Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một trong ba người dân tham gia kiện Formosa mà công an tỉnh Nghệ An triệu tập lên ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã bị khởi tố với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 bộ luật hình sự. Sự việc được những người trong cuộc và linh mục Đặng Hữu Nam gọi là "đòn thù" dành cho những nạn nhân của Formosa sau khi vị linh mục này bị thuyên chuyển ra khỏi giáo xứ Phú Yên đến xứ mới.

nghean1

Linh mục Đặng Hữu Nam nói chuyện với ngư dân bên ngoài Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 26/9/2016. Courtesy citizen

Ông Cao Sỹ Hoán, người làm muối tại làng chài Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu ngày 09/03/2016 bị cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An giao quyết định khởi tố. Hai người còn lại là bà Bùi Thị Nhiệm và Nguyễn Thị Sâm sống tại cùng khu vực đều nhận được giấy triệu tập vào trưa ngày 09/03/2018.

Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết :

"Sự việc này xuất phát từ ngày 03/10/2016 khi mà người dân Phú Yên chúng tôi đi đệ đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, thì tòa án nhân dân và chính quyền thị xã Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh có yêu cầu tôi là người đại diện pháp lý để lo thủ tục pháp lý cho bà con trong vụ việc bà con đi khởi kiện đó. Để thuận tiện cho công tác xử lý hồ sơ của tòa án.

Theo yêu cầu của tòa án thì người dân phải làm giấy ủy quyền cho tôi là linh mục Đặng Hữu Nam để đại diện pháp lý cho họ. Khi về địa bàn thì chúng tôi làm đơn và có chữ ký của người dân. Chúng tôi cho người dân lên ủy ban xã an hòa để photo và công chứng thành nhiều bản ủy quyền để nộp cho tòa án và thị xã Kỳ Anh. Thì chính quyền xã An Hòa đùn đẩy và không chịu làm".

Ban đầu chính quyền xã An Hòa từ chối xác nhận, sau đó chính quyền địa phương nhượng bộ nhưng lại yêu cầu mỗi người làm đơn phải lên để trực tiếp ký.

Chúng tôi đã liên lạc với trung tá Tạ Đình Tuấn, trưởng công an huyện Quỳnh Lưu để biết thêm thông tin. Ông Tuấn lúc đầu nói rằng không có sự việc nào liên quan đến Formosa. Tuy nhiên, sau đó ông đã thừa nhận rằng công an tỉnh Nghệ An đang điều tra ba người đánh công an xã tại trụ sở ủy ban nhân dân và nhanh chóng kết thúc cuộc gọi.

"Cái này thì cơ quan tỉnh Nghệ An làm. Liên hệ ba trường hợp lên xã An Hòa, có gây rối và có đấm vào một số cán bộ xã. Hiện tại thì đang làm. Có gì thì anh thông cảm cho tôi, anh liên hệ công an tỉnh Nghệ An, không phải tôi thích làm gì là tôi làm. Vấn đề giáo dân, lương dân hay ai đi chăng nữa thì phải chấp hành pháp luật, không đứng trên pháp luật. Phải đầy đủ căn cứ thì cơ quan điều tra mới khởi tố được chứ. Không đủ cơ sở pháp luật thì làm sao Viện Kiểm Sát người ta phê chuẩn cho. Còn người dân người ta nói thì là do người ta nói trên quan điểm của họ thôi. Nhưng mà tôi cũng thông cảm nên cũng chẳng có gì để nói".

Bà Nguyễn Thị Sâm cho rằng nhà cầm quyền đang cố vu khống đổ vạ cho mình, bởi vì hành động của người dân lúc đó hoàn toàn ôn hòa.

"Chúng tôi đi sang đòi chữ ký mà họ không cho thì chúng tôi phải lên tiếp chứ. Chúng tôi đi đòi công lý chứ không làm cái gì sai hết. Chúng tôi có làm cái gì đâu. Có làm cái gì quấy rối trật tự đâu. Mà bây giờ lại nói đi lên, đi lên để gặp. Lại nói là "khử" từng người một"., bà nói.

Bà Bùi Thị Nhiệm cũng cho RFA nói thêm : "Ban đầu hội đồng giáo xứ sang xã xin, thì họ không cho dấu. Họ nói dấu phải có toàn dân, thì toàn dân kéo lên. Ban đầu cũng nói nhỏ với họ : tại sao chúng tôi sang xin cái chữ ký mà các ông cũng không cho, mà còn đòi hỏi cả dân sang ? Giờ thì toàn dân sang đây thì các ông cho đi. Thì họ lại giở trò. Họ lại cho rằng dân đến là gây rối trật tự công cộng".

Các video ghi lại sự kiện đó nay vẫn còn trên mạng internet không ghi nhận bất kỳ một sự va chạm hay hành động quá khích nào.

Bà Sâm cũng cho biết một điều bất thường là giấy triệu tập được gửi lúc khoảng 11 giờ trưa lúc bà không có ở nhà.

Linh mục Đặng Hữu Nam nhận định hành động khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" là hành vi leo thang căng thẳng nhắm vào những người đi đòi công lý và chống Formosa.

"Nguyên sự kiện ngày 03/10/2016 thì việc này là chính quyền sai chứ không phải người dân sai. Bởi vì theo luật thì người dân có quyền yêu cầu nhà cầm quyền ký xác nhận, đóng dấu, công chứng vào các bản ký và photo và theo luật định của nhà nước. Nhưng mà vì ủy ban nhân dân xã An Hòa không phải của người dân, cố tình bảo vệ cho Formosa, tìm mọi cách ngăn cản việc người dân đi khởi kiện. Đó là không cho người dân làm cái giấy thủ tục ủy quyền cho tôi là đại diện pháp lý cho họ trong vụ kiện Formosa để cho quá hạn bên tòa án cho phép, để làm cản trở việc khởi kiện của người dân".

Luật sư Lê Công Định cho rằng việc chính quyền xã An Hòa không chấp nhận cho người dân được thực hiện các quyền dân sự là một hành vi cản trở và cố tình bao che sai phạm cho cấp địa phương và "có tính chất trả thù".

"Chúng ta thấy rằng việc tụ tập ở UBND là xuất phát từ một hành động cản trở trước đó của chính quyền địa phương chứ không phải là do người dân cố tình muốn làm việc này. Cho nên xét xử hoặc khởi tố một hành vi như vậy, thì cần phải xét ngược lại nguyên nhân nào đưa đến hành động tụ tập trước UBND như vậy.

Tôi nghĩ rằng việc mượn cớ là người dân tụ tập mà không xét đến nguyên nhân gốc của nó tôi cho là cố tình bao che những hành động vi phạm của chính quyền địa phương và để trả thù những người dân phản ứng lại hành động cái quyền và lợi ích hợp pháp của chính quyền địa phương".

Linh mục Đặng Hữu Nam cũng chỉ ra rằng Phú Yên là một trong những nơi đấu tranh kiên trì và mạnh mẽ nhất chống lại Formosa nên là cái gai trong con mắt của nhà cầm quyền.

"Sau khi tôi đi khỏi giáo xứ Phú Yên thì họ dùng chiêu bài này để hù dọa, và chắc chắn là để dập tắt tiếng nói phản đối Formosa, hay là những người lên tiếng bảo vệ công lý, và sự thật ở Việt Nam, cách riêng tại miền trung và nói đúng hơn nữa là tại giáo phận Vinh".

Luật sư Lê Công Định nhìn ở một góc cạnh khác thì thấy sự yếu kém của nhà cầm quyền khi một sự việc đã kéo dài cả.

"Khởi tố một sự kiện cách đây hơn 1 năm rưỡi, cho thấy bộ máy điều tra của chính quyền Việt Nam thực sự là không có hiệu quả. Bởi vì thông thường nếu xảy ra một hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bộ máy phải vào cuộc điều tra ngay chứ không phải chờ 1 năm rưỡi sau.

Điều đó cho thấy việc điều tra và ghép tội này hoàn toàn không phải nhằm mục đích xử lý những hành vi vi phạm có thật mà ở đây có tính cách trả thù. Chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ rằng đằng sau việc điều tra để chuẩn bị khởi tố này có dấu hiệu của hành động trả thù sau một thời gian tạm lắng đi của sự kiện Formosa như vậy".

Bà Nguyễn Thị Sâm và Bùi Thị Nhiệm đều khẳng định mình vô tội và sẵn sàng nói điều đó ra kể cả khi bị bắt đi tù.

Ông Cao Sỹ Hoán trong phần nhận xét về biên bản khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra đã ghi rằng mình không đồng ý với quyết định này.

Tiến Thiện

Nguồn : RFA, 11/03/2018

Published in Diễn đàn

Điều quan trọng đối với chính quyền Việt Nam lúc này là chấp nhận để người dân khởi kiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Formosa, doanh nghiệp đã gây ra thảm họa môi trường biển nghiêm trọng ở duyên hải miền trung Việt Nam, một nhà hoạt động xã hội dân sự và luật sư nói với BBC nhân tròn một năm vụ thảm họa xảy ra (6/4/2016-6/4/2017).

formosa1

Nhà cầm quyền Việt Nam không nhất thiết đứng ra 'bao che' cho Formosa Hà Tĩnh và 'tìm cách dùng tiền' mà doanh nghiệp này cam kết với nhà nước để 'chia lại' cho người dân, theo Luật sư Lê Công Định.

Muốn tránh một 'làn sóng phẫn nộ rộng khắp' mà có thể là một 'sự bất ổn không thể kiểm soát được', nhà cầm quyền Việt Nam nên 'khôn ngoan' chấp nhận việc khởi kiện này, Luật sư Lê Công Định nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Việt ngữ.

"Ở đây thực chất muốn đi chia lại mà thôi, chứ cũng không phải Nhà nước đi bồi thường cho người dân được", ông Định nói.

"Và số tiền đó tôi xin nói thẳng là hoàn toàn không đủ vì thiệt hại về môi trường giống như nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh vừa nói là kéo dài 50-70 năm chứ không đơn thuần là một năm mà thôi".

Theo cựu thành viên của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh thì ngay cả một năm, số tiền nửa tỷ đô la cũng 'không giải quyết được'.

Khi được đề nghị đưa ra một lời tư vấn khả thi và hợp lý nhất cho tất cả các bên trong giải quyết hậu quả vụ việc, Luật sư Định nói :

"Cho nên điều quan trọng nhất là lúc này để người dân lắng đi cơn phẫn nộ của mình là nhà cầm quyền phải chấp nhận chuyện người dân khởi kiện Formosa.

"Và nếu cứ tìm cách gây áp lực để cản trở và dùng hình thức đàn áp, thì chỉ tạo nên một làn sóng phẫn nộ rộng khắp và tôi nghĩ rằng đó là sự bất ổn không thể kiểm soát được, sự khôn ngoan của nhà cầm quyền nằm ở chỗ đó", Luật sư Lê Công Định nói với BBC từ Sài Gòn.

'Bao che, lấp liếm ?'

formosa2

Nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh cho rằng có những điều mà người dân 'không thể hiểu nổi' trong cách ứng xử của nhà nước và chính quyền Việt Nam trong vụ thảm họa môi trường Formosa.

Trước đó, cũng tại cùng cuộc thảo luận Bàn tròn Thứ Năm, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh nêu quan điểm về vụ Formosa, sau một năm nhìn lại, ông nói :

"Điều cần thiết nói ở chỗ Formosa này là người ta cần vạch rõ ra đây là một thảm họa môi trường thực sự, vấn đề ở chỗ là chủ thể đã gây ra thảm họa đã rõ ràng là Formosa, doanh nghiệp gang thép ở Formosa, thế nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vì lý do gì mà cứ 'bao che, lấp liếm', cứ làm những động tác mà người dân không thể hiểu nổi.

"Thực ra mà nói là 'không thể hiểu nổi', nhưng nói trắng ra họ đã tìm mọi cách để 'bao che' cho một đám gây thảm họa môi trường và bằng nhiều động tác, nào là huy động tất cả các cơ quan nọ kia, và bây giờ sau một năm người ta tuyên bố rằng Formosa đã đạt được các quy chuẩn, quy trình nọ kia.

"Cho nên bây giờ nhà cầm quyền cho hệ thống truyền thông bảo rằng biển đã sạch, rồi cá đã này khác, nhưng cho đến bây giờ họ chưa tuyên bố là vùng biển nào cá ăn được, vùng biển nào cá còn độc và như thế nào thì cá ăn được, như thế nào thì nước biển sử dụng được và chỗ nào muối làm có thể ăn được.

"Điều đó họ 'cố tình lấp liếm' bằng hệ thống truyền thông, bằng những văn bản có hiệu lực mà có người chịu trách nhiệm hẳn hoi, điều đó dẫn đến một điều là rất mất lòng tin và nghi ngờ trong công chúng, rồi chịu ra nhiều sự oán giận trong bản thân họ".

Về số tiền đền bù mà nhà nước Việt Nam chấp nhận từ doanh nghiệp Formosa, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh nêu quan điểm :

"Với những người quan sát sự kiện này và những người dân đấu tranh, thì số tiền 500 triệu đô la đền bù của Formosa... là điều mà người ta không thể chấp nhận được, lý do là 500 triệu đô la đó sẽ đền bù trong thời gian bao lâu ? 6 tháng, 6 năm hay là 60 năm ?

"Bởi vì thảm họa Formosa theo các nhà khoa học, với những người có kinh nghiệm và với những cái đã xảy ra, thì năm, bảy chục năm nó mới hết, trong quá trình đó Formosa có đền bù đủ, hay là nhà nước Việt Nam đứng ra nhận đền bù..., họ sẽ đền bù trong bao lâu và đến bao giờ thì họ đền bù đủ.

formosa3

Một năm sau vụ thảm họa môi trường, nhiều người dân ở duyên hải miền Trung Việt Nam và trên cả nước vẫn có các cuộc biểu tình, phản đối lớn nhỏ trước việc môi trường biển và môi trường sinh sống bị gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Tất cả những hành động đó đi ngược lại với lợi ích của người dân, đồng thời hành động dùng quân đội, dùng công an... dùng đủ mọi lực lượng, công an, cán bộ..., đàn áp người biểu tình nói lên nguyện vọng, tiếng nói của mình nói lên vấn đề bảo vệ môi trường và Formosa, chính đó là những điều đã làm cho Formosa trở nên trầm trọng hơn.

"Và tôi cho rằng vấn đề Formosa còn lâu mới giải quyết được theo chiều hướng và cách thức này của nhà cầm quyền Việt Nam chỉ đầy nhà cầm quyền vào thế bị động lúng túng và đẩy người dân vào thế thù địch mà thôi", nhà báo tự do nói với BBC Việt ngữ từ Hà Nội.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 08/04/2017

Published in Diễn đàn