Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thời gian gần đây, ít nhất có ba vị luật sư đang hành nghề tại Việt Nam và một vị luật sư bị tước thẻ hành nghề vì công khai lên tiếng cho nhân quyền, đã phải rời bỏ đất nước đến Hoa Kỳ sinh sống.

luatsu1

Nữ thần công lý. Ảnh minh họa - AFP

Luật sư Võ An Đôn bị tước thẻ hành nghề hồi năm 2017 với lý do mà các cơ quan chức năng trong nước nêu ra, là đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt ; nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam. Vị luật sư này đã từng nộp đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, yêu cầu trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông nhưng không thành công, dù theo luật sư Võ An Đôn, nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì ông thắng 100%.

Gia đình Luật sư Võ An Đôn đến Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 10 năm 2023. Nêu lý do vì sao phải rời bỏ đất nước, Luật sư Đôn nói với RFA hôm 30 tháng 10 năm 2023 :

"Là người Việt Nam, không ai muốn bỏ quê hương đất nước đến một vùng đất mới không bà con họ hàng, không bạn bè thân thích như tôi cả. Nhưng tôi phải ra đi vì ở Việt Nam, tôi phải sống ở trong một xã hội đầy bất công, tham nhũng tràn lan. Là một luật sư thấy những cảnh tượng đó mà không lên tiếng, không đứng về phía lẽ phải để chống lại những bất công thì lương tâm cắn rứt. Còn khi lên tiếng thì bị chính quyền trù dập, đàn áp. Tôi thì bị tước thẻ hành nghề. Tôi còn bị nguy cơ bị bắt, bị bỏ tù và không giúp được gì cho người dân khi chính quyền tuyên truyền tôi là một "luật sư phản động". Đó là lý do tôi quyết định ra đi.

Khi bị chính quyền gây khó khăn, bản thân tôi rất nhiều lần đề nghị Đoàn Luật sư cũng như Liên đoàn Luật sư bảo vệ nhưng họ không những không bảo vệ mà còn ra quyết định tước quyền hành nghề luật sư của tôi theo chỉ đạo từ các cơ quan đảng và đặc biệt là từ công an can thiệp vào".

Ba vị luật sư đang hành nghề tại Việt Nam là Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Đào Kim Lân cũng phải bỏ nước ra đi và đến Hoa Kỳ vào tháng 6 vừa qua. Truyền thông nhà nước loan tin, nội dung tiếp nhận của Công an tỉnh Long An từ A05 đã phát hiện ba luật sư này có hành vi phát tán trên mạng clip hình ảnh, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với RFA sáng 30/10/2023 :

"Tôi buộc phải bỏ nước ra đi vì chúng tôi là những người đấu tranh cho quyền lợi của người dân, cụ thể là bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động luật sư hợp pháp ở Việt Nam. Thế nhưng đối với Việt Nam, không phải những gì hợp pháp đều được chấp nhận, mà phải theo ý đảng. Chúng tôi đã thoát ra khỏi ý của những người lãnh đạo đất nước dù chúng tôi căn cứ theo chính luật pháp, hiến pháp và các luật của họ đưa ra. Và hơn thế nữa, chúng tôi căn cứ theo các quyền con người thông qua luật về nhân quyền, các quyền về quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã tham gia.

Chính vì điều đó mà chúng tôi bị giám sát, bị đe dọa và có nguy cơ bị khởi tố. Chúng tôi bị đẩy đến bước đường cùng và phải rời bỏ đất nước. Đây là một mất mát cho những người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam".

luatsu2

Gia đình Luật sư Võ An Đôn ở tại phi trường Dulles hôm 26/10/2023

Cuối tháng 2/2023, Luật sư Đào Kim Lân có đơn khẩn cấp gởi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để kêu cứu, sau khi ông Lân nhận được thông báo của Công an tỉnh Long An nói rằng, cơ quan này nhận được tin báo về tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai, trong đó có ông, có dấu hiệu vi phạm Điều 331 và đang xử lý thông tin này.

Ông Lân nói với RFA về quyết định bỏ nước ra đi của mình :

"Không đâu hành nghề bằng ở Việt Nam vì luật sư học ở Việt Nam thì chỉ hành nghề ở Việt Nam thôi. Việc phải ra nước ngoài là bất khả kháng. Đó là vì an toàn của mình và gia đình khỏi sự đe dọa của công an địa phương. Họ sai nhưng lại bao che cho nhau. Họ lấy cớ là tụi tôi tung những sai trái của họ lên mạng xã hội làm ảnh hưởng ngành công an, mà những sai trái đó nếu tụi tôi không đưa lên thì làm sao người dân biết ?

Công an làm sai, luật sư là người đối trọng với công an và các cơ quan tố tụng để bảo đảm cho công lý được thực thi. Nếu không có luật sư thì công an, công tố viên, viện kiểm sát làm sai không ai "bắt giò". Bây giờ họ đàn áp cả luật sư thì coi như luật pháp đâu còn tồn tại. Liên đoàn luật sư chỉ là hình thức cho có, chứ khi luật sư bị gì thì khó có sự can thiệp từ họ".

Hầu hết các luật sư cho rằng, do họ không tự bảo vệ được mình và cơ quan chủ quản của họ là các đoàn luật sư, thậm chí Liên đoàn Luật sư cũng không bảo vệ được họ khi gặp nguy hiểm, gặp những bất công trong quá trình hành nghề, khiến họ phải rời bỏ đất nước.

RFA gửi email đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ hôm 29/10/2023 để hỏi thông tin nhưng không nhận được phản hồi.

Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ, trong quá trình hành nghề luật sư từ hơn một phần tư thế kỷ, ông biết rất rõ về sự yếu kém của nền tư pháp nước nhà ; về tình trạng bất công, án oan tràn lan khắp nơi khiến cho công chúng bất bình, mất hoàn toàn sự tin cậy vào hệ thống tư pháp.

luatsu3

Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Văn Miếng tại phi trường Dulles hôm 16/6/2023

Luật sư Mạnh phân tích với RFA :

"Sự yếu kém của nền tư pháp không hẳn về lập pháp mà là từ quá trình thực thi luật pháp, trong đó, yếu tố con người mang tính chất quyết định. Với tư cách công dân, tôi ý thức trách nhiệm của mình với sự hưng thịnh, tồn vong đất nước.

Thế nên, tôi đã cố gắng đóng góp sức mọn của mình bằng cách viết khá nhiều kiến nghị với mong mỏi cải cách nền tư pháp theo chiều hướng tích cực, tiệm cận hơn với nền tư pháp của thế giới văn minh. Thế nhưng, đáng buồn rằng khá nhiều bài viết của tôi đã trở thành chứng cứ về tội danh theo điều 331 Bộ luật hình sự để Bộ công an trong nước yêu cầu điều tra hình sự đối với cá nhân tôi. Đó là sự bất công và không khó đoán trước hệ quả của nó.

Thế nên, tôi phải ra đi để tìm kiếm tự do, tuy rằng việc ra đi là sự vạn bất đắc dĩ, nhưng tôi phải chọn lấy vì không thể nào để cho nền tư pháp bất công quyết định số phận của mình. Tôi tin rằng nền tư pháp nước nhà sẽ sớm có sự thay đổi cùng với sự thay đổi về thể chế chính trị, vì lẽ, điều ấy là nguyện vọng, là ý chí của nhân dân nên chẳng thể nào cưỡng lại được".

RFA gọi điện thoại đến Phòng an ninh, điều tra Công an Tỉnh Long An để hỏi thêm thông tin thì nhận được câu trả lời :

"Có vấn đề gì chị cần biết, cần trao đổi thì chị đến cơ quan. Cơ quan sẽ xem xét trả lời bằng văn bản chứ chúng tôi không trao đổi qua điện thoại".

Ngoài các luật sư phải rời đất nước khi đang hành nghề hợp pháp như Luật sư Miếng, Luật sư Mạnh, Luật sư Lân, hay đã bị cấm hành nghề một cách bị cho là bất hợp pháp như Luật sư Đôn, còn một số luật sư rời Việt Nam từ nhà tù như Luật sư Nguyễn Văn Đài hay Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Luật sư Nguyễn Văn Đài bị kết tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền', bị tuyên 15 năm tù trong phiên tòa sơ thẩm hôm 5 tháng 4 năm 2018. Hai tháng sau, ông Đài được đưa sang Đức.

Trao đổi với RFA hôm 31/10/2023, Luật sư Đài nêu quan điểm của ông về hiện thực của một số luật sư trong nước :

"Hầu hết các luật sư hiện nay đều được học dưới mái trường của chế độ cộng sản, nhưng khi ra hành nghề thì họ thấy những quy định trong hiến pháp cũng như pháp luật so với những gì những quan chức cộng sản từ các ngành, cơ quan hành chính cho đến hệ thống tư pháp áp dụng nó trái ngược với những gì hiến pháp và pháp luật quy định.

Thế nhưng khi các luật sư lên tiếng bảo vệ cái sự đúng đắn của pháp luật thì bị coi là chống đối đảng cũng như chế độ và nhà nước. Những luật sư chính trực thường không thể hành nghề lâu dài ở Việt Nam được. Sớm hay muộn cũng bị nhà nước hoặc là tước thẻ hành nghề, hoặc bắt giữ, cầm tù rồi đẩy ra nước ngoài. Có luật sư chưa bị bắt tìm cách ra nước ngoài. Đó là tình cảnh của một số luật sư Việt Nam".

Một số luật sư cho rằng, để thay đổi ngành tư pháp Việt Nam cho tốt hơn thì phải thay đổi rất nhiều thứ vì thể chế chính trị Việt Nam khác hẳn các nước dân chủ.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 31/10/2023

Additional Info

  • Author Diễm Thi
Published in Diễn đàn