Các số liệu nghiên cứu chỉ ra nhiều lầm tưởng, từ cả hai phía.
Tình hình về ruộng đất, quyền sở hữu đất đai, công bằng xã hội liên quan đến đất đai trong thời kỳ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại là một trong những đề tài có nhiều ý kiến trái chiều nhất liên quan đến chế độ cũ này.
Đối với chính quyền và các nhóm ủng hộ chế độ Việt Nam hiện hành, dễ hiểu khi họ có ngàn lời để chê bai và chỉ trích cách tiếp cận về quyền sở hữu và quản trị đất đai của miền Nam Việt Nam – nhắm vào bất bình đẳng và thực tế tích tụ ruộng đất kinh hoàng tại vùng đất màu mỡ này.
Ngược lại, những người từng sống, còn hoài niệm hoặc có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa đôi khi cũng lại dành hơi nhiều lời có cánh cho những thành tựu của chính quyền này, dẫn chứng qua sự vượt trội về sản lượng và năng suất sản xuất nông nghiệp của miền Nam Việt Nam so với Bắc Việt.
Với bài viết này, người viết không đặt ra mục tiêu phân tích chi tiết về số liệu và đưa ra các đánh giá chính sách liên quan đến chủ trương đất đai của Việt Nam Cộng Hòa. Mục tiêu của bài là chỉ ra một số lầm tưởng phổ biến trong các bài viết phổ thông, các trang mạng xã hội, chứng minh ngắn gọn sai sót của chúng thông qua những tài liệu học thuật chính thống trong cùng thời kỳ, và về cùng chủ đề.
Ngô Đình Diệm luôn được tụng xưng là một lãnh tụ, một "người tài" của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Vị trí và tiếng nói chính trị của ông được xem như là đại diện của 20 năm tồn tại của chính quyền miền Nam Việt Nam. Nếu ở miền Bắc người ta tôn thờ Hồ Chí Minh thì tại miền Nam, những người có cảm tình với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đều tôn xưng Ngô Đình Diệm. Song nếu bạn là một người nông dân bình thường sống trong những năm 1954 cho đến tận 1968, chính sách đất đai của Ngô Đình Diệm chắc chắn không thể hấp dẫn hay thu hút được bạn.
Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, người khởi xướng chương trình "Cải cách điền địa". Ảnh chụp tại Sài Gòn năm 1957. Nguồn : Keystone/ Getty Images.
Trước tiên, những con số sẽ chỉ ra thực trạng bất bình đẳng về đất đai ngay sau diễn biến 1954.
Theo các số liệu thống kê được đăng tải trên Far Eastern Survey, thuộc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ về Thái Bình Dương, miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó có dân số 4,5 triệu, nhưng chỉ có 255.000 người (5,6%) thật sự sở hữu đất đai. Tệ hơn nữa, có đến 184.000 người trong số đó chỉ có dưới 5 ha đất, dẫn đến thực tế là 71,7% số người có đất chỉ sở hữu khoảng 12,5% tổng diện tích đất canh tác. Phần lớn đất còn lại nằm trong tay một nhóm nhỏ.
Một nửa số người có đất không trực tiếp canh tác đất mà cho thuê lại để nhận tô, nghĩa là làm địa chủ. Số lượng đại địa chủ (những người sở hữu lên đến hơn 10 ha đất) và phần đất màu mỡ mà họ nắm giữ có thể khác nhau ở từng địa phương, song đều nằm ở mức đa số đáng quan ngại. Ví dụ, tại Chợ Lớn, đại địa chủ nắm 50,6% diện tích đất. Tại Bạc Liêu, đại địa chủ nắm đến trên 89,5% diện tích đất.
Trái phiếu chương trình "Cải cách điền địa" vào thời Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh : Viet Stamp.
Những thống kê này khiến cho giới quan chức Hoa Kỳ, mà cụ thể là Tổng thống Eisenhower phải lo lắng. Ông đích thân viết thư gửi cho Ngô Đình Diệm và khẩn khoản yêu cầu ông này đẩy mạnh những cuộc cải cách đất đai mang tính chất sống còn (indispensable reforms). Ông khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ tài chính trực tiếp cho miền Nam Việt Nam mà không cần thông qua Pháp. Song những nỗ lực hỗ trợ này không được người đồng cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đón nhận nồng hậu.
Luật Khoa đã từng đăng tải bài viết"Cải Cách Ruộng Đất, Cải Cách Điền Địa và Người Cày Có Ruộng" cách đây hơn bốn năm để phân tích một cách khái quát về ba cuộc cải cách ruộng đất trên dải đất hình chữ S trong vòng 20 năm nội chiến. Trong đó, tác giả bài viết đã bình luận rằng "Cải cách điền địa không nhằm vào việc thực sự cải tổ hệ thống đất đai tại miền Nam Việt Nam mà chỉ là giải pháp tình thế loại trừ ảnh hưởng kinh tế của giới đại điền chủ và tranh thủ sự ủng hộ chính trị của di dân miền Bắc Việt Nam sau những sai lầm của Cải cách ruộng đất".
Thật đúng như vậy, ngoại trừ việc phân bổ ruộng đất và các vùng đất mới cho nhóm Công giáo tị nạn từ miền Bắc, tác động của Cải cách điền địa đối với nông dân và tá điền miền Nam gần như là không tồn tại. Ba trụ cột chính sách được đưa ra là (1) giảm tô và kiểm soát thỏa thuận tá điền, (2) tái phân phối đất đai và (3) chương trình tín dụng dành cho tá điền – tất cả đều không đạt được bất kỳ thành tựu nổi bật nào.
Để nói về lý do, người viết có lẽ sẽ cần một loạt bài chi tiết để chỉ ra những sai lầm chính sách của Ngô Đình Diệm. Ví dụ như việc chính quyền ông Diệm đưa ra hạn mức sở hữu 100 ha đối với các đại điền chủ. Mục đích thật sự của chính sách này không phải là tạo ra nguồn ruộng đất dư thừa dùng cho việc tái phân phối, mà là nhằm kiểm soát quyền lực của nhóm chính trị Nam Kỳ. Điều này lại làm lợi cho nhóm Trung Kỳ và các chính khách tinh hoa Bắc Kỳ (do không có điền chủ nào ở Trung Kỳ sở hữu hơn 100 ha, và quy định này lại trở thành lợi ích kinh tế – chính trị của họ).
Đến cuối cùng, tất cả ba mục tiêu mà Cải cách điền địa đề ra đều không hiệu quả hoặc không thể đạt được, trong khi bất bình đẳng đất đai vẫn ở con số cao ngất ngưởng. Hệ số Gini của Việt Nam Cộng Hòa (Gini coefficient một loại chỉ số đo lường bất bình đẳng dựa trên phân phối thu nhập trong quần chúng) chỉ giảm được 0,04 điểm phần trăm, từ 0,84 vào năm 1955 xuống còn 0,80 vào năm 1966.
Nguyễn Văn Thiệu (nắm quyền tổng thống từ năm 1967 đến 1975) không phải là một nhân vật ưa thích của những người có cảm tình lẫn ghét bỏ Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy, ông ít khi được xem trọng trong các đối thoại liên quan đến chính trị trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Song đối với chương trình cải cách đất đai mang tên "Người cày có ruộng", Nguyễn Văn Thiệu xứng đáng được vinh danh là một trong những lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có thể tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất vừa hiệu quả, vừa không đẫm máu.
Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, công bố chương trình "Người cày có ruộng". Ảnh : Người Việt.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Hoa Kỳ đã bắt đầu rục rịch muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam, và các chính khách hiểu chuyện tại miền Nam Việt Nam, như Nguyễn Văn Thiệu, biết rằng cách duy nhất để duy trì sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa là phải dựa vào sự ủng hộ của nông dân, những người chiếm đến 80% dân số miền Nam Việt Nam thời kỳ này.
Chương trình "Người cày có ruộng" do Nguyễn Văn Thiệu và các nhà kinh tế dưới quyền thiết kế được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận một thành công lớn. Mục tiêu chính của nó là (1) xóa bỏ hoàn toàn chế độ sản xuất nông nghiệp tá điền, (2) bảo vệ quyền tư hữu đất đai, (3) xây dựng kinh tế quốc gia dựa trên mô hình sở hữu của các nông trang vừa và nhỏ.
Có hai lý do chủ yếu dẫn đến thành công của chương trình.
Một là, chương trình thật sự mong muốn cải tổ hệ thống quyền sở hữu đất đai tại miền Nam Việt Nam.
Sau khi đặt ra hạn mức sở hữu của các "cựu" địa chủ, lượng đất thu hồi (có bồi thường thông qua tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ) sẽ được giao lại cho nông dân hoàn toàn miễn phí, thay vì phải mua lại theo thời hạn như chương trình của Ngô Đình Diệm. Trong đó, tá điền đang lĩnh canh sẽ nhận được ưu đãi về thủ tục và ưu tiên chờ so với những người khác.
Những thay đổi này khiến cho lượng đất được giao và được canh tác trên thực tế tăng theo cấp số nhân, theo nghiên cứu của giáo sư Roy L. Prosterman thuộc Đại học Washington. Giáo sư Prosterman cũng là người sáng lập của Viện Nghiên cứu Phát triển Nông thôn rất nổi tiếng.
Thống kê về kết quả tái phân bổ đất đai từ năm 1968-1969 tại miền Nam Việt Nam. Nguồn : nghiên cứu "Land-to-the-Tiller in South Vietnam : The Tables Turn" của Roy L. Prosterman.
Theo bảng thống kê, chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi ngay sau Mậu Thân, có đến 240.000 mẫu đất (tức lên đến gần 100.000 ha đất) được phân phối lại cho người cày, tá điền và các nông dân ít ruộng đất.
Lý do thành công thứ hai là năng lực, sự quyết đoán và bền bỉ của bản thân ông Nguyễn Văn Thiệu đối với chương trình.
Cũng trong nghiên cứu của Giáo sư Prosterman ở trên, Thiệu được ghi nhận là phải đối mặt với hàng loạt các áp lực liên quan đến các nhóm lợi ích thuộc phe điền chủ và đại điền chủ, đồng thời áp lực từ nhóm đối lập vốn không muốn ông này nhận được quá nhiều sự ủng hộ từ quần chúng.
Ông là người đầu tiên can thiệp vào quá trình "tái thu tô" của giới địa chủ chạy trốn trước và trong năm 1968 đối với những vùng vừa bình ổn (những khu vực vừa đánh bật Việt Cộng, hay Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam). Từ đó, chính quyền Thiệu chấp nhận tạm thời quyền sinh sống và làm ăn của rất nhiều nông dân đang canh tác, chuẩn bị cho một cuộc cải cách sâu rộng.
Chương trình Người cày có ruộng cũng chính thức giới hạn hạn mức điền địa cho những người "trực tiếp canh tác" là 15 ha tại Nam phần và 5 ha tại Trung phần. Ông cũng loại trừ khái niệm và quyền giữ "đất hương quả", vốn là một lỗ hổng pháp lý trong luật pháp thời Ngô Đình Diệm, để bảo đảm quá trình tái phân phối ruộng đất không bị ảnh hưởng. Hàng loạt các lãnh đạo và bộ trưởng liên quan đến việc soạn thảo dự thảo Luật Người cày có ruộng cũng bị sa thải khi phát hiện ra rằng họ cố tình cài cắm nhiều điều khoản để bảo vệ quyền lợi của các nhóm lợi ích.
Một ấn phẩm do Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Úc thực hiện vào tháng 3/1971 để quảng bá các thành quả của chương trình "Người cày có ruộng". Ảnh : Viet Stamp.
Cho đến năm 1973, cùng lúc với thời điểm Hoa Kỳ rút quân lực chính quy khỏi Việt Nam, 2,7 triệu mẫu đất đã được phân phối cho hơn 800.000 hộ tá điền. Chế độ sản xuất nông nghiệp tá điền hoàn toàn được loại bỏ.
Cho đến thời điểm năm 1975, chỉ tính tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 70% dân số nông thôn đã thuộc nhóm thu nhập trung bình, sở hữu hơn 80% đất và hơn 60% nông cụ (bao gồm cả các loại nông cụ hiện đại như máy cày, máy tuốt lúa). Đây chính là cái gai "tư hữu – tư bản" mà chính quyền tiếp quản và chính quyền của nhà nước cộng sản thống nhất không thể nhổ tận gốc, dẫn đến sự thất bại nghiêm trọng của mô hình sản xuất tập thể được áp đặt ngay sau đó.
Người cày có ruộng, vì vậy, không thể được xem là một thất bại chính sách.
Một trong những luận điểm phổ biến nhất để phản bác tính chính danh của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là vai trò và sự thất bại của nó trong việc cải thiện bất bình đẳng xã hội, mà quan trọng nhất là bất bình đẳng về đất đai.
Luận điểm này được chính truyền thông phương Tây đề xuất, khẳng định và tuyên truyền một cách mạnh mẽ. Theo đó, cả Hoa Kỳ lẫn chính quyền Sài Gòn đều thiếu hiểu biết và cố chấp trong việc kiểm soát và giải quyết triệt để nhu cầu cùng quyền lợi chính đáng của nông dân và người lao động. Đó là lý do chủ yếu khiến các nhóm dân cư, mà đặc biệt là dân sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xem trọng vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (hay gọi ngắn là Việt Cộng).
Lập luận này được phân tích chi tiết trong quyển "The Economics of Insurgency in the Mekong Delta of Vietnam" của tác giả Robert L. Sansom. Nó đi xa đến mức khẳng định rằng Việt Cộng là một trong những lực lượng giúp mang đến và duy trì những thay đổi kinh tế, xã hội tích cực cho vùng đồng bằng này, đặc biệt tại những vùng mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không thể kiểm soát.
Tờ bướm của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quảng bá chương trình "Người cày có ruộng ". Ảnh : Viet Stamp.
Tuy nhiên, cho dù chấp nhận những quan điểm và luận cứ trên, rằng sự ủng hộ của giới nông dân, tá điền, những người cùng khổ dành cho phe cộng sản là căn nguyên cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng có điều bất thường về thành quả nông nghiệp và đất đai của vùng đất trù phú này ngay sau 1975.
Sống trong môi trường chính trị cộng sản mà nhiều người cho rằng nông dân miền Nam luôn hy vọng và ủng hộ, vì sao năng suất sản xuất lúa nước giảm lần lượt 13,2% và đến 19,7% trong các năm 1977 và 1978 ?
Theo thống kê chính thức từ nghiên cứu do Giáo sư Võ Tòng Xuân, một trong những cây đa của ngành nông nghiệp Việt Nam đương đại, kết hợp với Prabhu L. Pingali từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế thực hiện, ngay sau khi thống nhất đất nước, tổng sản lượng lúa giảm đến 7 triệu tấn, và giảm dần đều mỗi năm 6 triệu tấn trong một thời gian đáng báo động.
Không chỉ vậy, những cải cách về đất đai và kinh tế lao động tập thể mà Hà Nội áp dụng tại khu vực này được ghi nhận là chỉ làm căng thẳng hơn tình trạng bất bình đẳng về quyền và lợi ích, làm bùng nổ tranh cãi và bất ổn chính trị.
Điểm thú vị ở đây là, nếu chúng ta cáo buộc chính quyền miền Nam Việt Nam đã không bảo đảm được đời sống, quyền tiếp cận đất đai và bảo vệ bình đẳng xã hội dành cho nông dân, tá điền ; vì sao những người này trong giai đoạn sau 1975 lại phản đối một cơ chế đất tập thể rõ ràng bình đẳng hơn và đại đồng hơn ?
Về mặt số liệu, có thể khẳng định rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã giải tỏa hoàn toàn những cáo buộc về bất bình đẳng về đất đai và sản xuất nông nghiệp ở miền Nam Việt Nam, như phân tích trong "Hiểu lầm 2" ở trên.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phát hành vé số đặc biệt, xổ ngày 30/4/1970, nhân chương trình "Người cày có ruộng". Ảnh : Viet Stamp.
Cụ thể, từ năm 1970 cho đến năm 1973, cùng giai đoạn Hoa Kỳ rút quân lực chính quy khỏi Việt Nam, 2,7 triệu mẫu đất đã được phân phối cho hơn 800.000 hộ tá điền. Chế độ sản xuất nông nghiệp tá điền hoàn toàn được loại bỏ. Thiệu được khen ngợi là chính thức xây dựng thành công nền nông nghiệp trung lưu đồng thời bảo vệ sở hữu tư nhân.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cứ điểm của các đại điền chủ và trùm đất đai toàn Việt Nam suốt hơn mấy thế kỷ, 70% dân số nông thôn đã thuộc nhóm thu nhập trung bình, sở hữu hơn 80% đất và hơn 60% nông cụ.
Không chỉ vậy, tiêu chuẩn về cái gọi là tá điền, trung nông, phú nông cũng hoàn toàn vượt trội so với cái mà chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc xây dựng.
Ví dụ, theo phân tích của Minh‐Tam T. Bui và Arayah Preechametta, nếu chương trình "Người cày có ruộng" xác định người sở hữu từ 1 đến 3 ha đất là "bần cố nông", cũng những người này sẽ bị cáo buộc là "địa chủ trung lưu" trong hệ thống chính trị sau 1975.
Bảng so sánh sự khác biệt trong cách thức phân loại các chủ đất giữa hai hệ thống, "Người cày có ruộng" của Việt Nam Cộng Hòa và hệ thống chính trị sau 1975. Nguồn : Nghiên cứu "Land Inequality or Productivity : What Mattered in Southern Vietnam after 1975 ?".
Như vậy, có thể khẳng định rằng trước 1975, chế độ tá điền đã bị bãi bỏ, công bình đất đai đã được thiết lập tại miền Nam Việt Nam, và người nông dân cũng đã trải nghiệm niềm hạnh phúc của "Người cày có ruộng" trong ít nhất 5 năm.
Nghiên cứu chi tiết của Charles Stuart Callison, một trong số ít các tác giả phương Tây gắn bó với chính sách cải cách đất đai của Việt Nam Cộng Hòa, khẳng định rằng sự ủng hộ của các nhóm dân cư như nông dân, tá điền và người sinh sống tại vùng nông thôn miền Nam Việt Nam dành cho phe nổi dậy Việt Cộng đã giảm rõ rệt.
Ông chỉ ra sức mạnh quân sự cũng như nền tảng ủng hộ quần chúng của Việt Cộng đã không còn như xưa, đặc biệt sau trận Tết Mậu Thân 1968. Nguyễn Văn Thiệu ở một mức độ nào đó đã chiến thắng cuộc chiến du kích và nổi dậy với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sự kiện Sài Gòn thất thủ, vì vậy, có nhiều cơ sở để được xem là một thất bại quân sự thuần túy của một đội quân bị tiêu giảm nhiều nguồn tài lực hỗ trợ so với trước đó, cùng với những sai lầm chiến thuật khác ; thay vì là một thất bại về dân vận và nền tảng ủng hộ đại chúng như nhiều tài liệu và nhà quan sát phân tích.