Sau hơn sáu năm thực hiện Chỉ thị 45, tiếp tục thúc đẩy Nghị quyết 36 về "công tác người Việt Nam ở nước ngoài", Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam hôm 22 tháng 8 đã công bố kết luận về nỗ lực này.
Một cựu không quân của Việt Nam Cộng hòa hôm 5/11/2011 tại Vancouver, Canada. Hình minh họa - AFP
Công tác người Việt ở hải ngoại được Bộ Chính trị đưa ra hồi năm 2004 với mục tiêu là "hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước".
Kết luận do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký, ghi nhận rằng công tác "còn một số hạn chế. Có nơi, có lúc công tác người Việt Nam ở nước ngoài chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức ; công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời ; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài".
Kết luận đưa ra năm giải pháp nhằm ‘tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn" Nghị quyết 36, bao gồm việc chăm lo cho đồng bào gặp khó khăn, giải quyết nhu cầu liên quan đến quốc tịch, vận dụng và phát huy sáng kiến đóng góp của các chuyên gia, tổ chức dạy và học tiếng Việt, đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa, v.v.
Từ Đức Quốc, Luật sư Nguyễn Văn Đài chia sẻ rằng về bề ngoài ông chỉ thấy Đại sứ quán ở Berlin, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt một năm tổ chức duy nhất một sinh hoạt vào dịp Tết Nguyên Đán mà thôi. Nhưng ông nói, thực chất lợi hại là những hoạt động phía sau.
"Về bản chất bên trong của công tác người Việt Nam ở nước ngoài là họ thành lập những nhóm người Việt đứng bao quanh sứ quán mỗi khi có đoàn công tác từ Việt Nam sang. Họ cứ gọi những người trưởng nhóm lên, họ phân công nhau. Những nhóm này thì đưa đoàn này đi chơi, mua sắm hàng hóa rồi ăn chơi. Nó mang tính chất phục vụ cho những phái đoàn quan chức cao cấp của Việt Nam sang công tác ở nước ngoài là chính. Mục tiêu của họ là vậy".
Mục tiêu thứ hai theo Luật sư Đài là việc huy động, mà ông gọi là "dụ dỗ", người Việt hải ngoại đầu tư vào các kinh doanh tại Việt Nam.
"Nói chung những người Việt Kiều mà theo các chương trình người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ ngoại giao cũng như của Đại sứ quán bị lừa rất nhiều. Và những đối tượng khác, người Việt kiều ở Đức và Châu Âu khác, đều cũng chỉ là một công cụ để họ giám sát cộng đồng người Việt".
Cổng vào Trung tâm Chợ Đồng Xuân tại Berlin, Đức, ngày 27/10/2019. (Reuters)
Nước Đức trong nhiều năm qua đã là điểm đến cho nhiều người lao động từ Việt Nam. Trong thời gian gần đây cảnh sát Đức đã thực hiện nhiều cuộc bố ráp bắt di dân bất hợp pháp. Một trong giải pháp được đưa ra trong Kết luận công tác người Việt ở hải ngoại nêu việc "Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại" và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để "ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người, xuất nhập cảnh, cư trú trái phép".
Luật sư Đài nhận xét về mục tiêu này như sau :
"Nếu như họ hợp tác với cơ quan chức năng của Đức để bắt giữ nhóm buôn người, thì hoàn toàn rất dễ dàng. Nhưng đây chính là cơ quan ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán ở Berlin, Tổng lãnh sự ở Frankfurt, họ còn gián tiếp giúp cho những nhóm buôn người đấy... Tôi biết những người sống bất hợp pháp ở Đức này, họ muốn xin giấy tờ hay hộ chiếu ở Tổng lãnh sự, thì họ mất rất nhiều tiền, vì họ đâu có giấy tờ hợp pháp đâu. Thường là từ 800 Euro cho tới 1.500 Euro, thậm chí có những trường hợp khó họ đòi đến 3.000 Euro để có được một cuốn hộ chiếu.
Nếu như họ hợp tác với cơ quan chức năng của Đức thì họ sẽ báo những trường hợp đó ra để cơ quan chức năng Đức bắt giữ. Nhưng không, họ lợi dụng những người đồng hương của mình khi sống bắt hợp pháp ở Đức, để họ kiếm tiền trên trên mồ hôi xương máu của họ".
Liên quan đến giải pháp mà ông Võ Văn Thưởng đưa ra về ‘tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" Luật sư Vũ Đức Khanh, sống tại Canada, cho rằng chính quyền Hà Nội đã hoàn toàn thất bại.
"Rõ ràng Việt Nam có phát triển rất ngoạn mục. Chúng ta phải nhìn nhận điều đó. Sự đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại tuy không được lớn lắm nhưng mà nó là những viên gạch để xây dựng thành công của đất nước chúng ta ngày hôm nay.
Riêng đặc biệt trong thời khó khăn nhất khi nạn dịch Covid-19 ở tại Hoa Kỳ và trên các quốc gia Tây Âu, thì người Việt chắt chiu từng đồng từng cắc gửi về cho cho gia đình thân nhân trong nước. Số tiền đó không lớn nhưng cũng giải quyết một số vấn đề có tư cách nhân đạo và xã hội tại Việt Nam. Còn nói là người Việt hải ngoại là một tiềm lực để đầu tư cho đất nước, thì thực sự Đảng cộng sản Việt Nam chưa khai thác được. Cái đó họ hoàn toàn thất bại".
Luật sư Khanh khẳng định Hà Nội sẽ không bao giờ tiếp cận được hết tất cả tiềm lực cũng như chất xám của khối người Việt hải ngoại vì lãnh đạo hiện này vẫn bám vào cơ chế chính trị độc đảng, độc quyền.
"Cá nhân tôi và những người phía sau tôi có rất nhiều thiện chí với chính phủ của Việt Nam với Đảng cộng sản Việt Nam, đã có những kênh liên lạc với họ. Nhưng họ không bao giờ có một cái sự phản hồi một cách tối thiểu, là chấp nhận sự khác biệt trong vấn đề.
Đất nước Việt Nam không phải là đất nước riêng của Đảng cộng sản Việt Nam, cũng không phải là của những người theo Đảng cộng sản Việt Nam. Đất nước Việt Nam là của 90 triệu người dân Việt Nam, luôn cả dăm triệu người Việt Nam ở tại hải ngoại".
Vì vậy, Luật sư Khanh nói tiếp, muốn giải quyết bài toán của Việt Nam, thì phải có giải pháp chính trị.
"Muốn giải pháp chính trị lâu dài và bền vững thì điều đầu tiên kiên quyết lập tức các lực lượng chính trị phải có được một sự tôn trọng và đến với nhau trong tinh thần có thành tâm và thiện ý trong tình anh em kết nghĩa đồng bào. Chứ không phải tất cả làm theo Đảng cộng sản Việt Nam".
Thị trưởng thành phố Westminster, Nam California, ông Tạ Đức Trí chia sẻ cộng đồng người Việt tại đây không mơ hồ gì với nội dung của Nghị quyết 36. Từ ban đầu nó đã bị người Việt tỵ nạn và người Mỹ góc Việt biểu tình phản đối quyết liệt :
"Tất cả các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, không chỉ riêng Miền nam California mà khắp nơi trên thế giới đều phản đối và chống lại khá là mạnh mẽ Nghị quyết 36 của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đưa ra từ năm 2004. Bởi vì tất cả các cộng đồng, tập thể người Việt hải ngoài đều thấy khá rõ rằng nghị quyết này chỉ với mục đích tạo thêm sự mất đoàn kết. Cũng như là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, mục đích của họ là lũng đoạn những tất cả sinh hoạt từ văn hóa đến chính trị của tập thể người Việt tại hải ngoại.
Người Việt tỵ nạn ở hải ngoại hiểu khá rõ việc này thành ra trong 46 năm qua người Việt tại hải ngoại cho tới giờ phút này vẫn chống lại cả những chính sách, thể chế độc tài tại Việt Nam".
Nhân chuyến công du của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam, ông Tạ Đức Trí cho biết ông và Phó Thị trưởng Charlie Chi Nguyễn đã gửi thư kêu gọi bà đặt vấn đề nhân quyền đối Việt Nam.
Luật sư Đài tóm tắt lại về công tác "Kiều vận" của nhà nước Việt Nam :
"Họ có nỗ lực nhưng tất cả đều là vô nghĩa bởi vì muốn lấy niềm tin thì vấn đề trong nước phải được giải quyết. Họ phải tôn trọng những quyền của chính những người dân Việt Nam ở trong nước. Họ phải làm tốt vấn đề chống tham nhũng hay cải thiện nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt Nam.
Vì hầu hết những người Việt ở Đức hưởng thụ những giá trị về quyền con người, họ có hiểu biết. Khi họ so sánh, cùng là người Việt với nhau, tại sao những người Việt sống ở nước ngoài không phải là quê hương tổ quốc của mình mà họ lại được hưởng thụ tất cả những giá trị cao đẹp nhất của con người ? Trong khi đó những người đồng bào thân thương của mình sống trên chính quê hương tổ quốc của mình lại bị chính những người đồng bào cộng sản đấy nắm quyền cai trị để bóc lột rồi chà đạp những quyền như vậy".
Có thể nói không riêng gì ở Đức, nhưng ở các xứ tự do, dân chủ và phát triển, hầu hết người Việt Nam hiểu rõ điều này. Đây cũng là lý do vì sao công tác người Việt Nam ở hải ngoài, theo chính đánh giá của Bộ Chính trị Việt Nam "còn một số hạn chế".
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 24/08/2021