Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cho từ chức cán bộ năng lực hạn chế, xem xét miễn nhiệm người ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’…

Đầu tháng 11/2021, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

lapdang01

Từ chức xong là trả luôn thẻ Đảng ?

Quy định 41-QĐ/TW quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy định này áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (gọi chung là cán bộ).

Theo quyết định trên, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp như :

Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao ; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng ; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định ; hoặc vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Bên cạnh đó, cán bộ sẽ bị xem xét cho miễn nhiệm chức vụ nếu rơi vào một trong các trường hợp : Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.

Hoặc những cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định ; hoặc có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; vi phạm những điều đảng viên không được làm ; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Về nguyên tắc, Đảng sẽ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo Quy định 41. Theo đó, cán bộ bị xem xét cho miễn nhiệm chức vụ khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức. Đồng thời cán bộ bị cho từ chức khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Về quy trình, khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm cán bộ, cho cán bộ từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc, trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

Quy định 41 thay thế Quy định 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/11/2021.

Họ từng là giới tinh anh nên họ sẽ tạo sân chơi chính trị khác ?

Để là những cán bộ chịu sự điều chỉnh của Quy định 41-QĐ/TW, trước tiên họ phải là các tinh anh của Đảng.

Những cáo buộc kiểu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cho thấy họ là những người ít nhiều theo đuổi về tự do tư tưởng, tự do học thuật, tự do chính trị.

Theo nghĩa thông thường thì "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Nhưng các khái niệm "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" được sử dụng trong văn kiện của Đảng và trên sách báo chính trị – xã hội ở Việt Nam không theo nghĩa như vậy, mà theo nghĩa là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức và lối sống của cán bộ và đảng viên.

Như vậy, theo cách hiểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" là quá trình tự thay đổi của chủ thể theo hướng tiêu cực. "Tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" của cán bộ và đảng viên nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến sự chuyển hóa của cả chế độ.

Tuy nhiên nếu nhìn với giác độ tự do tư tưởng, tự do học thuật trong khuôn khổ của chủ nghĩa cộng sản, thì "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chính là quá trình đấu tranh giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa cái lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong tư tưởng, quan điểm, lập trường của người cán bộ, đảng viên.

Trong đó, tư tưởng, lập trường, quan điểm thiên về tư bản chủ nghĩa và lợi ích cá nhân tăng dần lên, còn tư tưởng, lập trường, quan điểm về chủ nghĩa xã hội, về lợi ích tập thể phai nhạt và bị xem nhẹ dần.

Sự "tự diễn biến" đến một ngưỡng nào đó, khi đạt đến "độ" thì nó "tự chuyển hóa" thay đổi về chất. Thế nhưng dù thay đổi ra sao thì về nguyên tắc chung nó vẫn trong khuôn khổ các điều Hiến định cùng hệ thống pháp luật.

Lưu ý, Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam không có điều khoản nào gọi là cấm đoán thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự", về góp ý chê – khen nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về ý kiến chế độ sở hữu toàn dân về đất đai…

Thậm chí ở Điều 4.3 của Hiến pháp còn ghi rất rõ rằng : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Vậy thì cách đặt vấn đề vì họ – tức những đảng viên bị kỷ luật theo Quy định 41-QĐ/TW, từng là giới tinh anh nên họ sẽ tạo sân chơi chính trị khác là điều không hẳn bất khả thi khi theo cam kết CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), Việt Nam sẽ phê chuẩn và thực thi Công ước 87  về tự do hiệp hội vào năm 2023.

Hà Nguyễn

Nguồn : VNTB, 11/11/2021

Published in Diễn đàn