Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ chính quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố tước quốc tịch và trục xuất giáo sư Phạm Minh Hoàng sang Pháp không thể chỉ được nhìn như một biện pháp đàn áp đối với ông Hoàng và đảng Việt Tân. Đây là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật pháp, văn hóa và tư tưởng chính trị cũng như đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Nó cũng một lần nữa nhắc lại bản chất của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

quoctich1

Vụ chính quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố tước quốc tịch và trục xuất giáo sư Phạm Minh Hoàng sang Pháp là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật pháp, văn hóa và tư tưởng chính trị cũng như đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.

Trước hết hãy nhắc lại trường hợp Phạm Minh Hoàng.

Ông Hoàng có quốc tịch Việt Nam ngay từ khi sinh ra tại Việt Nam vì cha mẹ là người Việt Nam. Ông trưởng thành tại Việt Nam, đi du học Pháp một thời gian và được quốc tịch Pháp rồi trở về sinh sống tại Việt Nam từ năm 2000. Ông thường trú tại Sài Gòn và giảng dạy tại đại học Bách Khoa.

Như vậy ngay cả nếu chỉ căn cứ vào luật pháp của chế độ hiện nay thì Phạm Minh Hoàng cũng không thể bị tước quốc tịch. Điều 31 của Luật Quốc Tịch Việt Nam, biểu quyết năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7/2009, qui định chỉ có hai loại người có thể bị tước quốc tịch : đó là những người hoặc thường trú tại nước ngoài hoặc không phải là người có quốc tịch ngay từ khi sinh ra. Việc ông Hoàng ngoài quốc tịch Việt Nam còn có quốc tịch Pháp cũng không có vấn đề gì vì điều 12 của luật này nhìn nhận một người Việt Nam có thể có thêm những quốc tịch khác.

Cần lưu ý một sự chi tiết nhỏ nói lên bản chất của chế độ cộng sản. Phạm Minh Hoàng có hai địa chỉ tại Việt Nam, môt địa chỉ thường trú và một địa chỉ tạm trú. Quyết định tước quốc tịch, do ông Trần Đại Quang nhân danh chủ tịch nước ký, đã được gửi tới địa chỉ tạm trú. Bằng cách này chính quyền cộng sản Việt Nam đã cố tình làm như ông Hoàng không phải là một người thường trú tại Việt Nam, dù Phạm Minh Hoàng đã ở Việt Nam từ 17 năm và có địa chỉ thường trú rõ rệt; chính quyền cộng sản thừa biết như vậy và đã bắt ông tại địa chỉ này để trục xuất ông sang Pháp. Hành động này không đánh lừa được ai mà chỉ nói lên bản chất trí trá nhỏ mọn của chế độ.

Việc tước quốc tịch của Phạm Minh Hoàng không thể đặt ra vì ông không thuộc diện những người có thể bị tước quốc tịch, nhưng nó cũng đã được thực hiện không đúng thủ tục. Việc tước quốc tịch của một người Việt Nam, ngay cả với những người thuộc diện có thể bị tước quốc tịch, phải xuất phát từ một tòa án hoặc một chính quyền tỉnh (đối với những người không có quốc tịch bẩm sinh và đang thường trú tại Việt Nam) hoặc từ một sứ quán (đối với những người Việt Nam thường trú tại nước ngoài) theo điều 32. Sau đó kiến nghị phải được gửi đến bộ tư pháp, bộ này sẽ chủ trì phối hợp với bộ công an, bộ ngoại giao và các bộ liên hệ và chuyển kết luận chung tới thủ tướng nếu kết luận này đồng ý với kiến nghị tước quốc tịch của tòa án, chính quyền tỉnh hoặc sứ quán khởi xướng kiến nghị. Sau đó thủ tướng, nếu đồng ý, chuyển kiến nghị tới chủ tịch nước để có quyết định sau cùng. Việc tước quốc tịch của một người -cần nhắc lại chỉ đặt ra trong trường hợp người đó thuộc diện có thể bị tước quốc tịch, chứ không phải một người như ông Phạm Minh Hoàng- như vậy rất phức tạp và nghiêm trọng và chỉ có thể giải quyết ở mức độ tối cao của nhà nước.

Trong vụ này đã không có một cơ quan khởi xướng có thẩm quyền nào cả. Không có một tòa án nào xét xử ông Phạm Minh Hoàng và đề nghị tước quốc tịch cả. Cách đây bẩy năm ông Hoàng có bị xử án 3 năm tù trong một phiên tòa tùy tiện nhưng hoàn toàn không có vấn đề tước quốc tịch. Ủy Ban Nhân Dân Sài Gòn cũng không thể khởi xướng kiến nghị vì như thế là tự nhận mình là chính quyền địa phương nơi ông Hoàng thường trú và mặc nhiên nhìn nhận ông Hoàng là một người có quốc tịch bẩm sinh và thường trú tại Việt Nam, nghĩa là không thuộc diện có thể bị tước quốc tịch. Và dĩ nhiên không thể có sứ quán nào đề nghị cả vì ông Hoàng đã ở Việt Nam từ 17 năm nay. Sự tùy tiện đã vượt mọi giới hạn. Đảng cộng sản một lần nữa đã xác nhận một cách hùng hồn nhất rằng họ là một đảng hoạt động ngoài vòng pháp luật.

Chúng ta có thể kết luận một cách dứt khoát : quyết định tước quốc tịch đối với Phạm Minh Hoàng của chính quyền cộng sản hoàn toàn vô giá trị, Phạm Minh Hoàng vẫn còn nguyên quốc tịch Việt Nam.

********************

Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại khái niệm quốc tịch.

Quốc tịch là sự xác nhận tư cách thành viên của một cá nhân, hay tư cách thành phần của một tập thể, đối với một quốc gia.

Như vậy trước hết phải hiểu quốc gia là gì. Nghĩa thông thường của một quốc gia là tập thể của những người cùng chia sẻ với nhau một lịch sử, một văn hóa, một ngôn ngữ, một tình cảm liên đới, cùng gắn bó với một lãnh thổ, thường thường là cùng sống trên lãnh thổ đó, nhưng quan trọng hơn hết là cùng chấp nhận xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Trong những yếu tố đó quan trọng nhất và có tính bắt buộc là tình cảm liên đới và sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung.

Khái niệm quốc gia đã là một trong những đề tài triết lý chính trị được thảo luận nhiều nhất. Định nghĩa chính xác nhất là định nghĩa theo đó quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung (1).

Chính vì quốc gia, và do đó quốc tịch, là một khi niệm tinh thần và tình cảm mà nó chỉ có thể bị từ bỏ bởi chính người mang quốc tịch chứ không thể bị tước bỏ bởi bất cứ quyền lực nào.

Dĩ nhiên về mặt hành chính và pháp lý phải có xác nhận cụ thể một người là hay không là thành viên của một quốc gia, nghĩa là có hay không có quốc tịch, nhưng sự xác nhận cụ thể này không thể mâu thuẫn với khái niệm nền tảng về quốc gia và quốc tịch. Luật chỉ là sự thể hiện những giá trị tinh thần và đạo đức trong sinh hoạt xã hội, luật không đúng không phải là luật như Plato đã từng nói cách đây 24 thế kỷ. Chính vì thế mà các nước văn minh đều không cho phép tước quốc tịch của một công dân trừ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và cũng chỉ có thể áp dụng cho những người không có quốc tịch ngay từ lúc sinh ra. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, không cho tước quốc tịch trong bất cứ trường hợp nào đối với bất cứ công dân nào.

quoctich2

Các nước văn minh đều không cho phép tước quốc tịch của một công dân trừ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và cũng chỉ có thể áp dụng cho những người không có quốc tịch ngay từ lúc sinh ra

Luật Quốc Tịch 2008 của Việt Nam được soạn thảo với sự giúp đỡ của các luật gia Pháp nên có nội dung tương tự như luật quốc tịch của Pháp. Tuy nhiên chính quyền cộng sản đã thêm vào đó ý thức hệ cộng sản, một điều không thể chấp nhận được.

Điều 1 định nghĩa quốc tịch như sau : "Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Sai và xấc xược. Nhà nước Việt Nam là của mọi người Việt Nam, "nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" chỉ là của những người cộng sản, hay đúng hơn chỉ là bộ máy thống trị của những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chưa kể là ngày nay ngay cả những cấp lãnh đạo cộng sản cũng phải nhìn nhận rằng cụm từ "xã hội chủ nghĩa" chỉ còn là một khẩu hiệu rỗng nghĩa.

Điều 31 : "Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Tại sao lại "nước Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ? Đó chỉ là quốc hiệu nhất thời do một lực lượng thống trị áp đặt.

Ban lãnh đạo cộng sản hình như lẫn lộn quốc tịch với quyền công dân. Họ thống trị đất nước một cách tùy tiện và do đó không tôn trọng quyền công dân của những người chống đối lại họ (và ngược lại những người này cũng không coi họ là một chính quyền chính đáng), nhưng quốc tịch và quyền công dân là hai khái niệm khác nhau. Trẻ thơ mới sinh ra chưa có quyền công dân nhưng đã có ngay quốc tịch ; người ngoại quốc thường trú có hầu hết các quyền và bổn phận của người dân bản xứ dù không có quốc tịch.

Khi lẫn lộn quốc tịch, điều mà họ phải tôn trọng, với quyền công dân, điều mà họ có phương tiện để thao túng một cách tùy tiện, cũng như khi đồng hóa đất nước Việt Nam với cái gọi là "cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Đảng Cộng Sản Việt Nam đã coi đất nước như là của riêng họ. Họ đã hành xử như một lực lượng chiếm đóng và thống trị.

Một điều đặc biệt đáng lưu ý là trường hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại, mà đại đa số là những người đã phải bỏ nước ra đi không muốn hoặc không thể sống dưới chế độ cộng sản.

Luật Quốc Tịch 2008 (điều 13.2 và điều 26.3) qui định những người Việt ở nước ngoài phải đăng ký để giữ quốc tịch tại các sứ quán trước ngày 01/07/2014 nếu không sẽ bị mất quốc tịch. Đây là một hành động thách thức và bắt chẹt những người không chấp nhận chế độ cộng sản : các ngươi phải phục tùng ta nếu không sẽ mất quốc tịch ! Nhưng trước kỳ hạn một tuần, ngày 24/06/2014, vì gần như không ai đăng ký cả, chính quyền cộng sản đã cho biểu quyết Luật Sửa Đổi Luật Quốc Tịch 2008 bãi bỏ hai điều khoản này. Như thế có nghĩa là họ đã phải nhượng bộ và nhìn nhận mọi người Việt hải ngoại và con cháu vẫn giữ nguyên quốc tịch Việt Nam.

quoctich3

Đối với người cộng sản, một công dân Việt Nam tốt là một người không quan tâm tới đất nước.

Trở lại với vụ Phạm Minh Hoàng. Tại sao chính quyền cộng sản lại làm một hành động thô bạo, sai trái và ngây ngô đến như thế ? Họ bị mọi người quan tâm tới đất nước hoặc có chút kiến thức về luật pháp khinh và giận để bù lại được gì ?

Chắc chắn không phải là vì sợ Phạm Minh Hoàng sẽ phát triển cơ sở đảng Việt Tân trong nước vì Phạm Minh Hoàng bị theo dõi rất sát và cũng không ngây thơ đến nỗi đi tiếp xúc để kết nạp thành viên cho Việt Tân trong hoàn cảnh đó. Cũng không phải là để mở đường cho chính sách tước quốc tịch của những người dân chủ ở nước ngoài và có hai quốc tịch vì trên điểm này chính quyền cộng sản đã tự ý lùi bước. Nếu có thì cũng chỉ nhắm một vài người thôi và cũng chỉ làm mất mặt chế độ chứ chẳng có tác dụng gì. Người dân chủ nào cần được sự công nhận quốc tịch của một chính quyền độc tài hung bạo và không hiểu gì về quốc tịch ?

Lý do thực sự có lẽ chỉ giản dị là Đảng cộng sản nhìn tất cả những người đối lập dân chủ như những cái gai trước mắt cần phải nhổ đi và họ trục xuất tất cả những ai mà họ coi là thù địch và có thể trục xuất. Phạm Minh Hoàng là một trường hợp như thế. Thế giới tuy thấy hành động của họ là ngang ngược nhưng cũng chỉ ngao ngán chứ không phản ứng, bởi vì các chính quyền dân chủ thường tránh không phê phán một hành động của một chính quyền khác là đúng hay sai trừ khi có sự bạo hành, bắt giam và bỏ tù. Cái giá mà họ phải trả chỉ là sự khinh thường, nhưng tự trọng là điều rất xa lạ đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau Phạm Minh Hoàng, Mẹ Nấm, Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác sẽ phải chọn lựa giữa lưu đày và những án tù rất nặng, tương tự như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ…

Quốc tịch là mối quan hệ gắn bó đối với đất nước và nhất là đối với tương lai đất nước nhưng chính sách của Đảng cộng sản là bách hại những người quan tâm tới tương lai đất nước. Đối với họ một công dân Việt Nam tốt là một người không quan tâm tới đất nước. Cố gắng của họ là hủy diệt tình cảm quốc gia và thay vào đó bằng sự phục tùng Đảng. Cũng đừng quên rằng một trong những tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin là xóa bỏ các quốc gia. Không nên trông đợi Đảng cộng sản tôn trọng tinh thần dân tôc. Quốc tịch thực sự của Đảng cộng sản là Đệ Tam Quốc Tế.

Và họ không chỉ phá hoại đất nước trong tình cảm mà còn cả trong chủ quyền, lãnh thổ và môi trường. Các tài liệu sau này sẽ chứng minh rằng các đảo ở Trường Sa không bị chiếm mà đã bị dâng cho Trung Quốc để đổi lấy ơn huệ được thần phục. Họ đã cho Trung Quốc thuê dài hạn nhiều khu rừng đầu nguồn, những vùng đất thuận lợi cho thương mại và thiết lập những khu của riêng người Trung Quốc, đã cho Formosa quy chế của một nhượng địa, đã biến Việt Nam thành một bãi rác để Trung Quốc trút bỏ những thiết bị cho những nhà máy than, thép, đạm, giấy không thể thiết lập ở Trung Quốc nữa vì quá lỗi thời và ô nhiễm.

Điều 31 của Luật Quốc Tịch qui định : "Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (và những người được nhập tịch Việt Nam) có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam …". Trong tinh thần của luật này những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam là những người đáng bị tước quốc tịch nhất.

Đảng cộng sản đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt. Nó đã chỉ thành công được một điều là phá hoại đến mức báo động tinh thần dân tộc. Sự phẫn nộ bất lực kéo dài quá lâu đối với một chính quyền tham bạo đã dần dần trở thành sự chán nản với chính đất nước Việt Nam. Năm 2008 khi luật này được thông qua, đa số người Việt hải ngoại đã mừng vì khi hết hạn đăng ký quốc tịch họ sẽ hoàn toàn không còn là người Việt Nam nữa và sẽ rũ bỏ được mọi liên hệ với chính quyền này. Tại Đức, tôi đã gặp một người được đặc cách giữ quốc tịch Việt Nam đã dứt khoát đòi bỏ quốc tịch Việt Nam vì "em không chấp nhận một quan hệ nào với chúng nó nữa". Anh này là một người sinh ra và lớn lên tại miền Bắc. Thật đau buồn.

Tước quốc tịch là một điều rất nghiêm trọng. Nó xúc phạm tới cội nguồn, lý lịch, tình cảm và phẩm giá của một con người. Chính vì thế mà luật pháp của các nước văn minh đã cấm việc tước quốc tịch hoặc chỉ cho phép trong những trường hợp rất đặc biệt với những lý do rất nghiêm trong.

Tuy vậy không một quốc gia nào đã lên tiếng trong vụ Phạm Minh Hoàng, ngay cả nước Pháp, dù là nước đã giúp Việt Nam soan thảo luật quốc tịch và cũng là nước có bổn phận bảo vệ Phạm Minh Hoàng.

Tại sao ? Lý do là vì các quốc gia chỉ can thiệp khi có vấn đề nhân đạo, nghĩa là những bản án tù rất dã man. Một lần nữa chúng ta được nhắc nhở rằng những vấn đề lớn của Việt Nam chỉ có thể giải quyết được bởi người Việt Nam. Và thực ra chúng ta chưa hề có lý do nào để nghĩ khác. Mỹ là nước, ít nhất cho tới gần đây, quan tâm tới nhân quyền tại Việt Nam nhất, nhưng mối quan tâm đó đã không ngăn cản quan hệ thương mại Mỹ Việt đem lại 32 tỷ USD thặng dư cho chế độ Hà Nội mặc dù những vi phạm nhân quyền trắng trợn. Hỗ trợ quốc tế rất quý báu nhưng tương lại Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ tùy thuộc người Việt Nam chúng ta.

Chế độ cộng sản phải chấm dứt để đất nước Việt Nam có thể có một tương lai. Chúng ta cũng không còn nhiều thời giờ vì đất nước đã quá tụt hậu và sự thất vọng đã quá cao.

Nhưng tới bao giờ chế độ này mới chấm dứt ? Câu trả lời dứt khoát là : khi những người dân chủ Việt Nam hiểu rằng tự do phải đấu tranh để có và đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.

Nguyễn Gia Kiểng

(07/2017)

--------------------------

(1) Khái niệm quốc gia là một trong những tư tưởng nền tảng được trình bày trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Chương IV.

Published in Diễn đàn

Phóng viên Cát Linh của Đài Á Châu Tự do (RFA) cho biết ngày 3/6/2017, Giáo sư Phạm Minh Hoàng có kể lại sự việc xảy ra cho ông cách đó 2 ngày như sau :

"Ông Tổng lãnh sự Pháp có mời tôi lên để trao đổi một số chuyện, thì ông nói là có một tin rất xấu cho tôi, là Nhà nước Việt Nam, qua trung gian là Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 17 tháng 5 đã ký một văn bản tước quốc tịch của tôi, và chuyện này chắc chắn sẽ dẫn đến việc trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam vì tôi có song tịch Pháp – Việt".

lqt1

Ông Phạm Minh Hoàng bị dẫn ra tòa

Đây là một vấn đề cần được làm sáng tỏ vì nhiều trường hợp tương tự sẽ còn xảy ra đối với nhiều người Việt khác. Nhưng đây là vấn đề về luật lý, không thể nói theo cảm tính. Muốn làm sáng tỏ, không thể chỉ căn cứ vào Luật quốc tịch Việt Nam mà còn phải căn cứ vào "Công ước Hague về một số Vấn đề liên quan đến sự tranh chấp về Luật quốc tịch"  được ban hành ngày 12/4/1930, "Công ước Liên hiệp quốc về việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch" ngày 30/8/1961, các học lý, án lệ và tục lệ quốc tế về quốc tịch…, chứ không thể cãi chày cãi cối. Vấn đề này đã được chúng tôi bàn nhiều lần kể từ khi nhà cầm quyền Việt Nam ban hành luật quốc tịch đầu tiên ngày 28/6/1988. Tuy nhiên, để độc giả có thể thấy rõ vấn đề hơn, trước hết chúng tôi xin trình bày tóm lực về trường hợp của ông Phạm Minh Hoàng.

Vài nét về vụ án Phạm Minh Hoàng

Phạm Minh Hoàng sinh ngày 8/8/1955 tại Vũng Tàu, con của một viên chức cao cấp thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1973 ông được đi du Pháp, tốt nghiệp Cao học ngành Cơ học ứng dụng. Năm 2000 ông trở về Việt Nam, làm giảng viên hợp đồng dạy môn Toán học ứng dụng tại Trường Đại học Bách khoa Sài Gòn. Trong thời gia này, với bút hiệu Phan Kiến Quốc, ông viết nhiều bài đăng trên các websites, kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ và phản đối việc giao cho nhà thầu Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite ở Tây Nguyên.

Ngày 13/8/2010, Phạm Minh Hoàng bị công an bắt điều tra về các họat động chống chính quyền. Ngày 9/9/2010 Đảng Việt Tân ra thông cáo công bố 4 đảng viên Việt Tân đã bị công an bắt giữ trong thời gian qua, bao gồm ông Phạm Minh Hoàng, mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm.

Nhiều người cho rằng đây là một hành động tai hại của Việt Tân, biến các cộng sự viên thành vật tế thần để "biểu dương khí thế" (giống IS đang làm hiện nay), không khác gì "thưa ông tôi ở bụi này", làm cho các người liên hệ không còn đường chối cãi. Đảng Việt Tân giải thích rằng đây là một cách "ngăn chặn những thủ đoạn ngược đãi" những người này và gia đình họ, nhưng không ai chấp nhận.

Ngày 29/9/2010, Bộ Công an đã tổ chức họp báo tuyên bố quyết định khởi tố, bắt tạm gian Phạm Minh Hoàng, về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Ngày 10/8/2011, Tòa án Sài Gòn đã đưa Phạm Minh Hoàng ra xét xử sơ thẩm về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự. Bản cáo trạng nói năm 1996, Phạm Minh Hoàng được Nguyễn Ngọc Đức là "Trung ương ủy viên" của tổ chức Việt Tân ở Paris móc nối và đã gia nhập tổ chức này năm 1998. Năm 2000, Phạm Minh Hoàng về nước làm giảng viên Đại học Bách khoa Sài Gòn.

Tháng 11/2009, Phạm Minh Hoàng đã lôi kéo Lê Thị Kiều Oanh và Nguyễn Thanh Hùng đi Malaysia tham dự khóa học do Việt Tân tổ chức. Khóa học này do Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Quốc Quân và Nguyễn Thị Thanh Vân ở Pháp phụ trách. Từ tháng 1 đến tháng 5/2010, Phạm Minh Hoàng cùng ba thành viên trong tổ chức là Phạm Duy Khánh, Jolie Trang Huỳnh và Huỳnh Châu, tổ chức hai khóa học, tổng cộng 4 lớp học về kỹ năng tuyên truyền cho tổ chức Việt Tân tại Việt Nam… Ngoài ra, Phạm Minh Hoàng còn viết nhiều bài trong đó có 33 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước rồi gửi cho Việt Tân đăng và phát tán trên các mạng internet nhằm tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tập hợp lực lượng hoạt động nhằm lật đổ chế độ hiện tại.

Bào chữa cho bị cáo Hoàng, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng Hoàng về nước và tổ chức khóa học "kỹ năng phần mềm" là tự thân, không phải do Việt Tân chỉ đạo ; các bài viết của Hoàng cũng không phải "nhận lệnh" từ tổ chức này và đã bị lợi dụng để phát tán lên mạng.  Nhưng Tòa tuyên phạt Phạm Minh Hoàng 3 năm tù và 3 năm quản chế tại địa phương. 

Các đối tượng khác trong vụ án này như Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Ngọc Đức, Phạm Duy Khánh do đang sống ở nước ngoài, khi nào bắt được sẽ xét xử sau.

Ông Phạm Minh Hoàng đã kháng cáo. Ngày 29/11/2011 Tòa án Nhân dân Tối cao tại Thành phố Sài Gòn đã tuyên bố chấp nhận kháng cáo của Hoàng, giảm án cho Hoàng từ 3 năm tù xuống còn 17 tháng.

Ngày 13/1/2012, ông Hoàng đã được trả tự do. Tháng 3/2016, ông Hoàng lại bị công an câu lưu tại Sài Gòn do tổ chức lớp học về lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam và về Hiến pháp.

Vấn đề quốc tịch của Phạm Minh Hoàng

Ngày 1/6/2017, Tổng lãnh sự sứ quán Pháp tại Sài Gòn đã thông báo cho ông Phạm Minh Hoàng biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định số 832/QĐ-CTN ngày 17/5/2017 tước quốc tịch Việt Nam của ông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/6/2017, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ông Hoàng đã phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam nên việc tước quốc tịch Việt Nam đối với ông ta là đúng pháp luật.

Hôm 15/6/2017, ông Hoàng gửi đơn lên Bộ tư pháp khiếu nại về quyết định ngày 17/5/2017 của Chủ tịch Trần Đại Quang, viện lý do "không có cơ sở pháp luật". Theo ông, Điều 31 Luật quốc tịch Việt Nam ấn định việc tước quốc tịch chỉ áp dụng cho hai đối tượng : "Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (khoản 1) ; và người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 19 (Khoản 2), tức chỉ công dân nước ngoài và người không có quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam (Điều 19)". Ông không thuộc hai loại đối tượng đó, nên việc tước quốc tịch của ông là "không có cơ sở pháp luật, vi phạm Điều 2 của Luật quốc tịch Việt nam về quyền đối với quốc tịch công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam".

Hôm 3/6/2017, ông Phạm Minh Hoàng đã gởi đến Tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội tuyên bố thực thi quyền từ bỏ quốc tịch Pháp chiếu theo điều 23 Bộ luật dân sự Pháp. Ông viết : "Vì lý do trên, tôi xin ông vui lòng xem như tôi không còn quốc tịch Pháp và chỉ giữ lại quốc tịch Việt Nam".

Trước khi bàn về việc tước bỏ quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng, chúng tôi xin nói qua về các nguyên tắc căn bản của luật quốc tế về quốc tịch và luật quốc tịch Việt Nam.

Các nguyên tắc của luật quốc tế về quốc tịch

"Công ước Hague về một số vấn đề liên quan đến sự tranh chấp về Luật quốc tịch" (Convention on Certain Questions relating to the Conflict of Nationality Laws) ngày 12/4/1930 đã đưa ra một số nguyên tắc tổng quát về luật quốc tịch, có thể tóm lược như sau :

1. Mọi người đều có quyền có quốc tịch và quyền thay đổi quốc tịch, không ai có quyền tước bỏ hai quyền đó.

2. Mỗi người có thể có hai hay nhiều quốc tịch và một quốc gia không được dùng quyền bảo vệ ngoại giao để ngăn cản điều này.

3. Một người thụ đắc hai quốc tịch có thể xin từ bỏ một quốc tịch mà mình không muốn.

4. Mặc dầu mỗi người có quyền có nhiều quốc tịch, nhưng quốc gia đệ tam (tức quốc gia mà đương sự không có liên hệ về quốc tịch) chỉ công nhận một quốc tịch duy nhất mà thôi, đó là quốc tịch của quốc gia nơi đương sự có trú sở chính và thường xuyên hay quốc tịch của quốc gia mà đương sự trong thực tế có quan hệ chặt chẽ nhất.

5. Một người có hai quốc tịch, khi đã từ bỏ một quốc tịch hợp lệ, quốc tịch còn lại phải được quốc gia mà đương sự muốn có quốc tịch nhìn nhận, cho dù đương sự đang có trú sở chính và thường xuyên tại quốc gia mà đương sự đã từ bỏ quốc tịch.

"Công ước về việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch" (Convention on the Reduction of Statelessness) Liên Hiệp Quốc ngày 30/8/1961 dự liệu rằng các quốc gia kết ước sẽ ban quốc tịch của nước mình cho những người sinh ra trên lãnh thổ của nước đó nhưng vì một lý do nào đó bị coi là vô quốc tịch.

Khái quát về Luật quốc tịch Việt Nam

Từ 30/4/1975 đến nay, khi số người Việt bỏ nước ra đi ngày càng đông, nhà cầm quyền đã ban hành và sửa đổi luật quốc tịch đến 4 lần, đầu tiên là luật quốc tịch ngày 28/6/1988, rồi đến luật quốc tịch ngày 20/5/1998 và sau đó là luật quốc tịch ngày 13/11/2008 được bổ sung bởi luật ngày 24/6/2013. Hai luật đầu không chấp nhận chế độ song tịch hay đa tịch, coi tất cả những người có quốc tịch Việt Nam dù đã thủ đắc hay xin nhập bất cứ quốc tịch nào trên thế giới vẫn được coi là người Việt Nam. Những ai muốn bỏ quốc tịch Việt Nam phải làm đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam.  Mục tiêu của sự quy định này là giành quyền quản lý các hoạt động của tất cả những người Việt đang định cư ở nước ngoài, nhất là các hoạt động chính trị.

Từ năm 1993 đến nay, chúng tôi đã dựa theo các nguyên tắc của luật quốc tế, tục lệ quốc tế, án lệ quốc tế và luật đối chiếu về quốc tịch, viết rất nhiều bài nhận xét về những phi lý và rắc rối của luật quốc tịch Việt Nam.

Đến năm 2008, chính quyền mới ban hành Luật số 24/2008/QH12 ngày 13/11/2008 công nhận chế độ song tịch nhưng lại tạo ra một rắc rối khác, đó là buộc phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực, nếu không sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Sự quy định này sẽ biến một số người Việt thành vô quốc tịch nếu đến ngày mãn hạn đăng ký họ chưa nhập một quốc tịch nào khác. Như vậy sẽ vi phạm Công ước The Hague ngày 12/4/1930 về việc ngăn chặn tình trạng vô quốc tịch. Chúng tôi đã cảnh cáo rất mạnh mẽ về khuyết điểm lớn này.

Ngày 24/6/2013 chính quyền Việt Nam đã ban hành luật số 56/2014/QH13 bỏ quy định về thời hạn phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (trước đây là đến ngày 01.7.2014) và bỏ quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mặc nhiên mất quốc tịch nếu không đăng ký giữ quốc tịch. Đây là một sự sửa đổi phù hợp với luật quốc tế.

Việc tước quốc tịch Việt Nam của ông Hoàng

Điều 31 của Luật quốc tịch Việt Nam ngày 13/11/2008 có quy định Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam :

1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều luật này đã đặt ra những quy định rắc rối. Trên nguyên tắc chỉ có thể tước bỏ một quốc tịch đối với những người song tịch mà thôi. Đối với những người chỉ có một quốc tịch Việt Nam duy nhất, việc tước bỏ quốc tịch của họ, cho dù họ đã phạm bất cứ tội phạm nào, sẽ bị coi là vi phạm Công ước the Hague ngày 12/4/1930.

Ông Phạm Minh Hoàng là công dân Việt Nam đã từng cư trú ở Pháp và nhập quốc tịch Pháp. Năm 2000 ông trở về Việt Nam và theo luật số 56/2014/QH13 ngày 24/6/2014, ông vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy ông có hai quốc tịch, vừa Việt vừa Pháp. Khi xuất ngoại, nếu ông dùng hộ chiếu của Pháp, ông được coi là người Pháp và nếu ông dùng hộ chiếu Việt Nam ông được coi là người Việt Nam. Tuy giữ song tịch có lợi, nhưng khi bị truy tố và trừng phạt về các tội vi phạm an ninh quốc gia, nhà cầm quyền sẽ dựa vào điều 31 của luật Quốc tịch Việt Nam để tước quốc tịch Việt Nam của ông. Lúc đó ông còn có quốc tịch Pháp nên không vi phạm vi Công ước The Hague ngày 12/4/1930.

Ông Hoàng thấy rõ điều đó nên hôm 3/6/2017 ông đã làm đơn xin bỏ quốc tịch Pháp, nhưng đã quá muộn vì mọi chuyện đã xong rồi. Chúng tôi tin chắc chính phủ Pháp cũng sẽ không cho ông từ bỏ quốc tịch Pháp vì nếu làm như vậy là vi phạm Công ước The Hague ngày 12/4/1930, biến ông Hoàng thành vô quốc tịch.

Bây giờ ngồi tranh luận với Bộ tư pháp về áp dụng điều 31 của Luật quốc tịch Việt Nam, ai sẽ xét xử cho ông Phạm Minh Hoàng ?

Như ý kiến của nhiều người, Việt Nam không còn là đất dụng võ của ông nữa, cách tốt nhất là ông nên bỏ quốc tịch Việt Nam và quay về Pháp, vì rất nhiều người đang muốn được như ông mà không được. Ở Pháp, ông sẽ có nhiều phương tiện để giúp đất nước thoát khỏi nghèo đói và áp bức nếu ông thực lòng muốn làm và biết cách làm điều đó.

Ngày 22/6/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn

Tình hình là sắp tới, sẽ có một số lượng lớn người Việt sinh sống ở nước ngoài sẽ bị "tước quốc tịch".

quoctich1

Luật quốc tịch 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014

Thật ra điều 13 Luật quốc tịch 2008 qui định những công dân Việt Nam nào (sinh sống ở nước ngoài) không đăng ký để lấy lại quốc tịch Việt trong 5 năm (từ ngày luật này có hiệu lực) thì sẽ mất quốc tịch.

Điều 13 luật này được sửa đổi (2014), theo đó, những người Việt sinh sống ở nước ngoài, nếu chưa bị mất quốc tịch (vào thời điểm luật này có hiệu lực) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Lý do điều 13 thay đổi, là đến cận ngày hết hạn mà không có bao nhiêu người đến đăng ký giữ quốc tịch Việt. Không thay đổi luật thì sẽ có vài triệu người Việt Nam mất quốc tịch.

Nhưng luật Việt Nam lại "mở cửa rộng" cho việc nhà nước tước quốc tịch của công dân mình.

Điều 31 Luật quốc tịch qui định :

"Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Vấn đề là các việc "gây phương hại đến độc lập dân tộc, xây dựng bảo vê tổ quốc, uy tín nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam " là không có gì xác định"cụ thể".

Không có một cơ quan pháp lý độc lập nào được đặt ra để thẩm định các "hành vi" như thế nào là phạm tội. Chỉ cần một lá đơn "tố cáo" thì tiến trình "truất quốc tịch" được khởi động. Chủ tịch nước ký tên vào là xong.

Như vậy tất cả những người Việt Nam (tị nạn cộng sản hay không tị nạn) đều có thể bị truất quốc tịch, đơn giản chỉ vì một thái độ, một lời nói... được xem là "chống chế độ".

Bà Lê Thị Thu Hằng, cái loa rè của Việt Nam vừa lên tiếng rằng việc tước quốc tịch Giáo sư Phạm Minh Hoàng là đúng luật Việt Nam.

Vấn đề là luật Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký đồng thời đi ngược lại nền tảng kiến tạo nên quốc gia.

Dĩ nhiên những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, có cha mẹ tiên tổ là người Việt Nam, dầu họ có lưu lạc sống ở nước ngoài hay ở Việt Nam, họ đều là người Việt.

Trong số hàng triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài, có vô số người là hậu duệ của các bậc tiên liệt đã dựng nước và mở rộng đất nước này. Hậu duệ nhà Nguyễn có rất nhiều người sống ở nước ngoài. Hậu duệ nhà Lê, nhà Ngô, nhà Lý... cũng vậy.

Cái gọi là "nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của ông Hồ dựng lên, thực ra là "con hoang" của chủ nghĩa cộng sản quốc tế với thực dân. Thời gian tồn tại chủ nhà nước này chỉ là con số lẻ so với chiều dài lịch sử.

Thực tế cho thấy nhà nước này bản chất là một nhà nước "thực dân" do "nội xâm". "Chúng ăn của dân không từ một thứ gì".

Nhà nước này có tư cách gì để tước quốc tịch Việt Nam của những công dân Việt ?

Cái loa rè Việt Nam cho rằng việc tước quốc tịch công dân là "đúng pháp luật".

Rõ ràng là "luật rừng". Xử sao cũng được.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 17/06/2017

Published in Diễn đàn