Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kính lạy ngài bản gia Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân !

Chúng con kính mời :

Ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Kính mời các ngài bản gia thần linh, thần hoàng bản thổ, ngũ phương ngũ lộ long mạch tài thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần, bản gia chấp sự chư tôn thần đồng tọa, thụ hưởng lễ vật.

metin01

Bữa tiệc cúng Táo quân biểu lộ rõ tình chất hối lộ, dối trá của cả gia chủ lẫn Táo quân

Đó là một đoạn trong bài khấn ông Công Ông Táo của một số tờ báo, dưới sự chỉ huy của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, soạn ra, hướng dẫn độc giả của họ khấn trong lễ tiễn đưa 3 vợ chồng, 2 ông, 1 bà, nhà Táo lên chầu trời mỗi tất niên, nhằm ngày 23 tháng chạp.

Du nhập từ Trung Hoa, truyền thuyết táo quân biến thể thành ông công, ông táo, với hai chồng, một vợ. Theo Tàu, mỗi gia đình có một ông Vua ngồi trong bếp suốt đời theo dõi việc nấu nướng và xem xét chuyện nhà gia chủ để đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Vua Bếp này bay về chầu trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt, xấu trong năm của gia chủ, y xì anh tổ trưởng dân phố hay anh công an khu vực bây giờ, chuyên thọc mũi, ghé tai vào bếp mỗi gia đình về làm hồ sơ lưu trữ và báo cáo cấp trên. Ngọc Hoàng sẽ ban thưởng hoặc định tội gia đình đó theo báo cáo của Táo quân. Vì thế, vào ngày này, mọi nhà đều lau chùi bếp núc sạch sẽ, làm mâm cỗ thinh soạn, gồm cả bánh tổ làm bằng bột nếp và mật để tiễn thần Táo. Bánh ngọt giúp Táo Quân chỉ nói những điều ngọt ngào dễ nghe của gia chủ, còn gạo nếp sẽ khiến miệng Táo dính chặt không bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều xấu. Người ta còn bôi mật ong hay mạch nha lên miệng tượng Táo Quân hối lộ Vua Bếp. Làm sao hối lộ được Táo Quân nói nhiều điều lợi cho mình càng nhiều càng tốt.

https://youtu.be/c7KDzXQGNKY

Tục này sang Việt Nam từ hồi nào không biết. Sau 1954, đất nước bị chia đôi. Ngoài Bắc chế độ cộng sản gom tôn giáo và mê tín dị đoan vào cùng một duộc, đánh tan nát. Tất cả Táo ông, Táo bà khăn gói bám tàu há mồm di cư vào Nam. Kinh tế Việt Nam giờ khấm khá hơn một chút, các gia đình ông bà táo trước trốn hết vào Nam giờ lục tục về Bắc. Chính quyền đàn áp các tôn giáo nhưng lại dung dưỡng mê tín dị đoan làm bấn loạn lòng người, như đạo Bác Hồ thì được khuyến khích. Bác Hồ thành Phật, được đưa vào chùa thờ ngang Bụt. Gia đình nhà Táo được phục hồi và thờ cúng như thần thiêng trong ngưỡng dân gian "đáng bảo tồn và là một nét văn hóa", thậm chí cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam có bài viết "Cúng ông Công, ông Táo quan trọng ở sự thành tâm và cũng là cách để gìn giữ phong tục, tập quán của cha ông" (1). Bài báo Cúng Ông Công, ông Táo những lưu ý cần biết, viết, "tựu chung, mâm lễ vật đủ đầy sẽ có cuộc sống cả năm sung túc. Vì thế, ai cũng đều cố gắng chuẩn bị mâm lễ vật cúng ông Táo thật trang trọng, chu đáo". 

Kèm theo khấu đầu khấn xin còn phải biện mâm cỗ đầy hương hoa, xiêm hài áo mũ kính dâng tôn thần, còn phải có đồ ăn hối lộ, bôi trơn miệng để Táo chỉ trình các việc tốt của gia chủ lên Ngọc Hoàng, hầu Ngọc Hoàng ban những lợi lạc "Người người lo ấm (sic), cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác". Không những chỉ có vậy trong lời khấn xin, gia chủ còn "lôi" cả đức Phật vào :

Nam mô a di đà Phật !

Nam mô a di đà Phật !

Nam mô a di đà Phật !

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Đạo Phật không chủ trương thờ thần. "Quy y Phật không quy y trời thần quỷ vật". Những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà được, chứ không phải nhờ thần linh phù hộ (2).

Những câu truyên, truyền thuyết dân gian, và ngay cả thần-học-thưởng-phạt, huấn luyện con người vào một cái khuôn làm điều tốt, tránh điều xấu, nhưng trong truyền thuyết Táo quân Việt Nam, du nhập từ văn hóa Trung Hoa thời cổ xưa, chứa đựng nhiều cái xấu hơn cái tốt.

Gia đình Táo quân không hạnh phúc. Người chồng say sưa, chè chén. Người vợ không biết cảm hóa chồng như những người vợ hiền thục, hoặc nhẫn nhục chịu đựng theo truyền thống thưở xưa, bỏ nhà ra đi lấy người khác. Lúc vô tình gặp lại chồng cũ, lại giấu giếm chồng mới, để rồi sự việc xấu-thảm thương-một-cách-vô-lý xảy ra, cả ba người chết cháy trong đống rơm. Đó có phải truyền thuyết tốt nên được thờ cúng không ?

Bữa tiệc cúng táo quân biểu lộ rõ tình chất hối lộ, dối trá của cả gia chủ lẫn Táo quân. Nó phản ảnh đúng tình trạng xã hội Việt Nam bây giờ, kẻ quyền chức, thân cận cấp trên, càng chức cao quyền trong càng đòi hối lộ, kẻ thấp cổ bé miệng thì ráng lấy lòng, hối lộ quan chức để được "chiếu cố", để hướng chút lộc triều đình.

Cách đây nhiều năm, tờ Minh Báo Hương Cảng kể sự tích táo quân như sau : Trên Thiên Đình có một vị cận thần yêu dấu của Ngọc Hoàng, Đông Trù Tướng Quân (?). Vị thần này có tật chuyên rình mò xem các nàng tiên tắm. Tây Vương mẫu biết chuyện, tức giận mách Ngoc Hoàng, Ngọc Hoàng bực mình đầy vị sủng thần của mình xuống trần, nhưng vì còn yêu cận thần của mình, Ngọc Hoàng cho thần chọn nhiệm sở dưới trần. Không suy nghĩ lâu lắc, thần chọn làm Vua Bếp. Ngọc Hoàng hỏi lý do, thần thành thật tâu vì được làm vua một vùng không gian quan trọng nhất trong mỗi nhà, được rình mò, báo cáo gia chủ khiến gia chủ khiếp sợ, được ngủ kỹ ấm áp và ăn ngon trước mọi người, mà quan trọng nhất là suốt ngày được ngắm các bà, các chị ngồi tê hê thổi bếp !

Qua báo chí Việt Nam và các trang mạng xã hội người ta thấy hiện tượng mê tín dị đoan bây giờ tràn ngập xã hội

Trong khi Đảng cộng sản Việt Nam tìm nhiều phương cách từ dã man thô thiển đến ranh ma quỷ quái để đàn áp tôn giáo như đánh đập, bỏ tù thậm chí giết tín đồ, phá chùa chiền, thánh thất nhà thờ, điểm cầu nguyện đến nỗi bị xếp hạng "Quốc gia bị quan tâm" vì đàn áp tôn giáo thì họ dung túng mê tín dị đoan, thậm chí gián tiếp cổ vũ cho mê tín dị đoan như những bài viết trên báo, nhiều nhất vào dịp đầu năm, cuối năm như dạy cách cúng tế, lễ bái, dâng sao giải hạn, xem bói, xin ấn, cầu quan, tiến chức, thêm của, thêm nhà… khiến cả xã hội từ nghèo đến giầu, từ người thất học đến trí thức, từ dân đến đảng viên như quay cuồng trong cơn mê. Đảng cộng sản Việt Nam trong cơn bế tắc, rất sợ một xã hội tỉnh táo, đồng thời người dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa này luôn cảm thấy thiếu thốn, bất an, không tin vào bản thân, hay xã hội, họ u mê bám vào những loại quỷ thần, tự huyễn hoặc, hay sống mơ hồ như dùng ma túy khiến sự mê tín càng ngày càng lan rộng đến khó có thuốc chữa.

Đầu năm, cuối năm ở Việt Nam, báo chí Việt Nam đã gián tiếp cỗ vũ người đọc của họ vào mê tín dị đoan. Nườm nượp từng người, từng cặp vợ chồng, tình nhân, hay cả gia đình và trên hết, từng đoàn quan chức, đảng viên lũ lượt tổ chức đi lễ tập thể, đi nhiều lần trong năm, không tiếc tiền bạc tới đền, chùa, mang cả đầu heo, gà qué đến gieo quẻ, cầu xin thăng quan, tiến chức, tiến tài tiến lộc, làm ăn phát đạt. Càng làm lớn càng xin lớn, càng lễ vật rình rang, càng đến chùa to đền bự. Ðó cũng là điều dễ thấy, trả lời câu hỏi vì sao đảng viên càng ngày muốn giầu hơn, tranh giành nhau ghế, làm lớn hơn càng tham nhũng, càng mê tín dị đoan và dân càng khổ hơn.

Hoàng Lan Mộc Châu

Nguồn : VNTB, 15/01/2023

Tham khảo

(1) https://vanvn.vn/cung-ong-cong-ong-tao-nhung-luu-y-can-biet/

(2) https://thuvienhoasen.org/p22a15018/4-niem-tin-theo-dao-phat

Published in Diễn đàn

Nhiều lễ hội sau Tết quá phản cảm (RFA, 07/02/2017)

metin1

Một nhân viên tiệm vàng ở Hà Nội trong trang phục Thần Tài đón khách hôm 6/2/2017.

Sau ba ngày Tết Nguyên Đán, một loạt các hội xuân tưng bừng diễn ra khắp nước, phản ảnh nét văn hóa dân gian độc đáo của người Việt trong tháng Giêng.

Tuy nhiên, tình trạng biến tướng, mê tín dị đoan ngày càng gia tăng khiến cho nét đẹp truyền thống trở nên phản cảm và cần loại bỏ.

Thể hiện văn hóa xuống cấp

Sau những ngày Tết nhiều người trong nước kể cả giới viên chức phải đi làm cùng nhiều tầng lớp người dân khác đều có thể lựa chọn vừa đi vãn cảnh vừa lễ bái tại các hội xuân truyền thống trên cả nước như hội Làng Gióng, hội Chùa Hương, hội Đền Hùng, lễ Khai ấn đền Trần, hội xuân Yên Tử chùa Trình vân vân...

Hội xuân ở từng địa phương là những tập tục hay đẹp cần phải được bảo tồn, thế nhưng thực tế của mấy năm trở lại đây cho thấy không ít người tới đình, chùa, miếu, mạo với đầu óc năng chất mê tín đi đoan cầu tài cầu lộc, thậm chí sẵn sàng có những hành động tranh cướp không mấy đẹp. Những người đi lễ đã biến lễ hội thiêng liêng thành những sinh hoạt xô bồ mất trật tự như vụ đánh nhau ở Sóc Sơn, vụ giành giật ấn tại lễ hội đến Trần, vụ thanh niên xô đạp nhau giành cho được hoa tre trong hội Thánh Gióng hay cướp lộc thánh tại chùa Hương…

Đối với người quan tâm, đây là hiện tượng đáng tiếc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng cũng như thiếu hiểu biết về ý nghĩa của các lễ hội truyền thống dẫn đến tình trạng những mỹ tục cao đẹp ngày trước hóa ra những hủ tục cần loại bỏ. Nhà giáo Phạm Toàn, người một đời đặt vấn đề giáo dục làm kim chỉ nam của kiến thức, nhận định đây là sự đổ vỡ văn hóa và tâm linh :

Ngày xưa làng tôi đầu xuân là thể nào cũng có rước kiệu và thích nhất là lúc xem kiệu bay. Làng tôi có ông Đào tướng quân, bị giặc chém đứt đầu thế mà ông phi ngựa về đến đầu làng mới dừng lại, đầu rơi xuống và bấy giờ ông mới chết. Cho nên ở làng tôi không bao giờ nói "đầu" cả, gội đầu gọi là gội điều, nhức đầu gọi là nhức điều. Ngày xưa thích nhất là Tết ra xem kiệu bay, lúc kiệu như thế không bao giờ có lộn xộn không bao giờ có đổ ngã, các cụ trong làng ra thắp hương khấn vái xin Ngài dừng lại không thăng nữa. Tôi nhớ lễ hội như thế ở làng tôi không bao giờ có cờ bạc, không bao giờ có chuyện đi cầu may các thứ như bây giờ.

Bây giờ nó là một sự đổ vỡ về văn hóa, về tâm linh, có những nguyên nhân tâm lý, kinh tế, xã hội, chính trị. Người ta đi cầu may để bù đắp vào cái mà người ta không có được bằng lễ bái.

Đó là sự xuống dốc của tập tục của đạo đức cần phải sửa chữa, giống như chữa lại một nền tảng văn hóa bị xuống cấp, nhà giáo Phạm Toàn nói tiếp :

Những tập tục muốn bỏ cũng không được, chỉ có thái độ, hành vi của con người trước tập tục thôi. Tập tục là cái đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc, vấn đề là cuộc sống hiện đại tổ chức làm sao cho nó văn minh, văn hóa, không có sự mặc cả với thần linh, cái này liên quan đến trình độ văn hóa của người dân. Phải chữa dần trình độ văn hóa xuống dốc một cách kinh hoàng, chỉ có thể giáo dục để tăng cường, làm đẹp hành vi, thái độ ứng xử của con người trước tập tục thôi, còn không bỏ được tập tục.

Những hủ tục dã man cần bỏ

VIETNAM-LUNAR-NEWYEAR-FESTIVAL

Thanh niên giành nhau cướp phết trong lễ hội cướp phết ở làng Hiền Quang, tỉnh Phú Thọ, vào ngày 20 tháng 2 năm 2016. AFP photo

Nhà thơ Hoàng Hưng, nhóm Văn Việt, một tổ chức văn chương độc lập trong nước, nói rằng báo chí đã phản ảnh khá chi tiết những chuyện tiêu cực và phản cảm tại các hội xuân năm nay, vì thế hãy bàn đến chuyện nên hay không nên một cách nghiêm túc :

Trước nhất,trong sinh hoạt truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, và một số tỉnh miền núi của dân tộc ít người, lễ hội mùa xuân có những nét cho đến nay vẫn đẹp, vẫn đáng yêu, rất nên duy trì và phát huy. Nhưng rõ ràng cũng có những tập tục không thể coi là hay được, trong xã hội của thời đại ngày nay thì phải coi đó là hủ tục cần hủy bỏ. Thí dụ hủ tục chém lợn, treo cổ trâu, thậm chí đâm trâu, rõ ràng nó quá tàn bạo và không thích hợp với thời đại.

Một vấn đề nữa là yếu tố mê tín lại tăng lên rất đậm nét trong những dịp lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ. Tức là hình như bây giờ lòng tin của con người vào bản thân mình, vào công lý, vào sự công bằng trong xã hội nó mất đi nhiều quá, đó là một điều đáng báo động. Điều tôi thấy lo lắng hơn nữa là yếu tố mê tín dị đoan nó xâm nhập vào một tôn giáo nghiêm chỉnh là Phật giáo, nó gây những hình ảnh phản cảm như đút tiền lẻ bạc mọn vào tay, thậm chí vào tai vào miệng tưọng Phật. Những điều rất báng bổ như thế vẫn xảy ra. Ngay hôm qua ở chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, người ta đi lễ cầu sao giải hạn làm tắc hết đường xá. Theo tôi biết thì Phật giáo không đặt ra vấn đề cầu sao giải hạn. Cái đó là quá mê tín thế mà nó được duy trì lâu nay.

Những hành động biểu hiện mê tín dị đoan năm nay giảm thiểu nhiều so với năm trước tại Lăng Ông tức lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, nơi người Sài Gòn giữ lệ chiêm bái thắp hương đông đảo mỗi giao thừa và ba ngày Tết Nguyên Đán. Bà Diễm, thành viên Ban Quí Tế và Đội Nghi Lễ lăng Lê Văn Duyệt, cho biết mọi nghi lễ cúng bái đều có sự kiểm soát của Phòng Thông Tin Văn Hóa Quận :

Ví dụ như vận động người dân không thả chim vì đó là mê tín đi đoan, cấm mang chim vào lăng bán cũng như cấm mang chim vào nội lăng để thả. Chuyện bói toán trong Lăng Ông không có, bảo vệ theo rất kỹ, Có xin xăm nhưng đó là tục lệ đầu năm của người dân để tin vào tín ngưỡng thôi.

Tin mới nhất, được truyền thông trong nước loan tải, là năm nay nhiều nơi của bà còn dân tộc Tây Nguyên đã bỏ qua lễ hội đâm trâu, cũng như tục chém lợn công khai, bị nhiều người lên án là quá man rợ khiến người ngoài hiểu lầm về cách sống hiếu hòa của người Việt Nam.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

*******************

Choáng trước tiền công đức trải đầy sàn nhà, người nhà đền xếp cả ngày không hết (SaoStar, 07/02/2017)

Hình ảnh hàng triệu tờ tiền lẻ lấy từ hòm công đức rải đầy thềm nhà, được người dân đếm và phân loại nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Câu chuyện về tiền công đức, tiền giọt dầu luôn trở thành vấn đề "nóng" trong dư luận xã hội. Việc làm thế nào để công khai, minh bạch trong vấn đề thu chi, sử dụng hợp lý, đúng mục đích số tiền này là bài toán khó giải không chỉ riêng nhà chùa, mà còn của cơ quan quản lý. Chính vì vậy, vào mùa lễ hội, nhiều nhà chùa đã mời các "vãi" hay những người cao niên trong làng đến đếm tiền công đức, tiền giọt dầu.

Mới đây, diễn đàn hơn 1 triệu thành viên chia sẻ clip một nhóm người cùng nhau đếm và phân loại hàng trăm nghìn tờ tiền lẻ rải đầy nền nhà ở Đền Hệ (xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đây chủ yếu là tiền giọt dầu (tiền lẻ) được người dân và khách thập phương công đức suốt một năm qua. Có khoảng 25 người cùng đếm tiền, trong đó mỗi người được phân công nhiệm vụ đếm tiền với mệnh giá khác nhau.

Theo thông tin từ một người đàn ông nói trong clip, ai cũng có thể tham gia đếm và phân loại tiền giọt dầu. Và đây được coi như việc làm công đức đầu năm, hoàn toàn minh bạch và công khác với mọi người.

metin3

Người dân cùng nhau phân loại tiền công đức

Theo tìm hiểu của PV, tiền công đức và tiền giọt dầu ở Đền Hệ (Thái Bình) đều do người dân tự nguyện góp tấm lòng thành của mình để bản đền đèn nhang, hương khói và dùng trong các hoạt động nội bộ trong đền. Số tiền này do nhà đền tự kiểm đếm, sử dụng và báo lại chính quyền địa phương.

Đền Hệ được nhân dân xây dựng để thờ hai vị hậu duệ của dòng họ Hùng Vương là bà A Đại Đồng Phu Nhân và Ngô Đồng Đại Vương.

Với nguyên trạng là một ngôi đền cổ nằm giữa cánh đồng, ngay cửa sông Cô thông ra sông Hóa có nhiều cây cao bóng mát, trong Đền có nhiều đồ tế khí cổ, nhiều bức chạm trổ tinh xảo…Đền Hệ vừa hoa mỹ nhưng rất linh thiêng ở một vùng đất "địa linh nhân kiệt".

Theo truyền thống của địa phương, Đền Hệ tổ chức hội khai xuân từ ngày mùng 4 tháng Giêng. Tổ chức lễ hội từ ngày mồng mười tháng 3 âm lịch (là ngày khai thần). Trong lễ hội bên cạnh việc dâng hương, tế lễ còn có nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa thể thao như : múa hát chèo, vật võ, bóng chuyền, bóng đá…

Đền Hệ xã Thụy Ninh là một công trình lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, một thắng cảnh sinh động ở một vùng quê lúa Thái Bình.

Published in Việt Nam
lundi, 06 février 2017 22:33

Nếu đồng chí Phật biết nói ?

Ở một đất nước mà hoạt động tâm linh bị biến tướng thành một thứ hoạt động mê tín, dị đoan và trên một nghĩa nào đó, các biểu tượng thần linh được kết nạp đảng, được xếp vào diện "đồng chí". Người dân chuyển từ sung bái các đồng chí thần linh, trưởng giáo sang sùng bái các đồng chí đảng và đến một lúc nào đó, nhân danh "uống nước nhớ nguồn", các đồng chí mẹ đảng, cha đảng cũng được sung bái như một thần linh… Có lẽ, dân trí của quốc gia đó, người dân trong quốc gia đó chẳng còn gì để bàn. Bởi các đồng chí thần linh ngoài vai trò để người ta sùng bái một cách u muội, sau khi được kết nạp đảng, các đồng chí lại có thêm chức năng mới, đó là bảo vệ đảng.

phat1

"Bọn tư bản miền Nam thờ đồng chí nào mà mập quá vậy ? Đúng là tư bản !".

Tôi còn nhớ một câu chuyện những năm sau 1975, khi mà hai miền đất nước không còn tiếng súng và cũng không còn tiếng nói tự do, câu chuyện này được truyền miệng lén lút với nhau (bởi thời đó, công an mà biết được ai đã truyền câu chuyện này ra ngoài thì chắc chắn sẽ mời lên đồn, đánh cho đến không còn răng ăn cơm mới cho về, không ngoại trừ bị đánh chết) về ‘đồng chí Phật’.

Đoàn quân cộng sản vào đến ngã ba Hòa Khánh, Đà Nẵng, nhìn thấy bức tượng Phật lớn, một chỉ huy hỏi : "Bọn tư bản miền Nam thờ đồng chí nào mà mập quá vậy ? Đúng là tư bản !". Một anh bộ đội chạy lên báo cáo : "Báo cáo cấp trên, đây là đồng chí Phật !". Chỉ huy hỏi tiếp : "Đồng chí Phật này được bao nhiều tuổi đảng ?". Anh lính thưa : "Dạ báo cáo, đồng chí Phật này già lắm rồi ạ, nhưng về tổng quan thì đồng chí ấy đã được quán triệt tinh thần bảo vệ đảng và trung thành với đảng".

Đương nhiên, lúc đó, đồng chí Phật không thể nói được gì bởi đồng chí là một pho tượng tọa thiền, ai có xem ngài là đồng chí, là lính là là gì thì cũng là chuyện của họ. Vấn đề là cái tinh thần đồng chí thì đã được các đệ tử của ngài dụng đến từ trước khi câu chuyện xảy ra rất lâu, từ những cuộc giấu súng trong chuông, trong chùa, biến chùa thành cơ sở hoạt động của đảng và nhiều hình thái hoạt động khác chẳng liên quan gì đến Phật giáo trong các ngôi chùa.

Cái tinh thần đồng chí ấy ngày càng mạnh hơn, khi mà tốc độ quay của đồng tiền ngày càng gây chóng mặt, người ta nghĩ đến chuyện buôn bán đồng chí của mình làm sao cho hiểu quả nhất. Chính vì vậy mà chỉ mới mấy ngày đầu năm, có rất nhiều đồng chí Phật được đắp tiền khắp thân hình, thậm chí, có đồng chí đại đức ở đất Bắc nghĩ đến cách ban lộc cho các đề tử bằng việc cầm một nắm tượng của đồng chí Phật nhỏ bằng những ngón tay, vãi xuống cho đám đệ tử bên dưới, và các đồng chí đệ tử phía dưới tranh nhau các bức tượng đồng chí Phật gọi là lấy lộc đầu năm !

Và nếu bạn từng chứng kiến cảnh đó, xin đừng buồn, cũng đừng thấy Đức Thế Tôn bị người ta mạo phạm. Bởi, không có Đức Phật ở đây, không có Đức Phật ở các ngôi chùa mà quanh năm suốt tháng chỉ có các hoạt động ốp đồng và những phi vụ kinh tế, ban lộc, kính thưa các loại phi vụ, trụ trì thì không biết nửa câu kinh và hút thuốc lá, uống rượu, nhậu nhẹt, không ngoại trừ hẹn hò gái gú… Ở đó sẽ không có Đức Phật mà chỉ có các đồng chí Phật.

Bởi suy cho cùng, lịch sử về Phật Giáo là có thật, Đức Thế Tôn là có thật và các triết thuyết của ngài để lại cho hậu thế là có thật. Nhưng để chuyển hóa sự thật ấy thành một niềm tin tôn giáo, thành một nguyên tắc hành giả cho mỗi người, điều đó bắt buộc mỗi cá nhân là Phật tử phải có niềm tin và ý niệm lành mạnh về Đức Thế Tôn của mình.

Và một khi có đủ niềm tin và sự tôn kính đúng mực, thực hành đạo pháp đúng mức, tùy vào giới hạnh để thực hành thì ngay bản thân các Phật Tử ngoài xã hội cũng không có những hành vi tranh giành lợi lộc một cách nhố nhăng và hỗn độn như đang thấy, riêng về giới hạnh của các bậc Tì Kheo, chân tu, chắc chắn không thể là những hành động vớ vẩn, chẳng giống ai như vậy, thậm chí mạo phạm Đức Thế Tôn, vốc một nắm tượng Đức Thế Tôn ném xuống cho đệ tử gọi là ban lộc. Hoàn toàn không có chuyện đó nếu thực sự có ý niệm Đức Phật ở các thầy chùa kia.

Đơn giản, không có ý niệm Phật Giáo ở những tay gọi là tu hành, trụ trì kia mà chỉ có quan hệ đồng chí. Đồng chí Phật phải đứng ra bảo vệ đảng bằng chính sự tôn thờ, tin tưởng của các đồng chí Phật Tử. Đồng chí Phật phải cho các Phật tử thấy rằng bản thân đồng chí cũng là một đảng viên và một khi được kết nạp đảng, đó là một vinh hạnh. Và quan trọng hơn cả, dưới những mái chùa Cộng sản xã hội chủ nghĩa, đồng chí Phật phải luôn nhớ rằng sứ mệnh bảo vệ đảng là sứ mệnh thiêng liêng nhất của đồng chí. Đảng xây chùa, đưa đồng chí vào chùa không phải để tôn thờ mà là để đồng chí có chỗ phục vụ cho đảng.

Cái tinh thần phục vụ đảng không từ bất kể ai dưới mái chùa xã hội chủ nghĩa này, từ đồng chí bồ tát cho đến đồng chí Phật tổ, đồng chí Di Lặc hay đồng chí Thích Ca, đồng chí A Di Đà… Tất cả đều để phục vụ và bảo vệ đảng. Khi cần, đảng sẽ ném các đồng chí xuống sân để phục vụ cho nhu cầu gọi là cầu lộc, cầu tài, cầu hên đầu năm của đám đông.

Và bạn đừng buồn, bởi Đức Phật của bạn vẫn ở trong tâm hồn, trong trái tim và trong tâm linh của bạn đó, ngài vẫn ngự trị với tất cả sự tôn kính và niềm tin của bạn. Ở đó không có sự lợi dụng hay mạo phạm, bởi tất cả những ý đồ mạo phạm và hành vi lợi dung đều không phải là ý niệm hay niềm tin tôn giáo. Và người ta đã ngang nhiên lợi dụng, mạo phạm tôn giáo để thực hiện mưu đồ xây dựng đảng và bảo vệ đảng. Những thứ đó không phải là tôn giáo.

Ở đó chỉ có những đồng chí Phật của đảng, và nếu nói được, không chừng các đồng chí Phật của họ sẽ xin họ một điều duy nhất, đó là được ra khỏi đảng. Bởi các bức tượng đã lấm lem, đã chóng mặt vì bị các đồng chí xoay vòng, bôi bẩn và trù dập. Làm một đảng viên Phật có vẻ còn khổ hơn làm một anh bộ đội vác súng ra chiến trường !

Không chừng, một lúc nào đó, các đồng chí Phật sẽ đồng loạt viết đơn xin ra khỏi đảng. Và lúc đó, câu chuyện lịch sử Việt Nam sẽ khác, ngã rẽ lịch sử thường bắt đầu từ những thần dân tôn giáo hay những đồng chí tôn giáo. Điều này chưa sai một li nào trong lịch sử !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA tiếng Việt, 06/02/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn