Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

9 Nghị viện liên minh đối phó – Đảng cộng sản Trung Quốc "lâm nguy"

Hãng SCMP đưa tin ngày 05/6 một nhóm các nhà lập pháp phương Tây tuyên bố thành lập một liên minh để "có lập trường cứng rắn hơn đối với Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua các chiến lược tập thể".

Nhóm này có tên "Liên minh quốc hội đa quốc gia về chính sách đối phó Trung Quốc" (Inter-Parliamentary Alliance on China - IPAC).

ipac1

18 nghị sĩ đến từ 9 nghị viện tham gia IPAC

Liên minh được lập ra trong bối cảnh một số nước phương Tây bày tỏ lo ngại về kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia ở Hong Kong cũng như những chỉ trích cho rằng Trung Quốc thiếu minh bạch về đại dịch Covid-19.

IPAC hiện gồm 18 nghị sĩ có thái độ hoài nghi về Trung Quốc đến từ cơ quan lập pháp của 8 quốc gia là Mỹ, Anh, Đức Nhật Bản, Úc, Canada, Na Uy, Thụy Điển và 1 tổ chức quốc tế là Nghị viện Châu Âu.

Liên minh trên cho biết họ sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực hoạch định chính sách liên quan Trung Quốc, gồm : Bảo vệ trật tự dựa trên các luật lệ quốc tế, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy công bằng thương mại, phát triển các chiến lược an ninh bổ sung và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong một tuyên bố chung, các thành viên IPAC nêu rõ : "Trung Quốc hiện là một thách thức toàn cầu. Các quy tắc dân chủ giúp chúng ta tự do và an toàn hiện chịu áp lực lớn hơn. Trật tự dựa trên các luật lệ cũng đang bị ảnh hưởng. Và điều này không thể cứ tiếp diễn mà không bị ngăn cản. Không quốc gia nào phải tự chịu gánh nặng này".

Liên minh này cho biết thêm nhiều thành viên khác được kỳ vọng sẽ gia nhập.

Đại diện trong IPAC đến từ Hoa Kỳ là hai Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Robert Menendez.

Ông Rubio nói : "Cách mà chúng ta phản ứng với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc cùng nỗ lực của Đảng cộng sản Trung Quốc nhằm định hình lại toàn cầu chính là câu hỏi về chính sách đối ngoại của chúng ta hiện nay".

Ông Rubio đóng vai trò là đồng chủ tịch của Ủy ban điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc, một ủy ban có ảnh hưởng được thành lập năm 2000 để tư vấn cho Quốc hội và chính quyền Mỹ về các vấn đề liên quan đến quyền con người và pháp quyền ở Trung Quốc.

Nghị sĩ Robert Menendez của Đảng Dân chủ hiện là Thành viên cao cấp Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ. Vào năm 2013, ông cùng các nghị sĩ của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã soạn một bức thư kêu gọi Trung Quốc không triển khai vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, trong đó có quần đảo tranh chấp với Nhật. Bức thư cũng khẳng định các hoạt động của Bắc Kinh đe dọa đến "lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ".

Năm 2016, ông Menendez cũng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách "thống trị" Biển Đông và đề xuất Chính phủ Mỹ cần phải thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn. Theo ông Menendez, sức mạnh thực sự của Mỹ chỉ có thể được thể hiện đầy đủ và hiệu quả khi được bộc lộ trọn vẹn. Ông nói : "Từ lâu, Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi chính sách hiếu chiến và bành trướng của mình trong khi Mỹ chỉ đóng vai trò là người quan sát hoặc khá hơn là người phản đối mà chưa thực sự hành động".

Ông Menendez cũng là một trong bốn nghị sĩ Mỹ đã đệ trình dự luật có tiêu đề "Luật về sáng kiến an ninh hàng hải Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016" nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ các đồng minh tăng cường an ninh trong khu vực cũng như mở rộng các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây để thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

ipac2

Thượng nghị sĩ Marco Rubio trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tháng 10/2019

Ông Rubio và Menendez là những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ.

Họ đã thúc đẩy nhiều nỗ lực lập pháp tại Quốc hội Mỹ hiện nay để đối đầu với Trung Quốc về nhiều vấn đề, trong đó có việc Trung Quốc giam giữ người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương cho đến việc tước bỏ dần dần của quyền tự trị Hồng Kông.

Họ đã đưa ra dự luật năm ngoái kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc về việc giam giữ hàng triệu người Ngô Duy Nhĩ và các nhóm sắc tộc Hồi giáo khác. Dự luật này gần đây đã được lưỡng viện thông qua và chờ chữ ký của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hai ông cũng là thành viên của một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng chịu trách nhiệm trình Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019, đòi hỏi sự giám sát cao hơn về quyền tự trị của Hồng Kông đối với Trung Quốc đại lục, được ký thành luật vào tháng 11.

Theo luật này, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hồng Kông còn duy trì được quyền tự chủ hay không, để đặc khu được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ. Nếu ngoại trưởng Mỹ không chứng nhận điều này, Quốc hội Hoa Kỳ có thể thu hồi cơ chế thương mại đặc biệt của Hồng Kông. Điều này có nghĩa là đối xử với Hồng Kông tương tự như Trung Quốc đại lục trong giao thương và các vấn đề khác.

Mới đây, ngay trước thời điểm các nhà lập pháp Trung Quốc thông qua đạo luật sẽ nới rộng luật an ninh quốc gia mờ ảo của đất nước này sang Hồng Kông ngày 28/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã chứng nhận trước Quốc hội rằng Hồng Kông không còn đủ điều kiện để được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ.

ipac3

Nghị sĩ Robert Menendez

Đại diện cho Đức trong nhóm IPAC là Michael Brand, người phát ngôn về nhân quyền của Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo của Thủ tướng Angela Merkel.

Trước đây, ông đã lên tiếng phản đối sự ‘khom lưng cúi gối’ của Đức trước Trung Quốc.

Ngoài ra còn có ông Reinhard Bütikofer, cựu Chủ tịch Đảng Xanh và là thành viên Nghị viện Châu Âu. Đề cập đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Bütikofer nói : "Trung Quốc của ông Tập kết hợp các hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống tại nước mình với những nỗ lực định hình lại trật tự quốc tế theo tham vọng bá quyền. Một điều mà thập kỷ vừa qua dạy chúng ta là không một quốc gia nào có thể một mình bảo vệ sự toàn vẹn của trật tự quốc tế".

Trước đó, truyền thông Đức, hồi tháng 4, dựa trên một tài liệu lưu hành nội bộ của Bộ Ngoại Giao Đức, cho biết các quan chức cấp cao và nhân viên các bộ của Đức được mời "phát biểu với những cụm từ tích cực về cách xử lý dịch virus corona của Trung Quốc". Bộ Ngoại Giao Đức đã khuyến cáo tất cả các cơ quan chính phủ từ chối đề nghị trên.

Tại Châu Âu, Đức là nước có quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc và cũng được coi là đối tác Châu Âu được Trung Quốc coi trọng nhất. Trong thời điểm hiện nay, quan điểm của Chính phủ Đức đối với Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến phản ứng của Châu Âu với Trung Quốc, không chỉ vì Đức là cường quốc kinh tế số 1 Châu Âu mà còn vì Đức sẽ là nước sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu trong nửa sau năm 2020.

Đại diện đến từ Anh trong IPAC là Iain Duncan Smith, cựu Chủ tịch Đảng Bảo thủ và cũng là người sáng lập IPAC.

Ông Smith cho rằng những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hồng Kông kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát cho thấy phương Tây đang đối mặt với thái độ mới từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cần phải thích ứng nhanh chóng.

Ông Smith cảnh báo những diễn biến gần đây cho thấy "chính phủ Trung Quốc không còn quan tâm tới ngoại giao chung mà đang sử dụng sức mạnh để dọa dẫm những nước khác".

Phản ứng trước luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, Chính phủ Anh mới đây cũng tung đòn hiểm hóc với Trung Quốc. Đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo Trung Quốc là nếu Bắc Kinh thực thi luật mới này thì chính phủ Anh sẽ tạo mọi điều kiện pháp lý thuận lợi để khoảng 3 triệu người dân hiện sinh sống ở đặc khu hành chính của Trung Quốc có thể dễ dàng nhập quốc tịch Anh.

Sự tham gia của hai nghị sĩ đến từ Na Uy thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Hồi đầu năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát Tình báo Na Uy (PST) cáo buộc chính phủ Trung Quốc đánh cắp thông tin từ các website của Na Uy thông qua công nghệ được cung cấp bởi Huawei, trong đánh giá an ninh thường niên của PST.

Bà Marie Benedicte Bjørnland, Giám đốc PST, cho rằng luật pháp Trung Quốc yêu cầu các cá nhân và công ty tư nhân như Huawei phải hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Tor Mikkel Wara đã thông báo về kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm giảm khả năng bị tấn công của hệ thống mạng nước này với nhận định những máy chủ của Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Chính phủ quốc gia Bắc Âu đã tìm cách để ngăn cản các nhà mạng lớn nhất của nước này là Telenor, Telia và Ice trong việc lựa chọn các thiết bị viễn thông được cung cấp bởi Huawei.

Trước đó, cuối năm 2016, Trung Quốc và Na Uy đã quyết định bình thường hóa quan hệ, nối lại đàm phán thương mại sau 6 năm đóng băng quan hệ.

Năm 2010, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ Ủy ban Nobel của Na Uy trao giải trao Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba, người đang thụ án tù 11 năm ở Trung Quốc vì tội âm mưu lật đổ chính quyền. Bắc Kinh cho rằng giải thưởng phương hại đến quan hệ Trung Quốc – Na Uy.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 07/06/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Trung
Published in Diễn đàn