Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có nên chấm dứt việc độc quyền kinh doanh vàng ?

Thới Bình, VNTB, 08/05/2022

Không dễ có câu trả lời nếu như tiếp cận hàng loạt vấn đề khi muốn xóa chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới để qua đó chống buôn lậu vàng thì cách tốt nhất là cho xuất nhập khẩu vàng.

vang1

Dù truyền thông luôn thông tin diễn biến giá thế giới nhưng chỉ cho vui chứ dân nào mua được vàng theo giá thế giới.

Tin rằng giới kinh doanh vàng sẽ hoan nghênh quyết định này. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng có lý khi vẫn hạn chế nhập và bán vàng ra thị trường. Vì khi đó hằng năm phải chi vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ USD/năm nếu xả cảng nhập vàng. Đâu chỉ vậy, vàng nhập về nhiều, giá giảm thấp hơn thế giới, vàng lại bị gom để xuất ngược qua biên giới. Lúc đó không còn nhập lậu mà là xuất lậu vàng, mất ngoại tệ, chênh lệch lại rơi vào túi dân buôn lậu vàng.

Trong khi kinh tế Việt Nam thời gian qua ổn định, giá cả không biến động một phần nhờ tích lũy tăng dần của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Nếu dự trữ ngoại hối mỏng, thiếu ngoại tệ, tỉ giá VND/USD tăng không kiểm soát, giá hàng hóa nhảy múa, lạm phát tăng, người tiêu dùng chịu thiệt.

Phía tổ chức Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (Vietnam Gold Traders Association - VGTA) đưa ra lập luận rằng thị trường vàng trong nước đã ‘đóng cửa’ không nhập vàng suốt suốt gần chục năm nay, không có sự liên thông với thế giới, nên dẫn tới mất cân đối trong cung – cầu là dễ hiểu.

Trong khi đó thì cả ba nước lân cận với Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Đặc biệt tại Lào và Campuchia việc mua bán vàng rất dễ dàng, thuận tiện. "Mỗi năm Campuchia nhập khẩu 40-50 tấn vàng, trong khi dân số chỉ khoảng 15 triệu người. Nguồn cung dồi dào, giá lại rẻ nên các đối tượng sẽ tìm mọi cách để vận chuyển vàng về Việt Nam bán kiếm lời" – số liệu của VGTA cho biết.

Bằng góc nhìn của ‘người trong cuộc’, tổ chức VGTA nới giá vàng ở Việt Nam còn ở mức cao và kéo dài bao lâu thì khó ai có thể biết được. Song dù thế nào cuối cùng thị trường vàng cũng phải có sự liên thông, bởi thị trường vàng trong nước cứ tiếp tục duy trì ở mức giá cao như hiện nay, vấn đề nhập lậu vàng rất dễ sẽ xảy ra. Do đó, Ngân hàng Nhà nước trong tương lai cần cho phép thêm nhiều đơn vị nhập khẩu vàng để giữ ổn định cung cầu, tránh khan hiếm vàng nguyên liệu.

Ý kiến này của VGTA nhận được sự đồng tình với biện luận khi Ngân hàng Nhà nước huy động vàng sẽ tạo ra lượng dự trữ vàng quốc gia lớn hơn, đồng thời kiểm soát được lưu thông ngoại tệ trong nước và hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tỷ giá, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu vàng.

Nhà báo Hồng Thái chuyên mảng tài chính có cái nhìn khác, khi cho rằng về lý thì đúng là không nên hạn chế xuất nhập khẩu vàng. Nhưng đặt lên bàn cân, chưa cho nhập vàng ‘hại ít, lợi nhiều’, lợi cho nền kinh tế, cho mọi người khi tỉ giá VND/USD ổn định, ngoại tệ từ xuất khẩu nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia hơn là nhập vàng về rồi cất trong két sắt nhà dân hoặc tái xuất lậu qua biên giới.

Phản biện lập luận trên của đồng nghiệp, một nhà báo thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo dẫn chứng về thực tế là mấy năm gần đây, mặc dù Ngân hàng Nhà nước không cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các doanh nghiệp vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các doanh nghiệp thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu.

Về mặt quản lý nhà nước thì nhiều khe hở đã hiện ra. Ngân hàng Nhà nước chỉ đấu thầu vàng miếng, không đấu thầu vàng nguyên liệu. Trong khi đó theo thống kê của VGTA, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn.

Vậy thì thực sự ai mới là những ông/ bà chủ lớn đứng đàng sau thị trường vàng nhập khẩu vào Việt Nam kể từ hạ tuần tháng 5/2012, khi có quyết định Ngân hàng Nhà nước độc quyền mua bán vàng ?

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 08/05/2022

**********************

Những trùm buôn lậu vàng ở Việt Nam

Tử Long, VNTB, 08/05/2022

Do giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới cả chục triệu đồng, vênh tới hơn 20% nên các đối tượng buôn lậu đã dùng nhiều thủ đoạn tuồn vàng lậu với số lượng lớn từ Campuchia về Việt Nam để kiếm lợi.

vang2

Một khi giá vàng trong nước và thế giới quá cách biệt sẽ làm tăng nguy cơ buôn lậu vàng.

Theo đó, các hồ sơ liên quan việc buôn lậu vàng cho biết mới đây Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Tây Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố 3 đối tượng : Nguyễn Hoàng Hiếu (32 tuổi), Trần Quốc Tuấn (38 tuổi) cùng ngụ xã Long Thuận, huyện Bến Cầu và Trần Kim Ngọc (54 tuổi) ngụ ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi buôn lậu.

Trước đó, vào ngày 20/1/2022, tại khu vực ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Tây Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra 2 xe ô tô. Khám xét ô tô biển số 51G-858.71 do Đào Mạnh Cường (57 tuổi) điều khiển chở Trần Thị Ánh Loan, lực lượng chức năng phát hiện một túi xách bên trong có 25 kg vàng thỏi, 2 kg vàng nữ trang, 84 miếng vàng 9999 loại một chỉ và 1,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, xe ô tô biển số 52Z-1522 do Trần Châu Chánh Trực (27 tuổi) điều khiển có 29 kg vàng thỏi. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ số vàng trên. Tổng số tang vật công an thu giữ 54kg vàng thỏi, 2 kg vàng nữ trang, 84 chỉ vàng và 1,2 tỷ đồng.

Điều tra bước đầu, 3 đối tượng khai nhận đã móc nối với người Campuchia (chưa rõ lai lịch) mua vàng tại Campuchia với số lượng lớn, sau đó thuê người vận chuyển đến khu vực biên giới để mang tiền đến đổi vàng rồi đem về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Riêng toàn bộ số tang vật vàng công an thu giữ trên là của đối tượng tên Hiếu, chủ tiệm vàng Kim Long có địa chỉ ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh đang trên đường mang giao cho đối tượng Ngọc là chủ tiệm vàng Tuấn Ngọc thuộc thị trấn Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là mẹ vợ của Hiếu, thì bị phát hiện bắt giữ.

Đây là vụ buôn lậu vàng với số lượng lớn mới nhất mà lực lượng công an Tây Ninh phát hiện thời gian gần đây.

Trước đó, ngày 10/1/2022, Công an tỉnh An Giang cũng bắt quả tang và tạm giữ hình sự 2 nghi phạm Nguyễn Thanh Bình 57 tuổi, ngụ thành phố Long Xuyên, An Giang, và Trang Kiến Cường 46 tuổi, ngụ thành phố Châu Đốc, An Giang đang có hành vi mua bán vàng nghi là vàng nhập lậu. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ tang vật gồm : 3 thỏi kim loại màu vàng (trọng lượng 3 kg, nghi vấn vàng 9999 nhập lậu từ Campuchia), gần 170.000 USD và 700 triệu đồng.

Tối cùng ngày, cơ quan điều tra đồng loạt khám xét khẩn cấp tiệm vàng Phước Quang tại số 77 đường Nguyễn Trãi, thành phố Long Xuyên cùng 2 địa điểm khác có liên quan đến nghi phạm Nguyễn Thanh Bình và Trang Kiến Cường. Qua khám xét, công an thu giữ khoảng 15 kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD, một số ngoại tệ khác, 25 tỷ đồng và một số giấy tờ, điện thoại di động có liên quan.

Trước đó nữa, Công an tỉnh An Giang đã triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng buôn lậu vàng và USD. Đơn cử là bắt bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh 52 tuổi, tức Mười Tường và đồng bọn. Quá trình điều tra cho thấy – nói theo ngôn ngữ tường thuật của báo chí viện dẫn từ các báo cáo của cơ quan điều tra, đó là các đối tượng điều hành đường dây buôn lậu vàng thường hoạt động lâu năm trong nghề nên có nhiều thủ đoạn rất tinh vi để che mắt cơ quan chức năng.

Cơ quan công an xác định đối tượng "Mười Tường" cầm đầu các vụ vận chuyển 51 kg vàng, 470.000 USD và 200.000 USD ; buôn lậu hơn 1.000 tấn đường cát từ Campuchia về Việt Nam.

Những vụ án vàng nhập lậu kể trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, vì ngoài đường bộ ra, vàng ‘nhập cảnh’ trái phép còn thông qua cả đường hàng không và đường biển. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng, ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD.

Bảy năm trước, trong một thông cáo phát đi tối 15/4/2015 sau khi báo chí Hàn Quốc đưa tin cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (Dũng 6 – cách phân biệt các phi công trùng tên) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong (Phong 6) đi trên chuyến bay VN426 hành trình Hà Nội – Pusan đã bị hải quan tại sân bay Gimhae, Pusan, Hàn Quốc tạm giữ hôm 10/3, viết : "Thông tin cơ trưởng và tiếp viên của Vietnam Airlines bị cơ quan chức năng Hàn Quốc tạm giữ hôm 10/3 vừa qua vì mang theo vàng là có thực".

Trước đó, theo báo chí Hàn Quốc, cả hai nhân viên hàng không Việt Nam đã bị phát hiện mang 6 kg vàng trong giày mà không khai báo, trong đó cơ quan hải quan sân bay đã phát hiện cơ trưởng giấu 4 thỏi vàng nặng 4 kg và tiếp viên nam giấu 2 thỏi vàng 2 kg trong giày. Bước đầu, hai nhân viên hàng không nói trên khai nhận họ được trả công 250 USD cho mỗi kg vàng vận chuyển thành công, hai người đi cùng một chuyến bay song không biết người kia có giấu vàng…

Tử Long

Nguồn : VNTB, 08/05/2022

**********************

Nhà nước làm giá vàng ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 07/05/2022

Giá vàng thương hiệu quốc gia SJC cao hơn thế giới tới 18 triệu đồng/lượng.

vang3

"Không một thị trường nào giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20% như tại Việt Nam !"

9 giờ sáng ngày 6-5-2022, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh về 1.869 USD/ounce, mất thêm gần chục USD mỗi ounce so với đầu phiên buổi sáng. Với đà lao dốc mạnh, giá vàng thế giới hiện quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 52 triệu đồng/lượng, đẩy khoảng cách chênh lệch với giá vàng SJC lên tới 18 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch kỷ lục.

Giá vàng kỳ hạn tháng 6-2022 chốt giao dịch lần cuối tại mức 1.874 USD/ounce.

Chuyện giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới vốn đã không còn chuyện xa lạ ở Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, dù theo quy luật, lẽ ra giá vàng trong nước sẽ tăng, giảm theo sự biến động của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước liên tục có những thời điểm cao hơn từ 15 đến 18% so với thế giới, mức chưa từng có trong nhiều năm trước.

Câu hỏi được đặt ra là vì đâu giá vàng trong nước lại tăng sốc như vậy ?

Lý giải cho việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân đến từ việc Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012.

Theo nghị định này, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất ; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Từ thời điểm thực hiện nghị định này, các giấy phép được cấp để sản xuất vàng miếng, cả giấy phép được cấp cho công ty SJC đã không còn hiệu lực.

Tuy nhiên do vàng miếng SJC là thương hiệu có uy tín, chất lượng, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng, đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn cho hoạt động kinh doanh sản xuất vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Với quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước đã khiến giá vàng miếng SJC luôn có giá trị hơn các loại vàng khác. Trong các giao dịch vàng, người dân cũng có tâm lý ưa chuộng giao dịch bằng vàng miếng SJC hơn các loại vàng khác vì có sự bảo chứng về chất lượng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghị định số 24 cũng quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều 14 nghị định nêu rõ, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung – cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Từ những lý do này đã đẩy giá vàng trong nước, đặc biệt là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới.

Do đó, nếu nhìn từ hàng loạt căn cứ pháp lý như trên cho thấy có quyền đặt ngờ vực rằng sở dĩ giá vàng thương hiệu SJC đang cao chót vót so với mặt bằng chung trên thế giới, là chuyện cố tình làm giá của cơ quan quản lý nhân danh nhà nước.

"Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ ngày 25-5-2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Và Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Như vậy, kể từ ngày Nghị định 24 có hiệu lực tất cả các giấy phép sản xuất vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trước đây hết hiệu lực thi hành, kể cả giấy phép đã cấp cho công ty SJC.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy trên thị trường thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng có bề dày cả uy tín, chất lượng và đã được thị trường chấp nhận và chiếm thị phần chủ yếu trên thị trường vàng miếng. Chính vì vậy để tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, cho xã hội và để tránh những xáo trộn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước và báo cáo lên Chính phủ.

Kể từ thời điểm này chính công ty SJC cũng không được phép tiến hành các hoạt động sản xuất vàng miếng. Ngoài ra, công ty SJC vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh bình thường ngoại trừ việc sản xuất kinh doanh vàng miếng. Vì hiện hoạt động sản xuất vàng miếng là do Ngân hàng Nhà nước độc quyền tổ chức và thực hiện" – trích phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng với báo chí ngày 4/7/2012.

Cái nhìn chung nhất về chuyện quản lý thị trường vàng ở Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nói rằng, "Không một thị trường nào giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20% như tại Việt Nam !".

Nhiều năm qua, VGTA đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới. "Mức chênh lệch quá này trở thành ‘hiện tượng kỳ cục’ của giá vàng, trong khi những người có nhu cầu mua vàng thương hiệu quốc gia lại bị thiệt vì giá bị đẩy lên quá cao" – ông Khánh nói.

Căn cứ theo Điều 4 của Hiến pháp 2013, có lẽ mọi chuyện vẫn còn đang chờ thỉnh thị ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 07/05/2022

Additional Info

  • Author Thới Bình; Tử Long, Trần Dzạ Dzũng
Published in Diễn đàn