Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 11 janvier 2023 21:19

Kiểm duyệt lịch sử

Hôm 30/12/2022, Việt Nam công bố Nghị định 128/2022/NĐ-CP về quy chế xử phạt làm phim "xuyên tạc lịch sử". Đây là nghị định bổ sung cho Nghị định 38/2021/NĐ-CP năm 2021, quy định xử phạt tội "xuyên tạc lịch sử" trong mọi hoạt động văn hóa nói chung. 

kiemduyet01

Một bài viết "chống xuyên tạc lịch sử" trên Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam - Ban Tuyên giáo Trung ương

Hai nghị định này xử phạt hành chính (tối đa 50 triệu đồng) đối với việc "xuyên tạc lịch sử" ở mức độ "thấp". Nếu "xuyên tạc lịch sử" ở mức độ "cao" thì sẽ bị khép vào tội hình sự. Bộ Luật Hình sự Việt Nam có Điều 117 khép tội "phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước", và Điều 331 khép tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước". Ngoài ra, Luật An ninh Mạng năm 2018 cũng khép tội hình sự với hành vi "xuyên tạc lịch sử" (Điều 8).

Trong các điều luật kể trên, tội "xuyên tạc lịch sử" thường được ghép chung với các tội như "phỉ báng, xúc phạm giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước", "phủ nhận thành tựu cách mạng", "làm phương hại đến chủ quyền quốc gia ; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc ; kích động bạo lực ; khiêu dâm, đồi trụy".

kiemduyet02

Truyền thông nhà nước (Vnexpess) đưa tin Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam một bộ phim có "đường lưỡi bò" (đường chữ U của Trung Quốc) trên Biển Đông.

Trao đổi với RFA trực tiếp bằng tiếng Việt qua email, Giáo sư Jörg Engelbert, chuyên gia về lịch sử, văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á ở Đại học Hamburg, Đức, cho rằng vấn đề này "có nhiều khía cạnh khác nhau".

Khía cạnh pháp luật : có nhiều nước cấm "xuyên tạc lịch sử"

Hư cấu tư liệu lịch sử để tạo ra một câu chuyện lịch sử không có thật vốn không phải là điều xa lạ trên thế giới. Giáo sư Jörg Engelbert từng giảng bài về các hư cấu lịch sử ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ông cho biết : 

"Rất nhiều nước trên thế giới có những luật chống lại xuyên tạc lịch sử. Ví dụ trên thế giới có 18 nước có luật cấm phủ định diệt chủng Do Thái thời thế chiến thứ 2 (Vụ "Holocaust", tiếng Hy Lạp có nghĩa là "thiêu đốt toàn bộ"). Ở Đức vừa rồi một người phụ nữ đã hơn chín mươi tuổi bị kết án như vậy, vì nhiều lần phạm tội phủ nhận vụ diệt chủng Holocaust. Bà bị kết án hai năm tù. Nhiều tờ báo ở Đức đưa tin. Có tờ báo đặt vấn đề là có nên nhốt một người phụ nữ cao tuổi như vậy không. 

Ở Ba Lan, từ năm 2018 có luật cấm xuyên tạc lịch sử, nhất là cấm khẳng định người Ba Lan tham gia những tội ác chiến tranh của Đức (giai đoạn 1939-45). Ở Bangladesh có luật cấm phủ định diệt chủng của quân đội và dân chúng Hồi giáo Pakistan vào năm 1971, giết chết hơn hai triệu dân, làm cho hơn mười triệu người phải tị nạn sang Ấn độ, hơn 250.000 phụ nữ bị hiếp và hơn 25.000 đứa trẻ bị sinh ra vì những tội ác đó. Và nhiều đạo luật tương tự ở một số nước khác nữa".

Còn đối với trường hợp Việt Nam, theo Giáo sư Jörg Engelbert, Nghị định 128/2022 có hiệu lực từ ngày 15-2-2023, tức là bổ sung Khoản 6, Điều 13, Luật Điện ảnh về việc xuyên tạc lịch sử… có liên quan đến hoàn cảnh cụ thể là một bộ phim Hàn Quốc. Ông giải thích : 

"Tôi nghe nói bộ phim này ca ngợi việc binh lính Nam Hàn "tiêu diệt Việt Cộng" trong chiến tranh Việt Nam. Tôi không biết phim nầy có chiếu ở Việt Nam hay không bởi vì có kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng tôi nhớ là phương tiện truyền thông ở Việt Nam có vẻ rất xôn xao".

kiemduyet3

Một hình ảnh trên phim "Little Women" của Hàn Quốc bị Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng ở Việt Nam vì "xuyên tạc lịch sử". (Ảnh : Netflix)

Khía cạnh "đạo đức" của việc cấm "xuyên tạc lịch sử" 

Các nhà nước thường nhân danh cái gì khi kiểm duyệt lịch sử ? Họ thường nhân danh "đạo đức". Lập luận cơ bản là "xuyên tạc lịch sử" là một hành vi vô đạo đức. Ở Việt Nam, sự "vô đạo đức" này nếu ở "mức độ thấp" thì bị phạt hành chính, còn ở "mức độ cao" thì phải đi tù. Nhưng không thể có căn cứ để đo lường mức độ "cao" hay "thấp" cho những vấn đề như vậy. 

Trao đổi với RFA về khía cạnh đạo đức của việc "xuyên tạc lịch sử", Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng :

"Đạo đức giống tư tưởng, mỗi thời một khác. Ví dụ cách khoảng năm mươi năm trước, ở Đức thì đồng tính luyến ái là tội phải đi tù, từ năm ngoái thì theo luật người ta có thể lấy nhau, nuôi con. Từ năm nay, nhiều bang ở Đức đã quyết định phụ nữ đi bơi ở bể bơi công cộng có thể để ngực trần. Ắt sẽ có vấn đề với các chàng trai Hồi Giáo, thậm chí có thể gây ra xích mích. Trong những trường hợp như vậy, ai là bên quyết định cái gì là đạo đức và phi đạo đức ? "Dư luận" là cái chi ? Đó là một khái niệm mơ hồ". 

Tuy khía cạnh đạo đức này là mơ hồ nhưng nó lại khá là phổ biến. Giáo sư Jörg Engelbert cho biết, "đối với nhiều nước trên thế giới, nhất là những quốc gia sinh ra qua các cuộc đấu tranh", lịch sử là một cái gì "thiêng liêng" : 

"Có những huyền thoại đã được dựng lên rồi thì người ta cấm không được xúc phạm, bôi nhọ. Thăm quan Viện Bảo tàng lịch sử ở các nước thì chúng ta sẽ thấy điều đó. Ví dụ ở Thủ đô Hoa Thạnh Đốn của Hoa Kỳ, có huyền thoại về Founding Fathers, tức "Những người cha lập quốc", về cuộc đấu tranh chống thực dân Anh. 

Thế nhưng, chiến tranh 1812 Hoa Kỳ cũng toan xâm lược Gia Nã Đại (Canada) thì sao. Chiến tranh với Mexico xâm lược miền Tây Nam thì sao. Người da đen, da đỏ thì sao. 

Mất trên dưới hai trăm năm thì người ta mới nghĩ tới và lật lại vấn đề, nhưng mà vẫn chưa làm sáng tỏ hết tất cả vấn đề được".

Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có huyền thoại về Đảng cộng sản, Hồ Chí Minh. Nó mang tính chất phản ánh cái tư tưởng quốc gia "chính thống" duy nhất. Nó không thể nào bị phủ định hay là nghi vấn được. Nó là trụ cột của chế độ hiện hành. Hồi Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn về lịch sử Việt Nam, có phản ứng mãnh liệt của phe bảo thủ ngay lập tức. Họ làm như đã 'smell the rat' (ngửi thấy mùi chuột) mà cảm thấy phải cản ngay".

Về nghị định cấm "xuyên tạc lịch sử" trong điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung, Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng phe bảo thủ ở Việt Nam hãy còn mạnh trong những lãnh vực tư tưởng, giáo dục, văn hoá. Vì thế cho nên, đối với ông, "nghị định kể trên không có gì lạ". Nhưng theo ông thì cần chờ xem nó sẽ được thực hiện như thế nào trên thực tế.

Khía cạnh chính trị của việc cấm "xuyên tạc lịch sử" 

Luật cấm xuyên tạc lịch sử tồn tại ở nhiều nước, gồm cả ở những nước độc tài, dân chủ và nửa độc tài nửa dân chủ. Nhưng giữa các nước này có cách ứng xử khác nhau với những mức độ khác nhau đối với hành vi đó. Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng trong những đạo luật cấm "xuyên tạc lịch sử" như kể trên, có những đạo luật cấm xuyên tạc lịch sử vì lý do luật pháp, nhưng cũng có khi người ta cấm điều đó vì lý do chính trị. Ông trao đổi với RFA : 

"Những đạo luật đó vừa mang ý nghĩa pháp luật, vừa mang ý nghĩa chính trị. Yếu tố chính trị nằm ở chỗ những kẻ thắng trận luôn áp đặt quan điểm lịch sử của họ để tăng cường sức mạnh cho chế độ chính trị của mình. Dù họ là nước dân chủ như Đức, Ba Lan hay là nửa dân chủ nửa độc tài như Bangladesh, hay là chế độ độc tài hoàn toàn thì luôn có điều đó. 

Họ chỉ khác nhau ở chỗ các chính phủ dân chủ có thể xây dựng những đạo luật như vậy bởi vì đa số nhân dân, hoặc ít nhất đại biểu quốc hội của họ ủng hộ. Tuy nhiên, ở chế độ độc tài thì chính phủ dĩ nhiên chẳng cần hỏi ai cả".

Khía cạnh "chính sách về lịch sử" 

Giáo sư Jörg Engelbert cho rằng cần chú ý đến khía cạnh "chính sách về lịch sử" của các lệnh cấm như vậy. Ông giải thích cho độc giả RFA :

"Các lệnh cấm như vậy còn phản ánh vấn đề chính sách về lịch sử (Policies on History). Tất cả các chế độ chính trị từ xưa tới nay đều cố áp đặt một quan điểm chính thức về lịch sử để tăng cường sức mạnh cho chế độ chánh trị của mình. Vua Lê Thánh Tông sai Ngô Sĩ Liên viết "Đại Việt Sử ký toàn thư", Vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản soạn "Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục", Đảng và Chánh phủ Nhà nước Cộng sản Việt Nam sai Phan Huy Lê soạn "Quốc sử"... Việc đó cứ lặp lại như thế qua các thời đại".

Các nhà sử học thường nói rằng để nghiên cứu lịch sử thì cần thực hiện các bước như thu thập, phân tích, phê bình tư liệu lịch sử. Tư liệu có thể được bổ sung, đánh giá lại theo thời gian. Và việc thu thập, phân tích, phê bình tư liệu và tranh luận tự do giữa các nhà nghiên cứu làm cho nhận thức về lịch sử cũng thay đổi. Theo Giáo sư Jörg Engelbert, điểm khác biệt giữa các xã hội dân chủ, độc tài và nửa dân chủ nửa độc tài là họ có tôn trọng sự tự do tranh luận hay không và tôn trọng ở mức độ nào. Ông nói : 

"Xã hội dân chủ thì hơi khác các xã hội khác ở một điều là họ không có một quan điểm chánh thống về lịch sử. Họ có nhiều quan điểm khác nhau cạnh tranh với nhau. Qua sự đối thoại của các nhà nghiên cứu và viết sử, một sự thật tương đối về lịch sử (relative historical truth) có thể dần dần hiện lên".

Theo Jörg Engelbert

Nguồn : RFA, 11/01/2023

Additional Info

  • Author Jörg Engelbert
Published in Diễn đàn

Hàng ngàn nhân viên lương thấp trong các "nhà máy kiểm duyệt" rà soát thế giới trực tuyến để tìm các nội dung bị cấm, trong đó, ngay cả tấm ảnh một cái ghế trống cũng có thể gây phiền toái lớn.

su01

Học chính sử Trung Quốc để kiểm uyệt lịch sử

Li Chengzhi có rất nhiều điều phải học ngay khi anh vừa nhận được công việc kiểm duyệt chuyên nghiệp.

Giống như nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc, chàng thanh niên 24 tuổi mới tốt nghiệp đại học này biết rất ít về cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Anh chưa bao giờ nghe nói đến nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, người được giải thưởng Nobel Hoà Bình, đã chết trong thời gian bị giam cầm hai năm trước.

Giờ đây, sau khi được huấn luyện, anh biết những gì cần tìm và cần ngăn chặn. Thay mặt cho các công ty truyền thông Trung Quốc có nhiệm vụ tìm bất cứ điều gì làm chính phủ tức giận, anh dùng hàng giờ để quét lọc nội dung tin tức trực tuyến. Anh biết cách phát hiện ra các từ mã ám chỉ các nhà lãnh đạo và những vụ bê bối ở Trung Quốc và các biểu tượng văn hóa hay ý tưởng xã hội (memes) liên quan đến các đề tài mà chính phủ Trung Quốc không muốn người dân đọc.

Li, người thanh niên trẻ tuổi, trên mặt vẫn còn dấu vết mụn trứng cá, làm công việc của mình rất nghiêm túc. "Anh nói :" Tôi làm sạch môi trường trực tuyến".

Đối với các công ty Trung Quốc, sự an toàn đối với các cơ quan kiểm duyệt của chính phủ là vấn đề sống chết. Nhằm trao thêm gánh nặng cho các công ty, chính quyền Trung Quốc yêu cầu họ tự kiểm duyệt, khuyến khích họ thuê thêm hàng ngàn người để làm công việc của cảnh sát.

Chính chuyện này đã tạo ra một ngành công nghiệp mới đang phát triển và sinh lợi : các nhà máy kiểm duyệt.

Anh Li làm việc cho Beyondsoft, một công ty dịch vụ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, trong số các doanh nghiệp khác, đảm nhận trách nhiệm kiểm duyệt cho các công ty khác. Anh làm việc trong văn phòng của công ty này ở Thành Đô, tại trung tâm một khu công nghệ cao, không gian sáng sủa và đủ mới, giống với các văn phòng của những công ty khởi nghiệp được sự tài trợ đầy đủ trong các trung tâm công nghệ ở Bắc Kinh và Thâm Quyến. Công ty vừa di chuyển vì khách hàng phàn nàn rằng văn phòng trước đây quá chật chội nên nhân viên khó có thể tận dụng hết khả năng làm việc.

"Thiếu một nhịp cũng có thể gây ra một sai lầm chính trị nghiêm trọng", ông Yang Xiao, người đứng đầu bộ phận kinh doanh dịch vụ internet của Beyondsoft, bao gồm cả việc xét duyệt lại nội dung, nói như vậy. Với lý do bảo mật, Beyondsoft từ chối tiết lộ họ đang làm việc cho những phương tiện truyền thông Trung Quốc hay công ty nào.

Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống kiểm duyệt trực tuyến rộng rãi và tinh vi nhất thế giới. Hệ thống này càng phát triển mạnh mẽ dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, người muốn internet đóng vai trò lớn hơn để tăng cường việc quản lý xã hội của đảng Cộng Sản. Nhiều nội dung bị coi là nhạy cảm hơn và hình phạt ngày càng nặng.

su1

Hàng ngàn sinh viên biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ảnh : AFP

Qua việc kiểm soát chặt chẽ của mình, Trung Quốc hiện đang truyền đạt cái nhìn về một mạng internet đặt dưới sự giám sát của chính phủ. Điều đáng ngạc nhiên là nó tạo ra sự cộng hưởng ở các quốc gia khác. Ngay cả các thành trì truyền thống luôn ủng hộ sự tự do diễn đạt ở Tây Âu và Hoa Kỳ giờ cũng đang xét lại giới hạn kỹ thuật số của họ. Các nền tảng như Facebook và Youtube đã cho biết họ sẽ thuê thêm hàng nghìn người để kiểm soát kỹ hơn nội dung thông tin.

Những nhân viên như anh Li cho thấy sự cực đoan trong chính sách – một biện pháp kiểm soát hơn 800 triệu người dùng internet mỗi ngày.

Beyondsoft sử dụng hơn 4000 nhân viên như anh Li tại các nhà máy xét duyệt nội dung thông tin và số lượng tăng thêm khoảng 200 vào năm 2016. Họ kiểm duyệt nội dung thông tin suốt ngày đêm.

" Chúng tôi là Foxconn trong công nghiệp dữ liệu", ông Yang nói và so sánh công ty của ông với những cơ sở công nghiệp lớn nhất sản xuất theo hợp đồng điện thoại Iphone và các sản phẩm khác cho Apple.

Nhiều công ty truyền thông trực tuyến có đội ngũ xét duyệt nội dung riêng của họ, đôi khi con số này lên đến hàng ngàn. Họ đang tìm cách giao cho thông minh nhân tạo làm công việc này. Người đứng đầu phòng thí nghiệm A.I tại một công ty truyền thông lớn – yêu cầu giấu tên vì chủ đề nhạy cảm – cho biết công ty có 120 máy học mô hình.

Nhưng thành công trong việc này là một chuyện. Người dùng vẫn có thể dễ dàng đánh lừa các thuật toán.

"Máy A.I. thông minh nhưng không khôn lanh như trí não con người. Chúng bỏ qua rất nhiều thứ khi xem xét nội dung", anh Li nói.

Beyondsoft có một đội ngũ nhân viên gồm 160 người ở Thành Đô làm việc 4 ca mỗi ngày để xem xét nội dung chính trị nhạy cảm bằng một ứng dụng tổng hợp tin tức.

Beyondsoft còn có một nhóm khác ở phía Tây thành phố sử dụng cùng ứng dụng để xem xét các nội dung thô tục hay xúc phạm. Giống như phần còn lại trên thế giới, internet ở Trung Quốc tràn ngập nội dung khiêu dâm hay các tài liệu khác khiến người dùng phải phản ứng tiêu cực.

Trong văn phòng làm việc ở Thành Đô, nhân viên phải để điện thoại của họ trong tủ khóa ở hành lang. Họ không được chụp ảnh màn hình hay gửi bất cứ thông tin nào từ máy tính của mình.

Hầu hết các nhân viên đều tốt nghiệp đại học và tuổi khoảng đôi mươi. Thường họ không có nhận thức hay không để ý đến chính trị. Ở Trung Quốc, nhiều phụ huynh và nhà giáo nói với giới trẻ rằng việc quan tâm đến chính trị chỉ dẫn đến rắc rối.

Để khắc phục điều đó, ông Yang và các đồng nghiệp đã phát triển một hệ thống đào tạo tinh vi. Những nhân viên tân tuyển bắt đầu được tập huấn "lý thuyết" kéo dài cả tuần. Các nhân viên cấp cao dạy cho họ những thông tin nhạy cảm mà trước đó họ không hề biết.

"Văn phòng tôi bên cạnh căn phòng đào tạo rộng lớn", ông Yang nói, "Tôi thường nghe thấy những tiếng thốt ra đầy ngạc nhiên Ah, ah, ah".

Ông nói thêm :"Họ không biết những thứ như ngày 4 tháng Sáu liên quan đến cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Họ hoàn toàn không hay biết".

Beyondsoft đã phát triển một cơ sở dữ liệu rộng lớn dựa trên thông tin mà ông yang gọi là một trong những "năng lực cốt lõi". Họ cũng sử dụng phần mềm chống kiểm duyệt để thường xuyên truy cập vào những trang web mà chính phủ Trung Quốc ngăn chặn. Sau đó, họ cập nhật cơ sở dữ liệu.

Các nhân viên tân tuyển nghiên cứu cơ sở dữ liệu giống như chuẩn bị thi tuyển vào đại học. Sau hai tuần, họ phải vượt qua một bài kiểm tra.

Trình bảo vệ màn hình (screensaver) trên các máy tính đều giống nhau : ảnh và tên các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng Sản, hiện nay và trong quá khứ. Nhân viên phải nhớ những khuôn mặt đó : Chỉ những trang webriêng của chính phủ và những trang blog chính trị được phê duyệt đặc biệt – một nhóm được gọi là danh sách trắng – được phép đăng ảnh của các nhà lãnh đạo hàng đầu.

Ngay từ đầu ca làm việc, nhân viên được thông báo vắn tắt về những yêu cầu của khách hàng khi họ nhận được những hướng dẫn kiểm duyệt mới nhất từ cơ quan kiểm duyệt của chính phủ. Sau đó, nhân viên phải trả lời khoảng 10 câu hỏi được soạn ra để kiểm tra trí nhớ. Kết quả của lần khảo hạch sẽ ảnh hưởng đến đồng lương của họ.

Một câu hỏi vào ngày thứ Sáu gần đây : Một trong những cái tên sau đây là tên cô con gái của Lý Bằng, cựu thủ tướng Trung Quốc. Câu trả lời đúng là Lý Tiểu Lâm, một đích nhắm thường xuyên bị chế riễu trên mạng vì cái gu thời trang đắt tiền của cô và là một trong những người con của các cán bộ lãnh đạo, những người có chức vụ cao hay giàu có.

Đó là câu hỏi tương đối dễ dàng. Một bài kiểm tra hóc búa hơn là làm cách nào người dùng internet ở Trung Quốc xoay vòng vượt qua được sự kiểm duyệt nghiêm ngặt để nói về các vấn đề hiện tại.

Ví dụ : Phần bình luận của một trang tin tức trên mạng ở Hong Kong năm 2017 đã so sánh 6 nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể từ Mao Trạch Đông, với các hoàng đế trong triều đại nhà Hán. Một số người dùng internet ở Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng tên của các hoàng đế để ám chỉ các nhà lãnh đạo. Các nhân viên của Beyondsoft phải biết tên hoàng đế nào được liên kết với từng nhà lãnh đạo.

Sau đó là những tấm ảnh một cái ghế trống. Họ muốn nói đến Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel, không được phép rời khỏi Trung Quốc để tham dự lễ trao giải. Cái ghế trống đại diện cho ông. Các tài liệu tham khảo về quyển tiểu thuyết "1984" của George Orwell cũng bị cấm.

Phần mềm của Beyondsoft rà soát các trang web và đánh dấu các từ ngữ có khả năng gây phiền phức bằng các màu sắc khác nhau. Nếu một trang chứa đầy các từ được mã hóa màu, các nhà quản trị cần phải lưu ý đến nó nhiều hơn. Nếu chỉ có một hay hai từ, họ có thể an tâm cho qua.

Theo trang web của Beyondsoft, dịch vụ giám sát nội dung, được gọi là Rainbow Shield, đã biên soạn hơn 100.000 từ nhạy cảm và hơn 3 triệu từ phát sinh. Các từ nhạy cảm về chính trị chiếm 1/3 trong tổng số. Tiếp đến là các từ có nội dung khiêu dâm, mại dâm, cờ bạc và dao.

Những nhân viên như Li kiếm được từ 350 đến 500 đô la một tháng, khoản lương trung bình ở Thành Đô. Mỗi nhân viên dự kiến sẽ xem xét từ 1000 đến 2000 bài báo trong một ca. Các bài viết được tải lên ứng dụng tin tức phải được phê duyệt hay loại bỏ trong vòng một giờ. Khác với các nhân viên của Foxconn, họ không làm việc ngoài giờ nhiều vì thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác, ông Yang, giám đốc điều hành cho biết như vậy.

Nhân viên rất dễ phạm lỗi. Một bài viết về Bành Lệ Quyên, đệ nhất phu nhân Trung Quốc, đã sử dụng nhầm bức ảnh của một ca sĩ nổi tiếng bị đồn là có liên quan đến một nhà lãnh đạo khác. Một người đã phát giác kịp thời trước khi nó được tung ra ngoài, ông Yang nói.

Anh Li, nhân viên kiểm duyệt trẻ tuổi, cho biết những sai lầm tệ hại nhất hầu hết đều liên quan đến các nhà lãnh đạo cấp cao. Có lần anh lỡ bỏ một tấm ảnh nhỏ của ông Tập lên một trang web không nằm trong danh sách trắng vì mệt mỏi. Anh vẫn tự đánh vào đầu mình vì việc đó.

Khi được hỏi liệu anh có chia sẻ với gia đình và bạn bè những gì anh đã học được trong công việc hay không, chẳng hạn như cuộc đàn áp Thiên An Môn, anh Li kịch liệt nói không.

"Thông tin này không thể cho người ngoài biết được", anh nói "Một khi nhiều người biết, nó có thể tạo ra nhiều tin đồn".

Nhưng cuộc đàn áp đã là lịch sử. Đó không phải là tin đồn. Làm thế nào anh ta có thể hòa giải được chuyện này.

"Đối với một số sự kiện nhất định",anh nói, "người ta phải tuân theo luật lệ".

Li Yuan

Nguyên tác : Learning China Forbidden History, So They Can Censor It, The New York Times, 02/01/2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(13/07/2019)

Published in Diễn đàn