Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tại Điều 13.1.d cho biết nếu đảng viên thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội, thì đảng viên đó phải chịu trách nhiệm liên đới.

dang1

Một giảng viên Đại hội Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên thệ tại buổi lễ kết nạp đảng. Ảnh : Đại hội Bà Rịa - Vũng Tàu

"Con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới", theo văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, gồm có : con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó.

Người ký Quy định 102-QĐ/TW và văn bản số 04-HD/UBKTTW đều là ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng. Ông Trần Quốc Vượng từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhiệm kỳ từ 25/7/2007 đến 26/7/2011 ; có nghĩa ông Vượng rất am tường luật pháp của Việt Nam. Thế nhưng nếu cho rằng các văn bản được ban hành từ cơ quan của Đảng cũng cần phù hợp chung với hệ thống pháp luật của Quốc hội Việt Nam, thì dễ nhận ra rằng những nội dung nêu ở trên mà ông nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ký ban hành, đã đi ngược lại quy định của Bộ Luật dân sự.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự theo quy định hiện hành, là "mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử ; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản". (Trích Điều 3.1, Bộ Luật dân sự 2015). Điều 18 của Bộ Luật Dân sự khẳng định không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân.

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định những thành viên trong gia đình nếu đã thành niên, thì phải tự chịu trách nhiệm về hành vi cá nhân. Trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau. Cha mẹ chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại do con cái của họ gây ra, nếu như những đứa con này vị thành niên ; hoặc thành niên nhưng bị "mất năng lực hành vi".

Các quy định nói trên của Đảng cộng sản Việt Nam không phù hợp với pháp luật dân sự hiện hành, mà gần như cùng quan niệm của Nho giáo về tính "gia trưởng".

"Gia trưởng" có nghĩa là "người chủ gia đình". Vì sao một gia đình lại cần có chủ ? Trong thế giới quan của Nho gia, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hài hòa yên ấm thì xã hội mới thái bình thịnh trị. Ngược lại, gia đình lục đục thì xã hội cũng rối loạn. "Tề gia" và "trị quốc" có mối quan hệ khăng khít. Đức Khổng Tử nói : "Phải làm sao cho mọi người làm tròn chức vụ của mình. Vua ở cho hết phận vua, tôi ở cho hết phận tôi, cha ở cho hết phận cha, con ở cho hết phận con".

Sử sách Trung Quốc nói rằng Vua Cảnh Công khen Đức Khổng Tử rằng : "Ngài nói phải thay ! Nghĩ như vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, ở trong tình cảnh hỗn loạn như thế, dẫu là ta có lúa thóc đầy kho, có chắc được ngồi yên mà ăn được không ?".

"Tề gia" và "trị quốc" ấy lại bắt đầu từ "tu thân". "Tu thân" là tu dưỡng đạo đức. Sách Đại Học có câu : "Làm vua thì hết mình thực hiện đức nhân. Làm bề tôi thì hết mình thực hiện đức kính. Làm con thì hết mình thực hiện đức hiếu. Làm cha thì hết mình thực hiện đức từ. Cùng người trong nước quan hệ với nhau phải hết mình thực hiện đức tín".

Từ cách hiểu "gia trưởng" Nho giáo như vậy, cả hai văn bản 102-QĐ/TW và 04-HD/UBKTTW do ông Trần Quốc Vượng ký ban hành cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam đang hướng tới một chủ nghĩa nhà nước mang tính cực quyền toàn trị, với chức năng can thiệp và kiểm soát toàn diện các mặt đời sống của dân chúng, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa tư tưởng.

Nhà vua - ở đây là Tổng bí thư, trở thành biểu tượng của uy quyền tối thượng và toàn năng đối với các thần dân, đồng thời là một người cha nghiêm khắc và nhân từ của dân chúng theo một chủ nghĩa thân dân, dân bản kiểu gia trưởng.

Có lẽ thâm ý của "con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới" mà ông Trần Quốc Vượng muốn nhắm đến, chính là vấn nạn ‘con ông – cháu cha’ tại Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra : thay vì ban hành các văn bản mang tính nội bộ trị nhau, Đảng cộng sản không xây dựng hẳn hoi cho mình một Luật về Đảng thật danh chính ngôn thuận ? Điều 4.3, Hiến pháp 2013, quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Những văn bản mang tính nội bộ của Đảng không thể gọi là "văn bản pháp luật" vì nó nằm ngoài phạm vi luật định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Vì là ngoài phạm vi luật định, nên nếu xảy ra "con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới", thì "trách nhiệm liên đới" này có phải là "đồng phạm", hay "che giấu tội phạm" trong pháp luật hình sự, đều không phù hợp, vì chỉ có thể kết luận "trách nhiệm liên đới" của cá nhân đảng viên đó bằng bản án tuyên có hiệu lực.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 08/04/2018

Published in Diễn đàn