Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hủy hoại di sản vì lợi ích nhất thời, cái giá phải trả sẽ quá đắt trong tương lai

Loạt bài điều tra độc quyền đăng tải trên một tờ báo thời gian qua đã khiến dư luận dậy sóng về một thực trạng đáng báo động hiện nay.

disan1

Nhiều di tích, danh thắng thuộc hàng di sản quý hiếm của quốc gia đang bị tàn phá bởi những dự án núp bóng "du lịch tâm linh", "du lịch sinh thái" do những "liên minh ma quỷ" hay những thế lực kinh doanh thuộc nhóm "bất khả xâm phạm" thao túng.

Đó là chuyện nhiều di tích, danh thắng thuộc hàng di sản quý hiếm của quốc gia đang bị tàn phá bởi những dự án núp bóng "du lịch tâm linh", "du lịch sinh thái" do những "liên minh ma quỷ" hay những thế lực kinh doanh thuộc nhóm "bất khả xâm phạm" thao túng. Những dự án như thế đang biến những di sản chung của cả cộng đồng, dân tộc thành tài sản riêng, sinh lời vô tận mà vốn liếng bỏ ra không tương xứng với nguồn lợi chủ đầu tư thu được.

Vẫn biết, đất nước muốn phát triển rất cần sự chung tay của cả xã hội, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân. Nhưng phát triển phải đi đôi với bảo vệ, giữ gìn những giá trị đã trở thành di sản từ ngàn đời nay của đất nước. Nếu không quan tâm đến điều này thì dẫu sau này đất nước có trở nên dư giả cũng chẳng khác gì anh trọc phú, lắm tiền bạc nhưng lại nghèo về văn hóa.

Đã không ít lần các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nhấn mạnh : Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế !

Tuy nhiên, từ ý chí và quyết tâm của lãnh đạo cấp cao đến hành động thực thi của cấp dưới là cả một khoảng cách xa vời. Nhiều di sản thiên nhiên cũng như môi trường sinh thái nói chung đang bị đe dọa bởi những dự án tuy rất kêu về mặt lý thuyết, nào là du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, góp phần phát triển kinh tế địa phương,… nhưng thực chất là chiếm dụng đất đai ; quá trình vận hành lại góp phần hủy hoại môi sinh vì lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nhóm.

Mới đây nhất, mạng xã hội lại dậy sóng khi một nhà báo kêu gọi cộng đồng tẩy chay nhà hàng - khách sạn mang tên Panorama do tư nhân xây trái phép trên đèo Mã Pí Lèng, danh thắng quốc gia rất nổi tiếng ở Hà Giang.

Lời kêu gọi tẩy chay sau 5 giờ đăng tải trên tài khoản cá nhân đã nhận được hơn 9.000 lượt like và 3.400 lượt chia sẻ. Cư dân mạng giận dữ, truyền tải mạnh mẽ thông điệp "Nếu thực sự yêu Mã Pí Lèng, đừng cho những kẻ phá hoại Mã Pí Lèng cơ hội kiếm tiền".

Điều đó chứng tỏ mối quan tâm rất lớn của cộng đồng về việc bảo tồn những di tích, danh thắng quốc gia trước âm mưu hủy hoại của con người vì lợi ích kinh tế trước mắt.

Ngay sau đó, đồng loạt nhiều tờ báo trong nước lên tiếng về dự án trái phép này.

Nhưng kỳ thủy, cách đây gần 4 tháng, ngày 15/6 Truyền hình Người đưa tin đã mở màn loạt bài với tựa đề nóng bỏng : "Hãy cứu đỉnh Mã Pí Lèng : Công trình không phép xâm hại di sản thiên nhiên".

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là tiếng kêu cứu của Truyền hình Người đưa tin lúc đó chưa đủ sức lan tỏa trong dư luận để bây giờ từ sự khơi gợi của một nhà báo, vấn đề một lần nữa được đặt lên bàn dư luận, nóng ran.

Vậy ai đã và đang hủy hoại vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ của danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng ?

disan2

Chủ nhân của tòa nhà trái phép bằng bêtông 7 tầng xấu xí bên hông con đèo nổi tiếng nơi vùng đất địa đầu tổ quốc là bà Vũ Ngọc Ánh, có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Giang. Công trình này xây từ năm 2018 trên đất canh tác nông nghiệp hàng năm của người dân xã Pả Vi, hoàn thành vào đầu năm 2019.

Điều không thể hiểu nổi là cho đến nay, mặc dù đã đưa vào sử dụng nhưng công trình vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (vẫn đang là đất trồng trọt, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng) ; chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư ; chưa được cấp phép xây dựng ; chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch [1].

Dù là một công trình trái phép với 4 không như thế, nhưng xem ra chính quyền địa phương đang rất muốn hợp thức hóa dự án này về mặt pháp lý.

"Công trình này cho du khách có điểm ngắm hẻm vực sông Nho Quế. Huyện từ lâu đã muốn đầu tư điểm dừng chân này nhưng không có kinh phí nên khi tư nhân muốn làm, chúng tôi rất chào đón, không kịp giải quyết thủ tục hồ sơ", chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc nói [2].

Bí thư Huyện ủy huyện Mèo Vạc cũng khẳng định : "Đây là công trình trong diện thu hút đầu tư, 100% là vốn đầu tư của tư nhân. Về cơ sở pháp lý thì tổ chức Unesco cũng đề xuất tỉnh cho xây dựng điểm dừng chân ở vị trí đấy. Nhưng vì một số thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện nên huyện cũng đang yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục hoàn thiện chuyển đổi đất đai cho phù hợp" [3].

Một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa cảnh quan danh thắng đang hiện hữu. Nếu tòa nhà Panorama của bà Vũ Ngọc Ánh được hợp thức hóa, ai dám bảo sẽ không có những công trình tương tự trong tương lai ăn theo ?

Trước đó, tại khu danh thắng này đã có dự án nâng cấp điểm dừng chân ngắm cảnh trên đèo Mã Pí Lèng do Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Giang và huyện Mèo Vạc làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ tháng 3/2014.

Khi thực hiện dự án, toàn bộ mỏm núi được cho là nơi lý tưởng nhất để ngắm dòng Nho Quế biếc xanh huyền thoại và hẻm vực Tu Sản đã bị san phẳng. Thay vào đó là một mảng sân bêtông khổng lồ với dãy lan can vô hồn được "đặt tên" mỹ miều là "vọng cảnh đài" (đài quan sát) để du khách dừng chân ngắm cảnh" được an toàn" [4].

Có lẽ đấy là tiền đề cho dự án xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trái phép đang khiến dư luận giận dữ.

Một công trình đồ sộ thi công trái phép suốt gần hai năm trời trước sự "thờ ơ" của chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Người có trách nhiệm như ông Lâm Tiến Mạnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Giang, kiêm Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn mà cũng nói rằng, không nắm rõ việc công trình này vi phạm vào di tích hay công viên địa chất hay không.

Khi phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản liên quan đến việc kiểm tra, đôn đốc xử lý công trình vi phạm thì ông Mạnh từ chối với lí do trong văn bản có nhiều "thông tin nhạy cảm", mong phóng viên thông cảm [5].

Cũng theo phản ánh của Truyền hình Người Đưa tin, "chống đỡ phía sau" cho đại công trình xâm hại di sản này là một vị có thế lực ở địa phương.

Vị có thế lực ở địa phương ấy là ai ? Liệu rồi đây nó có mù mờ và chìm lỉm như nhân vật "lão phật gia" trong vụ gian lận thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018 vẫn đang khiến dư luận sôi sục, bất bình qua cách xử lý lươn lẹo, coi thường dư luận của Hà Giang ?

Ai đang buông lỏng quản lý, bao che cho công trình trái phép xâm hại Mã Pí Lèng và Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn ? Cái sự "nhạy cảm" mà các vị nói ở đây là gì ?

Xót xa thay cho những danh thắng như Mã Pí Lèng - "trái tim" cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - đang bị đe dọa bởi lợi ích kinh tế trước mắt của cá nhân hay của một nhóm người nhân danh phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Cầm vàng mà không biết giữ sẽ có ngày vàng vuột khỏi tay. Cái cách chúng ta đang đối xử với những di sản tự nhiên vô giá của đất nước cũng chẳng khác gì kẻ có vàng mà không biết giữ.

Đến một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ phải trả giá cho những hành động thiển cận của cha anh họ. Lúc đó dẫu nuối tiếc, phỏng có ích gì ?

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn : Văn Hóa Nghệ An, 14/10/2019 

Nguồn tham khảo :

[1]. https://dulich.tuoitre.vn/toa-nha-trai-phep-tren-deo-ma-pi-leng-dan-mang-gian-du-chinh-quyen-muon-hop-thuc-hoa-20191003202609719.htm?fbclid=IwAR1R5PHZ6s_1nmeUOVE9H2ebBFGzPbH-2LwFp_AyD3wLhuY6nXk1So5sr8I

[2]. https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/dan-mang-buc-xuc-keu-goi-tay-chay-khach-san-7-tang-tren-deo-ma-pi-leng-573896.html

[3]. http://tv.nguoiduatin.vn/3/bai-2-lanh-dao-huyen-meo-vac-vo-tam-voi-di-san-1304.html

[4]. https://dulich.tuoitre.vn/du-lich/danh-thang-ma-pi-leng-dung-truoc-thach-thuc-635755.htm

[5]. http://tv.nguoiduatin.vn/3/bai-1-cong-trinh-khong-phep-xam-hai-di-san-thien-nhien-1279.html

Published in Diễn đàn