Ant Group bị "thanh trừng"
Năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã thành lập thị trường chứng khoán Ủy ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ (STAR) thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, qua đó cho phép các công ty khoa học và công nghệ trong nước phù hợp với các chiến lược quốc gia theo từng lĩnh vực được đặc cách phê chuẩn của chính phủ, huy động vốn và niêm yết trên phạm vi quốc tế. Việc thành lập STAR hứa hẹn giúp nới lỏng các yêu cầu về lợi nhuận và giá cả dựa trên việc đăng ký và công bố thông tin phù hợp với các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Jack Ma (trái) và Pony Ma - Chủ tịch và CEO của Tencent, tại một hội nghị kỷ niệm 40 năm chính sách mở cửa và đổi mới của Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 18/12/2018. AP
Theo kế hoạch, lẽ ra công ty Ant Group của Alibaba đã được đồng loạt niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải thông qua STAR vào ngày 5/11/2020. Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước buổi phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), chính phủ Trung Quốc đã đột ngột dừng việc ra mắt cổ phiếu có tổng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, sau khi tiến hành giám sát theo quy định đối với nền tảng ngân hàng và quản lý tài sản trực tuyến này.
Những ẩn ý chính trị đằng sau
Jack Ma (Mã Vân), người sáng lập tập đoàn Alibaba, đã tổng kết mối quan hệ tế nhị với chính phủ là "luôn yêu thương, nhưng không bao giờ kết hôn". Vương Kiện Lâm, người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Wanda Đại Liên của Trung Quốc, cho rằng trạng thái thoải mái nhất trong mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp là "gần gũi với chính phủ, tránh xa chính trị". Hàm ý của họ cũng gần giống nhau, đó là ở Trung Quốc, muốn doanh nghiệp của mình phát triển, thì phải phát triển mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ. Tuy nhiên, mặc dù Mã Vân, Vương Kiện Lâm nhấn mạnh việc phải thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ, nhưng họ vẫn bị nghi ngờ và bị "trừng phạt".
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi thái độ đột ngột của Bắc Kinh với tỷ phú Jack Ma, giới quan sát cho rằng ông chủ Alibaba, người đang nắm giữ gần 1/3 vốn của Ant Group, đã "coi trời bằng vung" và cho mình cái quyền chỉ trích chế độ. Phát biểu tại một diễn đàn các doanh nhân ở Thượng Hải hôm 24/10/2020, Jack Ma đã công khai "kêu gọi cải tổ hệ thống tài chính", mở rộng các dịch vụ thanh toán tiền tệ qua mạng Internet. Chưa hết, ông ta còn cho rằng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc ngày nay vẫn hoạt động như "các tiệm cầm đồ" và do vậy đã đến lúc cần "kiến tạo một hệ thống tài chính cho các thế hệ tương lai".
Qua việc chặn đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên của Ant Group, Bắc Kinh cùng lúc bắn đi hai tín hiệu. Một là để chứng minh Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn nắm giữ mọi quyền sinh sát trong tay, kể cả với "những con chim đầu đàn" trong lĩnh vực công nghệ cao. Hai là trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc liệu có cần đến tư bản nước ngoài và lĩnh vực tư nhân để khởi động lại cỗ máy kinh tế sau đại dịch Covid-19 ? Đó là điều còn mập mờ một khi Tập Cận Bình tuyên chiến với Jack Ma.
Một số người khác thì giải thích Jack Ma là người của "chế độ cũ". Những người chủ trương cởi trói về tài chính cho tư nhân như Jack Ma đã từng gắn bó với cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Cũng nhờ có điểm tựa này mà ông chủ Alibaba đã dễ dàng thành lập Ant Group. Ngoài ra, ngay từ trước khi Alibaba ra mắt công chúng tại New York vào năm 2014, báo chí đã đưa tin rằng Giang Chí Thành- cháu nội của Giang Trạch Dân, Lý Bách Đàn- con rể của Giả Khánh Lâm và Trần Nguyên- con trai của Trần Vân, cùng Hạ Cẩm Lôi- con trai của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Hạ Quốc Cường, và Ôn Vân Tùng- con trai cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều có cổ phần ở Alibaba. Chính nhóm người này chính là nguồn hậu thuẫn của Jack Ma, khiến Jack Ma "tấn công" vào đường lối bảo thủ của Tập Cận Bình.
Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với Tập Cận Bình. Đặc biệt trong bối cảnh Đại hội Đảng XX, với những sự tấn công vào Tập Cận Bình. Cho nên Tập Cận Bình đã ra tay. Rốt cuộc, Jack Ma chỉ có hai lối thoát : Hoặc chấp nhận luật chơi do Bắc Kinh áp đặt, có nghĩa là tập đoàn tài chính trên mạng này phải chịu thua lỗ nặng ; hoặc chọn giải pháp thứ hai là đồng ý phát hành cổ phiếu, nhưng ở mức "cò con" chứ không phải hàng chục tỷ USD như dự án lần này, kèm theo đó là chấp nhận cho tất cả các tập đoàn dưới quyền Jack Ma chia sẻ big data, những thông tin cá nhân của khách hàng của các đối tác với chính quyền, qua đó chính phủ có thể giám sát mọi mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới.
Câu chuyện của Ant Group đã cho thấy chính trị chi phối và tác động thế nào đến các doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả là nó cho thấy, trong mô hình tư bản Trung Quốc, Đảng cộng sản vẫn nắm giữ mọi quyền sinh sát, ngay cả với những tập đoàn được xem là "tủ kính" của một nền kinh tế hiện đại như Alibaba.
Lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mô hình tư bản Trung Quốc ở Đông Nam Á. Quá trình "Đổi mới" ở Việt Nam từ năm 1986 cũng có phần chịu ảnh hưởng từ "Cải cách và mở cửa" của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình. Cho đến hiện nay, mô hình "Nhà nước tư bản thân hữu" ở Việt Nam cũng không khác nhiều về bản chất so với "Nhà nước tư bản thân hữu" ở Trung Quốc.
Từ những năm 2000 trở đi, các tập đoàn tư nhân đã ngày càng xuất hiện nhiều trên thương trường, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này hoặc là sân sau, hoặc là chịu sự "bảo kê" của các quan chức cao cấp.
Các vụ án gần đây như vụ Vũ "Nhôm", với liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Ngân hàng Đông Á cùng nhiều quan chức Đà Nẵng và Bộ Công an, đã hé lộ một phần các quan hệ chằng chịt, kiểu "mafia" như vậy. Hay vụ án của ông Nguyễn Đức Chung - Người đã từng giữ chức Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Chủ tịch Thành phố Hà Nội. Gần đây, báo chí Việt Nam đồng loạt mổ xẻ các tin tức phơi bày việc ông Chung can thiệp và thao túng các công ty, nhằm đạt được những lợi ích cá nhân ra sao.
Trong các doanh nghiệp tư nhân thành đạt ở Việt Nam hiện nay, điển hình phải kể đến Vingroup với doanh nhân Phạm Nhật Vượng - người được xếp là giàu nhất Việt Nam với tài sản lên tới hàng tỉ USD.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và một công trình chung cư của tập đoàn Vingroup ở Hà Nội. RFA edit
Vingroup đang có kế hoạch IPO tại Mỹ. Các doanh nghiệp trực thuộc Vingroup hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có lĩnh vực bất động sản là có lãi, còn tất cả vẫn thua lỗ.
Nhiều người hy vọng sự phát triển của Vingroup sẽ dẫn tới những sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Và cũng có người mong đợi rằng với đội ngũ doanh nhân phát triển như vậy sẽ dẫn đến những đổi thay về chính trị, như nó đã từng xảy ra trên thế giới.
Những gì Trung Quốc đã trải qua hôm nay, thì Việt Nam cũng sẽ gặp vào ngày mai. Do đó, câu chuyện của Ant Group và Alibaba cũng sẽ là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải trong tương lai. Khi đó, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp đều phải phụ thuộc vào mục đích của Đảng cộng sản Việt Nam, hay nói cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam phải phục vụ theo yêu cầu của Đảng cộng sản thì mới có thể tồn tại được. Nếu không, nó sẽ như số phận của Alibaba và doanh nhân Jack Ma.
Vì thế, cũng khó mà mong đợi những sự phát triển về môi trường kinh tế sẽ dẫn đến những đổi thay về chính trị ở Việt Nam được.
Nguyễn Cảnh Bằng
Nguồn : RFA, 18/08/2021