Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liệu có thể cấm cá nhân mua nhà ở nước ngoài để có quốc tịch, tẩu tán tài sản ?

RFA, 28/09/2020

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư sở dĩ lấy ý kiến dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn cá nhân đầu tư bất động sản tại nước ngoài, là để hạn chế rủi ro về pháp lý, an ninh... Vì Nghị định 83 về đầu tư ra nước ngoài hiện hành không có hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài. Do đó, từng có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở này để mua quốc tịch, rửa tiền và để tẩu tán tài sản...

mua1

Hai người Việt Nam trong Hồ sơ Cyprus, công bố ngày 24/8/2020 gồm Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc và doanh nhân Phạm Nhật Vũ. RFA Edited

Khó kiểm soát

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 28/9, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Nghị định này chưa rõ ràng :

"Tôi thấy đây là biện pháp hành chính mà tác động của nó cần phải được kiểm định, bởi vì khả năng người ta chuyển tiền qua nhiều kênh khác nhau thì không thể cấm được. Thí dụ với các đối tác thì họ có thể chuyển tiền cho nhau trong cùng một công ty, tiền ra nước ngoài rồi thì mua gì khó có thể cấm được. Cho nên ý tưởng ngăn chặn những người có nguồn tiền không rõ ràng, ra nước ngoài mua nhà, đầu tư để có quốc tịch nước ngoài, thì có thể thông cảm. Nhưng về biện pháp thì tôi nghĩ cần phối hợp kiểm soát thu nhập, kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài... đặc biệt chuyển ngoại tệ bằng các kênh ngầm, thì nghị định mới có tác dụng. Chứ bây giờ biểu cấm thì kiểm tra bằng cách nào ? Và bằng cách nào có thể xác minh ? Cái đó tôi thấy chưa rõ".

Việc Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất nghị định này cũng dễ hiểu, do những năm qua, xuất hiện nhiều thông tin về việc cán bộ, Đại biểu quốc hội có quốc tịch nước ngoài do có tiền đầu tư tại nước sở tại. Mới nhất là trường hợp Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc, đại diện cho cử tri đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đã bị Al Jareeza phanh phui là quan chức đã mua "hộ chiếu vàng" của Cyprus bằng cách chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư.

Hay vào năm 2016, Bà Nguyệt Hường, khi đó là Đại biểu quốc hội, nhưng có cả quốc tịch Malta... Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bà đã lặng lẽ xin từ bỏ tư cách Đại biểu quốc hội.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 28/9 từ Na Uy qua tin nhắn, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc cấm đầu tư bất động sản ra nước ngoài là một điều không khả thi và không hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân :

"Thứ nhất là việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài một cách hợp pháp là một nhu cầu tự nhiên của một nhóm các nhà đầu tư liên quan đến các hoạt động kinh doanh, sinh sống của họ. Cho dù có luật cấm thì một khi đã là một nhu cầu tự nhiên tất sẽ có những dịch vụ chợ đen cung cấp các hỗ trợ cần thiết để thực hiện việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài. Các hoạt động chợ đen này tất sẽ có lót tay những quan chức. Và khi có tiền thì đến lượt các quan chức lại muốn đầu tư bất động sản ra nước ngoài để rửa tiền và định cư. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ tiếp tục vì các quan chức muốn hỗ trợ đầu tư bất động sản ra nước ngoài để họ còn có thể kiếm chác".

Và thứ hai theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, là muốn điều tra các cá nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài thì cần phải có sự hợp tác ở nước sở tại. Nhưng không nước sở tại nào lại đi dại dột công khai danh tính những nhà đầu tư ở nước mình vì nếu làm vậy thì họ khác nào xua đuổi những nhà đầu tư tiềm năng khác, vì thường những nhà đầu tư không ai muốn các thông tin riêng tư liên quan đến các hoạt động kinh doanh của mình, bị người khác công bố mà không có sự cho phép của mình.

mua2

Hình minh họa. Cựu Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cand.com.vn

Cũng trong dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài vừa đề xuất, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã bổ sung quy định các trường hợp cá nhân cụ thể không được đầu tư ra nước ngoài gồm cán bộ công chức, sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước... và các trường hợp khác theo Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với RFA hôm 28/9, cho biết ý kiến của mình :

"Tôi thấy nghị định này sẽ ngăn chặn tình trạng một số cán bộ của cơ quan công quyền có hai quốc tịch cùng lúc nhờ chuyển tiền ra nước ngoài. Tôi cho rằng cần có quy định chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc đối với việc đầu tư ra nước ngoài của cán bộ công chức, sĩ quan... đây là những đối tượng dễ bị lợi dụng chính sách để kiếm lời và tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Trong dự thảo, các biện pháp nêu ra tôi thấy rất cần thiết, và cũng phù hợp hệ thống pháp luật của Việt Nam như Luật cán bộ công chức, Luật phòng chống tham nhũng, Luật đầu tư... Nếu như chúng ta đã có những luật này, mà không làm triệt để thì sẽ có nguy cơ cán bộ vi phạm rồi chuyển tiền ra nước ngoài, bỏ trốn ra nước ngoài...".

Ảnh hưởng những người đầu tư chính đáng ?

Tuy nhiên đối với Nghị định ‘Cấm cá nhân mua nhà đất nước ngoài’ để ngăn chặn cá nhân đầu tư bất động sản tại nước ngoài nhằm mua quốc tịch, rửa tiền hay tẩu tán tài sản... nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp phù hợp để không làm ảnh hưởng đến những người đầu tư chính đáng.

Trả lời báo chí nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc cấm cá nhân nhưng lại cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài chưa có nhiều tác dụng. Vì cá nhân muốn đầu tư sẽ lập công ty rồi mua nhà đất ở nước ngoài, nhập quốc tịch xong giải thể công ty.

Để tìm hiểu thêm, Đài RFA hôm 28/9 liên lạc Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính độc lập, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng trong và ngoài nước, và được ông cho biết ông ủng hộ việc cấm cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản và cho phép doanh nghiệp chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Tôi đồng ý quan điểm này, nếu doanh nghiệp chỉ mua bất động sản để kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, bất động sản công nghiệp... Tất cả bất động sản mang tính chất kinh doanh thì tôi ủng hộ. Tôi không ủng hộ mua bất động sản tiêu dùng, chẳng hạn 1 doanh nghiệp chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà ở cho nhân viên. Riêng với cá nhân, nếu chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản, nhưng có lợi cho Việt Nam thì tôi ủng hộ, chẳng hạn như mua chứng khoán, hoặc đầu tư vào những dự án đem lại lợi nhuận và chuyển về lại Việt Nam, đồng thời quảng bá thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài thì tôi ủng hộ. Còn nếu cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản như một vài quan chức đã làm, hoặc qua việc đó để lấy thẻ xanh hay quốc tịch nước ngoài thì tôi không đồng ý, vì việc đó không có lợi gì cho Việt Nam, mà còn tốn kém ngoại tệ của Việt Nam".

Trở lại với ý kiến, Liệu Bộ Kế hoạch và đầu tư có thể kiểm soát việc cấm cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà đất, nhằm có quốc tịch hay rửa tiền, tẩu tán tài sản... Thì Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng :

"Hoàn toàn không dễ kiểm soát, dù Việt Nam đã có luật quản lý ngoại hối, chỉ cho phép chuyển tiền dưới một số điều kiện, một số công việc, và đồng thời Việt Nam cũng có luật phòng chống rửa tiền. Nhưng hiện tại có rất nhiều đồng tiền kỹ thuật số, chẳng hạn như đồng Bitcoin và các tổ chức giúp chuyển tiền ra nước ngoài, nên việc kiểm soát là không dễ".

Do đó theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cho dù Việt Nam có đưa ra bao nhiêu luật đi nữa, thì cũng không thể nào tiêu trừ được hiện tượng chuyển tiền ra nước ngoài để mua quốc tịch hay rửa tiền, tẩu tán tài sản...

Nguồn : RFA, 28/09/2020

************************

Làm sao để 'quan chức, sĩ quan' Việt Nam không tẩu tán tài sản và mua hộ chiếu ngoại ?

BBC, 28/09/2020

Chính phủ Việt Nam đang bổ sung luật nhằm ngăn chặn các cá nhân mang tiền ra đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài nhằm có hộ chiếu ngoại, sau một loạt vụ việc đầy tai tiếng của quan chức, Đại biểu quốc hội nước này.

mua3

Trong 2351 hồ sơ tham gia đầu tư vào chương trình này thì Nga là đông nhất (922), tiếp theo sau là Trung Quốc (482) và Ukraine (100)

Theo tờ Người Lao Động hôm 27/09/2020, một dự thảo Nghị định Quy định về đầu tư nước ngoài đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đã bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản.

Mục tiêu của sửa đổi này là "chỉ nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam mới được phép đầu tư" vào bất động sản ở nước ngoài.

Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân mang tiền ra đầu tư ở nước ngoài rồi nhận thẻ định cư và hộ chiếu ngoại.

Bài báo cũng trích luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, nêu ra nhu cầu "cần có quy định chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc về việc đầu tư ra nước ngoài đối với cán bộ, công chức, sĩ quan..".

Theo ông, đây là các "đối tượng dễ lợi dụng chính sách để kiếm lợi, tẩu tán tài sản ra nước ngoài".

Các bình luận trước đó cho rằng, việc nhập tịch nước ngoài không chỉ giúp "nhà đầu tư" có quyền đi lại trên thế giới với tấm hộ chiếu "có quyền lực" hơn nhiều so với hộ chiếu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vốn phải xin visa khó khăn mới vào được rất nhiều nước giàu có hơn.

Chưa kể việc có quốc tịch nước ngoài, nhất là ở một quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ hay EU, Anh Quốc còn tạo cơ hội cho chính nhà đầu tư và thân nhân thụ hưởng nền giáo dục tốt, y tế văn minh không bị nạn hối lộ hành hạ.

Tuy thế, bài trên tờ Người Lao Động cũng có tựa đề rằng "Không dễ chặn mua nhà nước ngoài để lấy quốc tịch", vì lý do việc chuyển tiền, tài sản mang tên người khác ra nước ngoài là khó kiểm soát.

Bài báo cũng cho hay theo số liệu chính thức thì từ 2015 đến nay, số nhà đầu cư cá nhân từ Việt Nam đem tiền ra nước ngoài tăng, còn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước giảm.

Tác giả Thoi Nguyễn từ London, người trực tiếp làm dịch vụ định cư ở Anh cho người Việt Nam viết trên BBC News tiếng Việt gần đây rằng :

"Riêng với nhóm có khi điều kiện kinh tế cho phép, nhiều gia đình Việt Nam ban đầu cho con đi du học nước ngoài, rồi sau đó mở đường cho cha mẹ theo chân sang định cư.

Số lượng người Việt đi dụ học ở các phương Tây tăng nhiều. Hiện tượng du học đã nổi lên rầm rộ hơn 15 năm nay, và nhiều du học sinh đi học và tìm cách ở lại. Lượng người Việt ở nước ngoài tăng lên dần theo diện đoàn tụ gia đình và vì các du học sinh ở lại".

Trả lời BBC News tiếng Việt hôm 29/08/2020 nhân vụ 'Hồ sơ Cyprus' nêu tên Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc, ông Dominic Volek, người đồng thời là Giám đốc Châu Á của Henley & Partners, chuyên về dịch vụ di cư nói Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất của công ty ông.

Ông Volek xác nhận "bạn cần đầu tư 2 triệu euro và hiến tặng 200.000 euro đối với người xin nhập tịch Cyprus, bao gồm cả người phối ngẫu".

Câu hỏi mà báo chí Việt Nam đặt ra hiện nay là các khoản tiền khổng lồ đó đến từ đâu, đã đóng thuế thu nhập chưa và quan trọng là người ta đã chuyển chúng ra nước ngoài bằng nào.

Quy định và thực tế

Hiện chính quyền Việt Nam và Đảng cộng sản cầm quyền đã có nhiều quy định rất chi tiết nhằm kiểm soát bộ máy quan chức, công chức và 5 triệu Đảng viên của họ.

Hồi 2017, một quy định của Đảng cộng sản nêu ra hàng chục điều cấm đảng viên không được làm, gồm những điều khá chặt chẽ về quan hệ với nước ngoài, vấn đề vẫn bị coi là "nhạy cảm" theo nhãn quan chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Quy định 102, công bố đầu năm 2018 ghi rõ một số điều cấm đoán như :

* Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ/chồng, con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép (Điểu 26) ;

* Có con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thái độ chính trị có hành vi chống Đảng và Nhà nước. (Điểu 25)

Thế nhưng, cùng thời gian lại có các quan chức, đảng viên không chỉ xuất cảnh làm ăn mà còn mua luôn quốc tịch nước ngoài.

Chẳng hạn Đảng viên cộng sản, Đại biểu quốc hội ông Phạm Phú Quốc nhận quốc tịch CH Cyprus (2018) với lời khai là được "vợ con bảo lãnh".

Dù ông Quốc đã bị miễn nhiệm khỏi vị trí trong Quốc hội Việt Nam, câu hỏi mà dư luận đặt ra là làm sao ngăn chặn tình trạng tương tự với các quan chức khác.

Trước ông Phạm Phú Quốc đã có Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân mang quốc tịch Cộng hòa Ba Lan (sau ông khai là đã bỏ), và Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có thêm quốc tịch Malta - bà bị bãi nhiệm năm 2016.

Ngay từ 5-6 năm trước, hiện tượng quan chức 'tẩu tán tài sản lớn" ra nước ngoài được báo chí Việt Nam cho là đã khá phổ biến và "rất khó thu hồi" tiền bạc về cho Việt Nam.

Tờ Tuổi Trẻ hồi tháng 9/2016 có bài trích một chuyên gia về lĩnh vực chuyển tiền nói tới sự đa dạng, sáng tạo trong chuyện chuyển tài sản từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ngay từ khi đó, ngoài "chuyển tiền bằng việc đầu tư, mua cổ phiếu", còn có cách là "đưa con cháu đi du học ở nước dự tính định cư...".

Như thế, hiện tượng này đã xảy ra khá lâu nay.

Điều mới là phát biểu của luật sư Nguyễn Văn Hậu nay đặt ra câu hỏi là có hay không sĩ quan công an, quân đội Việt Nam tham gia các tuyến "di cư" bằng đầu tư ra nước ngoài, hoặc tẩu tán tài sản kiếm được bằng cách nào đó trong nước để có hộ chiếu nước ngoài.

Báo chí Việt Nam chưa tìm ra trường hợp nào trong khối quan chức mang quân phục thành công trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên đã từng có sĩ quan an ninh cao cấp phạm tội và bị lộ là có nỗ lực tìm mua hộ chiếu Mỹ.

Báo Việt Nam hồi 2019 và đầu năm 2020 nói thượng tá an ninh Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), người bị bắt và xử tù trong vụ án hồi 2018 đã khai là ông ta từng chi ra "700.000 USD để nhờ làm hộ chiếu quốc tịch Mỹ cho cả gia đình" nhưng "bị lừa" và không đạt mục tiêu đó.

Nguồn : BBC, 28/09/2020

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn