Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Không phải vô cớ mà hồi tháng 04/2022, Liên Hiệp Quốc ra báo cáo kêu gọi thế giới xem xét lại cách khai thác và sử dụng cát, một trong những tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, để hướng tới sự phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia còn đề xuất "nền kinh tế tuần hoàn về cát".

cat1

Bãi khai thác cát trên bãi biền Pensacola, Florida, Mỹ. Ảnh chụp ngày 24/04/2019. Reuters

Cát không phải nguồn tài nguyên vô hạn, lại đang bị khai thác nhanh hơn khả năng tái tạo tự nhiên, bởi phải mất hàng triệu năm thì cát mới được tái tạo trong tự nhiên, nên có thể dẫn tới sự thiếu hụt trong tương lai gần, trong khi cát là một vật liệu không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, từ ngành chế tác thủy tinh, sản xuất nhựa, xà phòng bột giặt, kem đánh răng, mỹ phẩm, đến chế tạo chíp điện tử, pin mặt trời … và đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường. Theo TV5 Monde, chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng, 2/3 các công trình trên thế giới được xây từ bê-tông, và 2/3 bê-tông là từ cát. Làm 1km đường cũng cần tới 30.000 tấn cát.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới

Trả lời RFI tiếng Việt ngày 22/06/2022, giáo sư địa chất biển và bờ biển Eric Chaumillon, Đại học La Rochelle và Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), giải thích tại sao cát không phải nguồn tài nguyên vô cùng vô tận, có thể khai thác thoải mái như nhiều người nghĩ :

"Cát được tiêu thụ với số lượng cực kỳ lớn, cát thực sự là một trong những loại tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên hành tinh Trái đất, xếp thứ 2 (sau nước), trước dầu mỏ, trước cả khí đốt. Về khối lượng, mỗi năm có 40 - 50 tỷ tấn cát được tiêu thụ, đây thực sự là khối lượng vô cùng lớn, tương đương với một bức tường cao 27m và dày 27m bao quanh Trái đất. Tại sao cát lại được tiêu thụ nhiều đến như vậy ? Đó chủ yếu là phục vụ xây dựng và đặc biệt là để đổ bê tông, nhưng cát cũng được sử dụng để xây đường bộ, đường sắt, đường cao tốc, và san lấp biển khai hoang để mở mang diện tích mặt bằng phục vụ đời sống con người.

Xin nói rõ là những con số nêu ở trên thực ra là liên quan đến vật liệu cát dạng hạt thô để phục vụ xây dựng, có kích cỡ có thể lên tới 12,5cm, chứ không phải là loại cát mịn chỉ có kích cỡ 63 micromilimet đến 2 milimet (vốn không sử dụng trong xây dựng).

Trên thực tế, lượng cát trên Trái đất là vô cùng lớn, bởi vì đa phần là trầm tích của hành tinh Trái đất. Có lẽ cũng nên nhắc lại trầm tích là gì. Trầm tích là mảnh vụn của đá, cũng có thể có lẫn các mảnh vụn, mảnh vỡ, đặc biệt là của vỏ sinh vật sống. Cát chiếm khoảng ¼ tổng lượng trầm tích của Trái đất, có một số ước tính với sai số khá lớn, nhưng chúng ta có thể lấy con số 120 triệu tỷ tấn, con số này thực sự lớn, nhưng không phải tất cả số lượng cát nói trên đều có thể khai thác được, bởi vì trong số đó có rất nhiều cát bị chôn vùi ở rất sâu trong lòng đất hoặc rất sâu dưới đáy đại dương.

Vì vậy, trên thực tế, phần cát có thể khai thác được thì nhỏ hơn nhiều so với tổng số rất cao nói trên. Người ta vẫn ví số cát trên Trái đất nhiều như sao trên trời, nhưng nếu nói về phần có thể khai thác được thì ít hơn rất nhiều. Quả thực là có một nghịch lý : Một mặt, chúng ta nói rằng có rất nhiều cát trên hành tinh Trái đất, nhưng mặt khác người ta cũng nói rằng cát là tài nguyên không thể tái tạo.

Trong thực tế ngày nay, lượng cát được khai thác từ Trái đất lớn hơn nhiều so với lượng cát các con sông đổ ra đại dương. Quý vị biết đấy, các con sông là những dòng chảy chính trên Trái đất vận chuyển các hạt cát và trầm tích nói chung ra đại dương. Đá ở các lục địa bị xói mòn, theo dòng chảy của các dòng sông đổ ra đại dương. Ngày nay con người khai thác nhiều cát hơn cả lượng mà tất cả các con sông chuyển ra đại dương. Vì vậy, chúng ta đã thực sự đến thời điểm mà hoạt động của con người lớn hơn hiện tượng địa chất lớn nhất - sự xói mòn của tất cả các lục địa và sự vận chuyển trầm tích của tất cả các con sông trên thế giới".

Từ đất liền hướng ra biển và tác động đến hệ sinh thái

Ngoài xây dựng, thì bồi lấp biển để đắp đảo nhân tạo, mở rộng diện tích đất liền là lĩnh vực thứ hai sử dụng nhiều cát nhất. Singapore và Dubai là những thành phố đi đầu trong lĩnh vực lấn biển. Khi các vỉa cát ở đất liền, trong lòng đất đã gần cạn, cát sa mạc thì lại quá mịn, đều, tròn, không phù hợp với xây dựng, sản xuất công nghiệp, thì từ cuối thế kỷ 20, các nhà khai thác bắt đầu chuyển hướng xuống đáy biển, nhưng không quá xa bờ. Theo trang Mmaterre, lượng cát biển khai thác được là 75 triệu tấn/năm, dù mới chỉ chiếm 2,5 tổng lượng cát được khai thác, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ tăng.

Nhưng việc khai thác cát biển có dễ hay không ? Việc khai thác gây tác động thế nào tới môi trường, sinh thái ? Chuyên gia Eric Chaumillon, đồng tác giả hai cuốn sáchvề tầm quan trọng của cát và trầm tích đối với các vùng ven sông, ven biển, cho biết thêm :

"Điều này phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Cát tự nhiên, loại có thể khai thác được, chủ yếu có ở 2 nơi. Ở đáy sông (…) trầm tích lắng tụ khá nhiều tính theo bề ngang và cả độ dày, do đó khá dễ khai thác khai thác. Tôi nghĩ rằng khá nhiều thính giả của đài khi đi đây đó đã từng nhìn thấy các công trường khai thác cát gần sông với những cỗ máy đào sâu dưới đáy sông để xúc cát. Như thế là khá dễ bởi chúng ta ở trên lục địa và sông thường là ở những vùng bằng phẳng, thế nhưng những vùng bằng phẳng thì cũng thường là nơi có các hoạt động của con người, có đường sá, đường cao tốc chạy qua, có các thành phố lớn nên không thể khai thác được.

Do đó, trước nhu cầu cao của con người về khai thác cát, tôi có thể nói là càng ngày người ta càng quan tâm đến việc khai thác cát ở biển. Khai thác cát ở biển thì phức tạp hơn một chút. Cần có các con tàu khai thác chuyên dụng với những đường ống lớn để hút cát từ dưới đáy biển. Như vậy là cần có nhiều phương tiện máy móc quan trọng và để có lời thì các nguồn cát khai thác phải không quá xa bờ biển.

Đây là một hoạt động được quản lý cực kỳ nghiêm ngặt tại Pháp vì các tác động lên hệ sinh thái là rất lớn. Tôi xin nhắc lại một khái niệm cơ bản. Ngày nay, chúng ta đang hứng chịu hiện tượng xói mòn đa dạng sinh học, yếu tố đầu tiên giải thích sự xói mòn đa dạng sinh học này là sự biến mất của các môi trường sống. Cát, dù là cát biển hay phù sa ở các con sông đều góp phần hình thành môi trường sống của một số loài sinh vật. Do đó, đương nhiên là việc khai thác cát có tác động tới hệ sinh thái.

Khai thác cát thực sự có những tác động đến các dòng sông : Có một sự cân bằng giữa trầm tích lắng đọng và dòng chảy của sông, nếu chúng ta khai thác quá nhiều thì sẽ dẫn đến đáy sông bị xói mòn quá mức, làm rối loạn hoàn toàn dòng chảy của nước, sẽ có thể kéo theo sự xói mòn quá mức của các mỏ trầm tích ở những chỗ xa hơn và điều này có thể dẫn đến những tác động khá tai hại, chẳng hạn gây mất ổn định cho các trụ cầu …

Do đó, ở Pháp, khai thác cát ở sông hoàn toàn bị cấm. Khai thác cát ngoài biển thì cũng gây vấn đề, khai thác cát phải ở xa các bờ biển vì có sự trao đổi trầm tích giữa bãi cát ở đáy biển và bãi cát ở bờ biển, nên hoạt động khai thác phải tránh không gây tác động tới sự cân đối về lượng cát ở đáy biển và bãi biển, bởi bãi biển là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ con người khỏi ảnh hưởng của các cơn bão và về lâu dài, để bảo vệ chúng ta khỏi tác động của hiện tượng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Đó là lý do tại sao hoạt động khai thác cát được quản lý chặt chẽ tại Pháp. Chính vì có những tác động đến hệ sinh thái và môi trường sống nên cần có những quy định khá nghiêm ngặt để hạn chế những tác động này. Các nghiên cứu sơ bộ phải được thực hiện trước khi cho phép khai thác cát. Và các nhà khai thác cát phải cho thấy qua các nghiên cứu rằng các tác động gây ra cho hệ sinh thái là không đáng kể.

Thế nhưng, tình hình quốc tế thì có thể rất khác với ở Pháp. Ở quốc tế, những nghiên cứu sơ bộ này không phải lúc nào cũng được thực hiện và ở một số nước có sự khai thác cát vô độ, không tuân thủ quy định. Điều này rất có hại đối với các hệ sinh thái, đặc biệt là đối với các hệ sinh thái ven sông, ven biển nơi cát được khai thác".

Trước nhu cầu sử dụng cát, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng trong những năm qua không ngừng tăng cao, giáo sư Eric Chaumillon lưu ý vài điều :

"Để hạn chế những tác động có hại này, ưu tiên đầu tiên là sử dụng điều độ, cũng giống hệt như đối với năng lượng, chúng ta phải biết tiêu thụ điều độ, đúng mức. Như chúng ta đã thấy, việc tiêu thụ cát chủ yếu liên quan đến xây dựng, thế nên điều đầu tiên là phải hạn chế nghiêm ngặt, chỉ cho phép các dự án xây dựng thật cần thiết.

Trên thực tế, chúng ta thấy có nhiều tòa nhà xây xong rồi lại chẳng có ai ở, những sân bay không được sử dụng nhiều, ví dụ ở Ireland hoặc ở Tây Ban Nha, hoặc sau các giai đoạn tăng trưởng kinh tế, người ta đầu tư rất nhiều vào nhà ở và xây dựng, rồi khi những giai đoạn tăng trưởng này qua đi, khủng hoảng xảy ra và chúng ta thấy có những công trình dựng lên chẳng để làm gì. Cũng có một lựa chọn khác : cải tạo thay vì đập đi xây mới. Tôi nghĩ rằng chúng ta còn nhiều điều nên làm, hiện giờ trong các thành phố, người ta san phẳng rất nhiều tòa nhà để xây lại, đương nhiên là việc xây mới đòi hỏi nhiều nguyên vật liệu.

Bên cạnh việc sử dụng điều độ còn có sự thay thế vật liệu. Có không ít thử nghiệm, sáng chế đang được thực hiện. Khi chúng ta phá hủy các tòa nhà cũ thì cũng có thể tái chế vật liệu. Ngoài ra, cần khai thác tạo giá trị cho rác thải công nghiệp, phế liệu, thậm chí còn có khả năng sử dụng gỗ vụn, xơ dừa".

Trong suốt một thời gian dài, cát không được coi là lĩnh vực thu hút sự chú ý, nhưng khi dân số thế giới ngày càng tăng, các dự án xây dựng ngày càng nhiều và hoành tráng, các vỉa cát ngày càng giảm, việc khai thác ngày càng phức tạp thì cát ngày càng có giá trị.

Trung Quốc chỉ trong 4 năm 2013-2017 sử dụng lượng cát bằng cả nước Mỹ trong suốt một thế kỷ. Nhu cầu về cát và lợi nhuận thu được cao đến mức tại nhiều nước các băng đảng "mafia cát" xuất hiện ngày càng nhiều, chẳng hạn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Cam Bốt, Sénégal, Maroc, Tây Phi và nhiều nước đang phát triển khác. Theo TV5 Monde, khai thác cát biển quá đà cũng khiến Indonesia đang mất dần các bãi biển, thậm chí 25 hòn đảo cũng đã biến mất.

Thùy Dương thực hiện

Nguồn : RFI, 12/10/2022

Ẻic Chaumillon là đồng tác giả hai cuốn sách về tầm quan trọng của cát và trầm tích đối với các vùng ven sông, ven biển :

- Hé... la mer monte ! ; 

- La mer contre-attaque ! - Vous n'irez plus à la plage de la même façon

Published in Diễn đàn