Bị các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chất vấn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, vừa chính thức thừa nhận, chưa có ai dám bảo đảm công trình chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng an toàn, khi chủ đầu tư kiêm nhà thầu thay thép do G7 sản xuất bằng thép Trung Quốc (1).
Giao thông gần như tắc nghẽn sau mỗi lần mưa to và ngập nước ở Bangkok. Ảnh : The Nation.
Thái độ của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đối với dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng đột nhiên khác trước, hẳn vì cách nay hai ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, chỉ đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải xác minh các vấn đề mà Công ty Meinhardt đã báo cáo và báo cáo lại cho chính phủ trong tháng này (2).
Những thông tin vừa kể cho thấy, cuộc chiến giữa một bên là Công ty Meinhardt với bên còn lại là Công ty Trung Nam có chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đứng phía sau hậu thuẫn vẫn chưa kết thúc. Dù Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị khai tử Công ty Meinhardt cách nay hai tháng (3) nhưng Công ty Meinhardt – một doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa chịu… bỏ cuộc chơi !
Dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng do Công ty Trung Nam được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu và Công ty Meinhardt được thuê làm doanh nghiệp đứng đầu Liên danh Tư vấn - Giám sát giờ đã trở thành khúc xương mà Công ty Trung Nam và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang ráng gặm !
***
Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia (nên khảo sát lại, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập quy hoạch mới nhằm bảo đảm việc chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh căn cơ, hợp lý hơn), chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam vẫn phê duyệt cho thực hiện hàng loạt công trình chống ngập theo quy hoạch cũ vốn đã được dự báo sẽ chẳng đến đâu.
Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia. Từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố Sài Gòn đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (4). Năm 2014, được phép của chính phủ, chính quyền thành phố Sài Gòn quyết định đem "đổi" ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (5).
Bởi ngập lụt ở Sài Gòn càng ngày càng tồi tệ, không mưa cũng ngập khi thủy triều lên, hiện nay, ngoài Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia thực hiện các dự án chống ngập ở Sài Gòn giờ còn có Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đến giờ, Sài Gòn có ít nhất hai… Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về… cơ bản sẽ hết ngập nhưng từ nay đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (6).
Trong số các dự án chống ngập cho Sài Gòn, dự án "Giải quyết ngập do thủy triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1" được xem là quan trọng nhất cả về qui mô lẫn mục tiêu (kiểm soát ngập khi thủy triều lên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực trung tâm Sài Gòn). Bởi chi phí cho dự án này lên tới 10.000 tỉ nên báo chí Việt Nam ví von, xem nó là "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cho đến giờ này, công chúng vẫn không hiểu tại sao chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại giao "siêu dự án chống ngập" cho Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu. Theo… quảng cáo, "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo hình thức BT (Build & Transfer - Xây dựng & Chuyển giao) : Chủ đầu tư bỏ vốn, tổ chức thực hiện dự án, sau khi hoàn tất thì bàn giao công trình cho chính quyền và chính quyền thanh toán phần vốn mà chủ đầu tư đã bỏ ra để thực hiện dự án chủ yếu bằng bất động sản (đất, trụ sở, kết cấu hạ tầng).
Về nguyên tắc, khi đã là chủ đầu tư "siêu dự án chống ngập" theo hình thức BT, Công ty Trung Nam phải tự lo toàn bộ vốn đầu tư và chỉ có thể nhận lại vốn đầu tư khi công trình hoàn tất nhưng chẳng hiểu tại sao, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại vui vẻ "tạm ứng" cho Công ty Trung Nam 1.518 tỉ (7) ?
Về nguyên tắc, Công ty Trung Nam phải thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng thiết kế đã được phê duyệt nhưng chẳng hiểu tại sao Công ty Trung Nam lại có thể tùy tiện thay đổi vật liệu chế tạo các thiết bị cơ khí được lắp đặt tại cửa các cống kiểm soát thủy triều vốn phải bằng thép do các quốc gia thuộc khối G7 sản xuất, thành thép do Trung Quốc sản xuất.
Cũng về nguyên tắc, "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn tất vào tháng 4 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn tất mà chẳng ai, không nơi nào bận tâm đến đòi bồi thường thiệt hại. Sau khi khẳng định, dự án trễ hạn hoàn thành là vì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chậm xác nhận khối lượng đã thực hiện, Công ty Trung Nam tiếp tục khẳng định tiếp tục ngừng thi công vì chuyện thay đổi thép, vốn đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý, giờ giới hữu trách đột nhiên đòi xem xét lại.
Do việc thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh bị tố giác là không tuân thủ các qui định pháp luật, Kiểm toán nhà nước phải ghé mắt nhìn vào. Cách nay hai tháng, trong văn bản thông báo về kết quả kiểm tra, Kiểm toán nhà nước xác định, việc chọn Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu "siêu dự án chống ngập" là sai vì doanh nghiệp này không đủ năng lực.
Chuyện lập, thẩm định, phê duyệt cả tổng vốn đầu tư lẫn thiết kế của "siêu dự án chống ngập" bị Kiểm toán Nhà nước nhận định là cùng có sai sót, khiến tổng vốn đầu tư tăng thêm 402 tỉ và khi thực hiện phải điều chỉnh kè sông Sài Gòn khác với thiết kế đã duyệt. Đó cũng là lý do Công ty Trung Nam đòi thay đổi vật liệu (thép chế tạo các thiết bị cơ khí ở cửa các cống ngăn triều) và trên thực tế đã chủ động thay đổi vật liệu, bất kể theo hợp đồng, điều đó phải được lập thành văn bản, trình và phải chờ quyết định cuối cùng từ phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (8).
Tuy nhiên chừng đó chưa đủ để nhận ra bóng dáng mafia thấp thoáng trong soạn – thẩm định – phê duyệt – giám sát thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh. "Siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh trở thành lùm xùm là từ các cảnh báo của Liên doanh Tư vấn – Giám sát việc thực hiện hợp đồng BT giữa chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Trung Nam. Liên danh này bao gồm ba doanh nghiệp : Công ty Tư vấn xây dựng Meinhardt , Công ty Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, Công ty Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12.
Liên doanh Tư vấn - Giám sát vừa kể là nơi phát ra cảnh báo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vi phạm pháp luật khi tạm ứng cho Công ty Trung Nam 1.518 tỉ. Liên doanh này cũng là nơi đề nghị ngăn chặn Công ty Trung Nam thay đổi thép làm các thiết bị cơ khí được lắp đặt tại cửa các cống kiểm soát thủy triều… Những cảnh báo, đề nghị đó đã khiến cho quan hệ giữa liên doanh, đứng đầu là Công ty Meinhardt với Công ty Trung Nam trở thành hết sức căng thẳng. Nhiều nhân viên của Công ty Meinhardt đã bị du đãng dọa sẽ lấy huyết (9).
Chuyện không ngừng ở đó. Cảnh báo của Liên danh Tư vấn - Giám sát "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh, về việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không nên tạm ứng cho Công ty Trung Nam 1.518 tỉ bị Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ vì… không có cơ sở. Khi Liên doanh Tư vấn – Giám sát đề nghị ngăn chặn Công ty Trung Nam thay đổi vật liệu, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã vô hiệu hóa đề nghị này bằng việc ra văn bản, đồng ý cho Công ty Trung Nam thay đổi thép, bất kể đồng ý như thế là lạm quyền.
Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt vì công ty này nợ gần 23 tỉ là tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp (1).
Khoan bàn đến đúng – sai, chỉ đối chiếu việc giám sát – xử lý sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa Công ty Meinhardt và Công ty Trung Nam, ai cũng có thể thấy Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh bất nhất trong hành xử : Chỉ ghé mắt ngó qua việc thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước phát giác Công ty Trung Nam chưa thực hiện kê khai, xuất hoá đơn cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đối với khối lượng đã được nghiệm thu và giải ngân từ BIDV, thành ra chỉ tính đến cuối năm 2017, Công ty Trung Nam đã bỏ qua, chưa khai, chưa nộp khoản thuế xấp xỉ 283 tỉ đồng !
Phải chăng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ở quá… gần Công ty Trung Nam nên không thấy và để… sót khoản thuế lớn gấp 12 lần khoản thuế, khoản phạt mà Công ty Meinhardt chậm nộp nên cần loại bỏ khỏi cuộc chơi càng sớm, càng tốt ?
***
Liệu có quá đáng không nếu nhận định : Tuy tình trạng ngập lụt càng ngày càng tồi tệ ở Sài Gòn là thảm họa càng ngày càng lớn đối với kinh tế - xã hội nhưng lại là cơ hội hái ra tiền cho một số cá nhân, băng nhóm tham gia chống ngập lụt ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/12/2018
Chú thích :
(4) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html
(5) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html
(6) https://nld.com.vn/thoi-su/xai-het-5-ti-usd-tp-hcm-se-het-ngap-20180522231511312.htm
(7) https://nhadautu.vn/sieu-du-an-bt-chong-ngap-10000-ty-dong-duoc-ung-1518-ty-co-trai-luat-d14291.html