Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết Việt Nam đã vượt qua Malaysia, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN và sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế nhận định gì trước thông tin vừa nêu

doitac1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi cuối tháng 03/18. AFP

Lập kỷ lục mới trong khối ASEAN

Số liệu ghi nhận mới nhất về quan hệ thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc được ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đưa ra hôm 26 tháng 7 cho thấy, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước, trong 6 tháng đầu năm 2018, ước đạt 66 tỷ đô la Mỹ (USD). Đây được cho là kỷ lục lần đầu tiên với mức kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng vượt quá con số 10 tỷ USD.

Trong lãnh vực đầu tư, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc còn cho biết vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc (FDI) tại Việt Nam đã vượt mức 2,1 tỷ USD trong năm 2017, là con số cao nhất từ trước đến nay và hiện đang đứng thứ 6 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 163 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký là 330 triệu USD, tính đến nửa đầu năm 2018.

Truyền thông quốc nội, những ngày vừa qua đăng tải ý kiến của một số các chuyên gia trong nước cho rằng đây là cơ hội tốt cho Việt Nam trong việc bổ sung thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, cũng như có cơ hội mới để ký kết các đơn hàng với những tập đoàn bán lẻ của Hoa Kỳ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đồng thời là cửa ngõ trong khối ASEAN thu hút các nhà sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang. Lý do được nêu ra vì Việt Nam có lợi thế về thuế suất, chi phí đất đai và giá nhân công thấp so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, theo như chuyên gia Max Brown, của Tập đoàn Tư vấn Đầu tư quốc tế Dezan Shira nhận định.

Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư cũng nhận định với RFA đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam :

"Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa khó xuất khẩu sang Mỹ sang các thị trường khác. Do đó, khả năng hàng hóa giá rẻ là có khả năng. Bởi vì không tiêu thụ ở Mỹ với giá cao thì bán giá thấp hơn. Và nếu Việt Nam biết buôn bán, chúng ta cầm cửa ngõ của ASEAN, chúng ta nên chớp lấy thời cơ này buôn bán với Trung Quốc".

Nhiều quan ngại bất lợi cho Việt Nam

Song song với những nhận định về các cơ hội tốt cho Việt Nam, Đài RFA ghị nhận có không ít ý kiến trái chiều của giới chuyên môn.

Báo giới Việt Nam dẫn lời của Chuyên gia kinh tế trưởng, thuộc Mekong Economics, ông Adam McCarty nói rằng Việt Nam có thể bị gộp với Trung Quốc khi bán hàng sang Mỹ và các thị trường khác trên thế giới, điển hình như mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc và là nhà quan sát tình hình kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định đồng quan điểm với ông Adam McCarty :

"Trước mắt tôi chưa nhìn thấy cái lợi rõ ràng như thế nào. Bởi vì nếu Việt Nam trở thành một nơi tuồn hàng sang các nước khác trên thế giới, thì các nước khác sẽ áp thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đó, đặc biệt là Mỹ. Chẳng hạn như Việt Nam đã để cho Trung Quốc tuồn thép, nhôm để xuất sang Mỹ và Mỹ đã quyết định áp thuế nhập khẩu lên hơn 250%".

Hồi hạ tuần tháng 5 năm 2018, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp mức thuế chống bán phá giá 256,44% lên sản phẩm thép cuộn từ Việt Nam, nhưng có nguồn gốc Trung Quốc sau khi có kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

doitac2

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận được Trung Quốc đầu tư 95% vốn, bị người dân địa phương phản đối gây ô nhiễm môi trường. RFA

Một vài chuyên gia kinh tế ở Việt Nam, mà Đài RFA trao đổi, còn nói rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), đặc biệt đến từ Trung Quốc sẽ tạo ra sự cạnh tranh bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến sản xuất nội địa và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tuy gắn thương hiệu "Made in Vietnam", nhưng thực chất chỉ mang lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà phần lớn đến từ Trung Quốc. Từ trong nước, Tiến sĩ Ngô Trí Long đưa ra nhận định của ông :

"Giả sử Trung Quốc phát biểu là sẽ thông qua Việt Nam để làm một cầu nối, làm một bàn đạp để bán hàng hóa Trung Quốc. Nếu Việt Nam không cảnh giác, không thực thi đúng những cam kết với quốc tế, cũng như không công khai minh bạch đúng luật lệ quốc tế thì trước sau Việt Nam cũng bị loại ra khỏi thương trường quốc tế".

Một điểm quan trọng đáng chú ý nữa mà Tiến sĩ Nicholas Chapman nêu lên, được Báo mạng Zing.vn dẫn lời là khi Việt Nam tăng cường xuất khẩu ra thị trường thế giới thì các công ty Trung Quốc có nhiều khả năng tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, sẽ khiến cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở nên chênh lệch, có thể làm tình hình tệ hơn. Số liệu của Tổng Cục Hải quan ghi nhận Việt Nam đang chịu mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, ở mức cao 22, 7 tỷ USD trong năm 2017. Đại sứ quán Trung Quốc trong cuộc họp báo, vào ngày 26 tháng 7, cho biết hai nước đang làm việc về vấn đề thâm hụt thương mại này.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng nhấn mạnh về lãnh vực đầu tư, Việt Nam cần đặc biệt chú ý các nhà đầu tư Trung Quốc hầu như đầu tư bằng hình thức chuyển giao công nghệ vào thị trường Việt Nam các công nghệ lạc hậu, lỗi thời, có thể thấy qua những dự án bauxite ở Tây Nguyên, nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy luyện thép… không mang lợi ích cho Việt Nam bao nhiêu, mà trái lại gây ra hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường.

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan lo ngại của dư luận trong nước về yếu tố Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh vào ba đặc khu kinh tế, nếu như Dự luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua, Tiến sĩ Vũ Quang Việt phân tích :

"Các đặc khu đó, ví dụ như Vân Đồn thì cơ bản họ muốn mở ra để cho Trung Quốc sang đánh bạc. Và có thể cảnh trí ở đây đẹp ở miền Bắc, gần Vịnh Hạ Long thì Trung Quốc được quyền mua đất đai để làm địa ốc và được quyền nhượng lại cho con cháu của họ dài lâu trong 99 năm. Đó là một hình thức nhượng tô chứ còn gì nữa ? Cảng ở Vân Đồn không phải là cảng nước sâu, thì làm sao trở thành một trung tâm cảng có thể cạnh tranh với Hong Kong và các nơi khác ? Phú Quốc thì cũng vậy thôi. Khu vực đó làm gì có cảng nước sâu ? Làm sao cạnh tranh được với Singapore ? Rồi cũng là nơi đánh bạc thôi. Còn Bắc Vân Phong đúng là cảng nước sâu. Nhưng mục đích mở đặc khu ở Bắc Vân Phong làm gì trong một khu không có sản xuất gì cả và ở Việt Nam thì chỗ đó rất xa với Hà Nội và Sài Gòn, là các trung tâm tiêu thụ, mà có cảng Đà Nẵng rồi thì cần gì đến cảng ở Bắc Vân Phong. Chỗ đó có thể sẽ thành căn cứ quân sự của Trung Quốc".

Cơ hội thoát Trung ?

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, trong một chương trình "Diễn đàn Kinh tế" mới đây với RFA cho rằng Việt Nam cần thiết bắt lấy cơ hội "Thoát Trung" trong bối cảnh mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra, với một số giải pháp mà ông đưa ra, trong đó chú trọng về giáo dục để nâng cao tay nghề và tăng năng suất lao động cũng như đánh giá lại vai trò của đầu tư nước ngoài, không ưu đãi bằng các biện pháp thiển cận, bất chấp môi sinh bị tàn phá…

Đài RFA cũng nghi nhận nhận định của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ, trong một bài viết đăng tải trên trang Facebook cá nhân, với lập luận "Việc Việt Nam lập các đặc khu, tham gia vào kế hoạch và thi hành các chính sách theo yêu cầu của Trung Quốc sẽ tự đẩy mình vào vòng tay của Trung Quốc". Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh rằng điều này chỉ đem lại sự thiệt thòi và một sự thua cuộc thấy được cho Việt Nam, và do đó Hà Nội càng thắt chặt mối quan hệ với Bắc Kinh thì sẽ tự rước họa cho chính mình.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 06/08/2018

Published in Diễn đàn