Ngay sau khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ngày 15 tháng 9 vừa qua tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thụ lý sang các vụ việc liên quan tới những tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu đất đai của người dân trái pháp luật, người dân Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội đã bày tỏ ý định kiện nhà nước Việt Nam ra tòa ICC.
Ý định này có khả năng thực hiện hay không ?
Trịnh Bá Phương và dân oan Dương Nội mong muốn khởi kiện nhà nước Việt Nam - Facebook Trịnh Bá Phương
Một tháng trước đây, vụ kiện thế kỷ của doanh nhân Việt kiều Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện nhà nước Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế ở Paris với lý do chính phủ Việt Nam đã không thực hiện các cam kết mà hai bên đã thỏa thuận ngoài tòa năm 2006 trong vụ kiện lần đầu, đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Chưa thể biết hình ảnh ông doanh nhân tươi cười đưa cao hai tay làm biểu tượng Victory (chiến thắng) khi bước ra khỏi tòa có phải là ẩn ý cho sự thắng kiện hay không, nhưng có thể thấy trên một số trang mạng xã hội của người Việt Nam sau đó, đã xuất hiện những bàn cãi về khả năng kiện nhà nước Việt Nam liên quan đến đàn áp nhân quyền, tự do tôn giáo.
Những người dân phản đối cưỡng chế đất Facebook Trịnh Bá Phương
Đặc biệt đến ngày 15 tháng 9, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thụ lý sang các vụ việc liên quan tới những vấn đề khác, trong đó có "trưng thu đất đai của người dân trái pháp luật", thì người đầu tiên đề xuất ý định này chính là những người dân Dương Nội, đại diện là ông Trịnh Bá Phương, con trai của dân oan, tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu.
"Sau vụ án của Trịnh Vĩnh Bình, thì tôi được biết luật pháp quốc tế qui định bao gồm các cấp, quận, huyện và tỉnh thành mà sai phạm thì người đứng đầu chính phủ phải chịu trách nhiệm. Cho nên việc ra quyết định cưỡng chế và đàn áp do nhà cầm quyền Hà Nội đã gây ra cho người dân Dương Nội thì chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm".
Từ Dương Nội, Trịnh Bá Phương cho biết thật sự anh và người dân Dương Nội đã có ý định khởi kiện nhà nước Việt Nam từ cuối năm 2015, sau nhiều lần chịu sự đàn áp cưỡng chế đất bất hợp pháp từ chính phủ Việt Nam.
"Trong tất cả các lần tiếp xúc với các đại sứ quán, bao gồm Anh, Úc, Mỹ, Pháp, cũng như các quốc gia dân chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế trong đó có cả Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc sang gặp tôi 20 tháng 10 2015. Trong những lần tiếp xúc đó tôi đều mong muốn nguyện vọng các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền hỗ trợ tôi và người dân Dương Nội trong việc khởi kiện nhà nước Cộng sản ra Tòa Quốc tế".
Điều này được anh Trịnh Bá Phương thay mặt cho người dân Dương Nội bày tỏ với nhà hoạt động nhân quyền Grace Bùi, mong muốn có sự hỗ trợ pháp lý của văn phòng luật sư ICC để tiến hành thực hiện việc khởi kiện.
Khi RFA đề cập đến niềm tin của người dân Dương Nội về vụ khởi kiện bắt nguồn từ vụ án thế kỷ Trịnh Vĩnh Bình, bà Grace Bùi cho biết đó là hai sự việc hoàn toàn khác nhau.
"Ông Trịnh Vĩnh Bình nên nhớ ông ấy không phải người Việt Nam. Đó là một điều mình phải suy nghĩ. Và hai vụ kiện hoàn toàn khác nhau".
Tuy nhiên, mong muốn của người dân Dương Nội cũng đã được bà chuyển lời giúp đến với văn phòng luật sư quốc tế, thuộc Tòa Án Công Lý Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc ICJ.
"Sau cuộc nói chuyện đó thì tôi tìm được một luật sư, là ông Richard J. Rogers, một năm trước đã tiến hành vụ khởi kiện chính phủ Cambodia ra Tòa ICC, vì Cambodia cũng có dân oan.
Tôi biết Việt Nam không phải là một thành viên của ICC do đó không thể kiện được họ. Ông ấy có nói rằng không thể kiện theo kiểu Cambodia được.
Tôi có hỏi ông ấy rằng có cách nào để người Dương Nội kiện được không ? Ông ấy gửi cho tôi 1 văn bản rất dài, trong đó nói là có thể kiện được nhưng không đi thẳng qua Tòa Quốc tế, phải đi vòng vòng và tốn rất nhiều tiền.
Đặc biệt ông ấy nhấn mạnh "Tốn rất nhiều chi phí" (Costs a lot of money). Và ông ấy sẽ không làm free (miễn phí)".
Số tiền cần phải có nếu thực hiện vụ khởi kiện được ước tính khoảng 70.000 USD đến 80.000 USD.
Câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp lý dành cho Luật sư Trịnh Hữu Long, người sáng lập trang Luật Khoa Báo Chí, và ông cho biết khởi kiện nhà nước Việt Nam ra Tòa Quốc tế ICC là "một sự hiểu nhầm của người dân" và khả năng thực thi hoàn toàn không có.
" ể Tòa Hình sự Quốc tế có thể thụ lý 1 vụ án từ Việt Nam thì Việt Nam phải là 1 nước thừa nhận thẩm quyền xét xử của Tòa Hình sự quốc tế.
Việc thừa nhận thẩm quyền xét xử là Việt Nam phải tham gia Công ước Rome về việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế".
Giải thích rõ thêm, Luật sư Trịnh Hữu Long cho biết Công ước Rome là 1 công ước quốc tế. Những quốc gia phê chuẩn Công ước Rome là những quốc gia thừa nhận thẩm quyền xét xử của ICC và công dân của quốc gia đó mới có thể kiện chính phủ của họ ra tòa ICC.
Do đó, ông khẳng định một lần nữa :
"Việt Nam hoàn toàn không phải là thành viên của Công ước Rome nên không có cách nào để công dân Việt Nam có thể kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Hình sự Quốc tế được".
Đó cũng là nhận xét của bà Grace Bùi.
"Đối với tôi, cơ hội không cao. Nói thật như vậy".
Kể lại những lần tiếp xúc với Luật sư Richard J. Rogers về khả năng khởi kiện của người dân Dương Nội, bà Grace Bùi cho biết ông Richard không nói là "không thể".
Câu trả lời của ông là "Có thể làm được mà có thể không"
Trong email phản hồi luật sư Richard gửi cho bà Grace, ông có nói đến vấn đề này :
"Trường hợp khởi kiện của Vietnam phức tạp hơn rất nhiều vì chính phủ Việt Nam không tham gia ký kết ICC. Nhưng vẫn có những con đường pháp lý khác có thể thực hiện.
Trước đây chính tôi cũng đã tiếp xúc với dân oan Việt Nam và đề nghị giúp đỡ. Tuy nhiên tôi không phải là tổ chức NGO và chính vì thế tôi làm việc phải có chi phí tranh tụng. Và họ đã không có khả năng kêu gọi quỹ hỗ trợ".
(For Vietnam it's more complicated as it has not signed up to the ICC. But there are other legal avenues that can be explored.
I was in touch previously with Vietnamese dissidents and offered to help. However I am not an NGO and therefore require funds. They were not able to raise the funds)
Theo Luật sư Trịnh Hữu Long, chỉ có một cách duy nhất dành dân oan Việt Nam có thể kiện nhà nước Việt Nam ra Tòa Quốc tế :
"Ví dụ như có một nhà đầu tư nước ngoài nào đó đến đầu tư ở Việt Nam, trong quá trình đầu tư có tiến hành cưỡng chế đất.
Nhà đầu tư đó lại là nhà đầu tư của một nước đã phê chuẩn công ước Rome rồi, thì công dân Việt Nam có thể kiện nhà nước Việt Nam ra tòa quốc tế được.
Nhưng ngay cả khi kiện cũng chưa chắc là tòa án thụ lý vì tòa quốc tế chỉ thụ lý những vụ đặc biệt nghiêm trọng".
Khi được hỏi về tất cả những khó khăn trong việc khởi kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Hình sự quốc tế ICC, anh Trịnh Bá Phương, một lần nữa, đại diện cho người dân Dương Nội khẳng định sẽ không bỏ cuộc.
"Dân làng tôi sẽ kiện ra một tòa án khác, không hẳn là tòa La Haye ở Hà Lan. Thông điệp lớn nhất muốn truyền tải với truyền thông là tôi là người dân Dương Nội luôn luôn sẵn sàng ký tên để kiện nhà nước Việt Nam ra Tòa Quốc tế".
Anh Trịnh Bá Phương tin rằng cánh cửa để đưa Việt Nam ra tòa quốc tế, không hẳn La Haye hoàn toàn mở rộng, vì "chúng tôi có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế và sự hỗ trợ vô cùng lớn của cộng đồng hải ngoại và người Việt khắp năm châu luôn hướng về người dân Dương Nội".
Cát Linh
Nguồn : RFA, 26/09/2017
Vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước Việt Nam cách đây hơn 10 năm nay lại làm xôn xao dư luận khi ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định tái khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai tại Tòa án Quốc tế vào ngày 21 tháng 8 tới đây tại Paris.
Ông Trịnh Vĩnh Bình. Courtesy of Trinh Vĩnh Bình
Ông Trịnh Vĩnh Bình đến Hà Lan tháng 9 năm 1976. Từ một thuyền nhân trở thành một doanh gia thành đạt tại Hà Lan với danh hiệu “vua chả giò Hà Lan” trở về nước năm 1990 để đầu tư. Sau 6 năm xây dựng và phát triển sự nghiệp rất thành công. Bất ngờ, ông bị nhà nước Việt Nam ghép vào tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, an ninh Việt Nam đã vào các công ty ông lấy tất cả tư liệu, tài sản. Ông bị tạm giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị kết án 11 năm tù. Năm 2000, ông trốn ra ngoài và vượt biên lần nữa về Hà Lan. Hồi tưởng lại thời gian này, ông Bình tâm sự :
“Cái đó thì phải nói thật là khủng khiếp… Khi phải nói tới đoạn này tôi cảm thấy xúc động. Xúc động vì tôi thấy chính phủ Việt Nam đối xử với một Việt kiều một cách tàn nhẫn như vậy. Tàn nhẫn đến độ người ngoài không thể tưởng tượng được. Trước đây tôi từng đọc những sách về tù cải tạo, nhưng mà riêng về tôi, tôi thấy chuyện này quá khủng khiếp ! Họ cho mình vào một cái phòng thiếu oxy đã được thiết lập sẵn để cho mình ngộp, để mình khủng hoảng, mình sợ để mình ký nhận một cái gì đó có tội mặc dù mình không có tội. Ngoài ra, họ còn dùng còng sắt còng vào hai chân, đến khi đi tiểu đi tiện, mình phải bò lại một lỗ cống chứ không đi được, làm sao đi được ? Họ cũng không cho nước. Thời gian mấy chục năm ở xứ hàn đới (Hà Lan) nếu mà ở một xứ nhiệt đới một ngày không tắm là có thể lên sốt, chết liền ! Đây là những cái khủng khiếp nhất, còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ nói như vậy thôi !”.
Sau khi ra đến hải ngoại, năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ nhất tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế ở Thụy Điển về việc nhà nước Việt Nam vi phạm luật đầu tư, chiếm đoạt tài sản và ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam phải bồi thường trên 150 triệu đô la thiệt hại. Vụ kiện lẽ ra sẽ được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế tại Stockholm, Thụy Điển tháng 12 năm 2006. Tuy nhiên, trước khi vụ kiện được đưa ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế thì nhà nước Việt Nam đã thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình để ký một thỏa thuận tại Singapore năm 2006. Trong thỏa thuận này, về phía nhà nước Việt Nam đã cam kết :
- Việt Nam bồi thường các chi phí phát sinh từ việc theo đuổi phiên tòa
- Miễn án cho ông Trịnh Vĩnh Bình
- Trả lại toàn bộ tài sản cho ông Trịnh Vĩnh Bình
- Tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình trở lại Việt Nam đầu tư
Về phía ông Trịnh Vĩnh Bình :
- Ngưng phiên tòa quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển)
- Không tiết lộ về nội dung thỏa thuận với các cơ quan truyền thông
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã giữ đúng lời hứa là không tiết lộ với truyền thông bất cứ chi tiết nào về thỏa thuận hai bên này và cũng đã trở lại Việt Nam đầu tư với tâm nguyện xây dựng đất nước. Ông chia sẻ :
“Nhưng phải nói là lúc đó tôi còn đặt hết Kỳ vọng là mình trở về mình khôi phục lại. Lúc còn ở Hà Lan, tôi đã có tâm nguyện trở về đầu tư tại Việt Nam. Đang sống vững vàng tại Hà Lan, tại sao lại về cho nó nguy hiểm, cho nó cực ? Vì tôi nghĩ : Lá rụng về cội, lớn tuổi rồi, muốn giúp cho kinh tế khá lên. Cho đến giờ phút này, mình thấy lạ là ở Việt Nam cũng không thấy được họ làm như vậy là họ phá hoại những người có tấm lòng muốn giúp cho quê hương, đất nước”.
Tuy nhiên, bên phía Việt Nam đã không thực hiện đúng như lời cam kết. Vì thế, năm 2014, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định khởi kiện nhà nước Việt Nam lần thứ hai, ông cho biết thêm :
“Có một điểm nhất quán giữa hai vụ kiện là : tôi kiện chính phủ Việt Nam lần thứ nhất là vì lý do đòi bồi thường tài sản, trong đó có vấn đề bồi thường nhân thân : nhốt tôi oan. Khi mà ký thỏa thuận ở Singapore thì chính phủ Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng sau 7 năm trời chính phủ Việt Nam không trả, dù một tài sản nhỏ cũng không trả. Tôi đọc trong một hồ sơ tôi thấy có những điểm rất là tệ. Khi họ đến công ty tôi thì họ ập vào phòng riêng của tôi. Trong đó có mấy cái két sắt, trong đó tôi giữ những đồ cổ do tàu Âu Châu chở đồ sành sứ của Trung Quốc bị chìm ở hòn Cao, đồ sành sứ do tàu chìm, trong đó họ lấy đi 394 món của tôi. Bên Bộ Tư Pháp Việt Nam nói : phần này có thể trả lại cho ông Trịnh Vĩnh Bình nhưng với điều kiện ông phải chứng minh đây là tài sản hợp pháp”.
Công ty Bình Châu của ông Trịnh Vĩnh Bình trước khi bị tịch thu. Courtesy of Trịnh Vĩnh Bình
Rất bất bình trước cáo buộc vô lý này, ông Trịnh Vĩnh Bình nói :
“Tôi không biết họ có còn nhân tính hay không nữa ? Trước khi anh vào nhà tôi, anh muốn lấy một cái chén, một cái ly, một món đồ nào đó thì anh phải chứng minh đó là món đồ phạm pháp, đồ ăn cắp. Còn một khi anh đã lấy đi rồi anh bắt tôi chứng minh là đồ hợp pháp ? Đồ trong nhà tôi là đồ hợp pháp. Chứng minh đó là đồ phạm pháp để lấy đi là trách nhiệm của quý anh. Muốn lấy đồ của người khác đi thì cơ quan công quyền phải chứng minh đó là đồ phạm pháp. Tôi không có trách nhiệm phải chứng minh đó là hợp pháp. Quý vị đã thấy lòng tham lam của quan chức Việt Nam như thế nào. Sự vô nhân tính của họ như vậy. Nói đến đây tôi rất là bức xúc. Từ một chuyện nhỏ quý vị suy ra chuyện lớn, họ chiếm đất đai, nhà cửa. Từ đây tôi là một mốc xích để tôi cảm thấy là phải kiện chính phủ Việt Nam lần thứ 2 !”.
Tháng 4 năm 2014. Ông Trịnh Vĩnh Bình mướn văn phòng luật sư King & Spalding LLP, một văn phòng luật sư lớn tại Hoa Kỳ, kiện Việt Nam ra tòa án Quốc tế. Đây là lần đầu tiên, một cá nhận kiện nhà nước Việt Nam phải vào ghế bị cáo ở tòa án Quốc tế.
Ngày 21/8/2017, tòa án quốc tế sẽ xét vụ án này tại Paris với nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước Việt Nam bồi thường vì :
- Vi phạm luật đầu tư liên quan đến Hiệp thương đầu tư song phương giữa Hà Lan – Việt Nam (BIT)
- Vi phạm Nhân quyền : nhốt người oan sai
Năm 2013, một sinh viên tên Daniel Chong đã được chính phủ Hoa Kỳ bồi thường 4 triệu vì bị bỏ quên trong nhà giam 4 ngày. Với tiền lệ này thì trường hợp của ông Bình, chỉ riêng phần bị giam giữ oan, số tiền bồi thường có thể lên đến trên 700 triệu USD. Nếu góp tất cả các tài sản bị mất mát và các thiệt hại khác thì con số bồi thường có thể lên đến một vài tỉ đô-la. Ông nói :
“Trước nhất, nói đến con số thì cho đến giờ này, không ngoại lệ khi mà giờ cuối chúng tôi tái đánh giá lại tài sản của chúng tôi thì con số mà chúng tôi đòi đã trên 1 tỷ (đô la) rồi. Nhưng quyền quyết định là của tòa án quốc tế. Chúng tôi đòi dựa theo chứng cứ là tài sản đã bị mất của chúng tôi”.
Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng cho biết tổ hợp luật sư đã kết luận về hồ sơ phản hồi gồm 326 trang của bên nguyên đơn như sau :
“Phía luật sư họ kết luận thế này : Trong vụ án của ông Trịnh phía Việt Nam đã vi phạm, có thể nói đã cấu thành nên một trong những nhóm hành vi từ chối xét xử công bằng và vô nhân đạo nhất trong lịch sử luật pháp Quốc tế”.
Theo ông Trịnh Vĩnh Bình, vụ án này nếu thắng, có thể sẽ trở thành một tiền lệ cho các vụ án của hàng trăm ngàn người tù cải tại bị bắt oan sai, bị lừa dối đi tập trung 10 ngày biến thành hàng chục năm tù trong các trại cải tạo khắc nghiệt. Ông nói :
“Điểm này là điểm đương nhiên ! Ở tòa án quốc tế thì luật sư cả hai phía vận dụng những án lệ trước đây của các tòa án quốc tế. Họ vận dụng những vụ vi phạm hoặc không vi phạm để đưa vào tòa án quốc tế. Ở Việt Nam thì dựa vào những chỗ không vi phạm để cãi, còn mình thì dựa vào những chỗ vi phạm. Đương nhiên, khi đưa vụ án ra quốc tế thì trở thành tư liệu về án. Mà khi đã tuyên rồi thì trở thành những án lệ, không thể xóa được, tức là muôn đời không xóa được.
Cái án lệ này sẽ cung cấp cho những trường Đại học Luật, những viện học Luật và những văn phòng luật sư quốc tế, những văn phòng luật họ bắt đầu nghiên cứu, kể cả những người đam mê về luật. Đây có thể nói là một án lệ.
Rồi còn những vị, dù cho tù cải tạo hay là gì đều có những cái tương đồng, những vi phạm, có người bỗng dưng bị bắt. Và chính phủ Việt Nam vi phạm về quyền con người, vi phạm luật pháp quốc tế thì đều có quyền đi kiện. Tập họp lại kiện”.
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nước Việt Nam bị một cá nhân kiện ra tòa 2 lần. Vụ án ngày 21 tháng 8 tới đây sẽ phơi bày ra trước ánh sáng công luận nhiều mảng tối của những vụ tham nhũng, hối lộ, những thủ đoạn chèn ép, lừa đảo, tịch thu tài sản để ăn chia bất hợp pháp của những quan chức công quyền trong chế độ hiện hành.
Tường An, thông tín viên RFA
Nguồn : 108Tv Channel, 12/07/2017