽ sẽ tạo ra một làn sóng rất mạnh, và đó cũng là một điều mà các quốc gia Đông Nam Á cần phải suy nghĩ trong đối sách với Trung Quốc".
Hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2023. Marine Traffic/RFA
‘Kiện tập thể’ cụ thể nên ra sao ?
Khi được hỏi, nếu lựa chọn phương án kiện tập thể với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, được cứu xét tiến hành như gợi ý ở trên, thì vụ kiện cần được đưa ra tòa án quốc tế nào, nội dung và cách thức cụ thể ra sao, luật gia Hoàng Việt nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Đơn giản nhất, đương nhiên Trung Quốc đã không chấp nhận tất cả biện pháp đưa ra bên thứ ba, trong đó có tòa án, nên Việt Nam, Malaysia và Indonesia có thể học Philippines trong trường hợp là sử dụng Tòa Trọng tài theo phụ lục của Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc. Chẳng hạn trong trường hợp tàu Hướng Dương Hồng 10 khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khi mà ngày 25/5/2023, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu đoàn tàu của Trung Quốc ‘phải rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam’, thì người phát ngôn của phía Trung Quốc bảo rằng ‘đây là hoạt động nghiên cứu khoa học rất bình thường trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc’, như vậy nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Ở đây, tôi ví dụ Việt Nam có thể đưa vụ việc ra một Tòa Trọng tài theo phụ lục 7 của Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc, mà tòa này thì dù Trung Quốc có chấp nhận hay không chấp nhận ra tòa, cũng không phải là vấn đề quyết định, như trong trường hợp của Philippines chúng ta đã thấy rất rõ điều đó.
Và Việt Nam có thể yêu cầu tòa giải thích, thứ nhất là những con tàu như là tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vào gọi là ‘nghiên cứu khoa học’, thì có thực sự là nghiên cứu khoa học và có vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo các quy định của Công ước Luật biển hay không, đó là điều thứ nhất.
Thứ hai là Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc có ‘quyền chủ quyền và quyền tài phán’ tại đây, thì trong một phán quyết trước đó, tức là năm 2017, Tòa đã tuyên bố tất cả những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa đều không được gọi là đảo, mà chỉ cao nhất là đá, là ‘rock’ chứ không phải là ‘island’, cho nên sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa, và việc mà Trung Quốc khẳng định rằng họ có ‘quyền chủ quyền và quyền tài phán’ đối với ‘vùng đặc quyền kinh tế’ ở đấy, thì điều đó có hợp pháp, hay không hợp pháp ?
Ví dụ như những việc đó có thể đánh vào tính chính đáng của Trung Quốc, xem những tuyên bố của Trung Quốc có phù hợp với luật quốc tế hay là không, khi mà Trung Quốc là một thành viên của Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc và Trung Quốc luôn cho rằng họ là một quốc gia có trách nhiệm đối với quốc tế, trong đó có tôn trọng luật pháp quốc tế".
Phối hợp lập trường, khó dễ thế nào ?
Khi được hỏi trong một vụ kiện tập thể như vậy, Việt Nam và các bên khác, như được đề cập và gợi ý là Malaysia và Indonesia, có thể phối hợp lập trường và phối hợp nội dung khởi kiện ra sao, và điều đó có ‘khó, dễ’ ra sao tại thời điểm hiện nay, ông Hoàng Việt đáp :
"Có thể kiện tập thể, nhưng mỗi quốc gia cũng lại có thể kiện riêng. Trong luật cũng cho phép rằng một quốc gia có thể đứng ra kiện, và các quốc gia khác có thể tham gia, gọi là "intervene", vào vụ kiện. Chuyện này là bình thường.
Trong trường hợp đó có thể là kiện tập thể, nhưng tốt nhất là trong bốn quốc gia này, mỗi quốc gia đều mang những vấn đề của mình yêu cầu Tòa giải quyết, bởi vì nói cho cùng hiện nay những khu vực biển mà Trung Quốc xâm phạm vào, mỗi một quốc gia lại khác nhau.
Ví dụ như tại Malaysia, khu vực bãi Luconia, đối với Việt Nam thì liên quan khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn (hay bể Nam Côn Sơn) và một phần có thể liên quan khu vực Bãi Tư Chính, còn đối với Indonesia, Trung Quốc hay xâm phạm vùng Bắc Natuna của họ. Vậy thì mỗi quốc gia này có thể đưa một vụ kiện riêng lẻ của họ, không nhất thiết phải đưa ra những vụ kiện tập thể, hoặc là các quốc gia có thể phối hợp với nhau trong trường hợp đó. Điều này cũng tùy, tùy mỗi quốc gia, nhưng khả năng kiện tập thể cũng rất khó, do lợi ích của mỗi quốc gia khác nhau và Trung Quốc sẽ tìm cách để can thiệp.
Cho nên khả năng là mỗi nước sẽ yêu cầu Tòa có phán quyết về từng vụ cụ thể, như vậy sẽ rõ ràng và tốt hơn và đương nhiên việc mỗi quốc gia yêu cầu Trung Quốc ra tòa như vậy cũng khiến ảnh hưởng rất lớn hình ảnh của Trung Quốc trước trường quốc tế".
Khi được hỏi về độ sẵn sàng của nhà nước Việt Nam hiện nay đối với phương án khởi một vụ kiện dù là đơn lẻ, hay tập thể như gợi ý ở trên ra sao, ông Hoàng Việt nói :
"Về kiện tập thể, năm 2013 khi Philippines khởi kiện, Việt Nam cũng đã tính tới chuyện có thể tham gia hay không. Nhưng đương nhiên giữa Việt Nam và Philippines cũng có nhiều khu vực chồng lấn, cho nên Việt Nam quyết định không tham gia vụ kiện đó.
Còn về khả năng, cách đây vài năm như chúng ta còn nhớ, trong một Hội thảo về Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc đó, ông Lê Hoài Trung cũng đã có một bài phát biểu đề dẫn, trong đó nhắc tới việc là Việt Nam có thể sử dụng biện pháp pháp lý.
Và năm 2019, khi Trung Quốc có những hành động xâm phạm khu vực bồn Nam Côn Sơn mà nhiều cơ quan báo chí hay còn gọi là sự kiện Bãi Tư Chính, mặc dù nó không liên quan đến nhau, Việt Nam cũng đã xem xét khả năng phải khởi kiện Trung Quốc.
Cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc cũng đã hiểu được chuyện này, Trung Quốc biết rằng không nên vượt quá lằn ranh đỏ đối với Việt Nam và các nước ở khu vực Đông Nam Á, cho nên Trung Quốc một mặt muốn đạt được mục tiêu của mình, nhưng một mặt khác không làm căng đến mức để các quốc gia đó phải khởi kiện Trung Quốc, bởi vì để các quốc gia này quyết định khởi kiện Trung Quốc, thì khi mà phải căng thẳng giống như là khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 năm 2014 vào Việt Nam, thì khả năng kiện đó lớn hơn, cho nên Trung Quốc đã tránh trường hợp đó.
Và họ đã làm một cách căng hơn, nhưng không tới mức để các quốc gia ASEANn có thể đồng loạt chống lại Trung Quốc, và chúng ta đã thấy qua phản ứng của các quốc gia Malaysia, Indonesia và Việt Nam trong thời gian qua và đặc biệt trong tháng Tư và tháng Năm năm 2023, ba nước này đã hết sức kiềm chế trong việc làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc, là bởi vì chắc có lẽ ba quốc gia này cũng cảm thấy vai trò của Trung Quốc quan trọng, đặc biệt về kinh tế, đối với khu vực Đông Nam Á, cũng như là trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn ra và những điều bất an khác vẫn đang ngự trị trong tâm trí của những quốc gia nhỏ và vừa.
Cho nên họ vẫn đang thận trọng, chính vì vậy khả năng khởi kiện vẫn có thể, nhưng có lẽ nó còn phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc, nhưng cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc đã rút kinh nghiệm, họ không làm căng tới mức các quốc gia này phải khởi kiện, đó cũng là một vấn đề đặt ra cho các nhà lãnh đạo ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam".
---------------------------
Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng từ Sài Gòn của ông Hoàng Việt, luật gia, nhà nghiên cứu pháp lý và an ninh Biển Đông và khu vực, ông cũng là thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ở phần tiếp theo của cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhà nghiên cứu này bình luận và phân tích sâu thêm về phương án Việt Nam có thể tận dụng Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) và văn phòng Đại diện Tòa này tại Việt Nam ra sao, cũng như bình luận về các khía cạnh khác về mặt chuẩn bị các yếu tố nội lực, trong đó có dư luận trong nước thế nào, nếu và khi Việt Nam quyết định cân nhắc một hành động pháp lý chính thức chống lại các yêu sách và hành vi được cho là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, mời quý vị đón theo dõi.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 09/06/2023