Bản án nào dành cho Tòa án nhân dân Hà Nội ?
Cánh Cò, RFA, 23/12/2019
Từ xưa nay tòa án dĩ nhiên dành đề xử kẻ vi phạm luật pháp. Qua điều tra cũng như bằng chứng phạm tội tòa sẽ dựa vào đề nghị của công tố mà đưa ra phán quyết một bản án phù hợp với Hiến pháp. Tòa án sẽ căn cứ trên những hành vi thành khẩn nhận tội, khai ra đồng phạm, giao nộp tang vật để có căn cứ xét giảm bản án như hình thức khuyến khích can phạm hợp tác với tòa án trong những vụ án hình sự. Tòa án hoàn toàn không có quyền miễn giảm án cho can phạm thông qua những đề nghị có tính chất chính trị hay đảng phái, tôn giáo.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (giữa) xét hỏi các bị cáo trong vụ Mobifone mua AVG ngày 20/12/2019
Qua vụ án AVG đang diễn tiến những can phạm đều đã nhận tội và các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được chứng minh rằng đây là một vụ đại án có số tiền gian lận lên tới hơn 300 triệu USD. Bên đưa hối lộ là Phạm Nhật Vũ, một đại gia có tiếng vì vừa có tiền vừa có quyền thế thông qua người anh ruột là tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Là một doanh nhân Phạm Nhật Vũ còn là một người rất hào phóng chi tiền cho các cơ sở Phật giáo thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên nhận hối lộ là hai bộ trường Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Son khai nhận của Vũ 3 triệu đô la vì có công vận động trong việc mua bán AVG. Tuấn nhận của Vũ 200 ngàn USD như tiền lại quả vì có công móc nối, liên lạc để thương vụ mờ ám này được thành công.
Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình vì không thành khẩn trong việc khai báo, nhất là không giao nộp lại số tiền mà ông ta đã nhận từ Phạm Nhật Vũ. Trương Minh Tuấn do thành khẩn hoàn trả tiền lại quả nên Viện Kiểm sát đề nghị 13-14 năm tù giam. Chỉ có Phạm Nhật Vũ là được Viện Kiểm sát ưu ái đề nghị 3-4 năm tù.
Bản án tuy chỉ trong giai đoạn đề nghị nhưng qua kinh nghiệm bấy lâu người dân biết rằng từ đề nghị tới bản án được tuyên sẽ không xê xích là bao. Tòa thường căn cứ vào đề nghị của Viện kiểm sát hơn là tự đưa ra một bản án theo kết quả do Hội đồng xét xử đưa ra nhằm góp ý với thẩm phán khi ra quyết định. Trong vụ án này người dân thấy rất rõ một điều sau lưng Phạm Nhật Vũ thấp thoáng bóng của ông anh tỉ phú Phạm Nhật Vượng, người nổi tiếng nắm giữ truyền thông Việt Nam còn mạnh hơn Ban tuyên giáo Trung ương. Báo chí đã giữ một vai trò quan trọng trong việc vận động dư luận cho ông Phạm Nhật Vũ khi loan tải những công đức mà ông Vũ đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm khơi dậy lòng trắc ẩn của Phật tử.
Mới đây một điều khá ngạc nhiên dành cho tòa án là một lá đơn với hơn 2000 chữ ký của nhiều nhân vật đa số thuộc các tổ chức Phật giáo xin tòa khoan hồng cho bị can Phạm Nhật Vũ vì ông này có công lao đóng góp cho Phật giáo và các tổ chức xã hội trong việc từ thiện.
Nội dung các đơn này đều khẳng định "trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều".
Thêm nữa, theo kết luận của Viện Kiểm sát trước tòa thì Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6/2019, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận ông Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố cũng có đơn đề nghị xem xét cho bị cáo Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Kết quả của những cuộc vận động đã lôi ông Vũ từ bản án có thể lên tới 20 năm xuống còn 3 hay 4 năm khiến dư luận ngao ngán cho hành vi của Viện Kiểm sát nói riêng và của Thẩm phán, Hội đồng xét xử vụ án nói chung. Nếu ông Nguyễn Bắc Son ăn hối lộ 3 triệu USD phải chịu án tử hình thì với số tiền mà ông Vũ kiếm được hơn 300 triệu USD tức là gấp 100 lần thì bản án của ông Vũ chỉ là một vết xước nhẹ, nó làm cho bộ mặt của tòa án trở nên hèn mọn và đầy ắp sự kinh tởm của người dân.
Công quả mà ông Phạm Nhật Vũ nếu có chỉ có lợi cho ông ta về phần tinh thần. Nếu ông ta lợi dụng công quả ấy làm điều bại hoại thì lẽ ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải tự cảnh tỉnh lấy mình để thấy rằng đồng tiền bất chính khi vào nhà Phật sẽ khiến cho tòa sen mà Phật ngồi sẽ héo úa tàn tạ bởi đồng tiền ấy được lấy cắp từ công sức, mồ hôi thậm chí máu và nước mắt của chúng sinh. Đại gia Việt Nam không ai làm từ thiện vì tận hiến mà có chăng họ làm như một cách hối lỗi, lại quả cho Phật nhằm vơi bớt những oán thán mà họ gây ra cho đồng bào.
Nếu Tòa án Nhân dân Hà Nội chấp nhận lá đơn của Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương của Phật giáo Việt Nam thì bản thân tòa án đã vi phạm hiến pháp Việt Nam, vi phạm niềm tin vào công lý của nhân dân và hơn thế nữa nó chứng minh rằng tòa án không đủ bản lãnh, tư cách lẫn hiểu biết về luật pháp để mặc chiếc áo đen bệ vệ trước tòa nhưng đôi chân vẫn còn mang đôi dép râu cố hữu của tinh thần cách mạng hơn 70 năm về trước.
Trong cùng một vụ án, người có tiền, quyền lực, quan hệ được giảm nhẹ tới mức án tối đa sẽ gây thông lệ cho những đại án khác. Vì vậy Tòa án Nhân dân Hà Nội đáng được nhận lãnh một bản án để làm gương cho các tòa án khác khi xét xử những vụ án tương tự như vụ AVG về những sai trái nghiêm trọng mà nó nhân danh luật pháp để vi phạm.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 23/12/2019 (canhco's blog)
***************
Vai trò Phạm Nhật Vũ trong thương vụ MobiFone-AVG
BBC tiếng Việt, 23/12/2019
Vụ xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG cũng là đại án đưa và nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện (gần 150 tỉ đồng).
Bị cáo Phạm Nhật Vũ- cựu chủ tịch hội đồng quản trị AVG, bị khởi tố, truy tố ra tòa về tội đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tuy nhiên Viện Kiểm sát chỉ đề nghị mức án từ 3-4 năm tù do áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt".
Nguồn gốc thương vụ
Ngày 15/10/2014, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT AVG, đã ký Văn bản số 571/AVG-CV gửi cho ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông (Thông tin và truyền thông), để báo cáo và đề nghị ông Son "cho ý kiến chỉ đạo" về việc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài.
Theo đó, đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần của AVG và dự kiến năm 2015 sẽ mua 75%, với mức giá 525 triệu USD, cao hơn bảy lần so với giá cổ phần khi đó của AVG.
Như vậy, nếu tính ra AVG sẽ có giá tới 700 triệu USD nếu căn cứ vào giá mà "đối tác nước ngoài" hỏi mua.
Ông Vũ cũng thông báo đã nhận đặt cọc 10 triệu USD từ "đối tác nước ngoài" này, mà theo cáo trạng có tên Công ty 8206 của Hong Kong.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông không có văn bản trả lời.
Đầu tháng 3/2015, Nguyễn Bảo Long (Phó Tổng giám đốc MobiFone) gọi điện cho Phạm Nhật Vũ hỏi việc AVG bán cổ phần.
Ngày 20/3/2015, MobiFone và AVG ký Bản ghi nhớ mua, bán cổ phần.
Đến ngày 4/8/2015, AVG có văn bản gửi MobiFone nói về mức giá mà AVG chào bán cho MobiFone là giá với đối tác nước ngoài đã thống nhất mua 700 triệu USD.
Tiếp đó, ngày 9/9/2015, ông Phạm Nhật Vũ có văn bản gửi cho MobiFone với nội dung : "Chúng tôi đã hai lần chào bán cổ phần cho MobiFone với mức giá chào lần 1 là 600 triệu USD tính riêng cho hệ thống truyền hình. Và lần chào giá thứ 2 là 9.226,8 tỉ đồng (tương đương khoảng 400 triệu USD)… Số tiền bán 400 triệu USD thì các cổ đông AVG mới thu đủ vốn đầu tư ban đầu. Vì vậy với mức đề nghị mua của MobiFone là 8.569,8 tỉ đồng đã tạo ra khoảng cách khá xa với đề nghị của AVG và các cổ đông AVG đang chưa hoàn vốn đầu tư. Mặc dù vậy, sau khi thống nhất ý kiến với các đại cổ đông, hệ thống truyền hình AVG bán cho MobiFone sẽ là giá 8.898,3 tỉ đồng".
Cũng tại văn bản trên, ông Vũ nhấn mạnh thêm : "Mức giá nêu trên là nỗ lực cuối cùng của chúng tôi để thể hiện thiện chí hợp tác và đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên. Chúng tôi một lần nữa muốn được nhắc lại rằng, với giá bán nêu trên, các cổ đông AVG thực sự đã thiệt hại rất nhiều so với khoản tiền có thể thu được nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là con số cuối cùng về giá mua- bán cổ phần mà các bên cùng thống nhất để có thể đi tới kết thúc giao dịch mua-bán cổ phần trong tháng 9/2015 này".
Ngày 18/9/2015, ông Lê Nam Trà- chủ tịch Hội đồng thành viên tổng cty MobiFone cùng ban giám đốc công ty đã họp với ông Phạm Nhật Vũ. Tại cuộc họp này, bà Phan Thị Hòa Mai, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone nêu ý kiến :
"Kết quả định giá của tư vấn cũng như giá đề xuất của AVG có sự khác biệt lớn so với giá trị tài sản của AVG, đề nghị AVG cân nhắc giảm giá để giảm bớt sự khác biệt. Bà Mai cũng đưa ra theo sổ sách kế toán giá trị tài sản của mảng truyền hình chỉ hơn 629 tỉ đồng. Bà Mai cũng đề nghị AVG cung cấp các tài liệu liên quan đến 2 mức giá chào mua 600 triệu USD và 700 triệu USD của các đối tác nuốc ngoài trước đó như đề xuất của đối tác, văn bản báo cáo Bộ Thông tin và truyền thông của AVG và công văn trả lời của Bộ… Làm cơ sở MobiFone tham khảo và giải trình trong hồ sơ dự án".
Ông Phạm Nhật Vũ trả lời lại : "Quan điểm của AVG về việc mua bán cổ phần doanh nghiệp thực chất là việc mua- bán các cơ hội kinh doanh. Do vậy, MobiFone nên xem xét vào kết quả định giá chuyên nghiệp mà 3 đơn vị thực hiện định giá đã thuê để làm cơ sở đàm phán. Ngoài ra, AVG còn có các mức tham khảo quan trọng khác để MobiFone xem xét việc định giá phù hợp : mức giá đối tác nước ngoài đặt cọc để mua AVG là 700 triệu USD ; Mức đầu tư để có một hệ thống như AVG hiện này dựa trên các tính toán cụ thể là 370 triệu USD, chi phi AVG đã đầu tư cho hệ thống đến nay là 400 triệu USD".
Đến ngày 24/9/2015, ông Lê Nam Trà đã trình cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son mức giá 8.898,3 tỉ đồng mua lại 95% cổ phần AVG, đề xuất này được bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đồng ý. Dù chính trong báo cáo gửi ông Son, ông Trà thừa nhận mức giá này gấp 15 lần giá trị sổ sách mảng truyền hình của AVG (chỉ 629, 7 tỉ đồng).
Ngày 2/10/2015, Phạm Nhật Vũ đại diện AVG cùng đại diện MobiFone dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp, thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng ; bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (AVG đầu tư ngoài ngành vào Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh nhưng không tính tiền).
Sau đó ngày 28/10/2015, ông Son có văn bản gửi thủ tướng Chính phủ (khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình của tổng cty MobiFone và mua bán cổ phần cty AVG. Đề xuất của ông Son sau đó được VPCP có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng : "chấp thuận chủ trương cho tổng cty MobiFone mua cổ phần của cty AVG để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật".
Ngày 25/12/2015, Phạm Nhật Vũ đã ký Thòa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho MobiFone.
Đến ngày 15/1/2016, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng (tương đương 8.445 tỷ đồng) cho 8 cổ đông của AVG, trong đó cá nhân Phạm Nhật Vũ được hưởng 5.850 tỷ đồng.
'Bí ẩn' đối tác nước ngoài
Theo kết luận điều tra của công an, ông Phạm Nhật Vũ khai rằng vào năm 2014, AVG đã thống nhất với đối tác nước ngoài (một công ty của Hong Kong) về việc AVG sẽ bán ít nhất 49% cổ phần.
Người môi giới tên là Tào Nhân Siêu tại Hong Kong (không xác định được nhân thân, lai lịch) đã nhận cọc 10 triệu USD trước khi ký hợp đồng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Ông Vũ khai với công an rằng việc nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, không có tài liệu chứng minh.
Cáo trạng cho hay Phạm Nhật Vũ đã gọi cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và gửi 206 tin nhắn, đề nghị Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG.
Còn bị cáo Nguyễn Bắc Son đã gọi cho Phạm Nhật Vũ 126 cuộc điện thoại và gửi 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.
Thúc giục, chỉ đạo
Ngoài ra Phạm Nhật Vũ còn liên hệ với Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, những người có vai trò trực tiếp quyết định cho việc mua, bán cổ phần giữa MobiFone và AVG, để hỏi thăm và đề nghị sớm triển khai việc mua bán cổ phần.
Theo cáo trạng, ông Son muốn MobiFone sớm thực hiện được dự án mua cổ phần của AVG trong năm 2015 nên đã chỉ đạo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải khẩn trương triển khai thực hiện dự án, không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ông Son bị kết luận là chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký quyết định Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trái pháp luật, quyết định giá mua 8.898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG.
Kết luận điều tra nói căn cứ báo cáo tài chính của AVG, ý kiến đánh giá của Công ty tư vấn VCBS trên cơ sở báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG, Công ty Kiểm toán E&Y, Chứng thư xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC và lời khai của bị can Phạm Nhật Vũ, xác định giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.103 tỷ đồng, trừ đi tổng nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng còn lại của AVG là 1.970 tỷ đồng.
Như vậy, với giá bán 95% cổ phần của AVG là 8.898,3 tỷ đồng, Phạm Nhật Vũ đã bán cổ phần AVG cao hơn giá trị thật nhiều lần, mang lợi ích cho Vũ cùng các cổ đông AVG gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ được hưởng hơn 5.850 tỷ đồng.
Sau khi thương vụ hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đưa cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD.
Thanh tra Chính phủ
Trước đó, tháng 3/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Trong đó, Thanh tra nói MobiFone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG ; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá ; trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án đầu tư.
Trong đó MobiFone tự ý chỉ định các cty thẩm định giá, dựa vào các báo cáo thẩm định này, có thời điểm định giá AVG lên đến 33.000 tỉ đồng sau đó qua nhiều lần thẩm định, thương lượng, phía AVG đưa ra mức giá gần 8.900 tỉ đồng để chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG cho MobiFone.
Các thòa thuận này đều được báo cáo cho lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông (hai ông Son, Tuấn) và được đồng ý phê duyệt dự án, cũng như thòa thuận giá chuyển nhượng.
Theo TTCP, khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập Dự án đầu tư trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt, MobiFone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.
Thực tế AVG thua lỗ liên tục, tại thời điểm xác định giá trị của AVG ngày 31/3/2015 là rất xấu, tổng tài sản là hơn 3.260 tỉ đồng nhưng nợ phải trả là hơn 1.266 tỉ đồng ; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến ngày 31/03/2015 là 1.632,909 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
Việc thua lỗ, kém năng lực của AVG đều được ông Son, Tuấn biết. Bản thân Phạm Nhật Vũ cũng không hề giấu lỗ, không những vậy các bên liên quan cùng bắt chặt tay thổi giá AVG.
Điểm sai phạm khác nữa, khi lựa chọn phương án đầu tư, MobiFone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.
MobiFone đã lập và trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án khi không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG thế hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.
Ngày 12/4/2019, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Nhật Vũ về tội "Đưa hối lộ".
*********************
Dân mạng phẫn nộ vì ‘hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ’ (Người Việt, 24/12/2019)
"Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ" là bản tin của tờ Dân Trí hôm thứ Hai 23/12, đang làm dân mạng xã hội ngạc nhiên và hoài nghi có sự dàn dựng.
Trong phiên xử ngày thứ Hai, 23/12/2019, vụ án Mobifone mua Công ty "Nghe Nhìn Toàn Cầu" AVG mà đám quan chức cầm đầu Bộ Thông tin và truyền thông tòa rập với Phạm Nhật Vũ gây thiệt hại cho nhà nước gần 6 ngàn tỉ đồng (tương đương khoảng 300 triệu đô la), người ta thấy tờ Dân Trí có bản tin thuật lại lời bào chữa của luật sư của ông Vũ.
"Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Vũ, Luật sư Trần Hoàng Anh cho rằng, hiếm có một vụ án nào mà gia đình bị cáo chưa có đơn xin khoan hồng thì đông đảo các tổ chức, cá nhân uy tín trong và ngoài nước đã có đơn xin bảo lãnh, khoan hồng như vụ án đang xét xử đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ". Tờ Dân Trí viết : "Theo Luật Sư Hoàng Anh, tính đến ngày 31/10/2019, đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước ; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ".
Dân Trí thuật lời bào chữa liệt kê những tổ chức và cá nhân "uy tín, có sức ảnh hưởng lớn" như "Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ nhiều địa phương ; ông Kirsan Ilyumzhinov – nguyên tổng thống đầu tiên nước Cộng hòa Kalmykia thuộc Liên bang Nga (1993-2010) ; ông Konstantin Vasilievich Vnukov – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam ; ông Atkov Oleg Yurevich – Phi công vũ trụ, giáo sư, anh hùng Liên bang Xô Viết ; Thượng tọa-Tiến sĩ Manor Kumar – phó trụ trì Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn Độ ; Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi – nguyên hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản…"
Để xin hưởng khoan hồng đặc biệt, lời ông Luật sư Anh được dẫn trên tờ Dân Trí : "Nội dung các đơn này đều khẳng định, trong 20 năm kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1.300 tỷ, con số thực tế còn lớn hơn nhiều".
Nhiều facebookers bình luận và kéo theo rất nhiều người khác bình luận theo, tỏ thái độ phẫn nộ cũng như việc viện dẫn "các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước ; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ" như sự dàn dựng đã được đạo diễn ở trong hậu trường chính trị.
Facebooker Đỗ Cao Cường : "Dùng tiền cướp bóc, cấu kết, hối lộ hàng triệu đô la cho quan chức, gây thiệt hại cho người dân hàng ngàn tỷ đồng, lấy đi mồ hôi, nước mắt, sinh mạng, cơ hội phát triển của rất nhiều người để đi làm từ thiện liệu có được không ? Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho ông Vũ cũng chính là lũ khốn nạn mặt trơ trán bóng, vô liêm sỉ vì đã tiếp tay cho trùm tội phạm. Ông Vũ là phó Ban Truyền Thông Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, nhưng không chỉ Phật giáo mà tất cả tôn giáo đều không dám thu nạp đệ tử như ông, mấy thằng đầu trọc đưa ông lên làm lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo cũng chính là lũ giả danh thầy chùa đi tu để làm kinh tế. Cũng chính là lũ mạt hạng mèo mả gà đồng, làm ô uế cửa Phật, trời không dung, đất cũng chẳng tha. Sao không xin khoan hồng cho những nông dân mất đất như Đặng Văn Hiến hả lũ ngu ?"
Facebooker Nguyễn Tường Thụy bình luận : "Nó muốn thì nó bày đặt ra mà thôi. Bao nhiêu nhà hoạt động bị bắt, với hàng nghìn chữ ký, của tổ chức có, cá nhân có, nó có đếm xỉa gì đâu".
Facebooker Nguyễn Chí Tuyến "xin có 1 đề nghị và 3 câu hỏi :
Ðề nghị : Công bố danh sách đầy đủ các cá nhân, tổ chức này để công luận xem "có UY TÍN" tới mức nào, "có SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN" như thế nào.
Câu hỏi 1 : Chuyện các ông bà ngoại quốc xen vào chuyện xét xử tội phạm của một nước khác có được coi là CAN THIỆP VÀO CHUYỆN NỘI BỘ của Việt Nam không ?
Câu hỏi 2 : Đối với các vị tu hành, nhận tiền của người khác do PHẠM TỘI MÀ CÓ (kể cả để làm công đức) thì có được coi là TIÊU THỤ ĐỒ GIAN hay không ?
Câu hỏi 3 : Tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc ký xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ là TỰ NGUYỆN, TỰ GIÁC hay bị một THẾ LỰC NÀO, NGƯỜI NÀO KHÁC XÚI GIỤC ?"
Một người tên Don Dung Nguyen bình luận được Facebooker Lê Hoàng dẫn lại : "Thật sự rùng mình khi biết người ta bỏ túi gọn gàng hơn 7.000 tỷ tiền thuế của dân, nếu đem so sánh với mức lương công nhân 5 triệu đồng/tháng thì không rùng mình mới là lạ. Có câu rằng ‘Nhân dân yên tâm, mọi chuyện đã có nhà nước lo’. Thì ra họ ‘lo’ như thế này đây ! Người dân phải sưu cao thuế nặng đến bao giờ mới đủ bù đắp cho các quan trộm cắp hàng ngàn tỷ đồng quốc khố ?"
Phiên tòa ngày thứ Hai, 23/12/2019, là cơ hội để các bị cáo tự bào chữa cũng như các luật sư biện hộ cho họ, trước khi nghị án mà người ta tin bản án đã được "ở trên chỉ đạo".
Ông Nguyễn Bắc Son "gửi lời xin lỗi đến Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đảng, nhà nước về những việc bị cáo làm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến nhà nước niềm tin đối với đảng". Liệu ông ta có thoát án tử hình không ? Tất cả 14 ông quan lớn nhỏ của Bộ Thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam bị ra tòa về tội tòa rập với tư bản đỏ để rút ruột nhà nước đều kể lể công lao với chế độ và "xin khoan hồng".
Ông Son ăn 3 triệu đô của Phạm Nhật Vũ bị đề nghị tử hình nhưng chính kẻ đưa hối lộ cho đám quan chức cầm đầu tất cả tới 6.2 triệu đô la lại chỉ bị đề nghị từ 3 tới 4 năm tù. Có những lời bình luận nghi ngờ ông Phạm Nhật Vũ chỉ bị án treo và có thể được thả ngay tại tòa từ thế lực trong hậu trường chính trị cộng sản Việt Nam. (TN)