Làm sống lại thói quen kiểm soát thông tin cũ phản ánh sự bất an của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Một chiếc loa phóng thanh tại một cửa ngõ ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 18/5/2011. Ảnh : AFP
Gần đây chính quyền thành phố Hà Nội tuyên bố sẽ tái lập hệ thống loa phường một thời có mặt ở khắp nơi, phương tiện chính trong hoạt động thông tin và tuyên truyền của Chính phủ, một chứng tích của quá khứ đã cũ nát và bị bỏ mặc từ đầu những năm 2000.
Tuyên bố đưa ra hồi cuối tháng 7 đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người, đồng thời với sự chế nhạo. Nhưng nó nói lên rất nhiều điều về chế độ Cộng sản : sự bất an của đảng này và con đường dẫn đến quyền lực.
Một thời điểm đơn giản hơn
Đối với một chính phủ chủ trương hướng đến một tương lai công nghệ cao cho Việt Nam trên cơ sở "Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4", việc sử dụng những chiếc loa phóng thanh đơn điệu dường như không là một phương thức thông tin tinh tế.
Vì sao lại sử dụng một phương tiện truyền thông lỗi thời ở vào thời điểm có những nguồn thông tin thay thế trên khắp các nền tảng của điện thoại thông minh ?
Ở mức độ đơn giản nhất, có thể hiểu đây là một nỗ lực của Đảng nhằm quay trở lại thời kỳ mà nhà nước dễ dàng độc chiếm môi trường thông tin.
Theo các tổ chức theo dõi quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường báo chí bị đàn áp khắc nghiệt nhất thế giới. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam ở vị trí 174. Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo ghi nhận 23 nhà báo bị bắt giữ trong năm 2021. Freedom House xếp Việt Nam ở vị trí 22 trong tổng số 100 quốc gia về tự do internet – chỉ hơn các nước tệ nhất là Iran, Myanmar và Cuba.
Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực kiểm duyệt internet, môi trường báo chí Việt Nam vẫn rộng mở hơn trông đợi. Internet ở Việt Nam không có tường lửa và nước này có tới 76 triệu người sử dụng Facebook. Nhà cầm quyền chỉ có thể tập trung kiểm soát những người có tầm ảnh hưởng chủ chốt.
Luật An ninh mạng được Chính phủ Việt Nam thông qua vào năm 2019, có khả năng ép buộc các công ty công nghệ lớn phải nội địa hóa dữ liệu, mặc dù tranh chấp chính sách giữa Bộ Công an và các bộ kinh tế có nghĩa là điều này chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
Tuy vậy, theo dữ liệu báo cáo của chính quyền Việt Nam, các công ty truyền thông xã hội nước ngoài đã tuân thủ tới gần 90% các yêu cầu của Chính phủ về việc gỡ bỏ tin bài trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Hà Nội đang yêu cầu và nhận được sự tuân thủ nhiều hơn của doanh nghiệp trong việc xử lý "nội dung độc hại". Tuy nhiên, đối với nhiều người trong Đảng cộng sản Việt Nam (VCP), môi trường truyền thông hiện vẫn còn quá dễ dãi.
Cảm giác bất an ngập tràn
Việc tái lập hệ thống loa phường cũng cho thấy sự bất an sâu sắc từ phía chính phủ và họ có nhiều thứ để lo lắng, bất an.
Tuyên bố về tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam dựa trên hai điều : Chủ nghĩa dân tộc và Phát triển kinh tế. Gần đây, người ta đặt câu hỏi cho cả hai điều này vì nạn tham nhũng lan tràn đã vươn tới các cấp cao nhất của chính quyền.
Mặc áp lực không ngừng và tuyên bố chủ quyền biển quá quắt của Trung Quốc chống lại chủ quyền quốc gia của Việt Nam, lực lượng Cảnh sát Biển đã bị sa lầy vào tham nhũng. Cả Tư lệnh Cảnh sát biển và người tiền nhiệm của ông ta đều đã bị tuyên án 17 năm tù vì sử dụng tài sản nhà nước để bảo kê cho những kẻ buôn lậu xăng dầu. Đảng cộng sản Việt Nam đã khai trừ 2 thiếu tướng và kỷ luật 05 thiếu tướng khác và hai trung tướng.
Công chúng của Chính phủ Việt Nam sẽ rất để ý trong lần tới khi lực lượng Cảnh sát biển không thành công trong việc chống lại các cuộc xâm nhập của Trung Quốc. Tham nhũng làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Hai vụ tham nhũng tai tiếng khác, cả hai đều liên quan tới những phản ứng chống COVID-19 xuất sắc (cho đến lúc đó) của Chính phủ tiền nhiệm, đã lên đến giới lãnh đạo cao cấp nhất và làm dấy lên nghi ngờ về sự điều hành của Thủ tướng.
Một vụ bê bối liên quan tới các chuyến bay hồi hương giải cứu công dân Việt Nam đã hạ bệ một thứ trưởng ngoại giao và một Phó cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an cùng những người khác.
Vụ bộ kít xét nghiệm Việt Á cũng đã hạ bệ hai thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ưu tú, một cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành điều tra hơn 21 người.
Tham nhũng là vấn nạn phổ biến ở Việt Nam. Và các vụ tham nhũng tai tiếng này dường như gây quan ngại nhiều hơn so với những vụ việc cách đây 5-6 năm khi các quan chức cấp cao vũ khí hóa cảnh sát và cơ quan công tố để triệt hạ các đối thủ chính trị và mạng lưới bảo trợ của họ.
Đảng cộng sản Việt Nam biết rằng họ đang gặp phải cuộc khủng hoảng về tính chính danh. Chính phủ gần đây thừa nhận rằng trong năm 2021 đã có tới 3.725 cuộc điều tra chống tham nhũng và hoạt động tố tụng hình sự, cao gấp 3 lần so với con số của năm 2020.
Đối với một nền kinh tế bị kẹt giữa kế hoạch hóa tập trung và cơ chế thị trường, với các quyền tài sản mềm nơi mà nhà nước kiểm soát các yếu tố đầu vào chính yếu như đất đai, vốn, chưa kể việc cấp phép, không thiếu những cơ hội cho tham nhũng. Nhưng nơi mà tham nhũng một thời được coi là một chí phí kinh doanh, giờ đây bị coi là chiếm đoạt và cản trở phát triển kinh tế.
Con đường tới quyền lực
Loa phường chứng minh cả hệ thống chẳng cần vì ai !
Trân Văn, VOA, 28/07/2022
Sau một thoáng ngạc nhiên, cảm xúc của công chúng chuyển sang thất vọng và bất bình.
Một cụm loa phường ở Hà Nội.
Tuần này, không chỉ cư dân thành phố Hà Nội mà nhiều triệu người Việt khác cũng chưng hửng khi chính quyền thành phố Hà Nội loan báo sẽ tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn nhằm "nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội".
Việc tái lập hệ thống loa truyền thanh đến tận tổ dân phố, thôn mà dân chúng vẫn ví von là "loa phường" nằm trong kế hoạch gọi là "Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội". Trong "chiến lược" ấy còn có việc thiết lập mạng lưới tin điện tử cấp phường – xã, mạng lưới bảng tin điện tử công cộng (1).
Sau một thoáng ngạc nhiên, cảm xúc của công chúng chuyển sang thất vọng và bất bình. Có thể vì cùng tâm trạng nên những người chăm sóc diễn đàn điện tử của các cơ quan truyền thông chính thức không xóa bình luận nào về sự kiện vừa kể. Ví dụ, trong 44 bình luận về ý tưởng tái lập hệ thống "loa phường" của chính quyền Hà Nội trên tờ Tuổi Trẻ, chỉ có hai độc giả tán thành, số còn lại cùng cho rằng đó là một giải pháp lạc hậu, là nỗ lực gieo rắc ô nhiễm tiếng ồn, là một trong những nỗi đau ám ảnh họ cả cuộc đời..
Trên mạng xã hội, Đào Tuấn nhắc lại chuyện cuối thập niên 2010, sau khi tổ chức thăm dò dư luận trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội về "loa phường" và nhận lại kết quả là 89,67% không tán thành, Chủ tịch Hà Nội lúc đó đã quyết định xóa bỏ hệ thống "loa phường", rồi so với kế hoạch tái lập hệ thống "loa phường" mới được công bố và ngậm ngùi tỏ bày :Chẳng có hình thức tra tấn nào đã man hơn "loa phường" thế mà chúng mình phải nộp thuế để trả tiền cho việc bị tra tấn (2).
Với suy nghĩ theo hướng đó, Mai Quốc Việt nhận định, tuyên bố tái lập hệ thống "loa phường" là một kiểu "dọa dân" và "lâu lâu tụi nó dọa một phát kiểu này kể ra cũng kinh" (3). Giống như nhiều người khác, Đoàn Bảo Châu nêu ra hàng loạt lý do phản đối "loa phường" : Tái lập hệ thống thông tin như cách này vài chục năm để làm gì khi mỗi điện thoại di động đã như radio, TV, máy tính. Nhu cầu và sinh hoạt của mỗi người mỗi khác không thể cưỡng bức mọi người theo cùng một kiểu. Đáng lưu ý là Đoàn Bảo Châu nhấn mạnh đề nghị mà gần như ai cũng muốn đệ đạt :Vị nào đưa ra "sáng kiến" này nênra mặt để nhân dân thủ đô "trân trọng cảm ơn" (4).
Do "Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội" được công bố ngay sau khi ông Trần Sỹ Thanh trở thành Chủ tịch Hà Nội, nhiều người tin rằng đó là món quà mà ông mang ra chào sân. Cũng vì vậy, có người như Lê Đức Dục làm ngay một bài thơ :Anh về không lẽ im re.Phải có chi đó để nghe ồn ào.Tiền nhiệm nó làm ‘dư lào" (như thế nào).Thì nay ngược lại thế nào cũng hay.Loa phường bỏ năm năm nay.Thì chừ khôi phục có ngay ồn ào.Ồn ào thì cũng chẳng sao.Người ta bàn tán với nhau : Ối giời !Rứa là anh thành công rồi.Cõi ‘phây’ rầm rộ hướng nơi loa phường.Quên tất tần tật đoạn trường. Đu ‘trend’ anh tạo, loa phường muôn năm(3).
Từ kinh nghiệm cá nhân, Nguyễn Ngọc Huy nghĩ khác nhiều người :Thật ra hệ thống loa phát thanh tạinhữngnơi có thể đối diện với những rủi ro về thiên tai,biến cố môi trường, dịch bệnh, là cần thiết. Ông Huy nêu thảm họa kép hồi tháng 3 năm 2011 ở khu vực Đông Bắc nước Nhật (động đất rồi sóng thần) như một ví dụ minh hoạ.
Do động đất làm Internet, mạng điện thoại di động tê liệt, hệ thống loa phát thanh tại Nhật đã góp phần cứu mạng hàng trăm ngàn người – thúc giục họ di tản 30 phút trước khi sóng thần cao hàng chục mét tràn vào bờ. Song giống như nhiều người, ông Huy khẳng định : Hệ thống loa phát thanh phải được dùng đúng mục đích chứ không nên lạm dụng.Theo ông Huy, được nghe âm thanh giốngnhư một loạiquà tặng nhưng phải nghe thứ âm thanh và thông điệp không muốn nghe thì đó là sự tra tấn (6).
***
Dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã rút ra được nhiều "kinh nghiệm sâu sắc" từ việc công bố các dự án, kế hoạch, công trình, bị dân chúng phản đối kịch liệt vì đã vô bổ còn tốn kém, cuối cùng, không ít dự án, kế hoạch, công trình, phải tạm ngưng triển khai hay đình chỉ vĩnh viễn, gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chỉ công bố các dự án, kế hoạch, công trình, nhưng giấu tiệt chi phí (ví dụ Tượng đài Cảnh sát nhân dân).
"Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Nội" là một ví dụ khác. Không ai biết dân chúng phải trả bao nhiêu cho "phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền, phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở để gia tăng hiệu quả tuyên truyền", chỉ có thể đoan chắc, với những "mục tiêu" kiểu đó, chi phí đầu tư và duy trì "chiến lược" sẽ lên tới hàng ngàn tỉ. Chẳng lẽ Hà Nội không còn mục tiêu nào phải đạt trong phục vụ dân sinh ? Chẳng lẽ có thể dùng tiền như rác và xem dân ý như một loại rác khác nên chỉ cần quan trên thích, cả hệ thống sẽ cùng nhích ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/07/2022
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/ha-noi-lai-phu-song-loa-phuong-202207260947085.htm
Đông Đô, VNTB, 28/07/2022
Đề xuất tái lập hệ thống "loa phường" của Hà Nội cho thấy đã không được chuẩn bị đầy đủ về dữ liệu cho việc tái lập hệ thống "loa phường", tức hệ thống loa công cộng trải đều ở xóm phường, hẻm ngách…
Những con số của đe dọa chết người
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày đạt mức từ 77,8 đến 78,1 dBA (đơn vị đo âm thanh), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn trung bình vào ban đêm là 65,3 – 75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10 đến 20 dBA).
Tại các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn ở mức cao hơn so với mức cho phép.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đánh giá, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe lớn thứ hai – sau bụi. Tiếng ồn không tích lũy trong môi trường như ô nhiễm chất độc, nhưng nó gây tác động xấu cho sức khỏe con người và có thể để lại hậu quả lâu dài.
Ngoài ảnh hưởng đến cơ quan thính giác (gây ù tai, làm giảm sức nghe, điếc), ô nhiễm tiếng ồn còn gây ra chứng mất ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em… Điều đó cho thấy tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại nhưng lại ít được quan tâm so với các loại ô nhiễm khác.
Một ghi nhận trước khi xảy ra dịch Covid tại khoa Tai – Mũi – Họng của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội thì trung bình một ngày khoa tiếp nhận 500 – 600 bệnh nhân đến khám, trong đó, vấn đề thường gặp là về khả năng nghe kém khoảng 15 – 20%.
Các thầy thuốc chuyên khoa Tai – Mũi – Họng của bệnh viện Bạch Mai nói rằng đối với trẻ nhỏ, việc phải sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển về ngôn ngữ, tư duy, kết quả học tập. Còn với người lớn, việc sống và làm việc trong môi trường tiếng ồn liên tục khiến họ bị stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh.
Những căn bệnh của ồn ào đô thị
Một tài liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), đưa ra các cảnh báo mang tính chuyên ngành : Tiếng ồn khiến cơ thể tăng tiết catecholamin, cortisol – là những chất tham gia vào quá trình điều hòa và kiểm soát các hoạt động trong cơ thể, bao gồm cả hệ tim mạch. Vì vậy khiến nhịp tim và huyết áp tăng lên. Ngoài ra tiếng ồn cũng khiến người ta cảm thấy căng thẳng và mất ngủ, dẫn đến tăng huyết áp và rối loạn hoạt động của tim.
Sự tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn có độ lớn trên 80 decibel có thể làm giảm thính lực. Cơ chế gây giảm thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn là cơ chế thần kinh và cơ học. Tiếng ồn gây nên những thương tổn ở bộ phận thần kinh của cơ quan thính giác, những nghiên cứu đã quan sát thấy ở những người tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên, ngưỡng đáp ứng của thần kinh thính giác tăng, dẫn đến mất khả năng nhạy cảm thông thường, dần dần không cảm ứng được với âm tần có cường độ thấp.
Bên cạnh đó, cơ quan Corti nằm trong ốc tai, nơi chứa các tế bào sợi lông (tế bào Corti) để tiếp nhận các tín hiệu về âm thanh. Hệ tế bào này bị tổn thương trong giai đoạn đầu sau đó đến sự dày lên, xơ hóa màng nhĩ và toàn bộ cơ quan Corti.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do các tế bào Corti chịu tác động thường xuyên của áp lực âm thanh mạnh lên bề mặt tế bào cũng như các sợi lông khiến nó dày lên và dần dần mất cảm ứng về âm thanh, dẫn đến hiện tượng trơ về mặt cơ học cũng như thần kinh, gây suy giảm thính lực.
Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nếu âm lượng trên 50 decibel vào ban đêm cũng có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim do cơ thể sản xuất quá nhiều và liên tục cortisol.
Tiếng ồn tác động đến cơ thể qua hệ thần kinh thực vật (thần kinh giao cảm) và hệ nội tiết (tuyến yên và tuyến thượng thận). Những tác động này kéo dài gây nên các nguy cơ như huyết áp tăng, mỡ máu tăng, độ nhớt của máu tăng, tăng nhịp tim, tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng các yếu tố đông máu. Từ đó gây nên bệnh cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ và nghiêm trọng hơn là đột quỵ.
Trồng cây xanh nhiều hơn, thay vì chăm chăm chỉ tiêu ‘loa phường’
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đưa ra đề xuất Hà Nội cần trồng nhiều cây xanh ở hai bên đường. Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư… cần xây tường cao "chắn" tiếng ồn. Về lâu dài, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp cần phải có điều khoản về chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.
Nhìn ở góc độ kiến trúc, ông Nguyễn Khiêm – một kiến trúc sư, cho rằng nhà ở tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có chất lượng cách âm khá thấp do thói quen xây tường đơn để tiết kiệm chi phí, thay vì tường đôi có lớp không khí nhằm cách âm và cách nhiệt ở giữa.
Còn nhớ khi Hà Nội chưa bỏ loa phường, ngày vài lần, người dân ở gần khu vực đặt loa bị "hành hạ" bởi tiếng loa, nhất là buổi sáng những ngày cuối tuần, muốn ngủ thêm một chút cũng không được.
Như vậy, với những khảo sát thực tế và các khuyến cáo đưa ra từ những cơ quan chuyên môn về vấn đề tiếng ồn đô thị tại Hà Nội, nay lại có đề xuất tái lập hệ thống loa trải đều trên đường phố ở nhiệm kỳ mới của tân chủ tịch Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh, dư luận có căn cứ cho hoài nghĩ về kiến thức quản lý đô thị của người vừa được Đảng ‘phân công’ vào ghế quyền lực này ở Hà Nội.
Đông Đô
Nguồn : VNTB, 28/07/2022
*************************
RFA, 27/07/2022
Chính quyền thành phố Hà Nội hôm 27/7 khẳng định vai trò của hệ thống loa phường là không thể thay thế và chưa bao giờ bị khai tử.
AFP
Phản ứng này của chính quyền được đưa ra trong họp báo vào sáng ngày 27/7 của Sở Thông tin - Truyền thông trước làn sóng phản đối của người dân về kế hoạch tái tục loa phường.
Cụ thể, theo tường thuật của truyền thông Nhà nước, lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho rằng trên cả nước có khoảng 20 địa phương đã và sẽ sử dụng loa phường như một loại hình thông tin.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thủ đô Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hương, được dẫn lời rằng không thể thay thế truyền thanh vì nó khác với các loại hình thông tin khác. Bà lập luận các tổ dân phố trên địa bàn có những nhu cầu thông tin khác nhau nên không thể bắt tổ trưởng dân phố đến từng nhà dân để thông báo. Do đó theo bà Hương việc phát thông tin qua loa sẽ giúp người dân nắm bắt được các chủ trương của thành phố, tình hình nội bộ khu dân cư…
Đối với quan ngại về ô nhiễm tiếng ồn mà dân đưa ra, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng theo kế hoạch mới số lượng loa sẽ không nhiều như trước đây nên sẽ giảm bớt tiếng ồn ; hằng ngày hệ thống loa phường sẽ phát không qua hai lần và mỗi lần không quá 15 phút ; ngoài ra vào các ngày cuối tuần sẽ dừng phát ; tuy vậy quy định này có thể điều chỉnh trong trường hợp có vấn đề cấp bách như dịch bệnh, thiên tai
Người đại diện Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội còn khẳng định chưa hề khai tử hệ thống loa phường nên không phải hồi phục. Thành phố chỉ thay đổi cách vận hành và theo bà Hương chỉ có loa phường mới đáp ứng được và đóng vai trò then chốt với các thông tin cơ sở.
Hồi đầu năm 2017, Chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đức Chung tuyên bố "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", nơi nào không còn hiệu quả thì cơ quan chức năng mạnh dạn đề xuất xóa bỏ. Ông còn nêu rõ "Loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân, ví dụ như cung cấp chỉ số môi trường qua mạng internet… Liệu loa còn phù hợp không"
Nguồn : RFA, 27/07/2022
************************
Hà Nội tính sử dụng lại loa phường, người dân phản ứng mạnh
VOA, 27/07/2022
Chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động ở cấp thôn, tổ dân phố và khu dân cư, thường được gọi ngắn gọn là loa phường, nhiều báo trong nước đưa tin, trích dẫn bản chiến lược của chính quyền thành phố về phát triển thông tin ở cấp cơ sở.
Theo tìm hiểu của VOA, người dân Hà Nội trong nhiều năm trước đây đã khó chịu về loa phường, xem đó là nguồn 'ô nhiễm tiếng ồn', thậm chí là 'khủng bố bằng âm thanh'.
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, nhiều người dân ở thủ đô của Việt Nam phản ứng bất mãn về kế hoạch kể trên.
Tường thuật của báo chí Việt Nam cho hay chiến lược phát triển thông tin cơ sở của Hà Nội nhắm đến việc trong 3 năm tới, 100% số đài truyền thanh cấp xã sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, internet.
Cũng bản chiến lược này đặt ra mục tiêu là thành phố sẽ thiết lập trang thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp xã, phường và bảng tin điện tử ở nơi công cộng do cấp xã, phường quản lý.
Hiện tại, Hà Nội có 579 xã phường, thị trấn, với số lượng các đài truyền thanh tương ứng.
Theo tìm hiểu của VOA, người dân Hà Nội trong nhiều năm trước đây đã khó chịu về loa phường, xem đó là nguồn "ô nhiễm tiếng ồn", thậm chí là "khủng bố bằng âm thanh".
Tuy nhiên, vấn đề lắng xuống khi cách đây 5 năm, thành phố lấy ý kiến người dân về bỏ loa phường và trong cùng năm ban hành một đề án giảm số cụm loa phường cũng như giảm thời gian phát thanh ở một số quận nội đô.
Trong số những người dân đưa ra ý kiến khi đó, gần 90% khẳng định hệ thống loa phường không cần thiết duy trì, chỉ 4% cho rằng cần thiết và hơn 6% ý kiến nhận định loa phường cần thiết nhưng phải đổi mới, theo một bản tin của Zing News.
Những ngày này, sau khi có tin Hà Nội tính đưa hệ thống loa phường hoạt động trở lại, VOA quan sát thấy dư luận ngay lập tức có nhiều phản ứng không ủng hộ hoặc chê cười.
Nhìn chung, đa số vẫn phản đối loa phường vì lý do ồn ào, gây phiền phức, thậm chí gọi đó là "màn tra tấn trên diện rộng". Một lý do khác là ngày nay, người dân ai cũng có nhiều phương tiện hiện đại để nhận thông tin, tin tức như máy tính, điện thoại thông minh, TV… nên không ai quan tâm đến thông tin được phát lại trên loa phường. Một số người cho rằng tiền đầu tư vào loa phường nên dành cho xây bệnh viện, trường học hoặc khu vui chơi cho người dân.
Trên mạng xã hội, những người có nhiều ảnh hưởng cũng lên tiếng phản đối loa phường. Võ sư-nhà văn Đoàn Bảo Châu, với hơn 146.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân rằng việc khôi phục loa phường là "khôi phục sự áp đặt ấu trĩ, thô thiển lên con người", và cũng "phí tiền thuế của dân".
"Tôi xin các vị hãy dừng cái ý tưởng kì quặc này lại. Nếu có làm thì hãy làm một cuộc thăm dò tử tế với người dân trước đã", ông Châu viết, có ý gửi một thông điệp đến nhà chức trách Hà Nội.
Ý kiến của ông Châu nhận được hơn 1.200 phản ứng yêu, thích, cùng với khoảng 350 lời bình luận mà đại đa số cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ sự trở lại của loa phường.
Ông Dương Quốc Chính, một Facebooker có hơn 58.000 người theo dõi, đưa ra quan sát với VOA rằng những vị chủ tịch Hà Nội trong vài nhiệm kỳ gần đây đều có hiện tượng là khi nhậm chức thường có động thái ngược với người tiền nhiệm, để tạo dấu ấn.
Một ví dụ ông Chính dẫn ra là trong nhiệm kỳ gần đây nhất, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thực hiện chương trình trồng cây khắp phố phường, ngược lại với thời của người tiền nhiệm Nguyễn Thế Thảo, và giảm mạnh việc sử dụng hệ thống loa phường. Nay, tân Chủ tịch Trần Sỹ Thanh có ý khôi phục lại loa phường, ngược lại với ông Chung.
"Tất cả các động thái kể trên của các vị đó đều có màu sắc dân túy. Nhưng việc tái lập loa phường, cho dù ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh gì đó, thì cũng là động tác đi ngược lại lòng dân. Vẫn biết là tân quan tân chính sách, nhưng tân chính sách kiểu này là rất dại. Những cán bộ tham mưu cho Chủ tịch Thanh phải xem lại", ông Chính chia sẻ suy nghĩ với VOA.
Giữa lúc có nhiều quan điểm trái chiều của người dân về loa phường, hôm 27/7, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội, nói trong một cuộc họp báo rằng "Hà Nội chưa hề dừng loa phường để phải khôi phục mà chỉ thay đổi cách vận hành để thân thiện với người dân. Chỉ có loa phường mới đáp ứng được và đóng vai trò then chốt với các thông tin cơ sở".
Nhấn mạnh rằng truyền thanh qua loa phường là "không thể thay thế được", bà Hương nêu ra lý do trước báo giới trong nước : "Mỗi tổ dân phố của Hà Nội có nhu cầu thông tin khác nhau. Việc một tổ trưởng đến từng nhà dân sẽ rất vất vả. Trong khi đó, phát thông tin qua loa, người dân sẽ nắm được, từ đó các chủ trương của thành phố, công việc nội bộ của khu dân cư sẽ đến được với người dân nhanh chóng".
Về giải pháp để loa phường không còn là nỗi bất bình đối với người dân, nữ phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cho biết : "Trước đây hệ thống loa phường bố trí thành cụm loa lớn, ai ở gần sẽ bị ô nhiễm tiếng ồn. Trong các kế hoạch mới sẽ duy trì số lượng loa ít đi sẽ giảm tiếng ồn, sau đó, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để chọn vị trí và số lượng loa cần lắp đặt".
Bà Hương cũng trấn an rằng nội dung và thời lượng phát thanh sẽ được thay đổi để mỗi ngày loa phường không phát quá 2 lần, mỗi lần không quá 15 phút, dừng phát loa vào ngày cuối tuần, trừ việc cấp bách như dịch bệnh, thiên tai...
Nguồn : VOA, 27/07/2022
************************
Lê Tuấn, VNTB, 27/07/2022
Loa phường là loa gắn ở mỗi đường phố do phường quản lý. Bên cạnh loa gắn cố định trên các trụ điện hay công sở, còn có loa di động gắn trên xe 4 bánh hay xe gắn máy 2 bánh chạy lòng khu phố phụ họa cho loa cố định.
Đọc thông tin trên báo mới biết Hà Nội đang có kế hoạch phục hồi 100% loa phường trong vài năm tới. Chắc chắn đây là chủ trương của UBND hay Đảng bộ TP Hà Nội chứ không thể là ý tưởng của từng phường.
Đây cũng là tin khá bất ngờ khi trong thời đại thông tin vũ bão, mạng Internet hiện diện khắp nơi, chỉ một sự kiện mới xẩy ra thì mọi ngóc ngách đã tỏ tường ( ! ?). Hà Nội là đô thị có tỷ lệ người có học thức cao nhất nước, thạo tin nhất nước, mà phải phục hồi loa phường, sau mấy năm giảm bỏ, để tăng tuyên truyền thì cũng khá ngạc nhiên.
Trong cảnh báo thiên tai thì hình ảnh chiếc loa công cộng rất hữu ích, nhưng loa cảnh báo thiên tai chỉ làm một chức năng cảnh báo, chứ không dùng để đọc tin tức, ca nhạc tuyên truyền vì âm thanh chói tai của nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là những người già, người bệnh tim mạch, bệnh thần kinh,… kể cả những người trí thức và cả em nhỏ cần những thời gian yên tĩnh, nghĩ ngơi.
Tôi nhớ hơn 40 năm trước, đối diện nhà tôi có 1 trụ điện, trên đó có gắn 2 cái loa công suất lớn. Hàng ngày từ 5 giờ sáng, 11 giờ trưa và 5 giờ chiều là loa bậc tiếng, phát nhạc cách mạng, đọc tin sản xuất lúa, rầy nâu, chính sách, thông báo đi họp, meeting… Rầu nhất là những kỳ bầu cử quốc hội hay hội đồng nhân dân, chiếc loa phường phát huy công suất hết cỡ, thời gian phát thanh nhiều lúc cả ngày, liên tục đọc ngày đi bầu, tiểu sử ứng viên…
Tôi nhớ ngày ấy, gia đình tôi và các nhà hàng xóm đều có nuôi heo như một hình thức tiết kiệm vì thu nhập quá ít. Mỗi lúc loa phường bậc lên là lũ heo lập tức kêu la eng éc vì chúng biết sắp được cho ăn vì cũng giờ đó các người nuôi heo đều lục đục chuẩn bị nồi cháo cám và rau vụn cho heo ăn. Thành ra, tiếng loa bắt đầu, tiếng heo vang lên đúng như kiểu mô tả thí nghiệm "phản xạ có điều kiện" của Pavlov với con chó.
Âm thanh lúc đó thật xô bồ, cả xóm đều vang lên tiếng loa, tiếng heo lẫn lộn. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ âm thanh ấn tượng đó !
Thế nhưng cũng cần nói thêm là nhiều người bị tra tấn với muôn kiểu karaoke làm họ bức xúc. Nay thêm tiếng loa phường, rồi lúc loa bị hỏng là tạp âm, bức xúc chồng bức xúc, làm sao đây ?
Ngay ở các sân bay cũng dần thay thông báo qua loa bằng lời nhắc trên bảng thông tin điện tử, khách đi tàu bay như được thêm trân trọng vì không gian bớt đi nhiều tiếng ồn ào.
***
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối, thống nhất từ trung ương đến thành phố, cấp huyện, cấp xã.
UBND thành phố Hà Nội cho rằng việc làm trên sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của thành phố, thúc đẩy phát triển thủ đô và đất nước…
Cụ thể về mục tiêu phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại cấp xã, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư ; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân ; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với hệ thống thông tin nguồn thành phố.
Lê Tuấn
Nguồn : VNTB, 27/07/2022
************************
RFA, 26/07/2022
Chính quyền thành phố Hà Nội vừa đưa ra một kế hoạch đầy tranh cãi liên quan đến ‘loa phường’, biểu tượng một thời của các đô thị miền bắc Việt Nam.
- Reuters
Những chiếc loa phường từng đóng vai trò quan trọng trong những năm 60 và 70 vào thời chiến tranh khi nó loan tin chiến trận và báo động để mọi người vào hầm trú ẩn khi có máy bay. Sau đó, vào những năm sau chiến tranh, nó đóng vai trò tuyên truyền đường lối, chủ trương của chính quyền địa phương.
Vai trò của dụng cụ tuyên truyền này được cho đã kết thúc khi ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tuyên bố hồi năm 2017 rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử".
Sau tuyên bố trên của ông Nguyễn Đức Chung, chính quyền thành phố đã ban hành đề án điều chỉnh hoạt động của hệ thống truyền thanh, từ việc phát sóng hàng ngày sang chỉ phát sóng khi có tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, với chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 vừa được Ủy ban thành phố Hà Nội ban hành, thì số phận của những chiếc loa phường sẽ lại ‘đảo ngược’.
Cụ thể, Hà Nội dự kiến sẽ tái trang bị loa phường trên địa bàn toàn thành phố tới tận đơn vị tổ dân phố, khu dân cư, từ nay cho đến năm 2025.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội vừa có tân chủ tịch, và ngay lập tức đã nhận phải làn sóng phản đối của người dân.
Nhiều ý kiến phản đối đã xuất hiện trên mạng xã hội, cũng như ở phần bình luận của các bản tin do báo chí chính thông đăng tải.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do, ông Nguyễn Sơn, một người dân Hà Nội, cho biết ông cảm thấy "kinh ngạc" trước quyết định khôi phục loa phường :
"Nói chung khi nghe tin này thì tôi thấy khá ngỡ ngàng, bởi vì phải mất rất nhiều công sức, dư luận, và nhiều vấn đề thì mới có thể bỏ được loa phường ở Hà Nội. Chưa hiểu vì lý do gì mà họ lại ngay lập tức muốn cho hệ thống loa phường quay lại. Thực ra cảm giác đầu tiên là cảm giác khá là kinh ngạc".
Trong các ý kiến phản đối thì lo ngại về vấn nạn ô nhiễm âm thanh được nhắc đến thường xuyên, trong bối cảnh Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam vấn được biết đến có nạn ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng.
Trao đổi với đài RFA, ông Bùi Quang Thắng, một người dân sinh sống ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết quan điểm của ông :
"Người dân ở các đô thị hiện nay đã có rất nhiều công cụ để lấy thông tin như truyền hình, internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh. Loa phường lâu nay là nỗi ám ảnh với nhiều người, là một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị. Nhiều người dân rất dị ứng với hình thức tuyên truyền này."
Còn ông Nguyễn Sơn thì cho rằng việc bỏ loa phường trước đây đã khiến cuộc sống của người dân trở nên yên bình hơn, và nếu tái triển khai sẽ khiến người dân bất bình :
"Bây giờ mình sẽ phải nghe cái loa phường nó phát thanh trở lại thì mới thấy được giá trị của việc không có loa phường. Đang không có mà có trở lại thì sự khó chịu sẽ trở lại."
Ngoài ra, tính hiệu quả cũng là vấn đề được người dân đặt dấu hỏi, bởi ngày nay người dân đã có nhiều cách thức để tìm kiếm thông tin hơn trước đây.
Anh Lê Trung Hiếu, một người đến từ Hà Nội nhưng hiện đang sinh sống ở Châu Âu, cho Đài Á Châu Tự do biết rằng Việt Nam là nước duy nhất sử dụng loa phường trong các quốc gia mà anh từng lui tới, và khẳng định phương tiện này đã không còn hiệu quả ở xã hội hiện đại :
"Ngày xưa thì mình chỉ có một là TV, hai là báo giấy và ba là loa phường, hoặc là bốn là trực tiếp từ những người ở tổ dân phố. TV thì nhiều khi giờ phát cũng không được nhiều, rồi báo giấy hoặc gặp trực tiếp cũng hạn chế, cho nên loa có thể tiếp cận được một số lượng người dân nhất định.
Nhưng mà bây giờ là thế kỷ 21 rồi, bây giờ có TV là chuyện mặc định trong gia đình, lại phát sóng 24/24. Bây giờ mình còn có internet, laptop, điện thoại nữa. Facebook hoặc là các kênh giải trí rất đa dạng. Thì tôi nghĩ rằng việc truyền thông qua loa trong thời điểm này không còn hiệu quả như ngày xưa nữa."
Các dự án đầu tư công ở Việt Nam thường bị người dân đặt dấu hỏi về vấn đề chi phí, với việc loa phường đã không còn tính hiệu quả, lại gây ô nhiễm tiếng ồn cho nên việc bỏ kinh phí để đầu tư một dự án như vậy khiến nhiều người bất bình.
Bày tỏ quan điểm đối với về vấn đề này, ông Bùi Quang Thắng cho hay :
"Việc tiếp tục đầu tư trang bị, nâng cấp hệ thống loa phường chắc chắn sẽ gây lãng phí ngân sách nhà nước, trong khi nhiều lĩnh vực khác đang cần ưu tiên đầu tư hơn như y tế, giáo dục, và bảo vệ môi trường."
Phóng viên Đài Á Châu Tự do đã gửi email cho văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để ghi nhận phản hồi về việc người dân không đồng tình với dự định phục hồi loa phường, nhưng không nhận được trả lời.
Nguồn : RFA, 26/07/2022
Gần đây Việt Nam rộ lên cuộc tranh luận về đề nghị "bỏ chiếc loa phường" của thành phố Hà Nội. Thật bất ngờ khi câu chuyện tưởng chừng nhỏ xíu, lại hóa thành chuyện đại sự của thủ đô. Trong khi trước đó vào dịp Tết Nguyên Đán 2017, câu chuyện "con rồng Hải Phòng", vốn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, thì lại chết yểu.
Giờ đây, con rồng Hải Phòng bị tháo gỡ nhưng hình ảnh con rồng được biếm họa hóa và trở thành một trong những hình ảnh hot nhất mùa Tết này.
Cuộc tranh luận kéo dài và lan tỏa từ bắc chí nam, trên các trang báo lẫn các kênh thông tin mạng xã hội. Hầu hết ý kiến "lên án" chiếc loa phường vì trong khi thế giới tiến vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, khi giới báo chí đang hoảng hốt vì sự sống còn của báo giấy, sự lên ngôi của báo điện tử và mạng xã hội, và mới nhất là sự ra đời của hệ thống robot viết báo... thì người ta vẫn đòi giữ chiếc loa phường vốn dĩ đã không còn hiệu quả nếu không muốn nói là gây khó chịu.
Một cuộc thăm dò ý kiến đã được Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội mở ra để nhận thông tin góp ý của người dân về hệ thống loa phường thông qua Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội (https://hanoi.gov.vn). Tính đến 18 giờ ngày 25/01/2017 thì đã có 69 người tham gia góp ý về loa phường, trong đó có 83% ý kiến đồng ý việc bỏ loa phường, 4% đồng ý duy trì, 10% đồng ý duy trì nhưng phải cải tiến, 3% ý kiến khác. Bên cạnh đó có 79% ý kiến cho rằng nội dung thông tin của loa phường là không cần thiết, 21% ý kiến đồng ý thông tin do loa phường cung cấp thiết thực. Con số người trả lời rất ít, nhưng có hai nội dung cần được lưu ý từ những con số này.
Thứ nhất, chuyện cái loa phường không cần phải làm lớn như vậy. Bởi lẽ người ta chả quan tâm. Thời đại của điện thoại thông minh và Facebook lên ngôi thì ngay cả truyền hình còn phải lép vế, mấy ai còn quan tâm đến cái loa phường. Có nghe, có "chém gió" trên Facebook cho vui, cho thỏa mãn thị hiếu đám đông, chứ chả ai màn đến sự sống còn của cái loa phường, bởi nó không còn mấy ý nghĩa. Thế nên chỉ có vài chục người vào cuộc, trong số đó không biết bao nhiêu người trong ngành (tức không phải người dân hứng thú tìm đến để đóng góp ý kiến).
Thứ hai, tỷ lệ phần trăm phần nào cho thấy sự yếu kém của loa phường. Tôi thấy có anh bạn nhớ lại chiếc loa phường ở vùng quê Bắc Bộ, giúp người vợ tìm chồng, người trẻ tìm người già, người lớn tìm người nhỏ, con người tìm vật nuôi,... Xin thưa, vậy thì hãy giữ chiếc loa phường ở miền quê ấy, trong khi ở Hà Nội có cần phải dùng loa phường để tìm... trâu bò hay trẻ lạc hay không ? Thế nên, việc có đến 79% ý kiến cho rằng nội dung thông tin của loa phường là không cần thiết, so với 21% ý kiến đồng ý thông tin do loa phường cung cấp thiết thực là điều hoàn toàn không khó giải thích.
Từ cách chính quyền Hà Nội cho thăm dò ý kiến người dân về chuyện cái loa phường, tôi bật cười vì các vị lãnh đạo dường như suy nghĩ không thông cho lắm. Hôm trước Tết Nguyên Đán, ở Hải Phòng nổi lên hiện tượng "con rồng" mà dân cư mạng bảo là giống "con Pokemon hoạt hình lai con chó". Cuộc tranh luận nổ ra, chưa ngả ngũ thì chính quyền Hải Phòng dọn luôn con rồng hoa này trong sự luyến tiếc của rất nhiều người. Lẽ ra, hình ảnh về con rồng và sự sáng tạo về rồng là một cuộc tranh luận thú vị không chỉ về mặt khoa học mà còn về khía cạnh văn hóa. Giờ đây, con rồng Hải Phòng bị tháo gỡ nhưng hình ảnh con rồng được biếm họa hóa và trở thành một trong những hình ảnh hot nhất mùa Tết này, không chỉ trên mạng xã hội mà còn cả những doanh nghiệp bán áo quần, tư trang, túi xách... Đó không phải là đáng tiếc hay sao ?
Chuyện cái loa phường và chuyện con rồng tuy nhỏ nhưng cho thấy khả năng định vị giá trị văn hóa của nhiều người Việt, trong đó có cả người quản lý, còn yếu kém. Một "con rồng" (vốn không có thật) được tạo dựng theo phong cách ngộ nghĩnh, dù gây tranh cãi nhưng không đến mức phải bỏ, và giá trị của nó đã được phát triển khi hình ảnh của nó được phổ biến đến công chúng rất nhanh chóng và hiệu quả, thì lại bị giết chết mà không cần hỏi ý kiến của dân, dù con rồng ấy cũng từ tiền thuế của dân mà có. Nó đặt ra câu hỏi về giá trị và sự tồn tại của những sáng tạo của chúng ta quá dễ bị trấn áp dưới áp lực của dư luận.
Trong khi cái loa phường, cân nhắc về giá trị kinh tế và giá trị văn hóa đều không đáng kể, thì chính quyền không tự quyết mà còn để cuộc tranh luận vốn đã biết trước phần thắng vào cuộc. Giá trị văn hóa không nằm ở chỗ thời gian, mà nó còn ở sự thức thời. Nếu thức thời thì giữ, không thức thời xin gửi vào viện bảo tàng nếu nó là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của quốc gia mình. Cứ cho là loa phường từng gắn bó với người dân nhiều chục năm, thì giá trị văn hóa của nó cũng chỉ dừng lại là một phương tiện tuyên truyền (từng hữu ích). Nên đưa nó vào bảo tàng trưng bày kèm theo giai thoại, thay vì đưa nó lên mặt truyền thông để gây ra một cuộc tranh luận vô bổ vốn không mang lại một giá trị mới nào. Xin đừng ngần ngại bỏ loa phường đi, và hãy khích lệ những "con rồng Hải Phòng" hơn nữa.
Cao Huy Huân
Nguồn : VOA tiếng Việt, 07/02/2017