Một Việt Nam đang cần sắm những ‘hàng nóng’ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và một nước Nga đang vừa cần giữ chân Việt Nam như một khách hàng lớn trên thị trường vũ khí do Nga sản xuất, vừa rất cần tài chính nên phải bán đi những vũ khí, khí tài mà trước đó có thể chưa sẵn sàng bán cho Việt Nam, là một khía cạnh về vị trí của hai đối tác Việt Nam và Nga vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang thăm Nga và dự Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế Army 2023 vào trung tuần tháng tám này.
Hệ thống tên lửa S-125-2TM/Pechora-2TM do Nga chế tạo tại một triển lãm quân sự ở thành phố Thái Nguyên, Việt Nam vào ngày 22/12/2019
Trong chuyến thăm Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng có các cuộc gặp với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cũng như trình bày một diễn văn tại Diễn đàn này năm nay.
Hôm 16/8/2023, chia sẻ góc nhìn trên với quan điểm riêng từ thành phố Lourdes, miền Nam nước Pháp, ông Thành Đỗ, chuyên gia về công nghiệp vũ khí, quốc phòng từ Pháp đưa ra bình luận với Đài Á Châu Tự Do, ông nói :
"Điều quan trọng nhất lúc này, tôi nghĩ, đối với người Nga là phải giữ một số khách hàng quen thuộc, khách hàng truyền thống với vũ khí Nga, để họ không đổi ý kiến và đi kiếm, mua đồ ở nơi khác. Cái đó đối với Nga là chuyện quan trọng nhất. Còn đối với bên Việt Nam, thật ra ngay khi họ muốn có những hàng nóng, ngay khi họ có quan hệ chiến lược khá hơn với người Mỹ, hiện tại trước mắt họ không thể nào có được những hàng quá nóng, đối với phía bên Mỹ hay là phía bên phương Tây, nói chung là phương Tây gồm có Mỹ và Châu Âu, thì tôi nghĩ Việt Nam vẫn phải tiếp tục đi theo truyền thống trước nay là họ tiếp tục sử dụng vũ khí của Nga. Vậy thì Việt Nam cần vũ khí nóng của Nga, còn Nga bằng mọi cách giữ Việt Nam ở trong tầm ảnh hưởng của Nga và không đi mua gì khác ở nơi nào khác để bỏ rơi nước Nga".
Trước thông tin hôm 15/8/2023 do trang mạng Sputnik của Nga đưa tin và dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng của Nga Sergei Shoigu rằng Nga tin chắc ‘những phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Việt Nam’, ông Thành Đỗ, người từng có 15 năm kinh nghiệm ở vị trí kỹ sư điện tử thuộc công ty SAGEM - một trong bốn công ty lớn nhất chuyên cung cấp vũ khí trong mảng điện tử và thông tin cho Bộ Quốc phòng Pháp, nói với RFA Tiếng Việt :
"Vấn đề nằm ở chỗ là kỹ nghệ quốc phòng là một kỹ nghệ cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của nước Nga, khi họ làm ra những sản phẩm mà qua cuộc chiến ở Ukraine, những sản phẩm vũ khí của Nga đã đụng thẳng với những sản phẩm vũ khí của phương Tây, thì đâu đó chúng ta nhận thấy rằng vũ khí của phương Tây đã có phần lấn át vũ khí của Nga, chính vì lý do đó đã có một số khách hàng tỏ ra hơi mất niềm tin với những vũ khí của Nga. Vì vậy điều tuyên bố của ông Shoigu qua hội chợ (diễn đàn kỹ thuật – quân sự quốc tế) về vũ khí này, người Nga hy vọng những bạn, những người khách hàng truyền thống với vũ khí của Nga tiếp tục đặt niềm tin vào vũ khí của Nga, thay vì nhìn sang hướng khác, điều gây tác hại vô cùng quan trọng cho kỹ nghệ vũ khí của Nga, là một kỹ nghệ có tầm quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế của Nga".
Về khí tài và công nghệ an ninh quốc phòng, hai bên Việt Nam và Nga đang cần nhau ở những nội dung gì vào thời điểm hiện nay, ông Thành Đỗ nói :
"Cái mà người Nga cần ở Việt Nam lúc này là hãy giao lại một số đạn dược cho quân đội Nga mà Nga không sản xuất kịp và chiến trường đang rất cần, thì Việt Nam giao lại cho họ thay vì dự trữ ở trong kho. Đó là điều mà hiện giờ Nga rất cần, và qua chuyến thăm Việt Nam của ông Dmitry Medvedev vừa qua, báo chí phương Tây đều nghĩ là Nga đi tìm nguồn cung đạn dược cho chiến trường. Ngược lại, phía bên Việt Nam cần những ‘hàng nóng’ là những đầu đạn, những hệ thống bảo vệ lưu động có thể chống lại sự xâm nhập của các hạm đội trên Biển Đông, đó là thứ nhất.
Thứ hai nữa là Việt Nam cần hiện đại hóa không quân của mình, bởi vì nhiều người vẫn biết lực lượng không quân của Việt Nam ngày hôm nay, trên toàn quốc cũng chỉ có khoảng hai chục chiếc S-30MK2 do Nga bán, nhưng MK2 là một phiên bản (version) vừa là của Nga, vừa của Ấn Độ. Người Nga cũng nhận thấy Việt Nam lúc này xoay sang Ấn Độ rất nhiều. Vừa qua có chuyến thăm hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ và Nga nhận thấy rằng Ấn Độ hiện giờ đang từ bỏ dần dần những vũ khí truyền thống với Nga, để xoay sang với điều mà mọi người đều biết là Ấn Độ đã bắt đầu trang bị cho quân nhân của họ những chiếc máy bay chiến đấu giống như Rafale của Pháp mà họ mua 36 chiếc và các nguồn cung khác cho Ấn Độ".
Theo ông Thành Đỗ, Việt Nam có thể ngày càng nhận thấy trong trường hợp có xảy ra xung đột vũ trang, trong lúc kho vũ khí truyền thống mua, nhập hay có nguồn gốc của Nga ngày một hạn hẹp, cũ kỹ và giới hạn, Ấn Độ có thể trở thành một nguồn cung thay thế tiềm tàng để giúp giải quyết vấn đề khó khăn có thể xảy ra khi cạn kiệt nguồn đạn dược, thiết bị, vũ khí, khí tài của Nga hay có nguồn gốc của Nga, ông nói thêm :
"Người Nga nhận thấy Ấn Độ đang bán qua Việt Nam một số vũ khí cũ kỹ của Nga trước đó, Nga hiện tại đang mất Ấn Độ như là một khách hàng cực kỳ quan trọng của Nga, rồi Trung Quốc tự phát triển vũ khí của họ cũng khá nhiều, tức là Nga lại mất thêm một khách hàng cực kỳ quan trọng đối với họ là Trung Quốc, còn lại Việt Nam. Chính vì lý do đó, ông Shoigu làm đủ mọi cách để Nga không mất khách hàng này, mà hiện giờ có thể nói ở trên thế giới, Việt Nam là khách hàng quan trọng hàng thứ hai của nước Nga, sau Trung Quốc. Do đó, chúng ta có thể thấy một cách rất rõ ràng là Nga không muốn mất một khách hàng rất quan trọng của họ như là Việt Nam và họ làm đủ mọi cách chào hàng để giữ Việt Nam trong tầm ảnh hưởng của họ".
Vẫn theo ông Thành Đỗ, trước cuộc chiến tranh của Nga nhắm vào Ukraine, Nga đã ngần ngại bán cho Việt Nam một số vũ khí mà Việt Nam cần, mà Nga thì đã bán cho Trung Quốc, hoặc Nga e ngại phản ứng của Trung Quốc, khách hàng quan trọng nhất của Moscow, nhưng trong bối cảnh hiện nay đã có thay đổi, và Nga có thể đã có những quyết định hay dự định khác trước, trong đó tùy theo khả năng tài chính của Việt Nam. Chẳng hạn Việt Nam có thể đặt vấn đề mua các dàn hay hệ thống hỏa tiễn phòng không di động như S-400, hay các trang thiết bị khí tài chống ngầm, tác chiến điện tử v.v…,ông nói :
"Ngày nay, ở trong cuộc chiến Ukraine, chính người Nga cũng thấy rõ ràng là Trung Quốc không phải là một đồng minh sẵn sàng giúp họ trong mọi điều kiện, chính vì lý do đó Nga lên tiếng nói rằng Nga sẵn sàng, nếu Việt Nam cần những ‘đồ nóng’, thì Nga sẵn sàng cung cấp những món vũ khí, những thiết bị mà cho đến giờ này vì ngại ngùng Trung Quốc mà họ không bán cho Việt Nam, từ nay, nếu Việt Nam muốn, Nga sẽ bán. Đại khái như vậy, nhưng tôi nghĩ cái mà Việt Nam cần nhất vẫn là hệ thống tự điều khiển để bảo vệ bờ biển và hải đảo xa xôi của Việt Nam. Điều đó tôi nghĩ là người Nga có khả năng, họ có những đồ mà Việt Nam cần. Chỉ có điều là cho tới giờ này, Việt Nam chưa mua được mà thôi, nhưng tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam biết lợi dụng, thì Việt Nam cũng có thể có được những điều mà trước đó Việt Nam muốn mà không có".
Tuy nhiên, ông Thành Đỗ cũng nêu thêm quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do rằng vũ khí của Nga cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, Việt Nam cần theo chân các quốc gia khác là khách hàng truyền thống của Nga, trong đó có Ấn Độ, để lên lộ trình chuyển đổi sang các hệ thống vũ khí, khí tài quân sự và công nghệ an ninh, quốc phòng, quân sự khác, nhất là của phương Tây, trong đó có Mỹ và Pháp, để làm phong phú, đa dạng hóa, hiện đại hóa và đặc biệt là ổn định cả về mặt số lượng lẫn chất lượng kho vũ khí, khí tài quốc phòng của mình. Ông cho rằng tới đây, nếu Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác lên mức chiến lược, thì đó có thể là một cơ hội cho Việt Nam đối với những hợp tác cho những mục đích và lộ trình này, nói riêng.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 16/08/2023