Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguyên nhân thực sự khiến Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa trong hai nhiệm kỳ bị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra trung ương đang thực hiện chức năng của "Tòa án Đảng" xét xử các tổ chức nội bộ đảng. Và, trong các "phiên toà" kiểu này bộc lộ ngày càng rõ dấu ấn của "quan hệ tư bản thân hữu…" 

kyluat1

Kỳ họp thứ 29 của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội từ ngày 12 đến 15/6/2023 - Chinh Phủ

Mới đây, giữa tháng 6/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra trung ương tại Kỳ họp thứ 29 đã xem xét về các vi phạm đối với tập thể và nhiều các cá nhân (nêu đích danh 21 nguyên lãnh đạo chủ chốt, cấp cao nhất là hai nguyên bí thư tỉnh uỷ…) của bộ máy Đảng cộng sản (CS) và Chính quyền tỉnh Thanh Hóa từ năm 2010 đến 2021. Đó là các vi phạm :

1) nguyên tắc làm việc của đảng ;

2) trách nhiệm lãnh đạo, giám sát ;

3) luật Phòng, chống tham nhũng, quy định đối với đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận các vi phạm trên "đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội… đến mức phải xử lý kỷ luật".

Trong một số kỳ họp trước của Ủy ban Kiểm tra trung ương ba lý do nêu trên thường được nhắc đến, nó cho biết rằng bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào thuộc Đảng cộng sản nếu không tuân thủ các quy định của Đảng đều phải bị trừng phạt tuỳ theo mức độ nặng nhẹ. Tuy nhiên, trong thông cáo trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương có một nội dung cụ thể được nhấn mạnh rằng Ban Thường vụ Tỉnh Ủy Thanh Hóa đã vi phạm pháp luật Nhà nước trong "việc chấp thuận chủ trương, trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trong giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất, trong phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án, trong đó có các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện". Và, việc xét xử này cho biết rằng việc một chính quyền tỉnh đã bị huỷ hoại thế nào bởi quan hệ tư bản thân hữu, mặc dù hành vi "đưa và nhận hối lộ" đã không thể ‘công khai’ như ở đại án AIC.

Đây chính là nguyên nhân thực sự khiến Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá bị kỷ luật, trong có bộc lộ mối liên hệ ‘thân hữu’ với mục đích trục lợi trong thời gian dài giữa chính quyền với các doanh nghiệp tư nhân như FLC và AIC mà hiện đang là đối tượng khởi tố của đại án tham nhũng trong việc sử dụng đất đai, tài sản nhà nước. Trong bài trước, mối quan hệ kiểu này bùng phát phức tạp và nghiêm trọng và được định danh là "chủ nghĩa tư bản thân hữu". Mối quan hệ này có khởi đầu bởi chính sách Đổi mới từ năm 1986 rằng để cứu sự sụp đổ chế độ nền kinh tế buộc phải chuyển đổi sang thị trường, thực chất là vận hành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, trong qúa trình hơn 30 năm sau Đổi mới những ý tưởng tốt đẹp ban đầu đã không được hỗ trợ tương ứng bằng cải cách thể chế khiến cho mâu thuẫn, về nguyên lý, giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa kinh tế "hạ tầng cơ sở" và chính trị "thượng tầng kiến trúc" trở nên căng thẳng, tình hình có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát của Đảng cộng sản.

Chế độ Đảng cộng sản toàn trị hiện nay vốn được thiết kế để sử dụng quyền lực tuyệt đối bằng công cụ kế hoạch hoá tập trung và kiểm soát xã hội, từng người dân hướng đến xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) với các giá trị lý tưởng về vật chất và tinh thần, thiên đường trên mặt đất với những công dân thánh thiện. Chế độ này có nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó hứa hẹn đảm bảo rằng ‘điều không tưởng’ xã hội chủ nghĩa này đã gần kề - sẵn sàng cho tất cả mọi người, nhưng phải vượt qua một trở ngại về bản chất con người : Kẻ thù của con người là chiếm hữu (tiếng Anh : the enemy of being is having). Các-Mác đã bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề này trong Bản thảo Kinh tế và Triết học năm 1844 rằng, ham muốn sở hữu mọi thứ khiến bạn trở thành người xấu. Ông ấy cho rằng, bản chất con người là "tổng hòa của các mối quan hệ xã hội". Bởi vậy, nếu ta thay đổi các mối quan hệ xã hội – ví dụ, bằng cách thay đổi cơ sở kinh tế của xã hội và phá bỏ mối quan hệ giữa nhà tư bản và công nhân – thì con người trong xã hội mới sẽ rất khác so với cách họ sống trong chủ nghĩa tư bản. Và trong tác phẩm Tư bản luận, ông ấy đã giải thích chống lại chủ nghĩa tư bản vì nó tạo ra một thế giới bất bình đẳng, bóc lột và xung đột giai cấp, và nhấn mạnh giai cấp công nhân sẽ là phương tiện dẫn đến sự giải phóng phổ quát vì nó là sự phủ nhận tư hữu, và do đó sẽ mang lại sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất.

Thực tế trong những năm qua, kể từ sau Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, sự vận hành chế độ xã hội chủ nghĩa ở bất cứ quốc gia nào trên trái đất, dù theo mô hình Xô-Viết hay mới đây ở Venezuela đã chứng tỏ rằng việc bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân các phương tiện sản xuất không hề làm thay đổi bản chất của con người. Hầu hết con người ta, thay vì cống hiến cho lợi ích chung, lại tiếp tục tìm kiếm quyền lực, đặc quyền, và sự xa hoa cho bản thân và người thân. Trớ trêu thay lại là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy những "con suối của cải" tư nhân chảy mạnh hơn những con suối của cải tập thể lại được tìm thấy trong thực tế "Cải cách và Mở cửa" ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thực tế "Đổi mới" ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, hai quốc gia được cho là "còn lại" của hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, vẫn tuyên bố là đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin.

Một mô hình ý thức hệ giáo điều đang được dung dưỡng, chủ nghĩa tư bản là xấu xa, tội lỗi và chủ nghĩa xã hội là tốt đẹp, là tương lai cần hướng đến, vẫn có sức cuốn hút với nhiều người mặc dù thực tế không phải như vậy. Hãy hình dung, kinh tế sẽ ra sao nếu thiếu thị trường và nếu phương thức sản xuất tư bản không vận hành từ sáng kiến "khoán chui" của những nông dân dũng cảm đến những doanh nhân can đảm, dám tiên phong. Tuy nhiên, tuyên truyền vì phủ nhận thay vì kế thừa sự phát triển chủ nghĩa tư bản, giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ đang xây dựng "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc" và ở Việt Nam – xây dựng "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", nhưng những gì đang diễn ra và dễ nhận thấy nền kinh tế của hai đất nước này không mấy liên quan đến chủ nghĩa xã hội, chứ chưa nói đến chủ nghĩa Mác.

Bài học quan trọng rút ra là sự tiến hóa của các thể chế chính trị không độc lập với những công cụ mà chúng ta dùng để thỏa mãn các nhu cầu của mình, cũng không độc lập với những cấu trúc kinh tế mà chúng ta tổ chức xoay quanh những công cụ ấy, hay với những lợi ích kinh tế mà chúng tạo ra. Thể chế chính trị hiện nay Việt Nam chậm ‘đổi mới’, dần tỏ ra "đuối sức" trước kinh tế thị trường, bị huỷ hoại và đang có nguy cơ đe doạ tồn vong chế độ.

Ủy ban Kiểm tra trung ương đang thực hiện chức năng của "Tòa án Đảng" xét xử các tổ chức nội bộ đảng. Và, trong các "phiên toà" kiểu này bộc lộ ngày càng rõ dấu ấn của các doanh nhân, phản ánh mối quan hệ tư bản thân hữu giữa các quan chức đảng, chính quyền và các doanh nghiệp tư nhân mà thực chất là tư bản… Kỳ họp 29 này xét xử Ban thường vụ tỉnh uỷ Thanh Hoá sẽ không phải là phiên xử cuối cùng. Với những công cụ tăng cường sử dụng sức mạnh chuyên chế giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tin rằng chế độ sẽ được "chỉnh đốn" và "củng cố". Tuy nhiên, kinh tế thị trường đang hoạt động trong lòng chế độ và, như một xu hướng khó có thể đảo ngược bằng các cuộc cách mạng vô sản như trong quá khứ, nó đang đòi hỏi sự thay đổi ngược lại… Nhưng thế nào ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 21/06/2023

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn