Một công ty vận động hành lang ở thủ đô Mỹ đã được Bộ Công Thương Việt Nam thuê để gây ảnh hưởng tới các nhà lập pháp Hoa Kỳ trong lúc Bộ Thương mại Mỹ đang đánh giá lại yêu cầu của quốc gia Đông Nam Á để được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường.
Bộ Công Thương đã nộp đơn lên Bộ Thương Mại Mỹ để yêu cầu đánh giá lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua. Bộ này nộp đơn chỉ 1 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.
Một bản đăng ký theo Đạo luật Đăng ký Đại diện cho nước Ngoài (FARA) trình lên Bộ Tư pháp Mỹ, mà VOA xem được, cho thấy Steptoe LLP, một công ty luật quốc tế có trụ sở ở Washington DC, đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho Bộ Công Thương Việt Nam trong vấn đề thương mại.
Bản đăng ký, đề ngày 1/5/2024, cho biết luật sư của công ty có tên Jeffrey Weiss được thuê làm "đối tác" trong việc "trợ giúp Bộ Công Thương và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường trong quá trình tố tụng chống bán phá giá".
Bộ Thương mại Mỹ có 270 ngày để xem xét và đánh giá yêu cầu của Việt Nam được Bộ Công thương nộp ngày 8/9/2023. Trong tuyên bố chung đưa ra sau khi Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cấp quan hệ, Mỹ nói rằng sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ.
Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách 12 nước có nền kinh tế phi thị trường khi Hoa Kỳ bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên đối với cá phi lê đông lạnh nhập từ Việt Nam vào năm 2002. Mỹ đã áp thuế chống phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ nông sản cho đến công nghiệp, trong hơn 2 thập kỷ qua. Danh sách này, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, được Mỹ áp dụng cho những quốc gia bị cho là có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.
Steptoe cho biết trên trang web chính thức của họ rằng công ty này đã hoạt động trong 100 năm qua và đại diện cho các khách hàng trước các cơ quan chính phủ, vận động thành công trong kiện tụng và trọng tài cũng như tư vấn. Công ty cho biết các luật sư và nhà vận động hành lang của họ "giúp khách hàng giành được sự thông qua của các đạo luật nhằm nâng cao lợi ích kinh doanh của họ trước các cơ quan tiểu bang, cơ quan lập pháp tiểu bang và Quốc hội Hoa Kỳ".
Ông Weiss, người đăng ký làm "đối tác" của Bộ Công Thương, được mô tả trên trang web này là người "tư vấn và vận động cho khách hàng trước Quốc hội và chính quyền Hoa Kỳ về nhiều vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế". Ông đã có hơn 15 năm đảm nhiệm các vai trò pháp lý, chính sách, ngoại giao, đàm phán và chính trị cấp cao trong chính phủ Hoa Kỳ qua ba chính quyền – gồm tại Nhà Trắng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Văn phòng Bộ trưởng Bộ Thương mại. Phần giới thiệu về ông Weiss còn cho biết vị luật sư này "hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp của mình và văn phòng nước ngoài của Steptoe để giúp khách hàng định hướng và tác động đến sự phát triển trong các lĩnh vực", bao gồm cả tiếp cận thị trường.
Ông Weiss không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về sự trợ giúp của ông đối với Bộ Công thương Việt Nam tại Mỹ. VOA cũng đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Công Thương Việt Nam.
Các chuyên gia nói với VOA trong tháng này rằng họ tin là Việt Nam đang vận động mạnh mẽ tại Washington để có được sự công nhận của Mỹ trước kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11, mà có thể có sự thay đổi người đứng đầu Nhà Trắng.
Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra nhận định như vậy khi nói về việc Việt Nam thuê công ty vận động hành lang tại Washington để tìm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Còn nhà nghiên cứu Murray Hiebert của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump, nếu thắng cử nhiệm kỳ 2 để trở lại Nhà Trắng, có thể sẽ khởi động lại một cuộc điều tra đối với việc phá giá của Việt Nam.
Ông Trump, người đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ khi còn đương nhiệm, hiện đang là ứng viên mặc định của đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống Mỹ với ông Biden trong năm nay.
Các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong nhiều tháng qua đã kêu gọi Mỹ cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cho đến Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cho đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm, các lãnh đạo này đã vận dụng mọi cơ hội để đưa ra lời kêu gọi đến các quan chức chính quyền Mỹ nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.
Việt Nam nói họ đã có những cải cách kinh tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hàng chục nhà lập pháp của Mỹ đãkiến nghị lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu không cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường vì cho rằng quốc gia Đông Nam Á chưa cải thiện được các tiêu chuẩn lao động, trong đó có việc "bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc".
Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/7 tới.
Nguồn : VOA, 22/04/2024
Vào năm 2013, trả lời các đại biểu quốc hội trong Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường khẳng định : "Ở Việt Nam không có chuyện vận động hành lang (lobby) trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật".
Lobby luật do Quốc hội ban hành là thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng - Ảnh minh họa
Lý giải điều này, ông Cường nhấn mạnh về sự khác nhau của chế độ chính trị. Còn tại Việt Nam, do có 1 Đảng lãnh đạo, nên luật do Quốc hội ban hành là thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng.
Sáu năm sau, vào tháng 6/2019, trong cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, trả lời phóng viên báo Thanh Niên liên quan về tình trạng vận động chính sách của nhóm lợi ích, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, khi có kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu sẽ xem xét có nên ban hành luật đó [lobby] hay không.
Việc ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thừa nhận "quyền lobby", cũng như cách Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định "làm sao có thể lobby được tất cả đại biểu" đã cho thấy, lobby chính sách đã hiện hữu trong đời sống xây dựng pháp luật tại Việt Nam.
Chỉ tính riêng năm 2019, đã có hai sự kiện chứng minh lobby chính sách.
Một là, dự thảo TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, có sự xuất hiện của Masan. Massan là doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp. Và sau khi có sự tham dự của tập đoàn, ngay lập tức, "nội dung cuộc họp đầu tiên hoàn toàn bị xóa bỏ […] nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi so với cuộc họp tôi tham gia trước đó […] nội dung không giống với những gì đã bàn luận, có nhiều điểm làm khó cho NMTT (nước mắm truyền thống)" theo như ông Lê Trần Phú Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết trả lời báo Bình Thuận.
Hai là, dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia, theo như đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thừa nhận trên báo giới, "luật càng vào vòng trong" lại càng yếu dần đi. Và trước đó, một nghi vấn nổi lên và được thừa nhận trên báo giới chính thống, "một số đại biểu được doanh nghiệp rượu bia mời đi Châu Âu nhằm đạt lợi ích nhóm". Ông Bùi Sĩ Lợi thậm chí còn thừa nhận một vấn đề rất thực tế là bản thân ông cũng được "người ta đặt trong danh sách nhóm vận động cho lợi ích của ngành bia rượu". Và rằng, "rất tiếc là dự thảo luật này lại giao cho một đồng chí khác chủ trì chứ không phải cá nhân tôi".
Lobby đó là chính đáng ?
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc trong cơn bão của dự thảo luật luật Phòng chống tác hại rượu bia đã bày tỏ, "tại sao lại không lobby nếu việc đó là chính đáng".
Như vậy, lobby đã được thúc đẩy và gần như chính thức thừa nhận.
Mới đây, vào ngày 19/8, báo Người đô thị đưa tin, bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban pháp chế của Tập đoàn Vingroup có tên trong danh sách nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, theo quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Và Tập đoàn Vingroup cũng là doanh nghiệp duy nhất có tên trong Quyết định 2080/QĐ-BTNMT.
Sẽ không có vấn đề gì, nếu như bản thân tập đoàn Vingroup lại là tập đoàn có gốc gác bất động sản, và tỷ suất lợi nhuận lớn của doanh nghiệp có đóng góp không nhỏ ở mảng đất đai, và chỉ tính riêng mảng chuyển nhượng bất động sản đóng góp trên 60% tổng doanh thu của Vingroup khi mang về 25.759 tỷ đồng. Các khu đất vàng tại các thành phố lớn được doanh nghiệp này "cắm sào" bằng trung tâm thương mại và hệ thống chung cư cao cấp.
Nội dung của sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật đất đai có liên quan sát sườn đến những mảng mà Vingroup tham gia, trong đó có tham vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ; chuyển mục đích sử dụng đất ; thu hồi đất ; tham vấn giá đất, hỗ trợ, tái định cư.
Hay lũng đoạn chính sách ?
Không thể không đặt dấu hỏi về khả năng "lũng đoạn chính sách" khi mà bản thân Vingroup là tập đoàn duy nhất (tập đoàn tư nhân) tham gia vào một quá trình sửa đổi luật, mà luật đó lại liên quan trực tiếp đến ngành nghề của Vingroup, cũng như chứa đựng những tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân.
Nếu xét trên quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá về việc, nhiều doanh nghiệp trục lợi từ bất cập của Luật Đất đai, thể hiện ngay ở vấn đề giá đất, thì liệu sự tham gia của Vingroup có "hóa giá" Luật đất đai, trong bối cảnh dân ngày càng tăng cao, và đất đai ngày càng trở nên "vàng hóa, kim cương hóa" ?
Nguyên tắc "nghiêm túc, minh bạch" đối với quá trình sửa đổi, bổ sung Luật đất đai có gì chắc chắn khi mà chưa có gì để đảm bảo "quyền lobby" sẽ được kiểm tra và giám sát. Bởi lẽ, Việt Nam chưa ban hành luật lobby. Chính điều này khiến cho không ít người rùng mình về việc một tập đoàn trở thành một con "đĩa 2 vòi" [1], trong đó một để hút máu tài nguyên quốc gia, một để hút máu công nhân, người lao động trong nước.
Cần nhớ, Điều 62 Luật đất đai 2013, một điều luật "vấy máu", nơi trợ giúp và cất cánh không biết bao nhiêu "nhóm lợi ích" có thể trở thành một điều khoản biến thể "siêu vấy máu", khi mà bản thân một tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia vào nhóm sửa đổi, bổ sung luật về đất đai.
Chúng ta chỉ chấp nhận một tập đoàn "công khai" lobby chính sách đất đai khi và chỉ khi có luật điều chỉnh. Còn nếu không, thì đó chỉ là sự mở đầu cho một hệ thống chính trị đi ngược lại quyền lợi người dân, nơi mà "đất đai là sở hữu toàn dân", nhưng lại bị nhà nước trao quyền lớn cho một nhóm, hoặc cá thể lợi ích nhóm đặc biệt trong xã hội.
Bản thân tập đoàn Vingroup cũng sẽ bị "tổn hại" hình ảnh, bởi việc lấn sân sang các ngành nghề khác nhằm hiện thức "giấc mơ quyền lực đa ngành của Vingroup" sẽ bị nghi ngờ, khi mà đất đai vẫn là "tui ba gang" vô tận mà tập đoàn này vẫn nhắm đến, một cách chủ chốt và trọng yếu.
"Làm sao có thể lobby được tất cả đại biểu", sự tự tin của ông Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có thể sắp chấm dứt, khi mà tập đoàn Vingroup bằng tiềm lực chính trị và kinh tế hiện có của mình, nhúng tay vào.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 21/08/2019
Chú giải :
[1] Bài báo "Tâm địa thực dân" của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, người đã ví von rằng, chủ nghĩa đế quốc là con đỉa 2 vòi, một để hút máu nhân dân thuộc địa, một để hút máu công nhân, người lao động chính quốc.
Tôi thấy là người Việt mình "có vấn đề" (mà tôi không biết gọi tên là gì). Đại khái có thể gọi là "khủng hoảng về tiêu chuẩn phê phán".
Tổng thống Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở cửa sau Nhà Trắng ?
Thí dụ, để biện hộ cho các lời phê bình (chua cay) về vụ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải làm "lốp by" để được gặp tổng thống Trump. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói trên BBC rằng "nước nào cũng phải lobby".
Ờ, thì cũng đúng. "Lobby" là một cách hợp pháp dùng tiền để vận động (hành lang) chính khách Mỹ nhằm đạt được các mục tiêu về chính trị, ngoại giao, kinh tế...
Cái nào luật Mỹ không cấm thì mình làm thôi.
Vấn đề là làm chuyện này có "phù hợp" với "luật" nước mình hay không ?
Và quan trọng hơn, là không có nước nào thề "đánh Mỹ" cho tới "còn cái lai quần cũng đánh", mà bây giờ phải "trả tiền hàng tháng" để chỉ hy vọng gặp được các lãnh đạo nước Mỹ.
Nghĩ lại một chút thì thấy cũng "kỳ", phải không Tiến sĩ Hợp ?
Nếu biết trước có cảnh ngay hôm nay, phải "quị lụy" Mỹ như vậy, thì đổ máu 4 triệu người, "đốt cháy Trường Sơn, tát cạn Biển Đông" để "đánh Mỹ giải phóng miền Nam" làm chi ? Đánh nó bây giờ quị lụy để được ôm chưn nó.
Chỉ có đạo lý "nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong" mới có thể "dung thứ" một hành động như vậy.
Thí dụ khác. Thấy Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng phê phán tân tổng thống Nam Hàn trên facebook của mình.
Tân tổng thống Moon Jae-in phát biểu nhân ngày "Chiến sĩ trận vong - Memorial Day" rằng tất cả những người lính Nam Hàn tham dự và hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam đều là những người yêu nước. Theo ông, "nền kinh tế Hàn Quốc đã tồn tại được là nhờ vào sự cống hiến và hy sinh (của những người lính) đã tham gia chiến tranh Việt Nam".
Tiến sĩ Dũng gọi những người lính Nam Hàn tham gia cuộc chiến Việt Nam là "lính đánh thuê", "độc ác".
Vấn đề là trong thời chiến tranh 1954-1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam có lần phát biểu rằng "ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc...".
Vậy thì bộ đội miền Bắc cũng là "lính đánh thuê".
Miền Bắc nhận viện trợ của Liên Xô, của Trung Quốc vũ khí, đạn dược, tài lực, nhân lực… vào Nam đánh Mỹ cứu nước. Các tài liệu bạch hóa sau này cho thấy quân Trung Quốc, quân Bắc Hàn, thậm chí quân Liên Xô, đều có mặt ở Việt Nam.
Thì có khác gì Nam Hàn nhận viện trợ của Mỹ để vào Việt Nam đánh "Việt cộng" ?
Chính nghĩa luôn đứng về phía "chiến thắng". Nhưng "chính nghĩa" của Việt Nam đã bị mất. Lãnh đạo Việt Nam hôm nay phải quị lụy Hoa Kỳ, Nam Hàn… để tài phiệt các nước này đầu tư vào Việt Nam để lãnh đạo cộng sản Việt Nam "cứu nước" lần nữa (cho khỏi bị sụp đổ vì phá sản do nợ công, hay vì khủng hoảng kinh tế).
Ta có thể tìm vô số thí dụ tương tự.
Rõ ràng Việt Nam không có một chuẩn mực nào, để có thể dựa lên đó để phân biệt đúng - sai, hữu lý - phi lý, khoa học - phi khoa học, đạo đức - phi đạo đức...
Hèn chi loay hoay "phát triển" hoài mà cứ dậm chưn tại chỗ.
Khi Thủ tướng Việt Nam ngồi xuống cùng Tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc vào tuần trước, điều đó phản ánh nỗ lực vận động hành lang có sự phối hợp ăn ý của Việt Nam mà các nước Châu Á khác không sánh được.
Ông Phạm Quang Vinh, người trong bóng tối dàn xếp mọi cuộc gặp gỡ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
Điều đó cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược mà nước cựu thù của Mỹ giành được trong thời của ông Trump, vào lúc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, đồng thời cũng bất chấp thặng dư tăng lên làm cho những nhân vật Mỹ có thái độ diều hâu về thương mại thấy khó chịu.
Trong số các nhà lãnh đạo Châu Á, cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngay sau các cuộc gặp với lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc.
Sợ bị mất các lợi ích an ninh và thương mại từng đạt được trong thời chính quyền của ông Obama, Việt Nam đã bắt đầu vận động hành lang ngay khi ông Trump đắc cử.
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Đối ngoại và Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết : "Chúng tôi đã tính toán các lựa chọn".
Việt Nam đã thu xếp được một cuộc điện đàm giữa hai ông Phúc và Trump hơn một tháng trước khi ông Trump nhậm chức.
Đi đầu trong việc dàn xếp liên hệ là đại sứ của Việt Nam tại Washington, ông Phạm Quang Vinh, một người lão luyện với những nỗ lực thành công dưới thời chính quyền Obama dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí. Ông Vinh cũng có vai trò quan trọng liên quan đến Hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng ông Trump đã từ bỏ hiệp định này - một bi kịch đối với Việt Nam.
Không như hầu hết các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam duy trì làm việc với một công ty vận động hành lang ở Washington là Podesta Group. Theo các văn bản của Bộ Tư pháp Mỹ, Việt Nam trả cho công ty này 30.000 đôla một tháng.
Cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đều đã tới Washington. Theo giới ngoại giao và nghiên cứu, những người bạn ở quốc hội Mỹ, các học giả và cả những doanh nghiệp Mỹ lẫn Việt Nam cũng đều đã tham gia giúp vận động.
Thông điệp của Việt Nam được chuyển tới Hội đồng An ninh Quốc gia, cụ thể là tới Matt Pottinger, giám đốc cấp cao chuyên trách Đông Á, và văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence, cũng như Bộ quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Việc có một đại sứ Mỹ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp ở Hà Nội cũng giúp ích. Ông Trump đã không thay thế ông Ted Osius, người biết nói tiếng Việt và nằm trong số những quan chức được bổ nhiệm nhờ quan hệ chính trị trong thời chính quyền trước.
'Tràn ngập mọi nơi'
Việt Nam đã tìm kiếm nhiều cách tiếp cận ông Trump.
Ông Carl Thayer, thuộc Học viện quốc phòng Úc, nói : "Họ thực sự tràn ngập mọi nơi và đã cải thiện mối quan hệ một cách toàn diện. Phải đi vào chi tiết mới biết tốt xấu ra sao, nhưng ở thời điểm này, dường như là Hà Nội đã thành công trong hoạt động ngoại giao chủ động".
Tại Tòa Bạch Ốc, đã có những nụ cười rất tươi. Khi ở bên cạnh ông Phúc, một quan chức cộng sản quan tâm đến thương mại, ông Trump tỏ ra thoải mái hơn so với khi ở bên cạnh các nhà lãnh đạo phương Tây là những người hậm hực về chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông.
Trung Quốc luôn là mối quan tâm gần như đứng đầu của Việt Nam, dù Việt Nam cố tránh tỏ ra lạnh nhạt với nước láng giềng của mình.
Tuyên bố chung với ông Trump cũng ủng hộ Việt Nam tương tự như bản tuyến bố năm ngoái - đặc biệt về Biển Đông, Việt Nam là nước lớn tiếng nhất phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trên thực tế, còn có nhiều hơn thế : có khả năng tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam, Việt Nam mua thiết bị quốc phòng của Mỹ, và hai nước hợp tác về hải quân và tình báo.
Theo kế hoạch, ông Trump sẽ có mặt ở Việt Nam vào tháng 11 để tham gia hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC).
Rắc rối thương mại
Vấn đề đối với ông Trump là thâm hụt thương mại - mức thâm hụt của Mỹ với Việt Nam năm ngoái là 32 tỷ đôla, là mức cao thứ sáu của Mỹ. Trong bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn 400 triệu đôla so với số lượng nhập khẩu của Mỹ. Khoảng 8 tỷ đôla giá trị của các thỏa thuận mới với các công ty Mỹ được ông Trump khen ngợi trong chuyến thăm của ông Phúc trên thực tế không có nhiều giá trị như thế : ít nhất 5 tỷ đôla trong số đó liên quan đến các thỏa thuận được công bố vào năm ngoái.
Quyết định của ông Trump từ bỏ hiệp định thương mại TPP với mục đích bảo vệ việc làm của Mỹ không chỉ gây hại cho Việt Nam. Nếu thực hiện hiệp định, thuế má sẽ biến mất. Hiệp định cũng sẽ buộc Việt Nam phải cải thiện việc tiếp cận thị trường có hơn 90 triệu dân – đông dân hơn nước Đức mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn cao hơn gấp 4 lần.
James Fatheree, Giám đốc điều hành về Châu Á thuộc Phòng Thương mại Mỹ, nói với Reuters rằng "Cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ TPP sẽ mở ra nhiều thị trường mới cho các nhà xuất khẩu Mỹ".
Ông Phúc nói với ông Trump rằng ông sẽ tiếp tục cam kết cải thiện quyền sở hữu trí tuệ và luật lao động. Nhưng nếu không có các quy định bao trùm của TPP, sẽ có nhiều điểm cần phải thảo luận.
Những người chăn nuôi lợn ở Hoa Kỳ muốn Việt Nam mở cửa thị trường thịt lợn lớn thứ hai ở Châu Á ; các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đang quan tâm đến việc bị buộc phải đưa các hoạt động thanh toán đi qua kênh độc quyền nhà nước ; những hạn chế cản trở việc phát triển quảng cáo trực tuyến ; hoạt động mua sắm của chính phủ không rõ ràng.
Tuyên bố của các ông Phúc và Trump đã cho thấy sự phức tạp. Tuyên bố đề cập đến các ngành quảng cáo và dịch vụ tài chính, các sản phẩm an ninh thông tin, nội tạng trắng, ngũ cốc khô để nấu rượi, cá da trơn, tôm, xoài...
Chuyên gia về Việt Nam Jonathan London thuộc Đại học Leiden nói : "Trong khi Mỹ sẽ cố giải quyết sự bất cân đối, mối quan hệ này không chỉ xoay quanh thương mại. Đây là chuyện về trật tự kinh tế và an ninh trong tương lai ở khu vực Châu Á".
Theo Reuters
Nguồn : VOA tiếng Việt, 04/06/2017