Bộ Nội Vụ vừa trình chính phủ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức, trong đó có quy định chỉ xử lý cán bộ nghỉ hưu cấp thứ trưởng trở lên gây nhiều tranh cãi. Nếu được thông qua, liệu các quan chức có chức vụ từ tổng cục trưởng trở xuống có thể yên tâm "hạ cánh an toàn" ?
Ảnh minh họa : Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Lê Vĩnh Tân, trong một cuộc họp trước đây. Courtesy moha.gov.vn
Cụ thể Bộ Nội Vụ đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 điều 82 trong luật công chức hiện hành, về quy định kỷ luật cán bộ, công chức, theo đó cán bộ, công chức khi đã nghỉ hưu thì vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy tố theo quy định.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, đưa ra nhận định liên quan dự thảo luật này :
"Bộ Nội Vụ mới trình dự thảo như vậy theo tôi chỉ là ý kiến chủ quan của Bộ Nội Vụ thôi. Tôi thấy rằng cái vấn đề đó chưa thật sự bình đẳng, bởi vì nếu nói về quyền lợi và trách nhiệm thì nó phải áp dụng cho tất cả mọi người, từ cán bộ nhân viên đến cán bộ lãnh đạo. Chứ không phải từ thứ trưởng trở lên mới xử lý, còn ở dưới thì cho qua, như thế là không thích hợp lắm. Theo quan điểm cá nhân tôi, tất cả cán bộ công chức thuộc đối tượng về hưu nếu vi phạm đều phải xử lý như nhau, bình đẳng như nhau, chứ không phân biệt như dự thảo luật công chức đó".
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, có tội thì phải chịu tội, vi phạm thì phải bị xử lý, đó là điều đương nhiên, ai cũng tán thành. Tuy nhiên trong văn bản soạn thảo dự án luật công chức sửa đổi trình chính phủ lại có hai phương án riêng biệt. Một là xử lý đối với tất cả cán bộ, công chức đã về hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác, khi phát hiện sai phạm. Hai là chỉ quy định xử lý đối với những người có vi phạm khi chưa về hưu từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương.
Như vậy, nếu chính phủ chọn phương án thứ hai thì từ cấp cục trưởng, tổng cục trưởng trở xuống có thể yên tâm "hạ cánh an toàn" ?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11 tháng 2 năm 2019, một công chức, hiện đang làm việc trong ngành giáo dục, từng nhiều lần lên tiếng tố cáo tham nhũng, là thầy Đỗ Việt Khoa, cho rằng :
"Pháp luật là phải công minh, đã mang tội là phải xử dù nghỉ hưu hay chưa nghỉ hưu, dù là quan chức, tại sao lại phân biệt từ thứ trưởng trở lên với lại dưới thứ trưởng trở xuống như vậy là điều bất hợp lý. Tôi cho rằng nếu đưa vụ việc này ra dư luận thì mọi người dân Việt Nam đều không đồng tình. Hiện nay tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hết sức nghiêm trọng, diễn ra ở mọi cấp mọi ngành, khi đưa ra xử lý thì hầu hết họ được bao che nâng đỡ. "
Luật sư Võ An Đôn cũng khẳng định :
"Luật pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi người đều như nhau, không phân biệt, quyền lơi đều như nhau, nghĩa vụ đều như nhau".
Còn Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, thì tỏ vẻ nghi ngờ về dự thảo luật công chức sửa đổi này :
"Chắc là có những điều luật quy định như thế nào, chứ điều đó là không đúng về nguyên tắc, mọi người, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật".
Ảnh minh họa : Công chức làm việc Courtesy dongnai.gov.vn
Theo dự thảo luật cán bộ, công chức mới đưa ra, Bộ Nội Vụ cũng bổ sung khoản 5 vào điều 78 của luật cán bộ, công chức hiện hành. Cụ thể nếu cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm và đã bị xử lý kỷ luật về Đảng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu 1 trong 3 hình thức kỷ luật sau : khiển trách, cảnh cáo hoặc xóa tư cách, chức vụ đã đảm nhiệm.
Điều khoản này trước đây từng được bộ trưởng Bộ Nội Vụ, ông Lê Vĩnh Tân, khi trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội nhìn nhận việc kỷ luật hành chính đối với ông cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ.
Xin được nhắc lại, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đã bị cách chức bí thư Ban cán sự đảng giai đoạn 2011-2016 do có những sai phạm bổ nhiệm trong thời gian giữ chức vụ này. Và bị tước tư cách quyền bộ trưởng.
Ông Lê Vĩnh Tân khi đó có nói, phải tạo cơ sở hành lang pháp lý để đảm bảo xử lý nghiêm cán bộ công chức, kể cả người đã nghỉ hưu có sai phạm trong lúc còn đương chức. Ông bộ trưởng nội vụ Lê Vĩnh Tân dùng từ ‘không thể có chuyện hạ cánh an toàn’ được cho để thể hiện quyết tâm chính trị và cảnh báo những quan chức đương thời. Tuy nhiên trong dự thảo đưa ra lần này Bộ Nội Vụ lại tạo điều kiện cho các quan chức cấp thấp hơn hạ cánh an toàn.
Dự thảo luật này cũng cho rằng luật cán bộ công chức hiện hành quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện là quá ngắn, dẫn đến một số trường hợp khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu, Bộ Nội Vụ đề nghị sửa đổi theo hướng tăng lên 60 tháng.
Điều này cũng gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên ông Lê Văn Cuông thì lại đồng tình :
"Thời gian 24 tháng theo tôi là hơi ngắn, nên là 5 năm, vì 2 năm thì có thể chưa phát hiện ra, nếu phát hiện ra lại quá thời hạn xử lý thì cũng không thỏa đáng. Nên quan điểm của tôi là nên cho thời hạn là 5 năm, nếu có vi phạm phát hiện ra thì xửa lý".
Còn theo thầy Đỗ Việt Khoa, 5 năm thì vẫn không thích hợp :
"Thực tế với cương vị một người dân, chúng tôi cho rằng, đối tượng vi phạm có nghỉ hưu, có thôi chức, hoặc sự việc đã xảy ra trước đó dù 24 tháng hay 24 năm, thì chúng tôi vẫn mong muốn sai phạm bị xử lý. Không thể có chuyện ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’ theo kiểu mấy chục tháng sau thì tha tội, chúng tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng, tội đó phải tử hình, chứ không phải tham tội bằng những văn bản vớ vẩn như thế này. Mong rằng tất cả các phương tiện đại chúng, dư luận xã hội cùng lên tiếng phản đối những kẻ nào đã soạn thảo một cái dự luật như thế".
Sự việc này được thầy Đỗ Việt Khoa so sánh với việc từng xảy ra ở Sài Gòn, nhằm bao che nhau để đi ngược quyền lợi của nhân dân đất nước. Khi đó có một chỉ thị được đưa ra là công an không được điều tra đảng viên. Thầy Khoa cho rằng, chỉ thị này đưa ra nằm trong quy định ngầm, có tính chất luật rừng, luật riêng của đảng, đi ngược với quyền lợi, lợi ích của nhân dân, đi ngược với quyền lợi của đất nước.
Còn ông Lê Văn Cuông thì cho rằng, dù sao đây cũng chỉ là dự thảo, còn lấy ý kiến rộng rãi. Vì theo ông, trong tinh thần chống tham nhũng là không trừ một ai, bất kể người đó chức vụ gì, nếu vi phạm đều bị xử lý. Chứ không phải trên nặng dưới nhẹ, mà phải bình đẳng trước pháp luật.
Trung Khang
Nguồn : RFA, 11/02/2019