Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dự án Một vành đai, một con đường và các khoản cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng là nhằm làm suy yếu những đối thủ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. 

bayno1

Người Philippins biểu tình chống Trung Quốc ở Manila.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chịu áp lực trong tuần rồi nhằm bảo vệ một loạt các khoản vay cho cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng nếu không trả nợ được có thể khiến Philippines mất đi các nguồn lực quan trọng.

Đây là một phần của vấn đề có ảnh hưởng lớn hơn đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Trung Quốc tiếp tục cung cấp nguồn tài chính cơ sở hạ tầng khổng lồ trong một phần của kế hoạch Một vành đai Một con đường. Về nguyên tắc, tham vọng của Trung Quốc chỉ đơn giản là giúp phát triển các liên kết tốt hơn giữa các quốc gia nhằm mang lại cơ hội lớn hơn cho các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hy vọng thắng các yêu sách đối lập đối về Biển Đông vốn quan trọng về mặt chiến lược và lịch sử. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền ở phần lớn vùng có trữ lượng dầu khí khổng lồ nhưng cũng có tầm quan trọng chiến lược quan trọng đối với khu vực.

"Biển Đông là một tuyến giao thông hàng hải quan trọng. Trung Quốc hiện có 80% lượng dầu nhập khẩu qua eo biển Malacca và nó cũng chứa các nguồn tài nguyên quan trọng", theo Daniel O'Neill, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thái Bình Dương. "Lý do lớn nhất để tăng cường kiểm soát là để tăng thêm quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc", ông nói với Business Insider.

Biển Đông có trữ lượng khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ khối khí đốt tự nhiên, khoảng 10% nguồn cung cấp hải sản toàn cầu, và khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại được vận chuyển đi qua khu vực này mỗi năm.

Quyết định của Trung Quốc nhằm tăng cường tài chính cho Philippines là một phần trong nỗ lực nhằm tạo ảnh hưởng về vấn đề Biển Đông. Kể từ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào năm 2016, Trung Quốc đã mở một khoản tín dụng trị giá 9 tỷ đô la cho Philippines, phần lớn được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm cả đập thủy điện.

Tổng thống Duterte đã buộc phải bảo vệ quyết định ký các khoản vay với Trung Quốc về các điều khoản được cho là không thuận lợi, có thể làm cho Manila bị mất tài sản vì gán nợ, theo Bloomberg.

Ngày 22 tháng 3, Bộ Tư pháp Tối cao Philippines đã chỉ ra rằng Trung Quốc có thể giành quyền kiểm soát khí đốt trong vùng kinh tế của Philippines ở Biển Đông nếu Philippines không trả được nợ xây đập Chico. Thỏa thuận đó đã được ký vào tháng 4 năm ngoái và được coi là khuôn mẫu cho các khoản vay tiếp theo, theo Bloomberg. Các vấn đề xoay quanh tài nguyên tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thuộc chủ quyền của Philippines.

Do đó, các đảng đối lập ở Philippines yêu cầu tài liệu vay của đập Kaliwa, thỏa thuận mới nhất với Trung Quốc, phải được công bố công khai và Bộ Tài chính đã làm sau đó.

Cây gậy và củ cà rốt 

Cách tiếp cận của Trung Quốc bằng việc cung cấp tài chính ở nhiều nước ASEAN nhằm chia rẽ sự phản đối các động thái của họ ở Biển Đông. ASEAN cần sự nhất trí để thông qua các phán quyết, có nghĩa là Trung Quốc đã có thể loại bỏ từng quốc gia một phản đối phán quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề vùng đặc quyền kinh tế năm 2016 UNCLOS mà Bắc Kinh sau đó bác bỏ. Phán quyết này được lập ra nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc vào vùng biển chiến lược lãnh thổ của các quốc gia khác có liên quan, bao gồm Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines.

"Biển Đông càng rộng thì tầm quan trọng của nó đối với Trung Quốc càng lớn và họ đã áp dụng cách tiếp cận cây gậy cà củ cà rốt để chia rẽ ASEAN, trong đó bao gồm việc sử dụng các khoản vay để gây áp lực cho các thành viên của ASEAN", O'Niell cho biết thêm.

Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại rằng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể còn tăng hơn nữa khi họ tiếp tục tài trợ cho các dự án, đã có những phản ứng dữ dội đáng chú ý chống lại Trung Quốc.

Malaysia, một quốc gia khác có tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông, gần đây đã trở nên thận trọng hơn nhiều với Trung Quốc sau cuộc thắng cử bất ngờ của ông Manathir Mohammed 93 tuổi vào năm ngoái.

Nikkei Asian Review đưa tin rằng trước cuộc gặp với Duterte gần đây, Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố trên kênh truyền hình tin tức ABS-CBN rằng "Nếu vay một khoản tiền lớn từ Trung Quốc và không thể trả nợ, ai cũng biết chủ nợ luôn nắm quyền kiểm soát con nợ, vì vậy chúng tôi phải rất cẩn thận cùng với điều đó".

Một ví dụ về cái gọi là " bẫy nợ ngoại giao" đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với Sri Lanka và Lào trong những năm gần đây. Sri Lanka đã giao cho Trung Quốc thuê một cảng biển chiến lược 99 năm sau khi gặp khó khăn về tài chính với chủ nợ.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông ngày càng nhiều hơn đã dẫn đến việc các quốc gia khác phải xem xét lại và có thể có nhiều kháng cự hơn nữa trong tương lai.

Callum Burroughs

Nguyên tác : China is using debt traps to control the South China Sea, Business Insider, 30/03/2019

Diên Vỹ dịch

Nguồn : VNTB, 02/04/2019

Published in Diễn đàn

Trung Quốc tăng cường kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển (RFI, 02/01/2017)

Nhật báo South China Morning Post hôm 31/12/2017 cho hay, Trung Quốc đã cho triển khai một dự án kiểm soát đại dương bằng mạng lưới theo dõi ngầm dưới biển. Đây là dự án được Viện Hải Dương Học Nam Hải ấp ủ và phát triển trong nhiều năm, dưới sự giám sát của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc.

tq1

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. Reuters/Stringer

Hồi tháng 11/2017, Viện Hải Dương Học Nam Hải ra thông báo cho biết, sau nhiều năm thiết kế, lắp đặt và thử nghiệm, hệ thống theo dõi ngầm dưới biển hoạt động tốt và được bàn giao cho hải quân Trung Quốc.

Đây là một phần trong kế hoạch bành trướng quân sự chưa từng có mà Bắc Kinh kỳ vọng có thể trở thành đối trọng với Hoa Kỳ trên lĩnh vực hàng hải quốc tế, theo nhật báo Hồng Kông.

Hệ thống giám sát này đã đi vào hoạt động thu thập thông tin môi trường dưới biển, không chỉ cho phép đo lường, mà còn có thể dự đoán nhiệt độ và độ mặn nước biển ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và ở mọi độ sâu. Những thông tin này cho phép hải quân Trung Quốc có thể phát hiện tàu mục tiêu chính xác hơn, đồng thời tăng cường khả năng tuần tra biển và định vị.

Ông Du Vĩnh Cường (Yu Yongqiang), chuyên gia tại Viện Vật lý khí quyển trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc (CAS), thành viên của nhóm chuyên gia tư vấn cho dự án, nhấn mạnh, việc thu thập thông tin về vận tốc và hướng truyền đi của sóng âm bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của nước biển.

Nếu việc thu nhận dữ liệu thất bại, khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài việc cải thiện khả năng nhận diện mục tiêu, hệ thống giám sát này còn gúp cho tàu ngầm di chuyển an toàn hơn trong vùng biển phức tạp.

Theo bản mô tả tóm tắt kỹ thuật đăng tải trên trang web của Viện Hải Dương Học Nam Hải, hệ thống này được xây dựng dựa trên một mạng lưới các trang thiết bị đa dạng, như phao, tàu trên mặt biển, vệ tinh, thiết bị lặn dưới nước... Tất cả đều nhằm thu thập dữ liệu trong vùng Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Đô Dương. Các thông tin này sau đó sẽ được truyền về 3 trung tâm xử lý và phân tích thông tin tình báo được đặt tại quần đảo Hoàng Sa, tỉnh Quảng Đông và vùng Nam Á.

Tuy nhiên, ông Du cũng nói thêm, dù Biển Đông vốn được xem như "ao nhà" của Trung Quốc, nhưng với kinh nghiệm nhiều thập kỷ nghiên cứu vùng biển này, các tàu ngầm của Mỹ vẫn chiếm ưu thế, với khả năng thích nghi với nhiệt độ và độ mặn nước biển tốt hơn tàu ngầm Trung Quốc.

Chuyên gia này nhận định, kế hoạch phát triển một mạng lưới giám sát dưới biển có quy mô toàn cầu của Bắc Kinh cho thấy tiến bộ rõ ràng của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự dưới biển, song mặt khác, dự án này cũng bị cản trở bởi các hệ thống tương tự do Mỹ vận hành trên khắp thế giới.

Công nghệ cao thực sự góp phần giúp Bắc Kinh bảo vệ được lợi ích quốc gia trên biển cũng như trong lòng đại dương, dọc theo con đường tơ lụa trên biển, bắt đầu từ bán đảo Triều Tiên trải dài tới tận bờ biển Đông Phi.

Hệ thống kiểm soát đại dương này của chính quyền Bắc Kinh góp phần hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa", đồng thời củng cố về mặt quân sự cho kế hoạch "Nhất Đới Nhất Lộ" - tham vọng bành trướng ảnh hưởng kinh tế tới hơn 60 quốc gia trên toàn cầu.

Đã có khoảng 12 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong khuôn khổ của siêu dự án này được triển khai, từ làm đường cao tốc tới xây dựng các trạm năng lượng và khai mỏ. Tuy nhiên, "Nhất Đới Nhất Lộ" cũng đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều của các quốc gia trong khu vực có tranh chấp về chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Duy Anh

********************

Bắc Kinh lại cho báo chí đe dọa Úc vì "xen vào" hồ sơ Biển Đông (RFI, 01/01/2017)

Trong số báo cuối năm đề ngày 31/12/2017, nhật báo Trung Quốc Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) tiếp tục gây sức ép đối với Úc, đe dọa rằng việc "xen vào" vấn đề Biển Đông sẽ chỉ làm cho tình thế chiến lược của Canberra thêm khó khăn.

tq2

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (T) tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), Canberra, ngày 07/02/2017© Reuters

Tờ báo Trung Quốc nổi tiếng với những luận điệu hung hăng này, đã đăng bài viết của một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Hải Quân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Theo nhà nghiên cứu này, trước đây, dưới thời hai thủ tướng Kevin Rudd và Julia Gillard, nước Úc đã có một lập trường tốt khi giữ thái độ "trung lập và cân bằng" trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc kể trên ghi nhận là trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Mỹ cho thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, Úc đã thay đổi chính sách một cách đáng kể, với hệ quả là vừa đe dọa lợi ích quốc gia của Trung Quốc, vừa gây tổn hại cho lợi ích lâu dài của Úc, làm sâu đậm thêm những mâu thuẫn căn bản về mặt chiến lược của Canberra.

Và như thông lệ, Hoàn Cầu Thời Báo đã lớn tiếng hù dọa rằng "Trung Quốc sẽ không cho phép Úc muốn làm gì thì làm… và những hành động khiêu khích ở Biển Đông (của Canberra) có thể buộc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp đối phó mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Úc.

Giọng điệu đe dọa của Hoàn Cầu Thời Báo không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng điểm đáng chú ý là tờ báo trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã gợi lên khả năng Bắc Kinh trả đũa Canberra về kinh tế.

Trên nhật báo Úc The Sydney Morning Herald vào hôm nay, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc, nhận định rằng bài báo thể hiện luận điệu chống Úc ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc nhắm vào dư luận Úc, đặc biệt là nhằm tranh thủ các đối tượng chủ trương nương theo thay vì chống lại đà vươn lên của Bắc Kinh.

Đối với giáo sư Thayer, quan điểm trong bài báo cho rằng Trung Quốc nên trừng phạt Úc về mặt kinh tế vì lập trường Biển Đông của Canberra là một tín hiệu "đặc biệt đáng lo ngại".

Theo chuyên gia Thayer, giọng điệu của "chuyên gia" được Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài, hoàn toàn phù hợp với đường lối nhất quán của tờ báo này, đang đả kích và đe dọa Úc, một phần là vì chính quyền Canberra đã chỉ trích Bắc Kinh xen vào chính trường nội bộ nước Úc.

Theo giáo sư Thayer, Hoàn Cầu Thời Báo "đóng vai trò một con chó dữ được dùng để đe dọa bất cứ quốc gia nào có quan điểm trái ngược với đường hướng tuyên truyền hiện tại của Trung Quốc".

Trọng Nghĩa

********************

Trung Quốc ấn định mức tiền mặt được rút ở nước ngoài (RFI, 31/12/2017)

Trong nỗ lực chống nạn rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố, Trung Quốc ra hạn định số tiền mặt được phép rút ở nước ngoài.

tq3

Từ 01/01/2018, người Trung Quốc bị hạn chế rút tiền mặt ở nước ngoài Reuters/Kim Kyung-Hoon/Files

Theo AFP, quy định mới này có hiệu lực ngay từ ngày thứ Hai, 01/01/2018. Mỗi một chủ thẻ tín dụng chỉ được phép rút không quá 100000 nhân dân tệ/ năm (tương đương 12800 euro) ở nước ngoài. Và mỗi ngày không được phép rút hơn 10000 tệ (1280 euro).

Bất kể ai vi phạm quy định này có nguy cơ bị treo quyền rút tiền mặt ở nước ngoài ngay trong hai năm kể từ thời điểm vi phạm. Quy định này đã từng được áp dụng từ tháng 09/2015 với những đối tượng sở hữu thẻ ngân hàng Union Pay, một dạng thẻ Visa hay MasterCard kiểu Trung Quốc.

Theo Bắc Kinh, biện pháp này nhằm "hạn chế các rủi ro tài chính", nhưng nhất là để ngăn chặn thất thoát dòng vốn ra ngoài lãnh thổ, một nỗi ám ảnh lớn đối với Bắc Kinh.

Việc rút tiền ở nước ngoài từng là một phương thức để người Trung Quốc đưa tiền ra khỏi lãnh thổ và đầu tư vào nhữngdự án có lãi cao. Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc muốn số tiền đó dùng để hỗ trợ nền kinh tế đất nước, hiện có những dấu hiệu hụt hơi.

Minh Anh

Published in Châu Á