Người Việt Nam xưa nay vốn có câu "lá lành đùm lá rách" để nói về những tấm lòng từ tâm, giúp nhau qua cơn hoạn nạn, nay lại có đề xuất bổ sung việc "giúp nhau" đó vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Điều này có hợp lý không khi những người làm từ thiện xuất phát từ tâm, họ giúp người cũng xuất phát từ cái tâm đồng cảm, yêu thương chứ chưa hẳn coi việc giúp người là công việc kinh doanh có lợi…
Tặng áo ấm mùa đông cho trẻ em ở Sơn La và các vùng phụ cận. Ảnh matthuongnhindoi.org
Đề xuất vô lý
Tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16 tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này, trong đó có kinh doanh cơ sở cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AID, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em…được đề nghị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
Đề nghị này bị cả Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải cân nhắc vì nhiều người làm từ thiện chỉ vì lòng nhân ái.
Báo Thanh Niên dẫn lời bà Ngân rằng, "Nhiều người đang sống lang thang ngoài đường, người ta đưa về nhà nuôi, bây giờ yêu cầu người ta phải chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải có đủ điều kiện y tế chăm sóc người già mới cho làm thì tôi băn khoăn có phù hợp với điều kiện thực tế hay không ?"
Luật đầu tư năm 2014 quy định Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có nghĩa là ngành nghề mà khi đầu tư kinh doanh thì ngành nghề đó phải đáp ứng được các điều kiện về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội hay sức khỏe của cộng đồng.
Khi thực hiện kinh doanh những ngành nghề có điều kiện thì doanh nghiệp cần phải thỏa mãn các điều kiện cụ thể như phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ; Giấy chứng nhận có đủ điều kiện kinh doanh ; Chứng chỉ hành nghề…
Như vậy, một người hay một nhóm người nào đó có lòng tốt và có khả năng tài chính muốn giúp đỡ người nghèo bỗng dưng trở thành chủ "doanh nghiệp" và phải có các loại giấy phép theo yêu cầu, dù thực chất họ chẳng kinh doanh gì cả.
Một người dân thường làm từ thiện, cho RFA biết quan điểm của mình :
"Yêu cầu này là vô lý. Tụi tui không có bằng cấp gì hết nhưng có tâm, có tấm lòng giúp người nghèo. Ngoài giúp đỡ về tiền bạc, tụi tui đến nhiều nơi chăm sóc người nghèo, người già, giúp họ vệ sinh cá nhân, từ chùa chiền, nhà thờ, nhà nuôi trẻ mồ côi…
Nếu bây giờ yêu cầu bằng cấp hay chứng chỉ thì tụi tui phải chấm dứt những hoạt động đó. Thiệt thòi thuộc về người nghèo thôi".
Cũng quyên góp thực phẩm, quần áo để giúp những người vô gia cư ở Thủ đô Washington, DC, cô Jenny Nguyễn cho biết, cứ gần cuối tuần cô phải liên lạc với các homeless shelter (nơi ngủ cho người vô gia cư), để biết cuối tuần họ sẽ tập trung ở đâu để nhận quà từ thiện thì nhóm cô sẽ đến đó, thường là ở các công viên. Cô cho biết :
"Không cần phải xin giấy phép của bất cứ cơ quan chức năng nào hết, cứ việc đem thức ăn, đồ dùng ra phát cho họ vào ngày Thứ bảy hoặc Chủ nhật".
Từ thiện là hoạt động giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn xuất phát từ cá nhân hay một tổ chức bằng việc gây quỹ từ thiện, hỗ trợ bằng hiện vật hay tiền. Những hoạt động từ thiện diễn ra nhiều và thường xuyên ở Việt Nam, nhưng rất nhiều người không muốn nêu danh tính mà họ chỉ làm vì cái tâm của họ.
Với con mắt của một nhà báo, ông Nguyễn Ngọc Già có cái nhìn công bằng từ hai phía :
"Phải phân biệt cho rõ những cơ sở bảo trợ người già, nói chung là viện dưỡng lão có tính chuyên nghiệp với những người làm từ thiện từ tâm của họ.
Nếu ở các viện dưỡng lão (gọi chung) thì phải có những quy định rõ ràng, cụ thể mà tôi tin rằng bao lâu nay nó đã đi vào khuôn mẫu. Còn những người làm từ thiện bằng từ tâm của họ thì họ có thể mang vài người có hoàn cảnh khó khăn về nuôi mà đòi hỏi phải có bằng cấp đại học hay chứng chỉ thì nó rất là vô lý".
Ông Nguyễn Ngọc Già nói thêm rằng đòi hỏi như vậy chỉ thiệt thòi cho những người nghèo không nơi nương tựa sống lay lất bên ngoài xã hội. Nếu không có những tấm lòng từ tâm giúp đỡ thì xã hội sẽ thêm nhếch nhác, bất ổn với cảnh ăn xin, thậm chí ăn trộm, ăn cướp…
Thêm rào cản để sách nhiễu dân
Một lý do khiến người dân "dị ứng" với bằng cấp hiện nay do quá nhiều bằng cấp giả. Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng nêu ý kiến về việc "chuộng" bằng cấp ở Việt Nam hiện nay :
"Ngay cả trong chính sách của nhà nước bây giờ cũng nên bỏ cái bồi dưỡng kiến thức đi vì nó không quan trọng, thứ hai là xã hội cần loại bỏ suy nghĩ là bằng cấp mới làm được, bằng cấp là điều kiện cần để chúng ta có một số kiến thức mà thôi, những vấn đề kinh nghiệm, giao tiếp hằng ngày đó mới là điều quan trọng. Một khi suy nghĩ được vậy thì các vấn đề bằng giả bằng lậu, học giả bằng thật thì nó mới có thể bớt đi được".
Mới tuần trước, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, dùng bằng giả để thăng tiến suốt 20 năm mới bị phát hiện gây xôn xao dư luận xã hội nhưng không khiến người dân bất ngờ, bởi thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2004 đã cho ra con số hơn 10 ngàn trường hợp dùng bằng giả bị phanh phui.
Với đề xuất liên quan bằng cấp trong hoạt động từ thiện vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu ra, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già phân tích thêm một khía cạnh của sự vô lý :
"Thứ nhất là tôi không tin vào tất cả các loại bằng cấp ở Việt Nam hiện nay mà lại phát sinh thêm nạn quan liêu cho những người thật sự có từ tâm. Thứ hai, việc này lại tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước nhũng nhiễu người dân và người làm từ thiện cảm thấy chán nản không muốn làm nữa".
Ông nói thêm rằng, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng đang kêu gọi lấy lại niềm tin và tình yêu thương của dân mà lại "bày ra" nhiều cái rào cản để làm khó dân như thế thì rõ ràng trong nội bộ chính quyền không thống nhất, ai muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói.
Trong xã hội hiện nay, khi đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng đến không còn tình người thì những hoạt động từ thiện trở thành tia sáng mong manh nuôi dưỡng lòng nhân ái lại đang đứng trước nguy cơ bị mất do những đề xuất vô lý của cơ quan chức năng.
Thay vì tạo thêm những rào cản thì các ban ngành nên đề xuất những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, những xử phạt nghiêm minh hơn trước những vấn nạn ăn chặn tiền từ thiện của cả người già và trẻ em mà báo chí lên tiếng chỉ mới hai tuần trước tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Có như vậy, người dân mới cảm thấy các cuộc họp về dự thảo luật trình quốc hội, tốn tiền thuế của dân, là cần thiết !
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 16/10/2019