Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm 2020 là năm trăng mờ gió thảm, đại dịch Covid 19 nổ ra, phơi bày mọi sự yếu kém của mô hình quản trị toàn cầu. Hội đồng bảo an với tư cách là trung tâm quyền lực thế giới, không thực hiện được đầy đủ chức năng, vai trò duy trì đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới, giải quyết các cuộc xung đột, đứng ra điều phối giữa các quốc gia vượt qua đại dịch. Không những vậy, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, báo hiệu một chu kỳ khủng hoảng mới của trật tự thế giới, mang dáng dấp như thời kỳ khủng hoảng chính trị ở Châu Âu vào những năm cuối thế kỷ 19.

phattrien1

Việt Nam sau 35 năm tiến hành Đổi mới, áp dụng thành công mô hình phát triển Đông Á, mang lại nhiều chuyển biến tích cực và thành tựu đáng tự hào trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế có sự chuyển biến rõ nét, từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phấn, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Đời sống của người dân liên tục nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, vị thế, sức mạnh quốc gia được giữ vững.

Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới đang trải qua thời kỳ chuyển giao mới về quyền lực chính trị và phương thức quản trị toàn cầu. Mô hình trật tự đơn cực đã và đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp với những diễn biến chính trị thế giới, một mô hình mới đang xuất hiện, nổi bật là vai trò của các cường quốc mới nổi, ngày càng thể hiện sức mạnh, vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế.

Hai đặc điểm nổi bật của trật tự thế giới trong giai đoạn hiện nay là các quốc gia có xu hướng đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích quốc tế và Hoa Kỳ không còn đủ sức mạnh, vị thế, tham vọng, uy tín quốc gia để đảm bảo, duy trì hòa bình, an ninh thế giới. Thế giới cần một luật chơi mới, nhiều thiết chế, khung ràng buộc pháp lý mới để điều tiết xung đột, quan hệ quốc tế và lợi ích giữa các quốc gia.

Trong bối cảnh lịch sử hiện tại, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp, không tạo tiền đề, động lực để nền kinh tế có chu kỳ tăng trưởng mới, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Yêu cầu của lịch sử và thách thức của thời đại đòi hỏi Việt Nam cần phải đề ra chương trình "Đổi mới 2.0", tiếp thu, vận dụng những thành tựu trong công cuộc Đổi mới từ Đại hội 6, đề ra nhiều cải cách thiết thực, mạnh mẽ và đột phá hơn nữa để nền kinh tế Việt Nam có động lực và sức mạnh vượt qua khó khăn, xây dựng được một mô hình kinh tế mới, phù hợp với xu thế trật tự thế giới, đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

1. Sự biến đổi của trật tự thế giới

Sau Chiến tranh Lạnh, xu thế chủ đạo chi phối sự vận hành và phát triển của thế giới là hòa bình, ổn định và cùng phát triển giữa các quốc gia. Châu Âu mừng rỡ sau khi Liên Xô sụp đổ, hồ hởi đón nhận xu thế toàn cầu hóa về kinh tế và chính trị. Hoa Kỳ vươn lên trở thành siêu cường độc bá của thế giới ở tất cả các khía cạnh từ kinh tế, chính trị và quân sự.

Về kinh tế, các quốc gia tích cực hợp tác làm ăn, xóa bỏ nhiều hàng rào thuế quan và chế độ bảo hộ mậu dịch, tự do trao đổi buôn bán. Lợi ích quốc tế được nhiều nước đặt trên lợi ích quốc gia, với tầm nhìn về một thế giới đại đồng, cùng phát triển sẽ tác động dội ngược, đem lại hòa bình, thịnh vượng và phát triển cho từng quốc gia thành viên. Trong giai đoạn này, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập, vòng đàm phán Doha được mở ra, rất nhiều quốc gia chớp được thời cơ lịch sử, vươn lên trở thành cường quốc kinh tế như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

Sau hơn 30 năm, cùng với những biến chuyển của lịch sử, nhân loại đang bước vào một trật tự mới với những đặc điểm chủ đạo như sau :

– Một trật tự đơn cực với vai trò trung tâm của Hoa Kỳ không còn, thay vào đó là trật tự đa cực, thể hiện ở sự vươn lên các cường quốc, mong muốn tìm lại ánh hào quang xưa, gây dựng tiếng nói và vị thế lớn hơn trong việc duy trì hòa bình, an ninh thế giới, đem lại lợi ích cho đất nước.

– Hai là chủ nghĩa dân tộc lên cao, kết tinh vào chính sách đối ngoại của từng quốc gia, đặc biệt là các cường quốc. Hậu quả lớn nhất là những thiết chế vốn được thành lập trong quá khứ để duy trì hòa bình, an ninh thế giới dần không phát huy tốt hiệu quả, các cường quốc có xu hướng phớt lờ, bỏ qua những luật lệ của thế giới. Một viễn cảnh bất ổn, xung đột và tranh chấp giữa các quốc gia, các khu vực sẽ ngày càng gia tăng.

– Ba là về kinh tế, xu hướng "toàn cầu hóa" sẽ không còn phù hợp trong giao dịch thương mại toàn cầu. Thay vào đó là xu hướng "khu vực hóa" khi các quốc gia có chung lợi ích, hệ giá trị sẽ lập thành những khu vực thương mại tự do riêng, với những ưu đãi giành riêng cho thành viên. Hậu quả là các quốc gia không phải thành viên trong "khu vực" sẽ chịu nhiều thiệt hại và khó khăn trong việc tiếp cận vào thị trường.

Trong xu thế "khu vực hóa" nổi lên là sự cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường kinh tế là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là hai quốc gia duy nhất có đủ sức tác động làm thay đổi luật chơi thương mại toàn cầu. Do đó bất kỳ một sự chuyển dịch về tầm nhìn phát triển kinh tế của Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ đều có tác động rất sâu rộng, ảnh hưởng đến mô hình phát triển kinh tế các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia lệ thuộc mạnh mẽ vào thương mại như Việt Nam.

– Bốn là sự vận động của trật tự thế giới hiện tại rất khác so với thời kỳ bắt đầu hình thành trật tự đơn cực. Kết thúc Chiến tranh Lạnh, thế giới chuyển từ trật tự hai cực sang trật tự đơn cực, nhưng các tổ chức, thiết chế được xây dựng với mong muốn duy trì hòa bình, an ninh thế giới như Liên Hợp Quốc (đặc biệt là Hội đồng bảo an), WTO, NATO, G7… ít nhiều vẫn phát huy được tác dụng và sức mạnh.

Hiện tại, trong xu thế trật tự toàn cầu mới đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với an ninh toàn cầu khi nhiều thiết chế cũ, được hình thành từ sau Thế chiến 2 đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, thiếu cơ chế phối hợp, sự ràng buộc về pháp lý, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả khi đưa ra những quyết sách quan trọng về hoà bình, ổn định, an ninh của toàn cầu.

– Năm là viễn cảnh tranh chấp, xung đột vũ trang, chiến tranh khu vực, bất ổn chính trị… sẽ ngày càng lan rộng ở trên thế giới, đặc biệt ở khu vực vốn nhạy cảm về lịch sử như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Âu, vùng Kavkaz, Nam Á, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương… Nguyên nhân vì trong giai đoạn chuyển tiếp, thế giới chưa hình thành, xây dựng được khung pháp lý, thiết chế để ràng buộc lợi ích các quốc gia, duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Thế giới sẽ vận động theo quyền lợi của các nước lớn.

– Sáu là trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn trong thế kỷ 21, thế chân vạc giữa ba trung tâm quyền lực của thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga sẽ được thiết lập. Mỗi quốc gia đều có những lợi thế nhất định và những khó khăn trong việc cạnh tranh, giành ảnh hưởng ở những khu vực, điểm nóng trên thế giới.

Trong đó nổi bật hơn cả là cuộc canh tranh quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực được coi là trung tâm quyền lực của thế giới trong thế kỷ 21. Nơi đây sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa một bên là Hoa Kỳ – siêu cường hiện tại và duy nhất của thế giới với một bên là Trung Quốc, siêu cường kinh tế đang trỗi dậy, ngày càng có tham vọng bành trướng ảnh hưởng, mong muốn giành ảnh hưởng một nửa Thái Bình Dương.

Trong xu hướng chuyển động của trật tự thế giới nửa đầu thế kỷ 21, có hai kịch bản có thể xảy ra :

Đầu tiên đó là viễn cảnh một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trung Quốc hiện tại đang đi theo còn đường đúng như Đế quốc Nhật Bản khi xưa từng đi và rất sợ lặp lại bi kịch của Nhật Bản từng gặp khi bị Hoa Kỳ và đồng minh bao vây cấm vận. Do đó, Trung Quốc thực hiện chiến lược "Vành đai và con đường", mở ra những hướng đi mới bước ra thế giới, tránh trường hợp lệ thuộc quá nhiều vào con đường biển đi qua eo biển Malacca.

Hoa Kỳ hiện tại là siêu cường duy nhất của thế giới, tuy nhiên về sức mạnh, tầm ảnh hưởng với thế giới, các nước đồng minh không thể bằng thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh. Để đối phó với một Trung Quốc đang lên, các đời Tổng thống gần đầy là Donald Trump và Joe Biden đã xác định một cách rõ ràng về tầm nhìn an ninh quốc gia khi nhận định Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất. Hoa Kỳ cùng với các nước đồng minh thành lập Nhóm Bộ Tứ giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, liên minh AUKUS giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc.

Tất cả đặt ra bài toán an ninh đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bất cứ một xung đột, mâu thuẫn một khi được đẩy lên cao, chiếc bẫy Thucydides sẽ sập xuống, một cuộc chiến tranh như cách Nhật Bản khơi mào khi tấn công vào Trân Châu Cảng (1941) sẽ xảy ra và hậu quả không thể lường trước.

Đây là một kịch bản không hề mong muốn, tuy nhiên trong quan hệ giữa các siêu cường hiện tại, kịch bản này sẽ xảy ra xác xuất khá thấp. Xu thế trật tự thế giới hiện tại, các quốc gia luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc trên hết. Một cuộc chiến tranh, xung đột quân sự sẽ làm cho các quốc gia trả một cái giá rất đắt.

Thay vào đó, một kịch bản theo tôi là hợp lý và dễ xảy ra nhất là trật tự thế giới hiện tại sẽ vận động theo đúng những gì các cường quốc Châu Âu phân chia ảnh hưởng sau khi cuộc chiến chống lại Napoleon kết thúc (1814 – 1815). Khi đó 5 cường quốc Châu Âu là Anh, Pháp, Phổ, Nga và Áo sẽ cùng nhau ngồi lại, đàm phán, xây dựng thế ổn định "mong manh", một nền hoà bình tương đối ở Châu Âu. Lịch sử gọi đó là "Buổi hoà nhạc Châu Âu".

Trật tự thế giới hiện tại rất có thể sẽ vận động theo kịch bản đó, một vài cường quốc sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng, gây dựng tiếng nói để có thể có một ghế trong "Buổi hoà nhạc thế kỷ 21" và cùng nhau thiết lập một thế hoà bình "tương đối" ổn định của thế giới.

2. Sự kết thúc của xu hướng toàn cầu hóa

Ý tưởng về một thế giới toàn cầu hóa được xuất hiện từ Hội nghị Bretton Woods vào năm 1944, đề xuất thành lập Tổ chức thương mại quốc tế (ITO) nhằm thiết lập các quy tắc và luật lệ cho thương mại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, việc Thượng viên Hoa kỳ không phê chuẩn Hiến chương ITO là gáo nước lạnh đầu tiên dội vào tham vọng xây dựng một thế giới toàn cầu hóa.

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, trong tâm thế vui mừng của lịch sử, học giả Francis Fukuyama nhận định "Sự cáo chung của lịch sử", ông khẳng định "thể chế dân chủ tự do" và "nền kinh tế thị trường tự do" là xu thế, trật tự và mô hình cuối cùng của kinh tế, chính trị toàn cầu. Tinh thần hồ hởi của lịch sử dẫn đến sự ra đời của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 1995.

Mục tiêu cao nhất của WTO là xây dựng một thế giới toàn cầu hóa với việc giảm tối đa hàng rào thuế quan và hạn ngạch thương mại, các quốc gia tự do trao đổi buôn bán, với mong muốn xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những nước đang và kém phát triển.

Tuy nhiên, trải qua gần 30 năm, cùng với sự phát triển, vươn lên các cường quốc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo giữa các quốc gia ngày càng gia tăng… đã chứng minh cho thấy "thể chế dân chủ tự do" chưa hẳn là mô hình chính trị toàn cầu, phù hợp với tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới.

Thất bại của vòng đàm phán Doha là gáo nước lạnh thứ hai dội vào tham vọng xây dựng một thế giới toàn cầu hóa, đánh dấu sự thất bại trong việc hoạch định tầm nhìn của WTO.

Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh tại Osaka (2019), các thành viên G20 nhất trí thống nhất phải tiến hành cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với mục tiêu xây dựng một "thị trường mở và sân chơi công bằng cho mọi quốc gia".

Trong tuyên bố chung tại lễ bế mạc, các nhà lãnh đạo G20 đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, ủng hộ nguyên tắc cơ bản xây dựng "hệ thống thương mại và đầu tư tự do, nhằm đảm bảo thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể đoán trước và ổn định" đồng thời nhất trí sử dụng "mọi công cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những nguy cơ xấu và đạt tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.

2.1 Cải cách WTO

Trải qua 25 năm hoạt động, WTO đã đánh mất vai trò, trách nhiệm và sức mạnh trong việc điều phối, giải quyết tranh chấp thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nó đặt ra một tiền lệ xấu cho các quốc gia khác trên thế giới, sẵn sàng lấy lý do "bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc", xé bỏ những ràng buộc pháp lý và chuẩn mực thương mại đã từng cam kết khi gia nhập WTO.

Ba chức năng chính của WTO đang bộc lộ nhiều thiếu sót, không phù hợp với xu thế kinh tế và chính trị toàn cầu:

– Một là về cơ chế phân loại chưa rõ ràng: Từ ngày mới thành lập, hệ thống phân loại thành viên của WTO khá đơn giản, giữa một bên là nước phát triển và một bên là phần còn lại. Để tạo sân chơi công bằng và thúc đẩy kinh tế giữa các quốc gia, WTO đưa ra nhiều ưu đãi cho các nước đang và kém phát triển khi bước vào sân chơi thương mại toàn cầu, với mục tiêu giảm tối đa hạn ngạch và hàng rào thuế quan để hàng hóa và dịch vụ các nước đang và kém phát triển tiếp cận vào thị trường các nước phát triển, mục tiêu giúp cho các nước kém và đang phát triển có cơ hội tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo, thất nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống phân loại này đã bộc lộ sự không phù hợp, 2/3 các nước trong 164 nước thành viên WTO vẫn coi mình là nước đang phát triển để tiếp tục nhận sự ưu đãi. Đặc biệt là có đến 10/20 quốc gia là thành viên của G20 vẫn coi mình là nước đang phát triển.

Lý do chính nằm ở nguyên tắc phân loại của WTO không rõ ràng, các thành viên có quyền "tự chọn" vị thế của mình, dẫn đến hậu quả nhiều nước có nền kinh tế vào loại lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… nhưng vẫn coi mình là nước đang phát triển để nhận nhiều ưu đãi và đóng góp ít nghĩa vụ.

Đối với Trung Quốc khi gia nhập vào năm 2001, WTO chấp nhận Trung Quốc là nước có nền kinh tế phi thị trường trong vòng 15 năm với nhiều ưu đãi về thuế quan, hạng ngạch, luật lệ. Tuy nhiên đến năm 2016, Trung Quốc thể hiện hai bộ mặt, một bộ mặt luôn kêu gọi thế giới công nhận là nước có nền kinh tế thị trường để tránh bị bất lợi trong các cuộc tranh chấp thương mại, một bộ mặt tiếp tục ưu đãi doanh nghiệp nhà nước, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp bản quyền trí tuệ từ các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc.

– Hai là chức năng đàm phán bắt đầu thể hiện sự khủng hoảng. Bản chất hoạt động của WTO dựa trên sự đồng thuận hoàn toàn của 164 thành viên. Tuy nhiên, thế giới đã và đang bước sang trật tự mới, kéo theo đó là nhiều quốc gia lui về chủ nghĩa bảo hộ, lấy ưu tiên lợi ích quốc gia trên hết. Xu thế nhiều quốc gia, nhóm quốc gia đang thiết lập các khu vực thương mại tự do riêng biệt đang dần rõ nét, dần phủ nhận những quy định từ WTO.

Yêu cầu về sự đồng thuận cũng đặt ra bài toán khó khi các nước WTO tiến hành các bước quan trọng để xây dựng một luật lệ thương mại mới, chi phối và vận hành thương mại toàn cầu trong trật tự thế giới mới.

– Ba là chức năng phán xử, giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu đang bộc lộ sự thất bại. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự lỗi thời của WTO và Tổng thống Trump lên nắm quyền mong muốn viết lại luật chơi thương mại toàn cầu. Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo, nếu WTO không cải tổ thì Hoa Kỳ sẽ rút khỏi WTO.

Hiện thực hóa tuyên bố, Tổng thống Trump quyết định không bổ nhiệm Thẩm phán Hoa Kỳ vào Cơ quan phúc thẩm của WTO (đây là cơ quan có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp thương mại trên thế giới).

Về nguyên tắc thì Cơ quan phúc thẩm có 7 thành viên, nhưng hiện tại chỉ còn lại 1 thành viên đến từ Trung Quốc, do Hoa Kỳ và Ấn Độ chưa bổ nhiệm người thay thế. Hậu quả là các tranh chấp thương mại giữa các quốc gia trong WTO không có một cơ quan có nhiệm vụ làm trung gian giải quyết, điều hòa tranh chấp và thương mại toàn cầu sẽ trôi vào luật lệ "cá lớn nuốt cá bé" trong xu thế các quốc gia luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích quốc tế.

Hậu quả nhãn tiền là WTO sẽ trôi vào thoái trào, yêu cầu cấp thiết là cải tổ một cách toàn diện hoặc WTO sẽ mất vai trò lịch sử.

2.2 Xu thế khu vực hóa thay thế xu thế toàn cầu hóa

Thất bại của Vòng đàm phán Doha đã tạo điều kiện thúc đẩy một xu hướng "khu vực hóa" trong quan hệ thương mại, thúc đẩy các quốc gia, nhóm quốc gia xây dựng các hiệp định thương mại tự do cho từng nhóm khu vực như Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (EU), Hiệp định đối tác và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP)...

Về cơ bản, ba hiệp định trên thành lập để khỏa lấp sự thất bại của vòng đàm phán Doha khi khó có thể thuyết phục được tất cả các nước trong WTO đồng ý xây dựng một khu vực thương mại tự do hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, sự kiện Tổng thống Trump lên nắm quyền và viết lại luật chơi thương mại toàn cầu đã làm thay đổi tất cả, từ tham vọng toàn cầu hóa đến tham vọng xây dựng một khu vực hóa có tầm bao quát như TTIP hay RCEP. Tổng thống Trump với khẩu hiệu "Hoa Kỳ trên hết" đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia trên thế giới lợi dụng, chèn ép, giành công ăn việc làm của người dân Mỹ.

Nhìn lại quá trình 4 năm thực hiện chính sách thương mại, Tổng thống Trump không phải là người có tư tưởng ủng hộ bảo hộ mậu dịch, chống thương mại tự do. Tổng thống Trump mong muốn xây dựng những thỏa thuận thương mại, khu vực thương mại có lợi hơn cho Hoa Kỳ.

Thành công trong việc thuyết phục Canada, Mehico, Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết Hiệp định thương mại tự do tạo nên sự tự tin và sức mạnh cho Tổng thống Trump tiếp tục con đường viết lại luật chơi thương mại toàn cầu.

Tháng 2/2020, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã phát đi thông báo cho biết Chính phủ Hoa kỳ quyết định thu hẹp danh sách các quốc gia kém phát triển và đang phát triển. Các nước bị Hoa Kỳ loại khỏi danh sách các nước đang phát triển gồm: Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, Georgia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyz, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam.

Động thái của Hoa Kỳ cho thấy sự thất vọng của Tổng thống Trump trong cách điều hành và hoạt động của WTO khi hai cường quốc kinh tế là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn xếp là quốc gia đang phát triển. Việc xếp loại này đưa đến viễn cảnh, Hoa Kỳ sẽ không giải quyết các thanh chấp thương mại theo luật lệ của WTO, thay vào đó là quy tắc của Hoa Kỳ.

Hậu quả rất nhiều quốc gia, như Việt Nam chẳng hạn, muốn tiếp cận thị trường, ký kết hiệp FTA với Hoa Kỳ thì chấp nhận vị thế là nước phát triển và chịu nhiều nhượng bộ và thiệt hại.

Đối với Tổng thống Joe Biden, trong tầm nhìn về chính sách đưa Hoa Kỳ trở lại vị thế dẫn đầu, ông mong muốn đưa nền kinh tế Mỹ hội nhập với thị trường toàn cầu. Nhưng ông cũng cảnh báo, Hoa Kỳ chỉ tham gia các thỏa thuận thương mại nếu nền kinh tế Mỹ đủ sức cạnh tranh vào thị trường toàn cầu và các quốc gia đối tác đáp ứng được hai yêu cầu về chế độ công đoàn và môi trường.

Trong xu thế mới dưới thời Tổng thống Biden, xu hướng Hoa Kỳ sẽ ghìm quan hệ thương mại vào lợi ích chính trị quốc gia. Các quốc gia là đồng minh ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á… sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận vào thị trường Hoa Kỳ.

Với Trung Quốc, câu chuyện lại khác, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là mâu thuẫn giữa một bên là siêu cường số 1 và một bên là cường quốc thứ 2 đang có tham vọng lật đổ vị thế của Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ là cuộc chiến về thương mai, đó là cuộc chiến về vị thế quốc gia. Quá trình đàm phán FTA không đơn thuần ở khía cạnh thương mại, lan sang cả vấn đề nhân quyền, chính trị và an ninh quốc gia.

Viễn cảnh về "khu vực hóa" đang đặt ra nhiều thách thức cho nhiều quốc gia tham dự vào sân chơi thương mại toàn cầu. Với những nước có nền kinh tế đa dạng, ít phụ thuộc vào xuất khẩu thì tỷ lệ thiệt hại sẽ giảm, nhưng những quốc gia lệ thuộc vào xuất khẩu, lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế thì đây là một thách thức rất lớn, đặc biệt là khi Hoa Kỳ cố gắng viết lại luật chơi và kết hợp hai vấn đề thương mại vào chính trị và an ninh.

phattrien2

3. Mô hình Đông Á đang bộc lộ sự lỗi thời

Mô hình phát triển Đông Á, hay còn gọi là mô hình chủ nghĩa tư bản được nhà nước bảo hộ, là hệ thống những chính sách, chủ trương kinh tế được nhà nước đầu tư, giúp đỡ để phát triển một vài lĩnh vực nhất định, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân, để kích thích sự tăng trưởng kinh tế.

Đây là mô hình được áp dung rất thành công ở những nước Đông Á như Nhật Bản và bốn con rồng Châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong). Ngày nay, với những thành tựu trong phát triển kinh tế sau 40 năm đổi mới và cải cách, Trung Quốc cũng được coi là quốc gia thành công trong việc áp dụng mô hình Đông Á.

Về bản chất, thành công của mô hình Đông Á là sự kết hợp hoàn hảo giữa nền kinh tế thị trường tự do với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà nước. Các chính phủ nhận thấy một vài hạn chế của thị trường trong mô hình phát triển tự do phương Tây, nên đã triệt để áp dụng các biện pháp can thiệp để thúc đẩy kinh tế.

Đặc điểm của mô hình Đông Á là sự kiểm soát tài chính của Nhà nước và sự hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành trọng điểm, lấy xuất khẩu làm động lực đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, kết hợp với tỷ lệ tiết kiệm cao của người dân.

Thành tựu tự hào nhất là sau hàng chục năm áp dụng, nhiều quốc gia vươn lên trở thành cường quốc kinh tế, trở thành nước công nghiệp mới, bước vào hàng ngũ những nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Hàng trăm triệu người ở nước kém phát triển, đang phát triển đã thoát khỏi khó khăn nghèo đói, đời sống người dân nâng lên, an sinh xã hội đảm bảo... Nền kinh tế Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới, vài quốc gia ở Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan đang dần đến ngưỡng cửa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình…

3.1. Ba giai đoạn phát triển của mô hình Đông Á

Giai đoạn đầu tiên của mô hình phát triển Đông Á là nhiều quốc gia tiến hành cải cách ruộng đất, kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến năng suất lao động. Mục tiêu trước mắt là thúc đẩy sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu việc làm, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp. Tiếp đến là giải quyết vấn đề an ninh lương thực, thưc hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo cho người dân, thúc đẩy sư phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất phục cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Thành tựu kinh tế từ khu vực nông thôn sẽ được sử dụng để tái tài trợ cho các hoạt động sản xuất các mặt hàng đơn giản, giá rẻ, sử dụng nhiều lao động, tiến tới xây dựng được chỗ đứng nhất định trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển cơ sở hạ tầng và nền tài chính hiện đại.

Giai đoạn 2 bắt đầu khi nền kinh tế phát triển đến một trình độ nhất định, thu nhập của người lao động nâng cao, chi phí sản xuất tăng lên, vai trò của Chính phủ sẽ thay đổi, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cũng ứng toàn cầu, bằng cách tạo cơ chế cho phép doanh nghiệp trong nước tiếp cận các công nghệ, sản phẩm trí tuệ từ những nước phát triển.

Trong giai đoạn này, nền kinh tế đã tham gia sâu hơn vào đời sống kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp non trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty đa quốc gia từ nước phát triển trong việc giành giật, chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, ngành tài chính, ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa và bãi bỏ nhiều quy định trong việc kiểm soát các dòng vốn ngắn hạn ra và vào nền kinh tế.

Giai đoạn ba của quá trình phát triển Đông Á là chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế đất nước từ ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến có giá trị thấp thành nước đóng góp cao hơn về công nghệ, giá trị sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế đất nước sẽ hướng đến phát triển mạnh vào các ngành dịch vụ, như du lịch, ngân hàng, bảo hiểm…

3.2. Sự lỗi thời của mô hình Đông Á

Đầu năm 1993, Ngân hàng thế giới đã công bố một bản báo cáo đánh giá toàn diện về phép màu Đông Á, theo đơn đặt hàng của chính phủ Nhật Bản. Bản đánh giá nghiên cứu về sự phát triển kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.

Bên cạnh việc đánh giá cao vai trò của thị trường trong việc phân bổ nguồn vốn vào nền kinh tế, bản đánh giá có một phần quan trọng nhận định về các cơ sở, nguyên nhân thúc đẩy phép màu Đông Á, đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ chính sách phát triển công nghiệp.

Bản đánh giá đã gây ra một sự căng thẳng giữa những nhà kinh tế và phía nhà tài trợ Nhật Bản, cuối cùng đã đưa ra kết luận : Các điều kiện phát triển để thành công ở Châu Á chỉ mang tính đặc thù đến mức khó có thể thành công ở những quốc gia, khu vực khác với điều kiện kinh tế, chính trị khác biệt.

Hiện nay, mô hình Đông Á đang đi đến cuối quá trình phát triển, động lực chính thúc đẩy sự thành công của mô hình Đông Á đã không còn. Tốc độ tăng trưởng dân số, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng thương mại. Các quốc gia vốn lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế sẽ không còn gặt hái được nhiều thành công.

Xuất khẩu hàng hóa theo tỷ lệ phần trăm GDP toàn cầu đạt đỉnh 27% vào năm 2008, tăng từ 15% vào năm 1990. Con số đó đã giảm xuống còn 22% vào năm 2018. Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới, áp dụng rất thành công của mô hình Đông Á nhưng đã giảm tỷ lệ xuất khẩu trong GDP, từ mức 35% vào năm 2008 đã xuống mức 18% vào năm 2019.

Điều đó cho thấy "miếng bánh" của thương mại thế giới ngày càng nhỏ lại, trong khi rất nhiều quốc gia tiếp tục chọn xuất khẩu làm động lực tăng trưởng kinh tế, hậu quả là các quốc gia sẽ cạnh tranh nhiều hơn, phần nhận được sẽ dần ít.

Nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu trong thập niên gần đây ở mức thấp, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã thay đổi văn hóa tiêu dùng, người dân có xu hướng chi tiêu ít đi, tiết kiệm cao hơn. Các hộ gia đình của Mỹ và Châu Âu bắt đầu hạn chế việc vay tiền để chi tiêu cho các sản phẩm đến từ Châu Á. Lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) và ngân hàng Trung ương Châu Âu đều giảm mạnh đã thúc đẩy đầu tư quá mức, vượt quá khả năng tiêu thụ của người dân.

Không những vậy, Trung Quốc với tư cách là nước nhập khẩu hàng hóa thứ 2 thế giới đang thay đổi mô hình phát triển kinh tế. Trước sức ép đến từ Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra phương hướng cải cách nền kinh tế theo mô thức "tuần hoàn kép", tức là bên cạnh việc tiếp tục xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, Trung Quốc sẽ tập trung vào thị trường trong nước, nâng cao mức tiêu thụ nội địa và bảo hộ hơn nữa hàng hóa trong nước. Điều này sẽ tạo ra khó khăn rất lớn cho các nước muốn tiếp cận vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Với Hoa Kỳ, từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức, với quan điểm "Hoa Kỳ trên hết", đã cố gắng viết lại luật chơi thương mại toàn cầu. Xu thế toàn cầu hóa sẽ không còn phát huy tác dụng, thay vào đó là xu hướng "khu vực hóa", với việc khép kín chuỗi cung ứng sản phẩm trong từng khu vực. Không những vậy, Hoa Kỳ có xu hướng ràng buộc các quan hệ thương mại với các lợi ích về chính trị, an ninh, lợi ích quốc gia trong bàn cờ chính trị toàn cầu. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho các quốc gia muốn tiếp cận, ký kết các thỏa thuận thương mại tự do, xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.

Điều đó đồng nghĩa với việc phá giá, hạ thấp giá trị đồng nội tệ sẽ không còn là phương thuốc hữu ích để kích thích xuất khẩu. Nó chỉ có giá trị trong ngắn hạn, còn dài hạn, việc hạ thấp giá trị đồng tiền sẽ kích thích sự thoái chạy đồng vốn tư bản ra ngoài, không những vậy sẽ làm cho các hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, tạo ra khó khăn cho người dân.

Vì vậy, các nước Châu Á muốn thịnh vượng, phát triển hơn trong thời gian tiếp theo thì cần phải thay đổi mô hình kinh tế, chuyển từ vị thế là người sản xuất để trở thành người tiêu thụ cuối cùng. Các nước Châu Á cần xây dựng một thị trường riêng, thay vì trông chờ và phụ thuộc vào thị trường của những nước phát triển. Tầm nhìn về một mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ nội địa, sức sáng tạo và năng động của hệ thống doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, ổn định ở các quốc gia trong khu vực Châu Á, thay thế mô hình Đông Á vốn đã và đang bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với xu hướng kinh tế, chính trị thế giới.

4. Sự lỗi thời của mô hình phát triển kinh tế Việt Nam

Đại dịch Covid 19 đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu. Hậu quả lớn nhất là tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng cao.

Theo quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 ở mức 6%, cao hơn con số do Ngân hàng Thế giới (WB) là 5,6%. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng kinh tế giảm 6,17% trong quý III 2021, dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bị kéo giảm xuống còn 3,8% (theo số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB).

phattrien3

Điều đó cho thấy, với một nền kinh tế "mở" như Việt Nam, bất kỳ một ảnh hưởng xấu nào từ thế giới sẽ có tác động dội ngược, trực tiếp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến các kế hoạch tầm nhìn 10 năm, 20 năm.

Về chính trị, đại dịch Covid 19 được coi là tiếng chuông báo hiệu sự kết thúc của phong trào toàn cầu hóa, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc lên cao với tư tưởng đề cao lợi ích dân tộc lên trên lợi ích quốc tế, hậu quả nhãn tiền là có thể gây ra bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở nhiều khu vực nóng trên thế giới.

Khi so sánh nền kinh tế Việt Nam với thế giới, chúng ta nên nhìn từ hai khía cạnh. Một là trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 2,9%, thấp nhất trong thập niên 2011 – 2020. Tuy nhiên, nếu nhìn trên bình diện thế giới, con số 2,9% là con số đáng tự hào, Việt Nam nằm trong số ít những quốc gia có chiến thắng kép, vừa đẩy lùi đại dịch Covid 19, vừa giữ được mức tăng trưởng kinh tế dương.

Ở khía cạnh thứ hai, thế giới bước vào năm 2021 với những tiến bộ về phát triển vaccine, tốc độ tiêm chủng ở nhiều quốc gia, tốc độ tăng trưởng toàn cầu đã có dấu hiệu tích cực, thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam lại đang trong tình trạng "hụt hơi".

Kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển, mục tiêu đưa đất nước đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao là điều có thể đạt được. Tuy nhiên, nhìn một cách lâu dài về tầm nhìn, vị thế, sức mạnh dân tộc, Việt Nam cần phải thay đổi rất nhiều, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao.

Về bản chất, mô hình kinh tế Việt Nam gặp lỗi thời ở hai nguyên nhân : một là bản thân mô hình phát triển kinh tế Việt Nam áp dụng theo mô hình Đông Á đã và đang đi hết con đường phát triển, hai là tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu đang bộc lộ rất nhiều thách thức, tạo ra ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam.

4.1. Về bản thân mô hình kinh tế Việt Nam

Về bản chất, mô hình kinh tế Việt Nam theo đuổi lấy xuất khẩu và vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) làm động lực tăng trưởng kinh tế. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức trên 200% GDP. Đây là một con số đáng tự hào nhưng cũng đáng để lưu tâm, khi bất kỳ một tác động xấu của kinh tế, chính trị toàn cầu dội ngược sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD, nhưng chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu lên đến 2,7 tỷ USD. Vấn đề nằm ở chỗ một nền kinh tế "mở" như Việt Nam đang chịu rất nhiều sức ép và áp lực đến từ sức khoẻ của thị trường quốc tế.

Không chỉ vậy, nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng lệ thuộc vào một vài doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp đầu tiên là Samsung, có tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được công bố là 17,3 tỷ USD, mang lại doanh số xuất khẩu là 59 tỷ USD (2019), tương đương 22% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng chỉ cần Samsung gặp khó khăn trong sản xuất, lỗi sản phẩm như trường hợp Note 7 vào năm 2017 thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động.

Thứ hai, thành tựu về thu hút vốn FDI vào Việt Nam không đạt được nhiều kỳ vọng mong muốn trong việc lan tỏa, tạo sự liên kết, nâng đỡ các doanh nghiệp trong nước, để tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI.

Cái được trong việc thu hút FDI là quá rõ ràng, nhưng cái mất thì ít được chú ý. Việt Nam dành rất nhiều ưu đãi về thuế, chính sách khi thu hút các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, sẽ gây ra sự mất cân đối đến sự phát triển các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân – đây mới là sức mạnh nền tảng, bền vững của kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, khu vực FDI có nhiều đóng góp giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế, giảm tỉ lệ nhập siêu nhưng giá trị Việt Nam nhận được trong chuỗi cung ứng toàn cầu lại không cao. Nguyên nhân nằm ở các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ nhận nhiệm vụ gia công, lắp rắp… trong khi giá trị cao nhất của sản phẩm là công nghệ, bản quyền thì Việt Nam chưa có được.

Thứ tư là chất lượng nhân lực của Việt Nam thấp, tác động trực tiếp lên hai yếu tố : sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá trị người lao động nhận được, tương ứng với mức thu nhập và chi tiêu của người dân.

Đây là bài toán rất khó cho Việt Nam khi xây dựng mô hình phát triển mới, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động Việt Nam có ưu điểm là cần cù, thông minh, chịu khó... nhưng đức tính cần thiết, quan trọng nhất trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là "sáng tạo" thì lao động Việt Nam lại không có được.

Thứ năm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với thế giới và khu vực còn yếu. Sau hơn 30 năm đổi mới, thành công lớn nhất là đưa Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa, nhiều thành phấn kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường.

Khu vực kinh tế tư nhân là khu vực được xác định là tương lai kinh tế đất nước, phát huy tối đa sự năng động của doanh nghiệp, sáng tạo của người lao động để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, và là động lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững... nhưng không nhận được nhiều ưu đãi bằng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Thứ sáu, công tác điều hành quản lý của nhà nước ở hai khía cạnh, điều hành nền kinh tế và quản trị các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tổng công ty và tập đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu trở thành "nắm đấm thép" của nền kinh tế, thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp vừa và nhỏ của đất nước đi lên. Nguyên nhân là trong công tác điều hành, Việt Nam áp dụng quá nhiều mệnh lệnh hành chính áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp.

Trên bình diện quốc gia, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng thị trường xuất khẩu lớn là Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường tự do, và viễn cảnh tương lai, nguy cơ mâu thuẫn, tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ là điều có thể xảy ra.

Thứ bảy, sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo đang được nới rộng bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường. Hậu quả là những thành tựu về phát triển kinh tế không được chia đều cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi khu vực của đất nước, ít nhiều gây ra bất ổn chính trị.

Về kinh tế, sự mất cân đối về thu nhập sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nội địa. Một nền kinh tế bền vững là nền kinh tế đạt được sự cân đối hài hòa về thu nhập, nâng cao mức sống, mức chi tiêu, tạo ra thị trường riêng và mạnh cho các doanh nghiệp trong nước.

Thứ tám, Việt Nam sắp bước qua giai đoạn dân số vàng, hậu quả nhãn tiền là tình trạng "chưa giàu đã già" của dân số Việt Nam, trực tiếp gây ra các áp lực về vấn đề an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe, quan hệ gia đình… cho nền kinh tế trong tương lai.

4.2. Yếu tố thế giới dội ngược

Như phân tích ở Phần 1, một trật tự thế giới đã và đang dần rõ nét, thay thế cho trật tự đơn cực được hình thành từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đặc điểm nổi bật cho trật tự thế giới mới là nó phủ nhận các thiết chế, luật lệ được hình thành từ sau Thế chiến 2 với tư cách đảm bảo, duy trì hòa bình an ninh thế giới.

Về thương mại, mô hình toàn cầu hóa đã đi hết chặng đường của lịch sử. Bắt nguồn từ Tổng thống Trump lên nhậm chức với quan điểm "Hoa Kỳ trên hết", đã rút ra khỏi nhiều tổ chức đa phương và vẽ lại luật chơi thương mại toàn cầu.

Trung Quốc với tư cách là siêu cường thứ hai thế giới, mong muốn thay Hoa Kỳ dẫn dắt xu thế tự do thương mại toàn cầu. Trong Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) vào năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay Hoa Kỳ giương cao ngọn cờ chống bảo hộ thương mại, bảo vệ toàn cầu hóa, ủng hộ các sáng kiến thương mại.

Tuy nhiên, hậu quả từ đại dịch Covid 19, từ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chuyển sang mô hình kinh tế "tuần hoàn kép" với hai yêu cầu chính là tiếp tục thực hiện chiến lược là công xưởng thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời hướng sức mạnh nền kinh tế vào thị trường trong nước, triệt để sử dụng lợi thế thị trường tiêu thụ 1,4 tỷ.

Đây không phải là mô hình mới, đó chỉ là sự chuyển hướng về tầm nhìn phát triển kinh tế, coi trọng yếu tố thị trường nội địa, sức tiêu thụ của người dân là động lực để Trung Quốc tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chiến lược này sẽ tác động đến các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc ưu tiên vào thị trường trong nước tức là ưu tiên các hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, hạn chế nhập khẩu các hàng hóa từ nước ngoài. Các biện pháp hạn chế sẽ là xây dựng hàng rào thuế quan, giảm hạn ngạch nhập khẩu…

Hậu quả nhãn tiền khi Hoa Kỳ viết lại luật chơi thương mại toàn cầu, Trung Quốc co mình lại, tâp trung vào thị trường trong nước sẽ càng thúc đẩy tư tưởng chủ nghĩa dân tộc lên cao, các quốc gia khác sẽ nghiêng về chính sách bảo hộ...Các nước đều ưu tiên lo cho doanh nghiệp trong nước và hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ thế giới.

Việt Nam là nước lệ thuộc rất lớn vào thương mại, tổng kim ngạch thương mại chiếm trên 200% GDP, đây sẽ là thách thức rất lớn. Yêu cầu của lịch sử và thách thức của thời đại buộc Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững trong tương lai.

phattrien3

5. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai

Đại dịch Covid 19 đang làm thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu, một trật tự thế giới mới đang dần được hình thành rõ nét, thay thế trật tự đơn cực do Hoa Kỳ lãnh đạo sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Tuy nhiên, đây không phải là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự kết thúc của trật tự thế giới cũ, sự vươn lên của Liên bang Nga và Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21 đã thách thức sự lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Trong hội nghị an ninh Munich năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo thế giới về sự kết thúc của trật tự thế giới đơn cực, nước Nga mong muốn có vị trí cao hơn và đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng một trật tự thế giới mới.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra trên toàn thế giới, báo hiệu sự kết thúc của phong trào toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc nổi lên ở nhiều quốc gia, lợi ích quốc gia đang được nhiều nước đặt trên lợi ích quốc tế.

Bối cảnh lịch sử đó thôi thúc các quốc gia tiến hành thay đổi chiến lược phát triển kinh tế, như Saudi Arabia đề ra Tầm nhìn 2030 với mong muốn cải tổ, đa dạng hóa ngành kinh tế, tránh trường hợp lệ thuộc nhiều quá vào ngành năng lượng. Ở Nhật Bản, Thủ tướng Abe đề ra chiến lược cải tổ kinh tế "Abenomics" với trọng tâm và tham vọng thúc đẩy, cải cách toàn diện nền kinh tế vốn quá trì trệ từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1991.

Đối với Trung Quốc, nhận thấy sức mạnh quốc gia nâng cao, mô hình kinh tế Đông Á đang theo đuổi đang đi hết quá trình phát triển, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề ra tham vọng "Made in 2025" với trọng tâm là thay đổi toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc, gia tăng hơn nữa hàm lượng giá trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong ngành công nghệ cao.

Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump nhìn ra xu thế và sự vận động của thế giới đã đề ra khẩu hiệu "Hoa Kỳ trên hết", đề ra chiến lược cải cách sâu rộng hệ thống thuế khóa, phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc để kéo các doanh nghiêp trở về Hoa Kỳ, giải quyết vấn đề thất nghiệp và lệ thuộc quá nhiều vào hàng hóa đến từ Trung Quốc.

Yêu cầu của lịch sử và thách thức thời đại buộc Việt Nam phải có tầm nhìn để xây dựng một mô hình phát triển kinh tế mới trong tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững cho nền kinh tế trong nước khi mô hình Đông Á đang đi hết chặng đường phát triển.

Khi nghiên cứu các mô hình phát triển, phải căn cứ vào tính hiệu quả, thực tiễn áp dụng và sự phù hợp của mô hình khi áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội, chính trị của Việt Nam. Một mô hình có thể phù hợp với quốc gia nào đó, nhưng nó chỉ có giá trị tương đối và không có giá trị phổ quát áp dụng cho tất cả quốc gia trên thế giới.

5.1 Các mô hình phát triển kinh tế

Mô hình tân tự do

Mô hình tân tự do hay là "Đồng thuận Washington" là thuật ngữ xuất hiện vào đầu thập niên 1990 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Học giả Francis Fukuyama nhận định đây là giai đoạn "cáo chung của lịch sử" và "chủ nghĩa dân chủ" và "tự do thương mại" sẽ là xu thế của thế giới. Mô hình là một tập hợp các chương trình cải cách kinh tế được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đề nghị áp dụng cho các quốc gia trên thế giới để vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Mười chính sách cải cách kinh tế bao gồm :

– Kỷ luật trong thực thi chính sách tài chính ;

– Chuyển hướng chi tiêu công sang giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng ;

– Cải cách hệ thống thuế, trọng điểm là yêu cầu giảm thuế ;

– Thị trường tự do điều chỉnh lãi suất ;

– Chế độ tỷ giá hối đoái được thị trường tự điều tiết ;

– Tự do hóa trao đổi thương mại ;

– Mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài ;

– Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước ;

– Loại bỏ xây dựng hàng rào bảo hộ và ngăn cản cạnh tranh giữa các quốc gia ;

– Củng cố pháp lý đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là chính sách kinh tế được áp dụng ở các nước có nền kinh tế phát triển, sức mạnh kinh tế được tích lũy qua hàng trăm năm, qua các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, 2, 3. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy rõ, Chiến tranh Lạnh kết thúc chưa phải là sự cáo chung của lịch sử, dân chủ tự do và toàn cầu hóa không phải xu hướng chính của lịch sử thế giới.

Đối với Việt Nam, là nước dân số trẻ, đông dân, trình độ lao động còn thấp, sức mạnh GDP và thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức thu nhập trung bình thấp… Nền kinh tế lệ quốc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI và xuất khẩu, không thể áp dụng mô hình kinh tế tân tự do vào phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Một nền kinh tế nhỏ và yếu rất khó có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nền kinh tế phát triển, trải qua quá trình tích lũy tư bản hàng trăm năm. Một khi nền kinh tế mở cửa tự do cho đầu tư nước ngoài, chế độ tỷ giá hối đoái được thả nổi... sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Thêm vào nữa, nền tài chính Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, nếu thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá, để thị trường tự điều tiết về lãi suất ngân hàng thì nền kinh tế đất nước sẽ khó tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Bài học của Nhật Bản trong việc thả nổi giá trị đồng Yen khi ký Thỏa thuận Plaza vào năm 1985 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính (1990 – 1991), hậu quả nền kinh tế chìm vào suy trầm trong gần 30 năm.

Không những vậy, thể chế chính trị, con đường phát triển đất nước có nhiều điểm khác với các nước phát triển phương Tây, áp dụng mô hình tân tự do sẽ là một thách thức quá lớn đối với Việt Nam.

"Đồng thuận Bắc Kinh"

Đây không phải là mô hình kinh tế mới, thành tựu của Trung Quốc trong 40 năm qua là sự kế thừa, học hỏi có chọn lọc từ mô hình phát triển Đông Á, với thành công đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Điểm nổi bật của "Đồng thuận Bắc Kinh" đến từ thể chế chính trị mạnh, sức mạnh nhà nước được đề cao trong việc tích cực ủng hộ hệ thống doanh nghiệp. Nhà nước nắm vai trò quan trọng trong việc hoạch định, đề ra chính sách, định hướng phát triển các ngành và tương lai kinh tế.

Sự thành công của Trung Quốc trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là chỉ dấu cho thấy vai trò của Nhà nước cần được đề cao trong việc điều hành kinh tế, nhất là khi gặp khủng hoảng, thị trường tự điều tiết.

Đại dịch Covid nổ ra, Trung Quốc gặp phải tình trạng "tam tứ nan" khi thế giới bắt đầu cảnh giác về tham vọng Trung Quốc, lại chịu ảnh hưởng xấu từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu tăng cường gây áp lực trong vấn đề nhân quyền, dân chủ và trách nhiệm giải trình khi đại dịch nổ ra ở Vũ Hán.

Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra chiến lược chuyển hướng nền kinh tế theo sách lược "tuần hoàn kép", vừa tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong quá trình toàn cầu hóa, vừa tập trung co mình lại, phát huy lợi thế từ thị trường 1,4 tỷ dân, kích thích tiêu thụ nội địa.

Về cơ bản, mô hình phát triển của Trung Quốc trong 40 năm qua là mô hình phát triển dựa trên hai trụ cột là đầu tư và xuất khẩu, thực hiện tham vọng xây dựng Trung Quốc là công xưởng thế giới. Nhưng đi vào chi tiết, ở từng địa phương và từng giai đoạn, mô hình phát triển kinh tế có sự khác nhau:

– Đầu tiên là mô hình tập trung vào sự phát triển của các doanh nghiệp Nhà nước, được áp dụng ở Trùng Khánh, Thiên Tân, Thượng Hải… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mô hình này dần được thay đổi khi các doanh nghiệp nhà nước đều bị loại bỏ, từ năm 1997 đến năm 2002, có hàng triệu doanh nghiệp nhà nước bị giải thể, phá sản và tư nhân hóa. Nguồn lực đất nước được chuyển sang đầu tư vào khu vực tư nhân theo mô hình kinh tế Đông Á.

– Thứ hai là mô hình Quảng Đông với trọng tâm là sự phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ), được thành lập từ đầu cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Có bốn đặc khu kinh tế đầu tiên được mở là Sán Đầu, Thâm Quyến, Chu Hải và Hạ Môn.

Đây là mô hình phát triển kinh tế mang dáng dấp rõ nhất của mô hình kinh tế Đông Á khi trọng tâm là hướng doanh nghiệp có tham vọng hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế toàn cầu, lấy lợi thế nhân công rẻ, ưu đãi chính phủ giúp doanh nghiệp tự do phát triển. Và đây là mô hình phát huy cao nhất lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Tuy nhiên, mô hình Quảng Đông dần đi hết sự phát triển khi kinh tế Trung Quốc phát triển cao, thu nhập bình quân đầu người tăng, chi phí nhân công tăng, thế giới đang nghi ngờ sự phát triển Trung Quốc... Tất cả đặt ra yêu cầu buộc Trung Quốc phải tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế.

– Mô hình thứ ba là mô hình phát triển kinh tế dựa trên sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Mô hình này có hai đặc điểm chính là vài trò quan trọng của chính quyền địa phương và sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân. Mô hình này thành công nhất ở Chiết Giang, Ôn Châu.

Thành công của Chiết Giang trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế được ghi dấu ấn rất rõ nét trong thời kỳ Chủ tịch Tập Cận Bình làm Bí thư tỉnh ủy (2002 – 2007), thế mạnh của mô hình này là phát huy vai trò của hệ thống doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dưới sự lãnh đạo của những người nông dân vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế.

6. Mô hình kinh tế Việt Nam trong tương lai

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nhiều điểm tương đồng về xuất phát điểm hệ thống chính trị và đặc biệt là áp dụng mô hình phát triển kinh tế. Trung Quốc nhận ra sự lỗi thời của mô hình cũ và đề ra chủ trương phát triển theo mô hình mới. Do đó, Việt Nam cũng nên nghiên cứu, tìm tòi ra hướng đi cho riêng mình.

Với sự tương đồng có được, mô hình Chiết Giang là mô hình đáng để Việt Nam nghiên cứu và học hỏi trong tương lai gần.

"Mô hình Chiết Giangvề bản chất là mô hình kinh tế thị trường với tất cả những nhân tố đặc trưng vốn có như quá trình hình thành thị trường, hệ thống thị trường, cơ chế thị trường và thể chế thị trường.

Sự thành công của mô hình Chiết Giang gắn liền với ba nhân tố chủ chốt : khu vực kinh tế tư nhân tự do phát triển rất mạnh, chính quyền địa phương chủ động tạo điều kiện thuận lợi và mô hình tạo ra khả năng tự chuyển đổi rất dễ dàng khi xảy ra khủng hoảng, dựa trên ưu thế năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân.

Thành công của mô hình Chiết Giang sẽ giải quyết được nhiều bài toán vốn có, khó khăn, như giảm khoảng cách phát triển kinh tế giữa các khu vực thành thị và nông thôn, giữa khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, giữa chính quyền và người dân trong việc phân bổ nguồn lực, và giữa doanh nghiệp và người lao động.

Mô hình Chiết Giang có ba đặc trưng cơ bản là người dân tự do kinh doanh, người dân được sở hữu và người dân thụ hưởng thành quả phát triển. Hiện nay, nền kinh tế Chiết Giang đang bước sang giai đoạn mới, chuyển từ trọng tâm lấy tốc độ tăng trưởng làm trọng điểm sang phương thức lấy chất lượng tăng trưởng làm ưu tiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng ưu tiên phát triển, nâng cao tỉ trọng ngành dịch vụ, kết hợp việc phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao.

Hình mẫu và sự thành công của mô hình Chiết Giang sẽ bài học để Việt Nam đề ra phương hướng, mô hình phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi bản thân khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang không được coi trọng, tỉ trọng đóng góp của khu vực tư nhân chỉ chiếm 10% GDP, trong khi đây là khu vực đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài và bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước tuy có đóng góp lớn vào GDP nhưng đây là khu vực nhận được rất nhiều ưu đãi về chính sách, vốn nhưng không không đạt được kỳ vọng trong việc đổi mới bộ mặt kinh tế đất nước. Khu vực kinh tế nhà nước cũng không đủ "sáng tạo" và "năng động" trong việc đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực nhận được nhiều ưu đãi của Chính phủ và đóng góp rất lớn vào kinh tế đất nước, nhưng khu vực này không đảm bảo sự ổn định và bền vững của nền kinh tế đất nước trong tương lai, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam hoặc giảm đầu tư nếu có biến động chính trị tác động hoặc những ưu đãi của Việt Nam đưa đến không như kỳ vọng.

Dó đó, Việt Nam phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp đều có sự bình đẳng trong nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn được ưu đãi trong việc "giữ vai trò chủ đạo".

Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, Việt Nam nên tích cực khuyến khích sự phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao mức tiêu thụ nội địa.

Giải pháp nâng cao mức tiêu thụ nội địa là tái phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân, như đánh thuế thu nhập cho người có thu nhập cao, hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo, những tầng lớp gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chính sách tiền lương theo hướng nâng cao mức lương cơ sở, tăng lương cho lao động trong khu vực công, tạo sức lan tỏa đến lao động trong khu vực tư nhân, khu vực FDI. Giải pháp này có ưu điểm là tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân, tăng mức chi tiêu, kích thích tăng tiêu thụ nội địa. Nhưng cái mất là Việt Nam mất lợi thế nhân công rẻ trong việc thu hút FDI, khi đưa ra chính sách cần lộ trình và dự báo chuẩn để đồng bộ hóa với quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.

Tiếp theo là giải pháp đẩy mạnh tín dụng cho người tiêu dùng, phát triển đô thị hóa, giảm thuế, khuyến khích quảng bá sản phẩm... để kích thích tiêu dùng nội địa.

Về cơ bản, đặc điểm chính của mô hình phát triển kinh tế mới của Việt Nam là tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả thành phần kinh tế, tiến tới khuyến khích, ủng hộ hơn nữa sự phát triển cho khu vực doanh nghiệp tư nhân với ưu thế là sự năng động và sáng tạo trước những đổi thay của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Đặc điểm thứ hai là thúc đẩy tiêu thụ nội địa, khuyến khích người dân giảm tiết kiệm, tăng tiêu dùng, phát triển các ngành dịch vụ như giáo dục, công nghệ thông tin, vận chuyển, du lịch... Như vậy có thể đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững cho nền kinh tế.

Tổng kết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói "Một dân tộc có bề dày hơn 4.000 năm lịch sử văn hiến, một dân tộc sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân văn hóa, trong đó nhiều danh nhân được thế giới tôn vinh, một dân tộc đã hiển hách chống lại hàng trăm cuộc xâm lăng của ngoại bang để trường tồn thì đó phải là dân tộc mạnh, dân tộc đó quyết không để thế giới coi thường như một dân tộc bạc nhược, quyết không thể là dân tộc nghèo được".

Thế giới đã đi qua 20 năm đầu của thế kỷ 21, trật tự thế giới mới đang được hình thành với nhiều cơ hội, thách thức mới. Yêu cầu của lịch sử và thách thức của thời đại đặt ra bài toán cho Đảng và Nhà nước cần phải tiến hành cuộc "Đổi mới 2.0", phát huy những thành tựu Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới, tiếp tục tiến hành đổi mới sâu rộng thể chế chính trị, cải cách kinh tế với trọng điểm là khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế, xóa bỏ sự độc quyền, vài trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước. Bên cạnh đó chú trọng phát triển hơn nữa sức tiêu thụ từ thị trường nội địa…

Thời cơ luôn đi đôi với thách thức, Việt Nam có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý, nền chính trị ổn định, sự tin tưởng của người dân…, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước còn nhiều, mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao không phải là điều quá khó khăn, quan trọng là Việt Nam cần có tư duy mới, hướng đi mới, mô hình mới tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước.

Bùi Mạnh Thành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/10/2021

Published in Diễn đàn