"Nếu nhìn vào nhóm trung lưu là các doanh nhân, nhân viên công ty, nhóm dân doanh và các tiểu thương, những người làm việc trình độ cao bên ngoài khối nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội, nhóm này có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, có một thực trạng là việc xây dựng Đảng ở nhiều nơi kinh tế phát triển đang gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển Đảng trong nhóm dân số ngày càng khá giả là vấn đề thực tiễn đang đặt ra" – ông Bùi Quang Hiệp, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã nhìn nhận như vậy.
Giới làm ăn thành đạt, khá giả, có địa vị xã hội, người làm việc trình độ cao có lý do gì để vào Đảng ?
Vào Đảng để được thăng quan tiến chức ?
Ông Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân – cho rằng nhóm trung lưu hiện nay rất đa dạng, và thậm chí rất trẻ. Họ có thể là một người làm tự do, chủ cửa hàng dân doanh, chủ một trang trại, một chuyên gia trang điểm, một người viết phần mềm tại nhà, hay thậm chí là một YouTuber (người sản xuất nội dung trên mạng xã hội)…
Tầng lớp trung lưu tăng lên cho thấy kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển. Số lượng tầng lớp trung lưu sẽ lên tới hàng chục triệu người, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, tiêu dùng, dẫn dắt nền kinh tế. Ông Hoàng Văn Cường cho rằng với số lượng lớn như vậy, việc phát triển Đảng trong nhóm dân cư này là một vấn đề thực tiễn đang đặt ra và cần có sự quan tâm đúng mức.
"Tôi không vào Đảng vì nếu là đảng viên tôi sẽ bị hạn chế về những quyền đã được hiến định" – cựu trưởng văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh của một tờ báo chuyên mảng pháp luật, giải thích.
Theo ông, chỉ cần đơn cử ở điều 1, "Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng ; làm những việc mà pháp luật không cho phép" ở Quy định số 37-QĐ/TW, "Về những điều đảng viên không được làm", cho thấy đảng viên đã bị hạn chế về quyền hiến định tại điều 16.2 là "bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội" của Hiến pháp 2013.
Hiến pháp 2013, điều 28.1 viết rằng, "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước". Vậy thì lẽ nào đảng viên lại không được cái quyền "kiến nghị", nếu như nội dung kiến nghị đó có thể ‘nghịch’ với nghị quyết, quy chế, quyết định của Đảng ?
Vào Đảng sẽ dễ thành những "Nghị gật" ?
Dẫn chứng luôn để tránh bị quy chụp án chính trị cho đoạn viết trên : Bài báo Tranh luận về xử lý cán bộ làm trái luật nhưng không ‘tư túi’ đăng trên báo điện tử Zing news hôm 29/10/2021, thuật lại chuyện đối đáp như sau về vấn đề "xử lý cán bộ làm trái luật" tại thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Góp ý cho kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021/2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận Đảng đã nhận thấy và chỉ ra hết vấn đề chuyển đổi cơ cấu trong nghị quyết, thế nhưng gần 20 năm vẫn không làm được. Theo ông, quá trình hoàn thiện thể chế còn chậm chạp, đại biểu cũng đề nghị làm rõ quan điểm trong quá trình cơ cấu lại.
"Nếu chúng ta không nhất trí quan điểm cho rõ thì rất khó làm, bởi vì làm xong, 5-7 năm sau lại kết luận là sai. Nếu sai vì tiêu cực, vì tham nhũng thì phải nghiêm trị. Nhưng sai vì chính sách, luật pháp thay đổi thì có thể xử lý nếu gây thiệt hại, còn không thì kỷ luật", ông đề nghị.
Ông dẫn chứng trong báo cáo về cơ cấu lại nền kinh tế, giai đoạn 2016/2020 có 234 văn bản, 26 luật các loại được ban hành ; nếu tính cả Quốc hội khóa XIII là 70 luật. Tức là, 10 năm có 100 luật được ban hành. Những văn bản này cũng có thay đổi nên có việc vào thời điểm làm không sai, nhưng vài năm sau luật thay đổi lại thành sai.
Tranh luận về ý kiến này, ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng khi cuộc sống xuất hiện những vấn đề có tính đặc thù, chưa phù hợp với cái chung thì cách giải quyết là trường hợp nào muốn làm trái luật thì xin thí điểm.
"Mình phải có đề án để làm trái chứ không phải không nói gì cả rồi cứ làm, làm trái xong nói ‘vì tôi muốn làm đổi mới thể chế nên không được kỷ luật tôi’ thì không đúng. Tôi nghĩ nên làm rõ cái này, không phải cứ làm trái rồi lấy lý do phát triển", ông Nhân nói.
Thay lời kết
Câu chuyện ở trên giữa hai ông nghị khiến người viết bài này nhớ đến nhớ hồi nhà thơ Bùi Minh Quốc, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng bị kỷ luật, vì Thường vụ Tỉnh ủy ra lệnh nhà thơ phải trở lại tỉnh nhà, chứ không được đi các nơi lấy chữ ký cho một kiến nghị mà Tỉnh ủy không đồng ý.
Khi nhà thơ than phiền chuyện này với thân hữu, có người cắc cớ rằng ai bảo, bác là đảng viên, thì bác phải tuân thủ lệnh cấp ủy của bác. Ai bảo bác vào đảng làm gì ?
Chỉ vài vụ việc như trên thôi đủ để trả lời cho thắc mắc vì sao người làm ăn thành đạt, khá giả, có địa vị xã hội nhưng lại không mặn mà vào Đảng ?
Phạm Lê Đoan
Nguồn : VNTB, 02/11/2021