Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 06 décembre 2020 00:50

"Ai" quyền to hơn "ai" ?

Trong những năm gần đây, nhất là từ sau Hiến pháp 2013, trong nhiều văn bản pháp luật có quy định phân biệt khi nào thì "theo quy định của pháp luật", khi nào thì "theo quy định của luật".

phapluat0

Luật và pháp luật là hai khái niệm khác nhau, nhưng trước đây không ít người nghĩ rằng "luật" chỉ là cách gọi tắt của "pháp luật".

Pháp luật là các quy phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có hiệu lực từ 01/7/2016) thì : "Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được nhà nước bảo đảm thực hiện".

Luật và bộ luật được gọi chung là luật.

Tuy nhiên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, không quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật văn bản chuyên ngành, và văn bản quy phạm pháp luật quy định chung có sự chồng chéo.

Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau : Hiến pháp – Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội – Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước – Nghị định của Chính phủ ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Quyết định của Thủ tướng Chính phủ – Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao – Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước – Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) – Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt – Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) – Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện – Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) – Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Nếu hiểu theo lý thuyết hệ thống, có nghĩa là điều luật này không chỉ liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo một trật tự nhất định, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa các văn bản đó trong một hệ thống thống nhất.

Về cơ bản việc sắp xếp như trên đã đảm bảo nguyên tắc xác định thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp dựa trên việc địa vị pháp lý của cơ quan ban hành, và tính chất của văn bản.

Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp văn bản được sắp xếp chưa thể hiện chính xác vị trí thứ bậc của chúng trong hệ thống pháp luật. Đó là việc sắp xếp thứ tự các thông tư, thông tư liên tịch.

Cụ thể, khoản 8 Điều 4 sắp xếp như sau : Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ; Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Trong bộ máy nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu cơ quan tối cao về xét xử và cơ quan tối cao thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trong khi đó, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Chính phủ. Do đó, xét về vị trí trong bộ máy nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao có vị trí cao hơn Bộ, cơ quan ngang bộ.

Chính vì vậy, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân nhân tối cao, Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải được sắp xếp trước bởi có hiệu lực pháp lý cao hơn thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành.

Do đó, về nguyên tắc thì Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải được xếp trước nhóm thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Về vị trí thứ bậc quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, theo quy định của Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước được sắp xếp cùng khoản 8 với các loại thông tư, thông tư liên tịch nhưng ở vị trí cuối cùng sau thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Theo Luật Kiểm toán Nhà nước thì Kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ; Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc.

Trong khi đó, bộ, cơ quan ngang bộ là những cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý nhà nước một lĩnh vực nhất định. Vì vậy, việc đặt quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước có vị trí thấp hơn thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ liệu có phù hợp ?

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 06/12/2020

Published in Diễn đàn