Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khi đọc phát biểu của người đứng đầu Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ủng hộ việc tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu, và khẳng định mỗi công dân phải có nhiệm vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách, quả thực tôi cảm thấy uất nghẹn.

doi1

Giao thông ở Việt Nam - Ảnh minh họa

Cái uất nghẹn đó không phải là một thứ tình cảm cảm tính, hay sự lo sợ sẽ thiệt hại thêm vài chục ngàn đồng mỗi tháng khi xăng tăng giá.

Tăng thuế môi trường để bù đắp ngân sách ?

Thứ nhất, hội nhập thương mại quốc tế ở cả cấp độ đa biên ( tham gia WTO) và hội nhập khu vực (tham gia các hiệp định thương mại tự do - FTA), điều mà tất cả các nhà đám phán, doanh nghiệp và người dân đều biết trước đó là các cam kết về cắt giảm thuế quan.

Hàng hóa của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn khi xuất khẩu sang nước bạn, thì ở chiều ngược lại chúng ta cũng giảm thuế đối với hàng nhập khẩu. Việc thuế giảm dần về 0% là một xu hướng tất yếu của thương mại, và khi tham gia vào sân chơi đó chúng ta đều biết.

Điều tôi thật sự thất vọng là cách một số nhà làm chính sách ứng xử với xu hướng này. Họ không nhìn nhận nó như một thời cơ lớn cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng mà chỉ lo sợ thất thu thuế và tìm mọi cách để làm sao cho nguồn thu thuế không bị hụt.

Thử hỏi nếu như ta tham gia hội nhập quốc tế trong tâm thế đó thì có phải nửa đời nửa đoạn không ? Một bên ta cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, một bên ta lại tăng thuế nội địa để sao cho không thất thu thuế, vậy thì chẳng phải đã triệt tiêu đi tác dụng của việc giảm thuế ?

Vậy thì gia nhập WTO, ký kết các FTA cuối cùng để làm gì nếu như chúng không giúp người dân được hưởng hàng hóa, dịch vụ phong phú hơn, ở mức giá hợp lý hơn ?

Thứ hai, lối tư duy đó bộc lộ một tầm nhìn rất ngắn hạn. Việc cắt giảm thuế quan, nhất là ở những mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế như xăng dầu, là cơ hội lớn chứ không phải chỉ có cái hại là thất thu thuế.

Xăng dầu giảm giá sẽ kích thích nền kinh tế phát triển bởi nó là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ. Chi phí của doanh nghiệp giảm thì doanh thu, lợi nhuận của họ tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thu được cũng sẽ nhiều hơn.

Người dân tăng chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ nhờ xăng dầu giảm thì thuế giá trị gia tăng họ nộp cũng nhiều hơn. Đó là viễn cảnh trong dài hạn mà những người làm quản lý kinh tế phải hình dung.

Ta hãy xem cắt giảm thuế như việc đào một cái hố để trồng cây. Cái cây lớn lên sẽ ra hoa, kết trái. Nhưng nếu ta chỉ sợ đào hố sẽ để một lố trống trên đường và lập tức lấp ngay lại bằng việc tăng thuế nội địa thì sẽ không bao giờ có cái cây nào mọc lên cả.

Thứ ba, chưa cần là những người có thu nhập cao để nộp thuế thu nhập đi chăng nữa, bất cứ người dân bình thường nào trong xã hội này cũng hàng ngày, hàng giờ nộp thuế.

Từ cân đường, hộp sữa đến chiếc vé tàu, vé xe mà họ bỏ tiền ra mua hàng ngày đều có thuế giá trị gia tăng. Đến những người buôn gánh, bán bưng ngoài chợ cũng nộp phí chợ, rồi cũng phí đó cũng tính vào từng mớ rau, con cá mà người tiêu dùng cuối cùng phải trả.

Cho nên tôi không nghĩ người dân cần được giáo huấn về nghĩa vụ nộp thuế. Thậm chí người dân có quyền hỏi lại, liệu những người có trách nhiệm đối với việc thu và sử dụng những đồng thuế kia đã tôn trọng mồ hôi, công sức của người dân ?

Cho nên, vấn đề không nằm ở vài ngàn đồng, mà xót xa hơn nó thể hiện rõ tư duy của không ít người cầm cân nảy mực nền kinh tế.

Nền kinh tế chỉ thay đổi khi tư duy lo sợ hội nhập và tận thu thuế đó thay đổi mà thôi.

Đinh Khương Duy

Nghiên cứu sinh Luật Kinh tế quốc tế, ĐH Bocconi

Nguồn : BBC, 17/05/2017

Additional Info

  • Author Đinh Khương Duy
Published in Diễn đàn