Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (Vietnam Bond Market Association-VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là hơn 28.800 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.200 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

traiphieu1

Tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là hơn 28.800 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng cần vốn

Theo dữ liệu VBMA, tính đến ngày công bố thông tin 30/09/2022, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của ngân hàng Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng trong tháng 09/2022.

Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng Công Thương Việt Nam phát hành nhiều nhất (3.090 tỷ đồng), theo sau bởi ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (2.000 tỷ đồng), ngân hàng Phương Đông (1.800 tỷ đồng), ngân hàng Đông Nam Á SaABank (750 tỷ đồng).

Nhóm bất động sản đứng thứ hai với Công ty cổ phần No Va Thảo Điền phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.

Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba với Công ty cổ phần Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37% (chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40% (chiếm khoảng 95,7% tổng giá trị phát hành).

Mua lại trái phiếu để tránh hiểm họa "Tân Hoàng Minh"

Trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 09/2022, theo dữ liệu VBMA, tính đến ngày công bố thông tin 30/09/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ tháng 09/2021.

Còn nếu tính từ đầu năm tới nay, thì tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Thực tế, sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chứng kiến làn sóng mua lại trước hạn. Xu thế này vẫn tiếp tục trong những ngày đầu tháng 10.

Đơn cử, mới đây, Công ty Cơ điện lạnh (REE) thông báo đã mua lại tổng cộng 250 tỷ đồng trái phiếu và hoàn tất hết nợ đối với hai lô trái phiếu (REEBOND2017-01, REEBOND2017-02). Chứng khoán VIX thông báo mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng trái phiếu.

Sẽ có thêm vụ án mới về trái phiếu ?

Đáng chú ý là đang có một công ty niêm yết mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu. Theo đó, Công ty cổ phần VKC Holdings (tiền thân là Công ty cổ phần Cáp Nhựa Vĩnh Khánh – đang niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán VKC) vừa có thông báo về việc tạm hoãn thanh toán lãi trái phiếu.

"Các sai phạm của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc tiền nhiệm đã làm thất thoát tài sản của VKC rất lớn, vì vậy hiện VKC đã mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ", thông báo nêu rõ. Công ty đồng thời khẳng định đang làm việc với các bên liên quan có quyền lợi và nghĩa vụ trong lô trái phiếu để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, VKC cũng đã gửi đơn tố giác đến cơ quan ban ngành có thẩm quyền để xử lý.

Trước đó, VKC phát hành 2.000 trái phiếu VKCH2123001 với giá 100 triệu đồng, qua đó huy động tổng cộng 200 tỷ đồng. Đại lý lưu ký cho lô trái phiếu trên là Chứng khoán HDB. Tài sản đảm bảo là nhà máy đá Bình Thuận và quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc giấy chứng nhận số BR 626016 tọa lạc tại tỉnh An Giang.

Mức lãi suất không được tiết lộ nhưng sẽ cố định trong suốt kỳ hạn. Lô trái phiếu sẽ đáo hạn vào ngày 9-6-2023 với lãi suất phải trả là 12%/năm. Mục đích phát hành là để mua lại toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Louis Land tại Công ty TNHH Toccoo Việt Nam (tương đương 85% vốn điều lệ).

Chựng lại vì ngại "phiên bản Vạn Thịnh Phát" ?

Hiện tại, kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 được thông báo nhưng chưa rõ thời gian phát hành, cụ thể có Công ty cổ phần Tập Đoàn Đất Xanh với phương án phát trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD.

Công ty cổ phần Miền Đông đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm với giá trị phát hành không quá 70 tỷ đồng. Tập đoàn Trung Nam dự tính huy động tới 500 triệu USD trái phiếu (khoảng 12 ngàn tỷ đồng) trong vòng 3 năm kế tiếp.

Lưu ý về cảnh báo khi chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ góc nhìn liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, tính đến hiện tại thì riêng đối với các trái chủ của An Đông, đây không phải là công ty đại chúng, không niêm yết nên rủi ro khá cao. Sau khi ban lãnh đạo bị bắt tạm giam, trường hợp công ty phá sản thì các trái chủ sẽ là đối tượng sau cùng được nhận lại số tiền còn lại sau khi đã xử lý nợ theo trình tự ưu tiên như nợ ngân hàng, công nhân viên, nhà nước.

Do đó, nếu như tài sản của An Đông vẫn còn để trả nợ thì khả năng trái chủ vẫn mất từ 10 – 50% số tiền đã mua trái phiếu.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 10/10/2022

Additional Info

  • Author Mai Lan
Published in Diễn đàn