Việc thông qua Điều 19, Luật sư tố cáo thân chủ, vẫn còn đang tạo nên làn sóng tranh cãi lẫn bức xúc trong dư luận, thì ngày 3 tháng 7, một bài viết trên báo Pháp luật với tiêu đề "Luật sư không được nói bậy trên mạng" một lần nữa khiến giới luật sư phải có ý kiến.
Ảnh minh họa - courtesy hocluat.vn
Ngay sau khi bài viết được đang tải, luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang cá nhân của ông rằng :
"Tiêu đề của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ghi không đúng ý của Bộ Tư Pháp, và thiếu tôn trọng giới luật sư. Theo dự thảo của Bộ Tư Pháp, luật sư muốn hành nghề, phải chấp nhận mất quyền công dân - "mở mồm" phê phán các cơ quan chức năng trên mạng xã hội".
Và ông đưa ra lời kêu gọi : "Có lẽ các đồng nghiệp chúng ta cần gặp gỡ, đối thoại với ông này, để hiểu giới luật sư hành nghề ra sao, và nếu ông cấm luật sư "mở mồm", dân chúng sẽ đánh giá thế nào về giới luật sư ?".
Nội dung chính của bài viết "Luật sư không được nói bậy trên mạng" đăng tải trên tờ báo Pháp luật đề cập đến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 123/2013 của chính phủ. Theo đó, Bộ Tư pháp cho rằng tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua có vướng mắc, bất cập. Luật Luật sư đã quy định tiêu chuẩn về chuyên môn để trở thành luật sư nhưng chưa quy định cụ thể về các tiêu chuẩn liên quan đến phẩm chất đạo đức, tuân thủ pháp luật để hành nghề luật sư.
Không hoàn toàn đồng ý với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật Gia TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Tài chính Thương mại Luật gia Việt Nam cho biết cách diễn giải như thế sẽ gây ra những suy nghĩ sai lệch về qui trình đào tạo một luật sư, kể cả phẩm chất của một luật sư. Sư sai lệch đó sẽ được hiểu là từ trước đến nay, các tiêu chuẩn liên quan đến phẩm chất đạo đức, các quy định tuân thủ pháp luật để hành nghề luật sư chưa từng được định chế cụ thể trong các văn bản của pháp luật hoặc Bộ tư pháp.
Cho nên theo ông, cần phải cụ thể hóa những quy định, nguyên tắc đã có sẵn trong Luật Luật sư.
"Viết như vậy là người ta sẽ hiểu lầm, và người ta sẽ nghĩ 1 ý khác. Nguyên tắc hành nghề luật sư đã 4 lần được Quốc hội sửa đổi để theo kịp các nước trên thế giới. Một trong những nguyên tắc hành nghề luật sư là họ là những người biết luật, cho nên 5 nguyên tắc đã quy định rõ trong luật, bây giờ mình phải cụ thể hóa ra là luật sư được làm những gì ?
Khi họ hành nghề thì họ phải tuân thủ Luật Luật sư và tuân thủ qui tắc đạo đức".
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nguyên tắc luật sư hiện nay qui định khá đầy đủ nhưng chưa hết. Đối với quan điểm của ông, trong cuộc sống, ranh giới giữa sai và đúng rất mong manh. Chính vì vậy con người sẽ dễ dàng phạm phải sai lầm, chỉ cần một khoảnh khắc không tự chủ, họ sẽ vi phạm pháp luật. Và đặc biệt, ông nhấn mạnh, "khi biết luật, càng dễ phạm luật". Do đó, theo ông rất cần có những ràng buộc cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
"Nếu mà không qui định thì họ dễ có 1 vấn đề, họ lợi dụng là họ biết nghề. Về những nguyên tắc hành nghề thì luật chỉ bao quát thôi, cho nên phải có những hướng dẫn. Nhưng những hướng dẫn đó không được xâm phạm những nguyên tắc mà luật đã qui định".
Liên quan đến điều này, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013 có nói là quy định chi tiết hóa những trường hợp bị coi là không đáp ứng đủ hiến pháp, pháp luật và tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt.
Không rõ ràng
Một nội dung khác của dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013 riêng được nêu ra có vẻ như là cách giải thích chi tiết cho tiêu đề "Luật sư không được nói bậy" đó là "Phải phát ngôn chuẩn mực". Bài viết ghi rõ :
"Luật sư không được ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề của luật sư, phương hại đến hoạt động của cơ quan tổ chức khác".
Một lần nữa, luật sư Nguyễn Văn Hậu không đồng tình với cách dẫn giải của bài báo. Ông cho rằng cách nói như thế là không cần thiết vì không được đầy đủ và không đúng.
Dựa vào năm nguyên tắc hành nghề luật sư mà Luật Luật sư đã quy định, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói rằng khi phát ngôn, người luật sư tuyệt đối không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, phát biểu những gì mà pháp luật cho phép. Đó là chuẩn mực đã được qui định đối với việc hành nghề luật sư.
"Trước hết, người luật sư phải tuân thủ pháp luật trước đã. Khi họ phát ngôn, họ phải chịu trách nhiệm về lời phát ngôn của mình. Khi anh phát ngôn, là luật sư thì phải phát ngôn 1 cách chính xác. Thứ nhất là đúng luật, thứ hai là phù hợp với đạo đức xã hội, khung cảnh mà anh phát biểu".
Chính vì vậy, những nội dung nêu ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013 sau đó được giới luật sư bày tỏ sự bất bình khá rõ. Họ cho rằng nghị định và thông tư của Bộ tư pháp phải làm sao phù hợp với hiến pháp và phù hợp với luật luật sư.
Đồng tình với điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.
"Anh sử dụng mạng xã hội thì cứ sử dụng thôi, nhưng sử dụng mạng xã hội mà xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, xâm phạm bí mật đời tư, bí mật gia đình, đó là những quyền bất khả xâm phạm mà pháp luật đã qui định, thì trên mạng xã hội anh phải chịu trách nhiệm về điều đó".
Thực tế gần đây cho thấy một số luật sư qua trang các nhân đưa ra một số thông tin, ý kiến liên quan đến các phiên toà và qua trang cá nhân của các luật sư đó, công luận có thể biết được nhiều chi tiết hơn nếu đó là phiên toà chính trị không ai được vào, ví dụ trang mạng xã hội của luật sư Võ An Đôn, luật sư Lê Luân… cho người quan tâm biết được những diễn biến bên trong phiên xử blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Ngoài ra, với nhiều diễn biến xảy ra gần đây trong xã hội Việt Nam, quan điểm của giới luật sư cũng được thể hiện rất rõ trên trang mạng cá nhân của họ.
Câu hỏi được mọi người đặt ra sau khi bài báo "Luật sư không được nói bậy trên mạng ?" : Phải chăng đó chính là nguyên nhân ? Mà luật sư Trần Vũ Hải gọi trên trang Facebook của ông là : "Bộ Tư Pháp muốn "siết" tư tưởng giới luật sư, sau khi đã đeo vòng kim cô 19.3 (luật sư phải tố thân chủ) cho giới này".
Cát Linh, RFA
Nguồn : RFA, 04/07/2017
Nghị định "quy định chụp ảnh chủ thuê bao điện thoại" vi hiến ? (RFA, 20/06/2017)
Nghị định Chính phủ số 49 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, quy định bổ sung ảnh chụp chân dung chủ thuê bao di động, gặp phải sự than phiền cũng như phản đối của cả doanh nghiệp và khách hàng.
Gian hàng của công ty điện thoại di động Vinaphone tại một hội chợ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội ngày 22 tháng 7 năm 2016. AFP photo
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, bà Lê Thị Mơ cho biết Nghị định số 49/2017 được ban hành nhằm mục đích bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Mơ cho biết thêm tính đến đầu năm 2016, trong tổng số 120 triệu thuê bao di động thì hơn 80 triệu có thông tin sai lệch. Do đó, nhằm hướng tới cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và chính chủ, Nghị định 49/2017 yêu cầu bổ sung ảnh chụp chủ thuê bao di động để làm bằng chứng xác thực nhất đảm bảo đúng người, đúng thời gian ký kết và thực hiện hợp đồng viễn liên, tránh tình trạng giả mạo giấy tờ khi đăng ký thuê bao di động.
Đại diện Cục Viễn thông, bà Lê Thị Mơ cũng nhấn mạnh công tác quản lý thông tin thuê bao nghiêm ngặt được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Bà Mơ viện dẫn một số quốc gia dưới sức ép chống khống bố như Thái Lan, Ấn Độ… áp dụng biện pháp nhận diện vân tay của chủ đăng ký thuê bao. Tuy nhiên Ban soạn thảo Nghị định 49/2017 của Việt Nam không lựa chọn hình thức lấy vân tay vì sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh. Ban soạn thảo cho rằng việc chụp ảnh là hoàn toàn khả thi đối với doanh nghiệp vì thủ tục dễ dàng và nhanh gọn.
Mặc dù vậy, trong thực tiễn thực thi Nghị định số 49, ba doanh nghiệp Vinaphone, MobilFone và Viettel, là các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn liên tại Việt Nam, lên tiếng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại kể từ khi Nghị định này có hiệu lực hồi ngày 24 tháng Tư.
Các nhà mạng Vinaphone, MobilFone và Viettel nêu ra khó khăn đầu tiên là nguồn vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng cho các thiết bị chụp ảnh và lưu trữ dữ liệu. Không những vậy, về mặt thời gian được yêu cầu trong Nghị định 49 là các nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới thì không thể nào hoàn tất được. Bên cạnh đó, việc thông báo, giải thích và thuyết phục khách hàng chụp ảnh không phải là điều đơn giản.
"Đầu tiên muốn đăng ký số là đăng ký bằng giấy Chứng minh Nhân dân rồi. Tôi đã trình giấy Chứng minh Nhân dân của tôi mà còn phải chụp hình của tôi nữa. Thực sự hình ảnh của người ta không muốn bị lộ ra. Nếu bây giờ bắt tôi phải làm điều đó thì có lẽ tôi sẽ phản đối".
Ý kiến chia sẻ với RFA vừa rồi của một chủ thuê bao di động không muốn nêu tên, ở Sài Gòn cũng là phản ảnh của rất nhiều chủ thuê bao di động hiện thời tại Việt Nam. Họ cho rằng giấy Chứng minh nhân dân cung cấp đủ hình ảnh dấu vân tay lẫn thông tin cá nhân của khách hàng khi ký hợp đồng thuê bao di động.
Đại biểu Quốc hội, đại diện Cử tri đoàn Bến Tre, ông Lưu Bình Nhưỡng, nói với Báo điện tử vov.vn, thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam vào hôm 19/6 rằng đây là việc làm lãng phí tiền của xã hội và Nghị định 49 có phải vượt trên các quy định của pháp luật hay không ?
Chúng tôi nêu vấn đề của Đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt ra với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định việc chụp ảnh theo quy định trong Nghị định 49/2017 là vi hiến.
"Hiến pháp quy định những hình ảnh đó thuộc về bí mật gia đình và bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm. Cho nên việc sử dụng hình ảnh người khác thì phải xin phép họ và phải được sự đồng ý của người đó. Do đó, theo tôi nghĩ, Nghị định này cần phải được xem lại vì nếu thực hiện là vi hiến".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận qua tiếp xúc với một số chủ thuê bao di động khắp các tỉnh thành của Việt Nam, họ cho biết mặc dù giới luật sư trong nước lên tiếng Nghị định 49 là vi hiến nhưng họ sẽ không có lựa chọn nào khác hơn phải tuân thủ nếu Chính phủ vẫn thực thi Nghị định này.
Bạn trẻ Khúc Thừa Sơn, ở Đà Nẵng vừa đăng ký một sim điện thoại mới cách nay vài ngày cho biết buộc phải làm theo các yêu cầu của nhà mạng :
"Nhà mạng ở đây là những trung tâm di động không cho phép người tiêu dùng là người dân chọn lựa các sản phẩm khác nhau vì hầu hết mạng Viettel, MobilFone và Vinaphone hay một số những nhà mạng khác cũng do nhà nước quản lý cho nên họ chấp hành hết mọi yêu cầu của nhà nước đặt ra. Vì thế, người tiêu dùng muốn có chọn lựa khác bị khó và đành chấp nhận theo".
Thế nhưng, không chỉ bạn Sơn mà các chủ thuê bao di động sử dụng dịch vụ viễn liên với sự lo ngại hình ảnh của mình bị dùng vào mục đích xấu và ai sẽ chịu trách nhiệm ?
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, bà Lê Thị Mơ trả lời thắc mắc của các củ thuê bao di động trong việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao, trong đó có ảnh chụp theo Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định Chính phủ số 174/2013 và số 49/2017 thì doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ hay trao đổi, mua bán thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt từ 30 đến 70 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Truyền thông trong nước cũng đăng tin dựa theo số liệu thống thống kê của Cục Viễn thông có khoảng 119 triệu thuê bao dị động sẽ bị cắt nếu như chủ thuê bao không thực hiện bổ sung ảnh chân dung theo yêu cầu của Nghị định 49/2017.
Đài RFA cũng thăm dò ý kiến của một số thính giả là các chủ thuê bao di động đã nhiều năm và được cho biết họ sẽ không thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ vì đây là một nghị định vi hiến với chọn lựa sẽ sử dụng các sim khuyến mãi dù rất bất tiện cùng lời cảnh báo rằng Chính phủ sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý những số điện thoại không đăng ký thuê bao.
Hòa Ái, phóng viên RFA
********************
Quốc hội thông qua điều 19 BLHS : Luật sư tố cáo thân chủ (RFA, 20/06/2017)
Quốc hội Việt Nam chiều ngày 20 tháng 6 thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, trong đó có Điều 19 bị giới luật sư phản đối mạnh mẽ.
Phiên xử blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh cùng người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thuý tại tòa án Hà Nội ngày 22 tháng 9 năm 2016. AFP photo
Cụ thể đối với Điều 19, Bộ Luật sửa đổi theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm như sau : Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
Ngoài ra, luật sửa đổi cũng quy đinh về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội danh. Theo đó, những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.
*****************
Điều khoản về tố giác thân chủ : ‘Một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam’ ? (VOA, 20/06/2017)
Quốc hội Việt Nam hôm 20/6 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có điều khoản quy định "luật sư tố giác thân chủ" gây nhiều tranh cãi.
Kết quả biểu quyết về Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung (chụp màn hình Tuổi Trẻ, 20/6/2017)
Kết quả biểu quyết cho thấy hơn 88% đại biểu tán thành luật sửa đổi. Riêng điều 19 gây tranh cãi có số phiếu thuận là hơn 84,5%.
Theo khoản 3 của điều 19, luật sư bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác "các tội xâm phạm an ninh quốc gia" hoặc "tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" do thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
Trong vài tuần trước ngày bỏ phiếu, qua các diễn đàn khác nhau, giới luật sư đã nhiều lần đưa ra các lập luận phản đối quy định "luật sư tố giác thân chủ".
Từ Hà Nội, luật sư Ngô Ngọc Trai bày tỏ với VOA sự thất vọng của ông về việc quốc hội thông qua luật sửa đổi chứa đựng điều 19 :
"Nó rất bất lợi cho giới luật sư khi hành nghề. Và nó tạo ra những rủi ro rất là nghiêm trọng đối với giới luật sư chúng tôi trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án. Quy định này có thể nói là hầu hết luật sư đều không đồng tình".
Nói rõ thêm về những bất lợi cho giới luật sư, ông Trai chỉ ra rằng cụm từ "tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" trong điều luật bao trùm lên phạm vi hành nghề chính của các luật sư ở Việt Nam.
Ông phân tích rằng chỉ những người bị cáo buộc phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, có thể đối diện án tù nhiều năm, chung thân hoặc tử hình, mới phải nhờ đến luật sư. Như vậy, đó là "phạm vi kiếm sống chính" của nghề luật sư bào chữa.
Nhưng nay với điều luật ràng buộc luật sư tố giác thân chủ, theo luật sư Trai, giới hành nghề bào chữa chỉ còn lại một khoảng không gian rất "hạn hẹp".
Ông cũng lưu ý rằng công việc của luật sư bào chữa là tạo ra đối trọng với các cơ quan điều tra, truy tố, bảo đảm có sự cân đối giữa buộc tội và gỡ tội, có như vậy khái niệm "cán cân công lý" mới có ý nghĩa.
Bàn về khía cạnh đạo đức, luật sư Trai nói thân chủ bỏ tiền ra nhờ luật sự cứu giúp, nhưng luật hình sự đòi luật sư tố giác thân chủ, điều này đẩy họ vào hoàn cảnh phải "phản bội" thân chủ.
Theo báo chí trong nước, phát biểu trước phiên bỏ phiếu thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh rằng nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa là "xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng".
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng các nhà làm luật Việt Nam "nhận thức sai lệch nghiêm trọng" về trách nhiệm của luật sư đối với thông tin của thân chủ trong một số trường hợp đặc biệt :
"Nói chung là các nền tư pháp tiến bộ họ đều quy định theo hướng trao quyền cho luật sư, giải thoát trách nhiệm của luật sư khi tiết lộ thông tin của thân chủ trong một số trường hợp nếu biết thân chủ chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng. Bình thường, luật sư có nghĩa vụ bảo mật thông tin. Nhưng người ta có quy định miễn trừ trách nhiệm cho luật sư được tiết lộ thông tin mà không bị coi là vi phạm nghĩa vụ bảo mật trong một số trường hợp. Nhưng Việt Nam lại quy định thay vì là quyền cho luật sư lại quy định nghĩa vụ ràng buộc, trói buộc luật sư".
Nêu ra một số nước như Mỹ, Nhật, Anh làm ví dụ, luật sư Trai nhận xét ở các nước đó phạm vi những trường hợp luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ là rất hạn hẹp, hãn hữu.
Ông nói đó là những vụ luật sư có thể phân biệt rạch ròi được ngay quyền lợi của xã hội cao hơn cao hơn quyền lợi của thân chủ, như các vụ đặt bom khủng bố hay giết người hàng loạt. Trong những vụ này, luật sư không bị giằng xé nội tâm khi tiết lộ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018. Ông Ngô Ngọc Trai bình luận luật này là một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam.