Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vượt qua cả tầm chính trị để vươn vào kinh tế và gần đây là nhằm làm 'sống lại cuộc cách mạng về đạo đức', David Hutt nhận định trên AsiaTimes hôm 20/5.
Chiến dịch đạo đức
Từ Đại hội 12, Tổng bí thư Trọng đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng
Tại Hội nghị Trung ương 7 diễn ra từ ngày 7 đến 12/5/2018, bên cạnh những vấn đề quan trọng như cải tổ nhân sự trong đảng, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội, chiến dịch đạo đức của ông Trọng cũng chiếm lĩnh nghị trường, theo ông David Hutt, cây bút chuyên về chính trị Đông Nam Á.
David Hutt cho rằng việc nâng cao đạo đức đảng viên là cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2021.
Hội nghị lần này đã đưa ra khái niệm 'cán bộ cấp chiến lược', là những người xuất sắc trong quản lý và đạo đức chính trị.
"Chiến dịch đã vượt qua tầm chính trị", theo David Hutt trong bài mô tả động lực của công cuộc chống tham nhũng.
"Hàng chục cựu giám đốc điều hành từ các doanh nghiệp nhà nước, cũng như các doanh nhân hàng đầu và các quan chức an ninh cao cấp, bị tòa án truy tố".
David Hutt đưa ra những lý do thực tế là tham nhũng đã khiến chính phủ trả giá đắt trong những năm qua, và vấn đề lớn hơn là Việt Nam đang phải đối mặt với nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách mở rộng.
Đảng nhận thức được rằng tính chính danh của Đảng trong dân chúng bị suy yếu trong nhiều năm do vấn đề tham nhũng
"Đảng cũng nhận thức được rằng tính chính danh của Đảng trong công chúng bị suy yếu trong nhiều năm do vấn đề tham nhũng".
"Nhưng trong những tháng gần đây đã có sự chuyển biến đáng chú ý từ đấu tranh tham nhũng kinh tế sang tham nhũng đạo đức trong Đảng, trở thành vấn đề ý thức hệ quan trọng hàng đầu trong viễn kiến của Tổng bí thư Trọng", David Hutt nhận định.
"Chiến dịch đạo đức đi đôi với những gì mà giới hoạt động dân chủ cho là cuộc đàn áp mạnh nhất đối với những bất đồng chính kiến trong nhiều thập kỷ".
"Thay vì cho phép tự đánh giá lại nội bộ Đảng một cách rộng rãi hơn, chiến dịch đạo đức của ông Trọng được sắp xếp để chấm dứt tư duy tự do (free thought)", theo David Hutt.
"Một mặt, đây là cuộc Thập tự chinh của phái bảo thủ phản ứng lại thời cuộc, và nay họ đã tạm thời phục hồi quyền bính, để đảm bảo các ý tưởng của họ không bị lối nghĩ mới tẩy đi.
"Mặt khác, xuất phát từ nhận thức rằng Đảng không thể tồn tại trong thời đại biến đổi của lịch sử Việt Nam nếu độc quyền về quyền lực của Đảng bị nới lỏng và nhận thức về Đảng tham nhũng hơn là đạo đức".
Tác giả nước ngoài cũng nhận định :
"Nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng đang được công chúng quan tâm và bày tỏ thái độ hài lòng".
'Người đốt lò vĩ đại'
Trước đó, trong Đại hội Đảng 12 diễn ra tháng 1/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh "chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, bị xử tù
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng được truyền thông nhà nước ca ngợi là 'Người đốt lò vĩ đại' với chiến dịch chống tham nhũng của ông.
"Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng", ông Trọng nói trong bài phỏng vấn được hàng loạt báo Việt Nam đăng tải ngày 20/2.
Hàng loạt đảng viên 'cao cấp' đã 'sa lưới', điển hình là việc bỏ tù Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, gần đây là các vụ bắt và truy tố tướng Nguyễn Thanh Hóa và trung tướng Phan Văn Vĩnh liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ.
Theo David Hutt
Phỏng nguyên tác : Vietnam on a drive to revive its moral revolution, AsiaTime, 20/05/2018
Nguồn : BBC, 20/05/2018