Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nghị định 126 về lập hội là ‘điểm nghẽn thể chế’ cần loại bỏ

VOA, 24/12/2024

Một số nhà trí thức, nhà hoạt động nhận định rằng Nghị định 126/2024 về quản lý lập hội là một văn bản luật thể hiện rõ nhất "điểm nghẽn" trong thể chế chính trị của chính quyền cộng sản Việt Nam, đồng thời khuyến cáo Hà Nội phải ngay lập thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế.

xhds1

Nghị định 126/2024 về quản lý lập hội là một văn bản luật thể hiện rõ nhất "điểm nghẽn" trong thể chế chính trị của chính quyền cộng sản Việt Nam

Từ "điểm nghẽn" được nhắc đến rộng rãi gần đây ở Việt Nam sau khi ông Tô Lâm, Tổng bí thư Đảng cộng sản có thực quyền quyết định nhiều nhất đối với đất nước, phát biểu hồi cuối tháng 10 rằng "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn".

Nhà thơ Hoàng Thụy Hưng, một thành viên của Văn đoàn Độc lập Việt Nam, chia sẻ với VOA rằng cản trở lớn nhất của nghị định nêu trên là các hội nhóm độc lập vĩnh viễn không có cơ hội được đăng ký với nhà nước.

"Mọi người có cảm tưởng việc ra đời nghị định này là có cái gì đó mới hơn, nhưng thật ra chẳng có gì hơn cả… Họ có một nguyên tắc căn bản nhất là khi hiện đã có một hội rồi thì không thể có một hội thứ hai cùng lĩnh vực. Ví dụ như trong lĩnh vực văn học đã có Hội Nhà văn Việt Nam rồi chúng ta không thể nào lập được hội nhà văn thứ hai".

Sau khi Nghị định 126/2024 có hiệu lực vào ngày 26/11/2024, đến nay có rất nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng tố cáo, cho rằng nghị định này là một công cụ nữa giúp chính quyền càng quản lý chặt hơn không gian của xã hội dân sự vốn đã bị Hà Nội đóng kín, khẳng định quyết tâm đưa tất cả các hội nhóm vào tầm kiểm soát của đảng cộng sản cầm quyền.

"Văn đoàn Độc lập nghĩ rằng không bao giờ được phép thành lập. Không có mơ hồ chuyện đó đâu. Chúng tôi chỉ dùng tên gọi là "Ban vận động Văn đoàn độc lập" vì chúng tôi biết là không bao giờ được thành lập nếu như chưa có cải cách rất căn bản về thể chế".

Trong phụ lục số 1 ban hành kèm Nghị định 126 dài 50 trang, chính phủ Việt Nam liệt kê 30 hội do "Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ", trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, được xem là hội "độc nhất" trong các ngành, nghề và như vậy nhà chức trách sẽ không cho phép thành lập một hội thứ hai cùng ngành.

Ban vận động Văn đoàn độc lập được ra mắt từ năm 2014 nhưng ngay sau đó bị trang Công An Nhân Dân của Bộ Công an tố cáo là những người "khoác áo nhân sĩ giở trò phỉ báng lịch sử" để "hiện thực hóa mưu đồ chống Đảng, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước". Điều này đã bị các thành viên trong Ban vận động Văn đoàn độc lập bác bỏ.

Nghị định 126 liệt kê 7 điều kiện thành lập hội, trong đó có: "Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động", "có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội".

"Với 7 tiêu chí như vậy thì đại đa số người dân Việt Nam không có khả năng để thực hiện quyền tự do lập hội của hội", luật sư Nguyễn Văn Đài ở Đức chia sẻ góc nhìn của ông với VOA.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà sáng lập của Hội Anh em Dân chủ, nêu nhận định rằng từ nhiều năm qua chính quyền đã trấn áp và dập tắt các hoạt động của hội vì cho rằng đây là "một tổ chức chính trị" và Nghị định 126/2024 sẽ là một rào cản rất lớn kể cả đối với các hội nhóm phi chính trị.

"Rõ ràng là họ muốn tạo ra khó khăn, rào cản cho người dân Việt Nam để không thể nào được quyền tự do thành lập hội theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp 2013".
Luật sư Đài đưa ra quan điểm rằng ở một xã hội lành mạnh, người ta đề cao vai trò của tổ chức xã hội dân sự. "Khi họ tạo ra khó khăn cho người dân trong việc thành lập hội thì đó rõ ràng là điểm nghẽn cho một xã hội ‘tự do, dân chủ, công bằng, văn minh’ mà những người cộng sản thường rao giảng. Rõ ràng là họ đi ngược lại những gì mà họ nói".

Một nhà hoạt động trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, không nêu tên vì lý do an ninh, viết cho VOA rằng "điểm nghẽn" của Nghị định 126 chính là một "bước lùi rất lớn" về quyền lập hội, vốn đã được nêu trong Hiến pháp của Việt Nam, Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, và tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.

"Nhà nước ra nghị định này để siết chặt khả năng lập hội, khả năng vận động tài chính của hội, khả năng vận động chính sách của các hội và xã hội dân sự; khả năng hoạt động độc lập của hội; và khả năng hình thành các tổ chức đối lập", nhà hoạt động này nhận xét.

Giới hoạt động nhận định rằng việc quy định các hội đoàn hiện có của nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, các hội nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, hay các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức lao động tại doanh nghiệp… không bị điều chỉnh bởi nghị định này là một sự phân biệt đối xử.

Ông Trần Anh Quân ở Thái Lan đánh giá rằng các tổ chức nói trên nhận được đặc ân và ngân sách của nhà nước để nhằm "bảo vệ đảng", trong khi các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước bị đàn áp và sách nhiễu liên tục như Hội Nhà báo độc lập, Văn đoàn độc lập, Hội Anh em dân chủ… và đó là một nghịch lý.

"Có cảm giác là khối xã hội dân sự không còn tồn tại ở Việt Nam! Nghị định 126 này ra đời tiếp thêm một bước nữa nhằm xóa sổ khái niệm hội nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam".

Ông Quân lý giải : "Đảng cộng sản rất sợ người dân tập hợp thành một tổ chức bài bản vì họ cho rằng đó sẽ là một tiền đề trở thành lực lượng đối lập với nhà cầm quyền".

Tổ chức CIVICUS có trụ sở ở Nam Phi vào tuần trước kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy một môi trường an toàn, tôn trọng và thuận lợi cho xã hội dân sự, bao gồm cả việc loại bỏ các biện pháp pháp lý và chính sách hạn chế quyền tự do lập hội "một cách vô căn cứ".

"Họ nên bắt đầu bằng việc bãi bỏ Nghị định 126 và thay vào đó thông qua luật hoặc các quy định phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên", ông Josef Benedict, nhà nghiên cứu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS, đưa ra đề xuất.

CIVICUS cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nêu quan ngại về nghị định này trong quá trình tham gia, đàm phán thương mại và đối thoại nhân quyền với Việt Nam.

Trong tuần qua, VOA đã nhiều lần liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị đưa ra bình luận về những chỉ trích của giới hoạt động và nhân quyền quốc tế đối với Nghị định 126/2024, nhưng chưa được phản hồi.
"Ở những quốc gia có dân chủ và tôn trọng quyền con người, hiến pháp cho phép việc thành lập hội đoàn và cho nó là một quyền căn bản của con người", nhà hoạt động Helena Hương Nguyễn ở Đan Mạch nói. "Thí dụ như tại các nước EU, người dân có thể thành lập một hội đoàn với tối thiểu 2-3 thành viên trở lên, mà không cần phải đăng ký và xin phép. Chỉ khi nào cần có quyền lợi ích tài chính và pháp lý, thì mới cần đăng ký, và cần nội quy quy định rõ ràng mục đích và quyền lợi của hội viên".

Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận BPSOS ở bang Virginia, Mỹ, chia sẻ với VOA về điểm khác biệt giữa việc lập hội nhóm ở Mỹ và các thủ tục rườm rà theo Nghị định 126 của Việt Nam.

"Chúng tôi có kinh nghiệm giúp cho khoảng 60 tổ chức bất vụ lợi hình thành tại Hoa Kỳ. Theo luật Mỹ, người dân Mỹ có quyền lập hội bất kỳ lúc nào và không cần thông báo với chính quyền".

"Chỉ cần thông báo với chính quyền nếu như muốn hưởng một số lợi ích, ví dụ như mở trương mục ngân hàng, được khai miễn thuế, người đóng góp tiền thì được miễn trừ thuế… và thủ tục đăng ký chỉ trong vòng 20-30 phút, chứ không phải đi qua hàng tầng tầng lớp lớp như quy định trong nghị định 126".

Nguồn : VOA, 24/12/2024

***************************

Nghị định hà khắc về truyền thông xã hội có hiệu lực vào lễ Giáng sinh

VOA, 23/12/2024

Nghị định 147 mới của Việt Nam, với những quy định bị lên án "hà khắc", sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày lễ Giáng sinh, 25/12. Nghị định này yêu cầu người dùng truyền thông xã hội phải xác minh danh tính và cho phép chính quyền yêu cầu dữ liệu người dùng và xóa bỏ những nội dung bị coi là "bất hợp pháp". Một số tổ chức quốc tế và giới phê bình cho rằng luật này đe dọa quyền tự do ngôn luận và khiến cho những người bất đồng chính kiến phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và tự kiểm duyệt cao hơn.

xhds2

Nghị định 147 yêu cầu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam phải xác minh danh tính và cho phép chính quyền yêu cầu dữ liệu người dùng và xóa bỏ những nội dung bị coi là "bất hợp pháp".

Ngoài quy định buộc người dùng mạng xã hội tại Việt Nam trên các nền tảng bao gồm Facebook và TikTok cần phải xác minh danh tính của họ, Nghị định 147 buộc các công ty công nghệ lớn hoạt động tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng, cung cấp cho chính quyền theo yêu cầu và xóa bỏ những nội dung mà chính phủ coi là "bất hợp pháp" trong vòng 24 giờ.

Nghị định 147 được xây dựng dựa trên luật an ninh mạng năm 2018, vốn đã bị Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và những người ủng hộ quyền tự do internet chỉ trích gay gắt vì cho rằng luật này bắt chước sự kiểm duyệt internet hà khắc của Trung Quốc.

Theo AFP, chính quyền Việt Nam thường hành động nhanh chóng để dập tắt bất đồng chính kiến và bắt giữ những người chỉ trích, đặc biệt là những người có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội.

Hãng tin Pháp dẫn chứng 2 trường hợp điển hình bị bắt giữ gần đây là blogger Đường Văn Thái, người có gần 120.000 người theo dõi trên kênh YouTube mà ông thường xuyên ghi lại các buổi phát trực tiếp chỉ trích chính phủ. Ông Thái đã bị kết án 12 năm tù vì tội "tuyên truyền chống nhà nước".

Trường hợp tiếp theo là nhà báo độc lập hàng đầu Huy Đức, tác giả của một trong những blog phổ biến nhất tại Việt Nam, vốn từng nhắm vào chính phủ về các vấn đề bao gồm kiểm soát truyền thông và tham nhũng, cũng đã bị bắt vài tháng trước với cáo buộc các bài viết của ông "xâm phạm lợi ích của nhà nước".

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, được VTV dẫn lời nói rằng nghị định 147 là "nhằm điều chỉnh các hành vi, từ đó giữ được trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng".

Bên cạnh những hậu quả đối với các công ty truyền thông xã hội, Nghị định mới cũng bao gồm những hạn chế đối với trò chơi dành cho người dưới 18 tuổi, được thiết kế để ngăn ngừa tình trạng nghiện game.

Các nhà phát hành game dự kiến sẽ phải áp dụng giới hạn thời gian mỗi phiên chơi là 1 giờ và không quá 180 phút mỗi ngày cho tất cả các trò chơi.

AFP dẫn nguồn từ công ty nghiên cứu dữ liệu Newzoo cho biết hơn một nửa trong số 100 triệu dân Việt Nam thường xuyên chơi game nhiều giờ liền.

Việt Nam cũng là quốc gia có dân số đông đảo sử dụng mạng xã hội. Theo ước tính của Bộ Thông tin và truyền thông, cả nước có khoảng 65 triệu người dùng Facebook, 60 triệu người dùng YouTube và 20 triệu người dùng TikTok.

Nghị định mới quy định những công ty công nghệ khổng lồ trên, cùng với tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài, sẽ phải xác minh tài khoản của người dùng thông qua số điện thoại hoặc số Chứng minh nhân dân Việt Nam của họ và lưu trữ thông tin đó cùng với họ tên đầy đủ và ngày sinh của họ.

Các công ty phải cung cấp thông tin theo yêu cầu cho Bộ Thông tin và truyền thông hoặc Bộ Công an có thẩm quyền.

Nghị định cũng nêu rõ rằng chỉ những tài khoản đã xác minh mới được phép livestream (phát sóng trực tiếp). Điều này được cho là sẽ tác động lớn đến số lượng người dân kiếm sống thông qua thương mại xã hội, vốn đang bùng nổ trên các trang mạng như TikTok.

Cả công ty mẹ của Facebook là Meta, chủ sở hữu YouTube là Google và TikTok đều không trả lời yêu cầu bình luận từ AFP.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 10/12 kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ nghị định mới "hà khắc" này vì cho rằng nghị định có nội dung gây hại tới quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.

"Nghị định 147 mới ban hành và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam chẳng bảo vệ được người dân trước các mối lo về an ninh mạng đúng nghĩa mà cũng chẳng thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người", bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo.

"Vì công an Việt Nam coi bất cứ ý kiến phê phán nào đối với Đảng cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia, nên nghị định này sẽ tạo thêm cho họ một công cụ nữa để đàn áp bất đồng chính kiến".

Nguồn : VOA, 23/12/2024

Additional Info

  • Author VOA tiếng Việt
Published in Diễn đàn