Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vũ-Chí-Dũng, ba người chiến sĩ thuộc lực lượng quân giải phóng Miền Nam, nằm trên ba chiếc võng giữa một khu rừng nguyên sinh thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai (1966).

lathu1

Chiến sĩ thuộc lực lượng quân giải phóng Miền Nam nằm trên chiếc võng giữa một khu rừng nguyên sinh thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai - Ảnh minh họa

Vũ-Chí-Dũng, ba người trong ‘cái đói quay quắt’ cùng nhau ‘chấp bút’ một lá thư gửi thế hệ của 5-10 và 50-100 năm sau.

Vũ-Chí-Dũng, gửi đến thế hệ 5-10 năm sau, 'những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa'. Thế hệ được kỳ vọng là 'lao động quên mình', và làm cho 'dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng'.

Vũ-Chí-Dũng, gửi đến thế hệ 50-100 năm sau, 'lời chào xã hội chủ nghĩa', vì 'hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta'.

lathu2

Lý tưởng cách mạng thời chiến bị bán rẻ trong thời bình.

5-10 năm mà ba người chiến sĩ nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng mong đợi là giai đoạn cuối của chiến tranh, và đến năm 1976, đất nước nối liền về một mối, kết thúc giai đoạn nội chiến. Nhưng trong giai đoạn này, sự 'ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng' vẫn chỉ hiện diện trên những pano tuyên truyền, trong khi thực tế là toàn dân bước vào thời cuộc ‘đói quay quắt’ cùng cực, là sự chia rẽ tối đa giữa người Việt với nhau gắn liền với các cuộc cách mạng tố tư sản và ra đi của hàng triệu thuyền nhân. Chỉ riêng kỳ vọng được 'ấm no' phải mất gần nửa thế kỷ (40 năm) mới tạm được chính thức đến với phần lớn người Việt. Trong khi đó, giá trị 'hạnh phúc, dân chủ, công bằng' gần như vẫn dừng ở mức ước vọng trong vòng kiềm toả của vòng thiết chế chính trị - xã hội.

50-100 năm mà ba người chiến sĩ nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng gửi lời chào ‘xã hội chủ nghĩa’ với 'hạnh phúc và hòa bình tràn ngập' vẫn là một giấc mơ nơi thiên đàng, xa vời đến mức chính người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn bày tỏ sự nghi ngờ. Lời chào 'xã hội chủ nghĩa' giờ đây lại là một hiện thực xã hội chủ nghĩa đầy khắc nghiệt, với sự chuyên chế (Triều Tiên), độc tài (Bắc Kinh, Việt Nam), và cái đói quay quắt (Venezuela),…

'Lời chào xã hội chủ nghĩa' từng gắn liền với lý tưởng của một thế hệ thanh niên trong chiến tranh, giờ đây lại trở thành một câu nói đầy chua chát về hiện thực cách mạng. Nơi ‘giai cấp công nhân’ phải bán cả tuổi thanh xuân để bòn chét từng đồng lương nhằm đáp ứng nhu cầu 'tồn tại' ; trong khi 'nô bộc của nhân dân' thì phởn phơ trong cung cách một nhà đại tư bản sa hoa (biệt phủ triệu USD, rượu Tây ngàn USD, cờ bạc triệu USD, mại dâm ngàn USD, và tài sản kếch sù hàng tỷ USD).

'Lời chào xã hội chủ nghĩa' trở thành một lời chào bị đả kích kịch liệt bởi nạn tham nhũng, quan liêu… Nếu đặt lời chào xã hội chủ nghĩa vào bán đảo Thủ Thiêm – thì nó trở thành những mũi tên giết chết hàng trăm ngàn số phận và ước mơ vốn bị cưỡng bức đất đai. Lời chào xã hội chủ nghĩa mọc lên từ máu và nước mắt của nhân dân, đi lên từ phẫn uất và bất công, và nó trở thành một kẻ thù vô hình của nhóm người yếu thế trong xã hội.

Nếu ba chiến sĩ Vũ-Chí-Dũng sống dậy, ba ông sẽ đối chất như thế nào với thế hệ Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Tấn Dung, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang... Có phải ba ông sẽ chết tức tưởi vì những giá trị xã hội mà các ông đổ máu để hướng tới nay bị đảo ngược. Ba ông sẽ phản ứng như thế nào trước phát biểu rất đỗi hồn nhiên của bà Chủ tịch quốc hội : Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình ! Và ba ông sẽ ứng xử thế nào trước hàng ngàn đôi mắt như ngây dại, căm phẫn từ những dân oan bị tước đoạt ruộng đất để chạy vào túi đội ngũ quan chức mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa đang 'yêu chiều, nuôi nấng' ?

Và cũng như thế, ba chiến sĩ sẽ cảm thấy như thế nào nếu biết rằng, những 'đóa hoa tươi đẹp nhất của xã hội chủ nghĩa, sau khi vượt qua thử thách thập niên 90 (thế kỷ XX), dưới 'bom thù của tư bản, đế quốc', lại trở thành hình mẫu tốt nhất để thế giới nhìn vào và định nghĩa được : lạc hậu là gì, đói quay quắt là gì, phản nhân quyền – dân chủ là gì, bất bình đẳng là gì.

Người viết tin rằng, ba chiến sĩ với lý tưởng chưa bao giờ hình dung được lý tưởng xã hội chủ nghĩa tươi đẹp lại bạo tàn trong thực tế như thế. Và cũng tin rằng, nếu sống dậy, có lẽ ba cây AK sẽ chĩa thẳng vào bọn phản bội 'lý tưởng', những kẻ xóa sổ thành quả cách mạng, những kẻ cướp nước và bán nước nhân danh cơ quan quyền lực nhà nước. Hay nói cách khác, những kẻ ôm đất thu lời, những kẻ bán buôn chính sách, những kẻ cản trở quyền con người tại Việt Nam là những kẻ thù số 1 của những người đã chết vì lý tưởng cách mạng khi xưa, bởi họ phản bội tất cả, họ đã biến cái lý tưởng tươi đẹp đó trở thành một lý tưởng khát máu trong mắt nhân dân hiện thời.

Và những kẻ phản bội, những không mở đường cho dân chủ, bình đẳng, ấm no và hạnh phúc không xứng đáng để đề cập đến cụm từ 'lý tưởng xã hội chủ nghĩa của cha anh'.

Bởi tất cả đều nói láo một cách trơ trẽn !

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 12/09/2018

Published in Diễn đàn