Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 22 novembre 2022 21:08

Mặt trận "chip" chống Bắc Kinh

Mỹ mất đồng minh nếu đòi quá nhiều

Từ hơn nửa năm nay Hoa Kỳ ráo riết xúc tiến chiến lược cắt đứt Trung Quốc khỏi các nguồn công nghệ bán dẫn tiên tiến. Ngay trước dịp Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc tháng trước (tháng 10/2022), Mỹ ra thông báo siết chặt việc kiểm soát xuất khẩu chip điện tử cao cấp với Trung Quốc. Washington cũng thúc đẩy thành lập nhanh chóng một liên minh khống chế tham vọng của Trung Quốc về bán dẫn ("Chip 4"). Liệu Hoa Kỳ có thành công trong chiến lược này ?

chip1

Tại cơ sở của một nhà máy sản xuất chip của hãng Micron (Hoa Kỳ), Manassas, bang Virginia, Mỹ. Ảnh chụp ngày 11/02/2022. AP - Steve Helber

Nhiều chuyên gia, nhà quan sát, tỏ ra thận trọng với cảnh báo : chủ trương gây áp lực quá mức với các đồng minh của chính quyền Biden có thể khiến mặt trận "chip" chống Bắc Kinh bất thành.

Điều gì có thể giúp Mỹ thắng Trung trong cuộc chiến bán dẫn ?

Tạp chí Time, Hoa Kỳ, có bài phân tích đáng chú ý của Gregory Allen, giám đốc dự án AI Governance, thuộc Center for Strategic and International Studies (CSIS), nhan đề "The Only Way the U.S. Can Win the Tech War with China " ("Con đường duy nhất để Mỹ có thể chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ" (17/11/2022). Phân tích của chuyên gia Gregory Allen chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các nguồn công nghệ bán dẫn tiên tiến. Điểm mạnh trước hết nằm ở mục tiêu và hướng hành động chung của chính quyền Biden.

Ngày 07/10/2022 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ ban hành chính sách xuất khẩu mới, dài 139 trang, trên thực tế là lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các loại chip điện tử máy tính tiên tiến cho phép vận hành các thuật toán trí tuệ nhân tạo ("advanced computer chips that power AI algorithms"). Mà, 95% các linh kiện được sử dụng tại Trung Quốc thuộc loại này là do các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ thiết kế, và do đó phải tuân thủ các quy định của luật pháp Mỹ. Một bộ phận căn bản của phần thượng nguồn của ngành công nghệ này, như phần mềm thiết kết chip, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, phụ tùng, linh kiện của thiết bị sản xuất, là do Hoa Kỳ nắm giữ, và gần như không thể thay thế.

Việc bị cắt đứt các nguồn cung ứng này khiến toàn bộ tương lai của ngành công nghệ tin học đỉnh cao của Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, chặn đứng giấc mơ trở thành siêu cường công nghệ của Trung Quốc. Quy định mới của bộ Thương Mại Mỹ, cắt đứt Trung Quốc khỏi công nghệ chất bán dẫn Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến.

"Bản án tử hình về công nghệ" với Trung Quốc

Chuyên gia Gregory Allen nói đến một "bản án tử hình về công nghệ". Ngành công nghệ bán dẫn toàn cầu với doanh thu khoảng 646 tỉ đô la năm 2022 không những là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn là ngành kinh tế có ý nghĩa sống còn, cơ sở cho hàng loạt lĩnh vực kinh tế quan trọng khác, với trị giá hàng chục nghìn tỉ đô la. Chất bán dẫn có mặt trong mọi hàng hóa thiết yếu trong xã hội hiện đại, như điện thoại, máy tính, xe hơi, máy giặt, cơ sở mạng lưới điện, cũng như gần như mọi khí tài quân sự. Theo Goldman Sachs, chất bán dẫn là đầu vào cho các sản phẩm chiếm đến 12% GDP. Việc thiếu chip điện tử đã có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2021 chẳng hạn sụt giảm 1%, tức một nửa mức tăng trưởng bình quân của kinh tế Mỹ.

Hoa Kỳ có trong tay các lá chủ bài, các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, như Applied Materials, LAM Research và KLA, đủ sức bóp nghẹt tham vọng của Trung Quốc trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, chuyên gia Gregory Allen cũng chỉ ra "rủi ro lớn" về trung hạn và dài hạn, nếu chính quyền Biden đơn phương áp đặt các quy định, mà bộ Thương Mại Mỹ đưa ra ngày 07/10.

Rủi ro lớn, nếu đồng minh không theo : Bài học MIG-15

Rủi ro đó xuất phát từ chỗ không tạo được một mặt trận chung nhằm cô lập đối thủ. Chuyên gia về chính sách đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của CSIS, nêu bật một bài học đau đớn của khối phương Tây vào thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Vào thời điểm đó, do khó khăn tài chính, ngành công nghiệp chế tạo máy bay phản lực của nước Anh đã bán cho Liên Xô các động cơ của phi cơ Rolls Royce Nene Jet. Động cơ được bán cho Liên Xô với cam kết chỉ sử dụng cho công nghiệp dân dung. Nhưng sau đó, Liên Xô đã dùng công nghệ này để thiết kế máy bay quân sự MIG-15, cơn ác mộng sau đó đối với Mỹ trên chiến trường Triều Tiên. 

Bài học xương máu này khiến Hoa Kỳ và các đồng minh phải thiết lập một hệ thống kiểm soát xuất khẩu mang tính đa phương, kiểm soát chặt việc xuất khẩu các công nghệ lưỡng dụng (dân dụng-quân sự), tức mặt trận chung để ngăn chặn Liên Xô tiếp cận với các công nghệ đỉnh cao, có thể sử dụng cho mục tiêu quân sự.

Chuyên gia Gregory Allen nhấn mạnh là, trong hiện tại, khi một mặt trận chống Trung Quốc tương tự như vậy chưa hình thành, nguy cơ rất lớn là Trung Quốc sẽ thành công trong việc thuyết phục được một số đồng minh của Mỹ cung cấp giải pháp thay thế cho nhiều công nghệ quan trọng của Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc mua tới 29% tổng lượng thiết bị sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, với 29,6 tỉ đô la, tăng gần gấp đôi so với 15,6% vào năm 2016. Xu thế này có thể tiếp tục gia tăng mạnh.

Tác giả bài "Con đường duy nhất để Mỹ có thể chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ" kết luận bài viết với nhận định : Hoa Kỳ không thể thành công, nếu đơn độc tiến hành cuộc chiến ngăn chặn xuất khẩu công nghệ bán dẫn chống lại Trung Quốc.

Thỏa thuận "Wassenaar" bất thành : Hà Lan, Nhật, Hàn phản đối Mỹ

Về chủ đề này, hãng tin Hoa Kỳ Bloomberg có bài tổng hợp đáng chú ý mang tựa đề "Biden’s chip curbs outdo Trump in forcing world to align on China " (tạm dịch là "Chính sách về chip của Biden cứng rắn hơn cả Trump buộc thế giới ngả về Trung Quốc") (ngày 13/11/2022). Cụ thể là đàm phán về một mặt trận chip chống Trung Quốc, giữa các nước, với đằng sau là các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, đổ vỡ sau khi đã rất gần đạt một thỏa thuận sơ bộ hồi đầu năm nay, được ví như thỏa thuận "Wassenaar" (ngụ ý nhắc đến thành công của thỏa thuận quốc tế kiểm soát xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng, ký kết tại Wassenaar, Hà Lan, năm 1995). Lý do là vì Hoa Kỳ không chấp nhận dừng ở mức chip 5nm, và các loại tân tiến hơn (các loại chip nhỏ hơn) mà muốn hạ thấp ngưỡng trần này, đe dọa trực tiếp đến việc kinh doanh của các công ty Hà Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Trung Quốc, vốn là thị trường số một.

Các tập đoàn lớn của các nước đồng minh đã có các phản ứng khác nhau để chống lại sự áp đặt của Mỹ. Nhìn chung, các công ty gây áp lực lên chính phủ nước mình, để phản ứng lại các đòi hỏi thái quá của Mỹ (cụ thể là ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật). Chính phủ Hà Lan hôm 18/11 đã lên án việc chính quyền Mỹ gây áp lực ("Dutch minister says U.S. can’t dictate approach to China exports", Japan Times, 19/11). Thủ tướng Hà Lan có chuyến công du Hàn Quốc, một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn, để tìm kiếm đồng minh. Nhật Bản tuy không phủ nhận trực diện đòi hỏi của Mỹ, nhưng lẳng lặng không nghe theo.

Mặt trận chip điện tử tân tiến với vai trò đầu tầu của Mỹ, nếu không có được sự tham gia của Hà Lan sẽ gặp khó. Công ty ASML, Hà Lan, là công ty chiếm vị trí số một trong việc chế tạo "các máy in thạch bản" sản xuất chip điện tử cao cấp, đặc biệt là "máy in thạch bản tia cực tím" (EUV). ASML độc quyền về "máy in thạch bản tia cực tím", cho phép chế tạo các chip điện tử thuộc loại tiên tiến nhất.

Chính quyền Biden : Tiếp tục chính sách của Trump hay hành động mềm dẻo ?

Theo Bloomberg, hiện tại chính quyền Biden đứng trước ngã ba đường. Hoặc làm như chính quyền tiền nhiệm Donald Trump với chủ trương quyết liệt, nhanh chóng cắt đứt với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, với nguyên tắc buộc các đồng minh phải chọn hoặc theo Mỹ chống Trung Quốc hoặc ngược lại bị coi là đi với Trung Quốc chống Mỹ (with-us-or-against-us approach to China). Nguy cơ rất lớn của nỗ lực đơn phương này là dẫn đến việc Mỹ không có đủ đồng minh trong trận chiến bán dẫn. Phản ứng của các chính phủ Hà Lan và Nhật Bản trong những tuần qua là một minh chứng rõ ràng cho thất bại của cách làm, vốn được nhiều thế lực gọi là "diều hâu" (hay cứng rắn quá mức) trong chính quyền Mỹ thúc đẩy.

Chính quyền Biden cũng có thể có lựa chọn thứ hai. Đó là hành động một cách chừng mực, khôn khéo, từng bước một, để thu hút sự tham gia của các đồng minh, đối tác. Cách làm này sẽ buộc phải kéo dài, với nhiều thương lượng phức tạp, nhưng rõ ràng sát với hoàn cảnh thực tế, và có cơ hội thành công. Một số dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden có thể đang đi theo hướng này. Đây có thể là hướng hành động mà bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo vừa thông báo. Cần 9 tháng nữa mới có thể đúc kết được một cơ chế hợp tác đa phương với các đồng minh về chip điện tử, nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 22/11/2022

Published in Diễn đàn

Khái niệm tổ chức chính trị "mặt trận" là từ đâu ra ?

Những ngày vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giương cao ngọn cờ "đại diện" cho mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân để… thanh lọc và lựa chọn danh sách các đại biểu Quốc hội cho kỳ bầu cử sắp tới.

every joke is a tiny revolution

Tranh tuyên truyền của Mặt trận Bình dân tại Tây Ban Nha năm 1936 (trái), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1960 (phải) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021 (giữa). Ảnh : Nhiều nguồn.

Ít người dân Việt Nam hiểu vai trò và mục tiêu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của tổ chức này. Thực tế cho thấy rằng mặt trận cũng ít có thực quyền trong cơ cấu chính trị và nhà nước hiện nay.

Tuy nhiên, với hàng loạt tổ chức chân rết thành viên cũng như một lực lượng lớn cán bộ được duy trì nhờ nguồn kinh phí nhà nước, Mặt trận Tổ quốc sẽ tiếp tục là một thế lực quan trọng với danh nghĩa tổ chức chính trị tự nguyện đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân.

Nếu tìm hiểu về lịch sử của chính quyền Việt Nam hiện nay, bạn đọc sẽ nhận ra rằng Mặt trận Tổ quốc không phải là hình thức tồn tại duy nhất của khái niệm mặt trận tại Việt Nam. Trước đó, có thể kể đến những cái tên lừng danh (hay khét tiếng) khác như Mặt trận Phản đế, Mặt trận Dân tộc Thống nhất hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Vậy khái niệm tổ chức chính trị "mặt trận" là từ đâu ra ? Và lý do tồn tại của nó trong lịch sử cũng như hiện tại ở Việt Nam là gì ?

Mặt trận trên thế giới

Lịch sử của hình thái tổ chức chính trị mặt trận (front) trên thế giới gắn liền với các chính đảng cánh tả và trung lập, mà đặc biệt là các đảng cộng sản. Tuy vậy, ngày nay rất nhiều chính đảng cánh hữu hay cực hữu khác (như Mặt trận Quốc dân – National Front  tại Pháp) đều sử dụng tên gọi này cho mục tiêu chính trị của mình.

Nhìn chung, mặt trận được sử dụng khi người thành lập muốn gầy dựng nên một tổ chức chính trị có thể tập hợp nhiều nhất các thành phần giai cấp, tôn giáo, định hướng chính trị và hệ tư tưởng, nhằm tạo nên một sức mạnh chính trị chống lại một kẻ thù chung nhất định.

Tương tự như đánh trận, việc các bên bỏ qua khác biệt không mang tính chất sống còn để dồn lực vào chỉ một chiến trường, một mặt trận sẽ giúp các nguồn lực chính trị được tập trung và sử dụng hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, những tổ chức chính trị có khả năng chi phối nội bộ và tổ chức của mặt trận còn có cơ hội tăng cường tính chính danh, tìm kiếm thêm sự ủng hộ và cơ hội đưa ra các diễn ngôn dân túy… biến mình trở thành đại diện chung của các giai tầng và tổ chức chính trị quần chúng cơ sở nhân dân.

mattran2

Quốc tế Cộng sản (Comintern) được cho là tổ chức mang danh nghĩa mặt trận đầu tiên. Tranh của Boris Kustodiev (1921).

Tổ chức chính trị có danh nghĩa mặt trận đầu tiên, cũng như có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử chính trị thế giới là một tổ chức dưới quyền và chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của Quốc tế Cộng sản : Communist International, hay gọi tắt là Commitern.

Về mặt lịch sử, sự tiến hóa của hình thức tổ chức này tương đối phức tạp. Trước thập niên 1930, Đảng cộng sản Đức (KPD) và Đảng Quốc xã Đức (Nazis) có kẻ thù chung  là chính quyền dân chủ đầu tiên được thử nghiệm tại Đức – Cộng hòa Weimar.

Tuy nhiên, khác biệt về tư tưởng cũng như nhu cầu cạnh tranh sự ủng hộ của quần chúng để giành độc quyền kiểm soát nền chính trị Đức khiến cho cả hai chính đảng này kèn cựa và luôn đấu tranh với nhau rất lâu, đôi khi dẫn đến xung đột vũ trang.

Sau các cuộc khủng hoảng thừa và khủng hoảng tài chính thế giới liên tục vào các năm 1929, 1931 và 1933, nền chính trị Đức nhanh chóng bị Hitler và chủ nghĩa phát-xít (fascism) thu hút, đẩy các tổ chức cơ sở cộng sản vào thế bị truy lùng và đàn áp. Chủ nghĩa phát-xít từ đó bắt đầu tìm được tiếng nói tại Tây Ban Nha, Ý lẫn Áo.

Đức vì vậy được xem là mặt trận chính thống chống phát-xít, căn cứ trên nghị quyết – đường lối được công bố tại Đại hội lần thứ Bảy của Quốc tế Cộng sản.

SED1936001W00138/02C

Một cuộc biểu tình do Front Populaire (Mặt trận Bình dân của Pháp) tổ chức tại Paris năm 1936. Ảnh : David Seymour/ Magnum Photos.

Mô hình Mặt trận Nhân dân Phản chiến và Chống phát-xít (People’s Front of struggle against fascism and war , cũng có thể gọi là United Front hay Popular Front, ở Việt Nam hay gọi là Mặt trận Bình dân) được phát động. Nó trở thành nhiệm vụ chung đối với hầu hết các chính đảng cộng sản đang hoạt động trên toàn thế giới.

Nói một cách dễ hiểu, các chính đảng cộng sản sẽ chấp thuận từ bỏ đường lối chính trị cơ bản là muốn xây dựng chính quyền chuyên chính vô sản. Thay vào đó, họ chấp nhận liên minh với các hội, nhóm, chính đảng chính trị khác, miễn là có thể đồng thuận chung về mục tiêu chống phát-xít.

Về mặt định hướng, Quốc tế Cộng sản tin rằng đây là cách để các đảng cộng sản trong nước chứng minh năng lực, tăng cường tiếp xúc với nhiều đối tượng xã hội khác và từ đó thu hút sự ủng hộ, đi kèm với việc tạo lợi thế số đông chống lại chủ nghĩa phát-xít.

Mô hình này khiến cho khái niệm cũng như triết lý của một tổ chức mặt trận trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia đang trong tiến trình đấu tranh chống thực dân và giành độc lập.

Tuy nhiên, các tổ chức mặt trận cũng nhanh chóng hiện rõ vị thế là một tổ chức chính trị lệ thuộc vào định hướng và sự thao túng của Đảng cộng sản Liên Xô nói chung và các đảng cộng sản địa phương nói riêng.

mattran4

Stalin (đứng thứ hai từ trái sang) chứng kiến lễ ký kết thỏa ước ước 1939 giữa Liên Xô và nước Đức dưới thời Hitler. Ảnh : Getty.

Vào năm 1939, Stalin quyết định liên minh với Hitler thông qua thỏa ước  không xâm phạm lẫn nhau. Quyết định này giúp Stalin có thời gian xây dựng lại lực lượng quân sự rệu rã sau nhiều năm thanh trừng, từ đó chiếm cứ các vùng lãnh thổ, quốc gia khác (như Phần Lan) được cho là từng thuộc đế chế Nga tiền Cách mạng tháng Mười.

Kể từ đó, những mặt trận phản chiến và chống phát-xít trở mặt 180 độ.

Thay vì chống tư tưởng phát-xít và các tội ác diệt chủng lan rộng tại Đức, các mặt trận lại bắt đầu tuyên truyền cho hòa bình với chính quyền Đức. Họ lên án Anh – Mỹ vì cho rằng việc các nước này chuẩn bị cho chiến tranh chống Đức và giải phóng các vùng lãnh thổ bị Quốc xã chiếm đóng là hành vi  tuyên truyền và làm leo thang "chiến tranh đế quốc".

Nhiều tư liệu ghi nhận  rằng các chính đảng cộng sản tại Anh hay Pháp đã hết sức bối rối về việc Liên Xô ký kết hòa ước với Đức. Họ phải nhiều lần yêu cầu có chỉ thị chung từ đích thân đồng chí Stalin về tương lai và định hướng của các tổ chức mặt trận.

Lịch sử cũng đã ghi nhận những tổ chức mặt trận "đổi gió " nhanh đến thế nào khi Đức chính thức tấn công Liên Xô. "Cuộc chiến đế quốc" bạo tàn vô nghĩa nhanh chóng trở thành cuộc thánh chiến vì dân chủ và tự do của nhân loại.

Mặt trận ở Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tên tiếng Anh : Vietnam Fatherland Front) là một tổ chức chính trị cơ bản cấu thành hệ thống chính trị Việt Nam. Nó là hình thức tồn tại hiện nay của mô hình Mặt trận Dân tộc Thống nhất tại Việt Nam.

Bên cạnh sự lãnh đạo không thể phủ nhận của Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc được xem là là tổ chức đại diện chung  cho khối đại đoàn kết dân tộc, vừa là thành viên, song cũng thay mặt cho tất cả các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp khác (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Liên đoàn Lao động…) trong đời sống chính trị – xã hội Việt Nam.

Chính vì tính "đại diện chung" này (dù do chỉ định mà có), Mặt trận Tổ quốc luôn xuất hiện trong những quy trình, chủ trương yêu cầu sự có mặt và có sự thống nhất của "đại diện nhân dân", như quá trình hiệp thương để lựa chọn ứng viên bầu cử đại biểu nhân dân các cấp, hay cao hơn là ghế thành viên trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia .

mattran5

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay giữ chức phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Ảnh : Vietnamnet.

Nói về tên gọi thì có rất nhiều biến thể khác nhau của mô hình này.

Vào năm 1930, Hội Phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, được hình thành với tiêu chí khá tương đồng với mục tiêu của mô hình mặt trận của Quốc tế Cộng sản. Đó là xây dựng một mô hình tập hợp các giai tầng trong xã hội, trong đó các đảng cộng sản vừa là người chủ xướng việc hình thành, vừa là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên tích cực của tổ chức.

Tuy nhiên, phải đến năm 1936 thì tên gọi "mặt trận" mới chính thức xuất hiện, đi theo chủ trương chung của Quốc tế Cộng sản. Tổ chức đầu tiên mang tên Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế (Mặt trận Phản đế).

Do Đảng cộng sản Đông Dương thành lập và kêu gọi, Mặt trận Phản đế trở thành tổ chức bình phong cũng như mang lại tiếng nói đại diện chung cho đảng này trong các hoạt động đối ngoại. Một ví dụ là việc dùng danh nghĩa của Mặt trận Phản đế để viết thư cho chính phủ Pháp và kêu gọi  "tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận Nhân dân Đông Dương".

Sau đó, tùy theo tình hình quốc tế, những biến thể của mặt trận nhanh chóng xuất hiện để tranh thủ sự ủng hộ.

Khi Mặt trận Bình dân Pháp thành công trong việc nắm quyền kiểm soát chính phủ Pháp, các tổ chức như Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Hội Cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội, Hội Ái hữu… vốn được các nhân tố cộng sản hình thành, giờ đây hợp nhau lại để cho ra đời Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Đến năm 1941, ngay thời điểm Liên Xô bị buộc phải tham chiến vào Chiến tranh Thế giới thứ Hai, mô hình mặt trận phát huy tác dụng mạnh mẽ và hiệu quả qua Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, cũng hay thường được gọi là Mặt trận Việt Minh.

mattran6

Điều lệ các tổ chức Việt Minh. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Với mô hình này, Đảng cộng sản Đông Dương nhanh chóng lui vào sau rèm nhiếp chính, bỏ qua yếu tố "cộng sản" trong cương lĩnh chính trị. Họ thu hút được sự ủng hộ không nhỏ của đồng bào yêu nước, từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc, phú nông và địa chủ có tinh thần yêu nước.

Từ "đồng minh" được thêm vào khá khéo, biến Mặt trận Việt Minh trở thành một tổ chức được Hoa Kỳ chú ý và hỗ trợ  nhiệt tình trong giai đoạn đầu.

Riêng trong chiến tranh Việt Nam, chính quyền Bắc Việt kiểm soát và chi viện cho ba hình thức tổ chức mặt trận khác nhau.

Thứ nhất là Mặt trận Tổ quốc (cùng tên gọi với mặt trận hiện nay), được thành lập vào năm 1955 tại miền Bắc Việt Nam, với mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại "đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai".

Tiếp theo chắc chắn không thể không nhắc đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (National Liberation Front of Southern Vietnam , thường gọi tắt là NLF, hay tổ chức Việt Cộng theo cách gọi của chính quyền Sài Gòn và quân đội Hoa Kỳ).

mattran7

Nguyễn Thị Bình, một lãnh đạo cấp cao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, gương mặt đại diện của tổ chức này trên thế giới. Ảnh : AP Photo.

Thành lập vào năm 1960 và có liên hệ tổ chức với chính quyền Bắc Việt ngay từ trong trứng nước, NLF là tổ chức mặt trận độc lập duy nhất có chính quyền riêng, có quân đội riêng cũng như có ghế riêng trong quá trình thương thảo Hiệp định Paris.

NLF được chính quyền hiện nay ca ngợi là thành quả của cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, là ý nguyện của người dân miền Nam trong việc đánh đuổi giặc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn.

Đến năm 1968, ngay sau khi cuộc tổng tiến công Mậu Thân thất bại với thương vong quá lớn, chính quyền Bắc Việt và NLF lại nhận thấy một chiến thắng tâm lý  quan trọng đối với dân chúng Hoa Kỳ cũng như dư luận thế giới. Một là người dân thế giới biết thêm về sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam ; trong khi chính quyền Johnson gần như bất lực trong việc thuyết phục dư luận cũng như Quốc hội Hoa Kỳ rằng chiến thắng và hòa bình tại miền Nam Việt Nam đã được bảo đảm, điều mà ông này luôn khẳng định trước đó.

Trên căn cứ đó, chính quyền Bắc Việt tiếp tục thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (thành lập ngay ngày 20/4/1968, tức là lúc chiến dịch Mậu Thân tại một số nơi vẫn chưa hạ màn).

mattran8

Luật sư, Chủ tịch Trịnh Đình Thảo phát biểu tại Hội nghị Đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, năm 1968. Ảnh : Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam/ TTXVN.

Tận dụng phong trào phản chiến ở Mỹ cũng như vai trò của nhiều nhân sĩ trí thức, lãnh tụ tôn giáo tại miền Nam Việt Nam, Liên minh thành công trong việc đổi chiều các thảo luận về chiến tranh Việt Nam, ảnh hưởng cơ bản lên cách nhìn của thế giới về cuộc chiến này.

Như vậy, cho đến khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một tay điều phối ba tổ chức mặt trận còn tồn tại trên dải đất hình chữ S, gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa Bình tại miền Bắc, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại miền Nam Việt Nam.

Năm 1977, cả ba tổ chức mặt trận thống nhất họp tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất ở Sài Gòn (lúc này đã đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh). Họ hợp nhất lại chung dưới tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhánh chính quyền và lực lượng vũ trang của NLF cũng từ đó giải thể và sáp nhập vào bộ máy của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Võ Văn Quản

Nguồn : Luật Khoa, 12/04/2021

Published in Diễn đàn