Phải tăng cường mức độ quản lý của nhà nước, xử lý nghiêm khắc những vụ báo chí sai phạm, phạt các tổng biên tập và phóng viên có hành vi tiêu cực điển hình như vụ Yên Bái mới đây.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (P) và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (T) vẫy chào tại Tokyo. Ảnh chụp ngày 5 tháng 6. AFP
Đó là đề nghị của thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sau khi nhà báo Lê Duy Phong, bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội nhận hối lộ trong khi đang thực hiện loạt bài về cơ ngơi của những quan chức tỉnh Yên Bái.
Vẫn theo lời ông, được báo trong nước đăng tải lại, người làm báo cần tránh viết những tin liên quan đến tài sản hay hành vi tiêu cực của viên chức địa phương như bí thư hay chủ tịch vì đó là hành động nguy hiểm.
Sau vụ ông Lê Duy Phong, trưởng Ban Bạn Đọc Báo Giáo Dục Điển Tử, bị bắt và bị thu hồi thẻ nhà báo, dư luận trên mạng nói rằng nhà báo này không vòi cũng không nhận tiền hối lộ mà chính là bị ‘gài bẫy’ vì động chạm đến người có chức quyền.
Đến chiều 3 tháng Bảy, tại cuộc họp chính phủ với các địa phương, bộ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông, ông Trương Minh Tuấn, cho biết bộ đang quyết liệt chấn chỉnh công tác báo chí tại một số văn phòng thường trú, đại diện các cơ quan báo chí ở một số nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, đồng thời đã phát hiện một số sai phạm và yêu cầu xử lý.
Theo bộ trưởng Trương Minh Tuấn, báo giới chí trong nước đang có hiện tượng như phóng viên cấu kết thành nhóm nhằm đánh phá doanh nghiệp, sáng đưa bài lên thì trưa mời đối tượng đi nhậu để nhận phong bao rồi chiều về gỡ bài xuống. Ông nói đây là hành vi đánh hội đồng từ phía báo chí.
Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông Việt Nam, Trương Minh Tuấn tại cuộc họp báo ngày 30/6/2016 ở Hà Nội. AFP
Bà Kim Hoa, dân oan miền Tây, cho rằng chẳng có viên chức nào dám bình luận về yêu cầu mà ông Nguyễn Xuân Phúc nêu ra với báo chí đâu. Với bà, đây chẳng qua là siết chặt thêm nữa hoạt động săn tin và đưa tin của phóng viên trong nước :
Để tự do quá không có lợi thì người ta hạn chế, báo chí Việt Nam cũng đa phần người phản ảnh sự thật thì rất ít, còn muốn giữ chén cơm thì phải viết những chuyện không có hại cho nhà nước không có hại cho chính quyền.
Đụng tới một người thì người kia sợ bể dàn ra, do đó cũng không phải người đó ra tay mà những người khác ra tay để chận đứng lại, để không cho phanh phui ra một cái chân rết từ trên xuống dưới, hàng ngang hàng dọc. Người ta nói tốt khoe xấu che, chuyện xấu đừng phăng ra cho thế giới biết.
Nhà báo tự do và cũng là nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội, nói rằng ông không đồng ý với đề nghị khá là không rạch ròi của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhưng mặt khác cũng đừng quên Việt Nam có bao nhiêu báo ra công khai thì bấy nhiêu đó nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước :
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo ra vùng cấm cho các quan chức cộng sản cấp- cao mà báo chí trong nước không được phép phê phán tới. Tư duy của ông rất cũ và lỗi thời.
Thế nhưng mà nói đi thì cũng phải nói lại, hiện nay trong nước với số lượng trên 20.000 nhà báo trong hệ thống của báo chí quốc doanh thì cũng có vấn đề một số nhà báo lợi dụng bộ máy tham nhũng, lãng phí, xa xỉ cho nên có hiện tượng toa rập, vào hùa bắt tay với nhau, đưa lên mắt báo, đánh hội đồng một số doanh nghiệp, đặc biết các quan chức cộng sản đã mắc phải những sai phạm nghiêm trọng, có cả chuyện đó.
Nhưng cũng có hiện tượng nhiều nhà báo có lương tâm, trong sáng, thẳng thắn trước những tình trạng thối nát. Chính vì thế công luận mới thấy được những hiện tượng mà đảng cộng sản Việt Nam cũng không thể né tránh được mà cuối cùng đã phải kỷ luật dù mức độ làm nhân dân chưa hài lòng. Nhà nước cộng sản Việt Nam phải có sự rạch ròi để báo chí trong nước được tự do phản ánh những tiêu cực thì xã hội mới trong sách được.
Những lời tuyên bố hay chỉ thị của thủ tướng lẫn bộ trưởng Thông Tin- Truyền Thông Việt Nam đi ngược lại chuẩn mực phổ quát về báo chí, khẳng định của nhà báo Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện Báo Quân Đội Nhân Dân khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long :
Nói như ông thủ tướng hay ông bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông về chuyện đánh hội đồng, là các nhà báo cấu kết với nhau thì cái đó không phải. Khi một vụ việc như thế thì nhiều báo vào cuộc và đưa tin lên, như thế là không thể dùng từ đánh hội đồng được. Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông, ông Tuấn, lâu nay đã bị mạng nó chê là ăn nói không chuẩn mực và rất chủ quan. Nói điển hình là cái tầm, trình độ, nhận thức cũng như quan điểm chính trị xã hội của các vị đó rất kém.
Cái chuẩn mực nhất đối với nhà báo là phản ảnh trung thực cái thực tế xảy ra, thậm chí lột tả hết nguyên nhân, hậu quả, tác hại của nó. Chuẩn mực nhất của báo chí vẫn là vấn đề trung thực, không thể nói xiên xẹo hay nói theo sự chỉ đạo nào đó.
Từ Cộng Hòa Tiệp, ông Nguyễn Quốc Vũ, thành viên nhóm Văn Lang, một tổ chức có tiền thân là tờ báo chuyên cổ vũ dân chủ và tự do cho Việt Nam do các du học sinh người Việt chủ trương ở đây hơn hai thập niên trước, nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam luôn coi hệ thống báo chí là công cụ tuyên truyền cho đảng và nhà nước nên mới có những đề nghị hay nhận xét trái khoáy về truyền thông trong nước mình như thế :
Ngay cả báo chí họ cũng biết phải làm cái gì và những điểm nào nên tránh. Đôi lúc nhà nước muốn xả muốn mở một số đề tài cho báo chí đỡ bức xúc. Thí dụ như tham nhũng chẳng hạn, nhưng họ không nói rõ tới mức nào. Tôi cảm giác là nếu báo chỉ chỉ đánh tham nhũng tới cấp huyện thì chắc không ai nói gì, nhưng nếu cao hơn thì họ lại cấm vì sợ ảnh hưởng đến chế độ.
Thực ra có một điều không thể chối cãi là ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Quốc Vũ nói tiếp, một điều không thể phủ nhận là báo chí và phóng viên dù như bị kiểm soát nhưng vẫn có một vai trò quan trọng đáng kể
Phải nói là phóng viên mà có thể nhà báo là rất quan trọng nhưng tôi nghĩ những người chóp bu ở Việt Nam họ không hiểu vai trò của báo chí như cách mình hiểu ở đây, họ chỉ coi báo chí là công cụ tuyên truyền của họ mà thôi.
Chính vì vậy, đề nghị tăng cường quản lý nhà nước về báo chí mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hay cảnh báo về trách nhiệm làm báo mà bộ trưởng Bộ Thông Tin- Truyền Thông Trương Minh Tuấn đề cập đến chẳng qua là phản ảnh sự quan ngại của nhà nước về một nền báo chí quá tự do thông thoáng hơn mà thôi, ông Nguyễn Quốc Vũ kết luận.