Trong dự thảo Luật dân số do Bộ Y tế chủ trì xây dựng có đề xuất "thưởng" tiền cho việc sinh con. Theo đó, Nhà nước khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh có mức sinh thấp bằng cách hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất, và ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai.
Y tá bế một em bé sơ sinh tại bệnh viện ở Hà Nội ngày 13 tháng 8 năm 2009 - Reuters
Đề xuất "thưởng" tiền khi sinh con gây nhiều bất ngờ trong dân chúng, bởi bao nhiêu năm qua, nhiều khẩu hiệu yêu cầu giảm mức sinh được phát ra rả trên truyền thông hay dán đầy đường phố từ Bắc chí Nam. Có thể kể một vài khẩu hiệu như : ‘Kế hoạch hóa gia đình là trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng’ ; ‘Không kết hôn sớm, đẻ ít, đẻ thưa để nuôi dạy con tốt’ ; ‘Thực hiện gia đình ít con để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc’ ; ‘Thực hiện qui mô gia đình ít con để chăm sóc, nuôi dạy cho tốt’…
Theo Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương, đề xuất này hiện đang được đưa ra lấy ý kiến, và có hai luồng ý kiến khác nhau hoàn toàn. Có những người đang muốn sinh con, nên nếu sinh mà được "thưởng" thì họ cũng thích. Nhưng cũng có những người thấy dân số đã quá đông, sinh thêm nữa thì càng khó khăn hơn. Bà nêu ý kiến của mình :
"Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy không nên khuyến khích sinh con, bởi nếu gia đình nào thấy họ có đủ điều kiện thì tự họ sẽ sinh, còn sinh con ra mà không chăm sóc, nuôi dạy nên người thì đó lại là một gánh nặng cho xã hội.
Bao nhiêu năm nay, chính sách mỗi gia đình chỉ giới hạn hai con, nếu sinh ba đứa con sẽ bị phạt, trước đây phạt rất nặng. Điều này cũng ăn sâu vào ý thức của nhiều người dân khiến người ta không muốn sinh con nữa.
Nhà nước chỉ thưởng có một lần lúc sinh, mà cái mức thưởng có đáng bao nhiêu so với công nuôi dưỡng mười mấy năm sau đó. Thay vì thưởng như thế, Nhà nước nên đầu tư giáo dục cho những trẻ em hiện nay đầy đủ. Đó mới là điều nên làm.
Bà Hương nói thêm, truyền thống của người Việt Nam thích đông con, nhiều cháu. Nhà nước không cần khuyến khích sinh đẻ, không cần thưởng tiền. Nhà nước chỉ cần lo cho an sinh xã hội đầy đủ. Chăm lo cho sức khỏe phụ nữ, chăm lo cho giáo dục trẻ em về mọi mặt, kể cả chi phí học hành, sách vở thì tự khắc người ta sẽ sinh thêm con. Khuyến khích sinh đẻ bằng cách thưởng tiền chỉ phù hợp với những nước giàu có, an sinh xã hội tốt mà dân số quá ít.
Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng 1 hiện nay là 4.420.000 đồng, vùng 2 là 3.920.000 đồng ; vùng 3 là 3.430.000 đồng và vùng 4 là 3.070.000 đồng.
Với mức hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng thực sự không đáng bao nhiêu với mức lạm phát ở Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, nợ công của Việt Nam đang cao ngất ngưởng, nhưng Nhà nước vẫn phải đề xuất chính sách hỗ trợ tiền khi sinh con vì Việt Nam hiện bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ dân số già.
Mới hôm 4 tháng 10 vừa qua, hai định chế tài chính đang hỗ trợ công cuộc phát triển của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới - World Bank và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA, cùng khuyến cáo Việt Nam nên đổi mới để nâng cao năng suất để có thể đối phó mức tăng trưởng giảm xuống do tình trạng dân số ngày càng già đi.
Cụ thể, Ngân Hàng Thế Giới dự kiến dân số già khiến tăng trưởng kinh tế đường dài của Việt Nam giảm 0,9%/ năm giai đoạn 2020-2050 so với 15 năm trước đó. Khảo sát của JICA cho thấy Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang một xã hội có nhiều người cao tuổi hơn ở giai đoạn phát triển kinh tế sớm hơn so với các quốc gia khác đã trải qua sự chuyển dịch tương tự.
Bà Tuyết vừa mới lập gia đình nêu quan điểm của bà về đề xuất hỗ trợ tiền nếu chịu sinh con :
"Tôi thấy dân số quá đông, Nhà nước không lo nổi còn bày đặt khuyến khích sinh thêm con. Đây là hình thức mị dân mà thôi. Nếu thưởng tiền khi sinh con thì có chu cấp nuôi con đến 18 tuổi không ?
Cứ để tự nhiên, người ta thấy đủ điều kiện kinh tế gia đình thì người ta sẽ sinh thêm con.
Tôi nói thiệt, tiền ‘thưởng’ không đủ cho người ta khám thai, nói gì đến nuôi con. Mà thôi, tôi không tin những gì mấy ổng nói từ lâu rồi. Mấy ổng thay đổi xoành xoạch. Giờ người ta có bầu xong mấy ổng thay đổi không đưa tiền thưởng, làm gì mấy ổng ?"
Bà Loan, một người mẹ trẻ ở Sài Gòn, nói với RFA :
"Người phụ nữ tại Việt Nam chịu nhiều áp lực lắm. Vừa phải lo kiếm tiền, vừa phải lo cho con, cho chồng và giáo dục con cái. Do đó cần phải tập trung lo cho phụ nữ và trẻ em.
Đợt dịch vừa rồi Chính phủ không có tiền để trợ cấp cho bà con thì lấy gì mà khuyến khích sinh thêm. Tất cả những gì họ nói đều là nói cho có, cho qua chuyện chứ thực tế khác hẳn. Chính phủ cũng không có tiền để thưởng đâu. Nhà nước không có tiền nhưng không muốn cho dân biết vì dân biết thì không hay, cho nên phải tỏ ra mình có tiền, chính phủ lo an sinh cho dân, nhưng không ai tin nhà nước cho tiền đâu."
Trước đây, khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, Nhà nước có chủ trương cấm sinh con thứ ba đối với công nhân viên chức. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, bị tước quyền sử dụng giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ, hay bị khiển trách kỷ luật của cơ quan nơi người đó đang đảm nhiệm chức vụ, đang công tác.
Từ năm 2011, Bộ Y tế đã soạn thảo một Dự luật Dân số mới và cho biết các chuyên gia đề xuất nới lỏng chính sách sinh hai con trong Dự thảo luật này. Theo đó, các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con sẽ sinh, thời gian và khoảng cách giữa các lần sinh. Chính phủ quy định giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, ngược lại khuyến khích các vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp.
Đến năm 2013, Chính phủ ban hành nghị định mới, không đề cập gì đến việc kỷ luật khi công nhân viên chức sinh con thứ ba nữa. Tuy vậy, hình thức xử lý vẫn được thực hiện theo quy định trong nội quy, quy chế làm việc của một số cơ quan, đơn vị.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có 21 tỉnh thành gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang... đang có mức sinh dưới hai con/bà mẹ. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có mức sinh thấp nhất cả nước.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 28/10/2021